Vua Gia Long là người thống nhất giang sơn sau gần 3 thế kỷ chia cắt, chính thức đặt tên nước Việt Nam. Sau khi lập nước ông đã ban hành nhiều chính sách về hành chính, luật pháp, quân đội, kiến thiết xây dựng, khoa cử, ngoại giao. Nhân dịp 200 năm ngày mất của ông (1820-2020), xin gửi đến bạn đọc bài viết "Vua Gia Long qua ghi chép của người nước ngoài", với hi vọng giới thiệu một góc nhìn khác về vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Nguyễn. Những ghi chép dưới đây là của John Barrow, Jean Baptiste Chaigneau và Michel Đức Chaigneau - những người đã ít nhiều tiếp xúc với vua Gia Long.
Năm 1792, John Barrow có mặt trong
phái đoàn do Bá Tước George Macartney dẫn dầu, làm nhiệm vụ ngoại giao tại
Trung Quốc theo lệnh của chính phủ Anh. Trên đường đi phái đoàn có dừng lại ở
Đà Nẵng (không rõ bao lâu) và trở về nước năm 1794. Năm 1806, John Barrow xuất
bản cuốn hồi ký "Một chuyến du hành
đến xứ Nam Hà 1792-1793" tại
Anh. Trong cuốn sách này có những đoạn kể khá chi tiết và rõ nét về vua Gia
Long. Để viết về vua Gia Long, John Barrow đã tham khảo những ghi chép của
Laurent Barizy, một trong những người Pháp sát cánh với vua trong suốt những
năm tháng nội chiến với Tây Sơn, nên những gì Barrow kể có độ chính xác tương đối
cao1.
Chân dung vua Gia Long (nguồn:internet)
Theo Barrow, vua có chiều cao hơn người bình thường một chút, dung mạo ưa nhìn và đáng mến, nước da đỏ hồng, rám sạm nhiều vì thường xuyên dãi dầu nắng gió2. Ông được mô tả là "con người dũng cảm mà không liều lĩnh, có nhiều mưu lược mỗi khi cần phải vượt qua khó khăn. Những quan niệm của ông nhìn chung là đúng đắn. Ông cư xử quyết đoán và không bao giờ nản chí trước khó khăn hoặc bị lạc hướng bởi những trở ngại. Ông thận trọng khi quyết định, khi đã quyết định rồi thì nhanh chóng và hăng hái thực hiện. Trong chiến trận, ông luôn nổi trội. Cầm đầu đạo quân, ông tỏ ra hồ hởi và vui tính, lịch thiệp và quan tâm đến những sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình. Ông thận trọng tránh tỏ ra thiên vị cá nhân đối với bất kỳ ai. Trí nhớ của ông rất chính xác, đến mức người ta nói rằng ông thuộc tên phần lớn những người lính trong quân đội của mình. Ông cảm thấy vui thích khác thường khi chuyện trò với binh lính và khi nói về những câu chuyện mạo hiểm và những chiến tích của họ. Ông đặc biệt thích hỏi thăm về vợ con họ, xem con cái họ có đi học đều không, định thu xếp như thế nào khi chúng lớn lên, và tóm lại, quan tâm đến mọi thứ nhỏ nhặt liên quan đến gia đình họ"3….. "cách ông đối xử với người nước ngoài đầy tính nhã nhặn và lịch sự"4… "Ông hiểu biết kỹ những tác phẩm của những tác giả Trung Hoa xuất sắc nhất, và qua nhiều đoạn của bộ bách khoa toàn thư mà giám mục Adran đã dịch sang chữ Hán cho ông, ông nắm vững được không ít kiến thức về kỹ thuật, khoa học châu Âu; trong đó đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu"5.
Thuyền chiến thời Nguyễn. Tranh vẽ của Nguyễn Thứ, họa sĩ cung đình thời Nguyễn (nguồn: internet)
Để có thể tham gia tốt hơn vào những công việc cai trị, lối sống của ông đã được điều chỉnh theo một kế hoạch cụ thể. "Lúc 6 giờ sáng, vua trở dậy đi tắm nước lạnh. Tới 7 giờ, vua tiếp các quan, tất cả những thư từ tấu biểu nhận được của ngày hôm trước đều được tuyên đọc, những mệnh lênh của vua về các tấu biểu này được ghi chép tỉ mỉ…. Vào khoảng 12 giờ trưa hoặc một giờ chiều, ông dùng bữa ở xưởng đóng tàu, gồm cơm ăn với một ít cá khô. Lúc 2 giờ chiều, vua lui về phòng mình và ngủ cho tới lúc 5 giờ. Khi đó vua trở dậy hội kiến với các sĩ quan quân đội và hải quân…Ông không dùng rượu Tàu hay bất kỳ một loại đồ uống có chứa cồn nào, ăn rất ít thịt, một ít cá, cơm, rau quả, nước trà với bánh bột nhẹ là những đồ ăn uống chính hằng ngày"6. Với thân mẫu "vua tuân thủ một cách cặn kẽ các châm ngôn về đạo hiếu đã được ghi trong các kinh sách Khổng Tử, và bản thân ông cũng rất cung kính khiêm nhường với bà mẹ của mình, như một đứa trẻ đứng trước người thầy giáo của nó"7. Khi tranh luận với giám mục Adran, vua Gia Long cũng đã thẳng thắn nói lên quan điểm của mình về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, qua lời tường thuật của vị giám mục trong bức thư gửi về Pháp đề ngày 17 tháng 8 năm 1789: "Tôi đã cấm đoán ma thuật, chiêm tinh, đoán số, và tôi cũng coi việc thờ ngẫu tượng là sai, là kỳ cục. Nhưng tôi kiên trì thờ cúng ông bà theo cách mà tôi đã trình bày với ngài, bởi tôi coi đó như là một trong những cơ sở của nền giáo huấn của chúng tôi. Nó gợi cho con trẻ ngay từ khi còn thơ ấu lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và đem lại cho các bậc cha mẹ cái quyền uy mà nếu thiếu nó, họ không thể ngăn chặn tốt sự hỗ loạn trong gia đình"8. Ngoài ra vua cũng dành thời gian chăm sóc các phần mộ tổ tiên, các chuyến vi hành thăm lăng tẩm của ông sau này cũng được Michel Đức Chaigneau con trai Jean Baptiste Chaigneau ghi chép khá cụ thể trong hồi ký của mình.
