Chủ Nhật, 15/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/07/2020 13:10 2859
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ (Bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10-7-1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (áo trắng, giữa) (Ảnh: daidoanket.vn)

Tiêu biểu cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân

Năm 1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ sang du học tại trường Trung học Mignet, miền tây nam nước Pháp. Với thành tích học tập rất xuất sắc, năm 1928, Nguyễn Hữu Thọ được Trường đại học Luật khoa và Văn khoa Ai-xen - Prô-vơn-xơ nhận vào học tại khoa Luật của trường và tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc tháng 9-1932.

Năm 1933, Nguyễn Hữu Thọ trở về nước, làm việc tại văn phòng của một luật sư người Pháp. Sau 5 năm tập sự, năm 1939 Nguyễn Hữu Thọ đỗ kỳ sát hạch của Luật sư Ðoàn và trở thành luật sư, mở văn phòng luật tại Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ rồi Sài Gòn - Chợ Lớn, tiếng tăm của vị luật sư trẻ tài năng, luôn bênh vực lẽ phải đã lan ra khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Năm 1941-1945, Nguyễn Hữu Thọ tham gia hoạt động yêu nước của Tổ chức Thanh niên Tiền phong, dưới danh nghĩa của tổ chức Hướng đạo sinh. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, ông là một trong các trí thức ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 16-10-1949, Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương, hoạt động trong phong trào trí thức và bị Pháp bắt vào tháng 6-1950, bị giam ở Lai Châu và Sơn Tây tháng 11-1952. Sau khi được trả tự do, ông tham gia phong trào đấu tranh hợp pháp, đòi hòa bình ở Sài Gòn - Chợ Lớn; là Phó Chủ tịch Phong trào bảo vệ hòa bình. Năm 1954, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ bị chính quyền Ngô Ðình Diệm bắt và giam tại Phú Yên. Khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam thành lập ngày 20-12-1960, đồng chí đang bị quản thúc tại Phú Yên. Sau cuộc giải thoát thành công vào cuối tháng 11-1961, đồng chí về đến bắc Tây Ninh. Tháng 2-1962 Ðại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức, đồng chí được bầu làm Chủ tịch.

Tháng 3-1964, Ðại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam lần thứ hai đã bầu đồng chí làm Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận. Ðến tháng 6-1969, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam.

Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được nhân dân bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (tháng 6-1976), Quyền Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (tháng 4-1980), Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam (tháng 7-1981). Tại Ðại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận (họp từ ngày 31-1 đến 4-2-1977), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Ðến Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 11-1988, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Tháng 8-1994, Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV MTTQ Việt Nam đã suy tôn đồng chí làm Chủ tịch danh dự của MTTQ Việt Nam.

Ngay từ những năm tháng đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là hiện thân tiêu biểu cho sự đoàn kết các tầng lớp nhân dân. Tên tuổi đồng chí gắn liền với giới trí thức, sinh viên, học sinh Nam Bộ, với những cuộc vận động lạc quyên cứu đói giúp đồng bào, là biểu tượng cho tình tương thân, tương ái. Lịch sử sẽ còn mãi ghi nhớ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ðoàn đại biểu trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn gửi Tuyên ngôn hòa bình cho Cao ủy Pháp E.Bôlae năm 1947. Tên tuổi và hình ảnh của đồng chí tượng trưng cho khối đoàn kết giới trí thức yêu nước, giương cao ngọn cờ hòa bình, đại đoàn kết dân tộc, đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Khi cả nước thống nhất bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong bối cảnh vừa thuận lợi, vừa khó khăn, những cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đối với công tác xây dựng, củng cố MTTQ Việt Nam rất to lớn.

Trước tiên là việc tổ chức Ðại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (diễn ra từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, tại thành phố Hồ Chí Minh), với sự tham gia của tổ chức Mặt trận trên cả hai miền nam - bắc: MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam.

Là một trong những người chủ trì Ðại hội, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ kêu gọi các giới trí thức, tôn giáo, đồng bào các dân tộc bày tỏ ý chí kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, vững bước tiến vào tương lai. Sau năm ngày làm việc khẩn trương, ngày 4-2-1977, Ðại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã đi đến thống nhất các tổ chức mặt trận toàn quốc được hợp thành một mặt trận chung và lấy tên là MTTQ. Tuy không giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của MTTQ nhưng đồng chí Nguyễn Hữu Thọ vẫn được đề nghị tham gia trong Ủy ban T.Ư Mặt trận và ông đã dành nhiều thời gian để tham gia công tác Mặt trận.