Kinh thành Huế nhìn từ trên cao, công trình do vua Gia Long xây dựng năm 1805 và hoàn thành dưới thời vua Minh Mạng 1832 (nguồn:internet)
Bằng những gì đã tìm hiểu được, Barrow đã ca ngợi vua Gia Long "như Alfed (tức Quốc vương của Vương quốc Wessex) bất tử của chúng ta, không quản khó nhọc để phục hưng đất nước"9. Những đoạn cuối nói về vua, tác giả đã đánh giá "câu chuyện về ông hoàng này, mà tôi đã phác họa sơ lược nêu lên một tấm gương sáng và một bài học bổ ích cho những ai có thể rơi vào những hoàn cảnh rủi ro tương tự;nó chỉ ra rằng nếu biết kết hợp tài năng, nghị lực và lòng dũng cảm theo một hướng đúng đắn, người ta đã có thể làm được nhiều việc lớn như thế nào"10.
Jean Baptiste Chaigneau (tên Việt là Nguyễn Văn Thắng), một trong số những người Pháp đến Việt Nam giúp vua Gia Long chống lại nhà Tây Sơn, ông cũng là một trong số ít những người Pháp ở lại Việt Nam làm quan và nhận được sự ưu ái của vua. Năm 1819 ông trở về Pháp thăm nhà, hai năm sau (1821) trở lại Việt Nam ông nhận được tin vua Gia Long băng hà, điều đó đã khiến cho ông rất đau buồn. Trong bức thư của ông gửi cho người anh tại Pháp có đoạn viết về vua Gia Long như sau : "…Anh thân mến, tụi em đã về đến đây, sức khỏe tốt. Nhưng em không còn nhìn thấy Đàng Trong như lúc em đã rời nó. Khi vừa đến đây em được biết cái chết của vị vua lớn tuổi đã tạo ra nhiều thay đổi. Em thực sự tiếc rẻ về điều này và sẽ còn tiếc rẻ lâu dài, vì đó là một con người dũng cảm. Ông mất như một người đã sống với tất cả sự bình tâm và lẽ phải"11.
Michel Đức Chaigneau, con trai của Jean Baptiste Chaigneau, sinh ra tại Huế, năm 16 tuổi ông cùng cha và các em trở về Pháp. Năm 1867 ông xuất bản tập hồi ký Hồi ức về Huế, tác phẩm là một tài liệu quý giúp cho người đời sau có thể hiểu được nhiều điều về đời sống xã hội, nhất là đời sống trong cung đình dưới thời vua Gia Long.
Michel Đức Chaigneau cũng đã được diện kiến vua Gia Long. Theo ông, vua có môt vóc dáng trên mức trung bình, một thể chất mạnh mẽ, đầu cân đối với thân mình, gương mặt đầy vẻ biểu cảm và nhân hậu. Nước da của ông sáng, đôi mắt tinh nhanh, hàm râu trắng xóa một màu.
Qua bút ký của Michel Đức, vua Gia Long tỏ ra có một bộ óc hài hước khá thú vị khi đề cập đến những người phụ nữ của mình. Trong những buổi nói chuyện thân mật cùng Chaigneau hay Vannier, ông thường nói vui rằng cai trị vương quốc của mình còn dễ hơn là quản lý một đội ngũ cung phi hùng hậu như thế. Ông cũng cho rằng, thật là một lầm lẫm lớn khi nghĩ rằng ông được nghỉ ngơi ở hậu cung sau những giờ triều chính căng thẳng. Khi có một quan lại người Pháp tâu với nhà vua: "Sẽ rất dễ dàng nếu Bệ hạ giảm thiểu sự bực bội của mình bằng cách giảm bớt số cung phi đi…", nhà vua chặn lại ngay: "Suỵt, nói nhỏ thôi, nói nhỏ thôi"12.
Qua những ghi chép trên, chúng ta nhận ra vua Gia Long là người có tính cách kiên nhẫn bền bỉ, ham học hỏi, thân thiện nhưng cương trực, biết quan tâm đến những người khác. Vua có lối sống khoa học giản dị, một vị vua mẫn cán và là một người con hiếu thuận./.
Thu Nhuần (tổng hợp)
Chú dẫn:
(1)Lê Nguyễn, "Xã hội Việt Nam qua bút ký người nước ngoài", nxb Hồng Đức, 2017,tr. 134.
(2),(3),(4),(5),(6),(7),(9),(10)Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793", Nguyễn Thừa Hỷ dịch, nxb Thế Giới, 2018, tr. 67-72.
(8),Nhiều tác giả, "Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta", tr. 148-149.
(11) Lê Nguyễn, "Xã hội Việt Nam qua bút ký người nước ngoài", sđd, tr. 146.
(12) Lê Nguyễn, "Xã hội Việt Nam qua bút ký người nước ngoài", sđd, tr. 201.