Hội tụ tinh thần dân tộc, lòng yêu nước

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn dành thời gian đi thăm hỏi đồng nghiệp, bạn bè trong giới trí thức cũ. Nhiều trí thức chế độ cũ, qua tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, đã giải tỏa được mặc cảm, được khơi dậy tinh thần dân tộc và lòng yêu nước; thấy rõ trách nhiệm với đất nước, với dân tộc, tin tưởng vào chế độ mới. Những hoạt động này của đồng chí có tác dụng rất lớn trong việc củng cố, tăng cường khối đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất.

Sau Ðại hội MTTQ Việt Nam lần thứ II, chương trình hành động, đề ra những biện pháp công tác mới để thúc đẩy công tác Mặt trận được ban hành, nhưng mức độ chuyển biến vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng và vai trò của Mặt trận. Ðể chuẩn bị cho Ðại hội MTTQ Việt Nam lần thứ III - Ðại hội đổi mới tổ chức và công tác Mặt trận, nhiều đợt sinh hoạt chính trị trong các tổ chức thành viên, các cấp Mặt trận được tổ chức, nhiều vấn đề quan trọng về tổ chức, hoạt động và công tác Mặt trận đã được các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam bàn thảo. Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ trực tiếp tham dự và chỉ đạo những hội nghị quan trọng bàn về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới. Quán triệt những quan điểm Ðại hội VI của Ðảng, Ðại hội III MTTQ Việt Nam xác định, MTTQ không chỉ đơn thuần là tổ chức quần chúng, mà là một thành viên quan trọng của hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam. Tại Ðại hội này, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (khóa III).

Ðồng chí Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, Mặt trận phải trở thành nơi tập trung trí tuệ, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, là trung tâm đoàn kết của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước, không phân chia thành phần giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng; không phân biệt người sống ở trong nước hay đang sống ở nước ngoài. Là Chủ tịch MTTQ Việt Nam, đồng chí luôn quan tâm tới cơ quan ngôn luận của Mặt trận. Cũng chính vì lẽ đó nên báo Ðại Ðoàn kết được yêu cầu phải nâng cao chất lượng, thật sự trở thành phương tiện hiệu quả, thiết thực, thể hiện tiếng nói của các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, ngang tầm với nhiệm vụ chính trị.

Tại Ðại hội IV MTTQ, đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự của MTTQ Việt Nam.

Khi nói về công lao, cống hiến của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Lê Quang Ðạo, Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa IV khẳng định: "Phải thừa nhận rằng MTTQ Việt Nam từ sau Ðại hội lần thứ III có bước tiến mới, đã xác lập được rõ hơn vị thế của mình trong hệ thống chính trị và đã đem lại nhiều kinh nghiệm mới cho công tác Mặt trận". "Luật sư đã nêu một tấm gương sáng bất diệt của một nhà trí thức Việt Nam yêu nước, một nhà lãnh đạo Mặt trận tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc".

Phẩm chất, đạo đức, tài năng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ tạo nên ở ông một nhân cách cao đẹp, đáng kính. Nguyễn Hữu Thọ là con người tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức sống có tình, có nghĩa của dân tộc. Cũng như mọi người dân Việt Nam trong thời đại ngày nay, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ không bao giờ quên công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc, xác định con đường cứu nước đúng đắn, gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, dẫn dắt nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lòng kính yêu, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy niềm tin, giúp ông vượt qua những ngày gian khổ trong tù đày, cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho dân tộc.

Tiếp thu truyền thống đoàn kết của dân tộc, được Ðảng giáo dục và được tôi luyện trong phong trào đấu tranh của nhân dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã phấn đấu hết mình để xây dựng tinh thần đoàn kết dân tộc. Ðồng chí không chỉ góp phần to lớn vào thắng lợi của đất nước, mà còn trực tiếp chỉ đạo thực hiện chiến lược đoàn kết, dân tộc và quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Quang Chính (Tổng hợp)

 

 

https://nhandan.com.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4349

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Chuyện về cô gái ngồi xe tăng dẫn bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn

Chuyện về cô gái ngồi xe tăng dẫn bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn

  • 27/04/2020 11:38
  • 3005

Cách đây 45 năm, nhờ có cô gái trẻ ở địa phương trực tiếp dẫn đường, Trung đoàn 27 nhanh chóng tiêu diệt Tiểu đoàn 95 địch ở Củ Chi, bao vây chia cắt và buộc địch ở trung tâm huấn luyện phải đầu hàng.