Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/01/2020 11:32 2519
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Giáo sư Hà Văn Tấn được giới sử học và khảo cổ tôn vinh là "Đại sư" vì đạt đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Ông được mệnh danh là “Lê Quý Đôn của Thế kỷ 20”.

Trọn đời đam mê sử học

Cuộc đời gần 50 năm nghiên cứu gắn với giảng dạy của nhà sử học Hà Văn Tấn là hành trình tự học, tự nghiên cứu không mệt mỏi, xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu sử học.

Là nhà khoa học tâm huyết có nhiều đóng góp cho nền sử học nước nhà và là một người thầy mẫu mực ưu tú, Giáo sư Hà Văn Tấn được mệnh danh là một trong "tứ trụ" sử học huyền thoại - những nhà sử học “đời đầu” gồm: Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Trần Quốc Vượng và Giáo sư Hà Văn Tấn. Đồng thời,  ông còn là học giả uyên thâm về Phật học, đóng góp rất lớn cho nền khoa học Phật học nước ta, với hàng chục công trình nghiên cứu đồ sộ về khảo cổ, chùa chiền, văn hóa - lịch sử Phật giáo...
 
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn sinh ngày 16/8/1937, tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với Đại thi hào Nguyễn Du). Đây là một vùng đất nổi tiếng hiếu học và có truyền thống khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài.

Năm 1957, ở tuổi 20, ông đã tốt nghiệp đại học và ở lại trường làm cán bộ bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm. Năm 1960, khi mới 23 tuổi, Hà Văn Tấn đã hiệu đính Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán thế kỷ XV.

Giáo sư Đào Duy Anh từng nhận xét công trình này "Rất công phu, nghiêm túc và tin cậy ở tác giả". Ngoài ra, ông còn cùng Giáo sư Trần Quốc Vượng viết Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam và Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập 1).

Từ năm 1960, Hà Văn Tấn bắt đầu tham gia nghiên cứu khảo cổ học. Năm 1961, ông và Trần Quốc Vượng viết Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam, trình bày những phát hiện mới về thời đại đá.

Từ những năm 70, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn bắt đầu giảng cho sinh viên Khoa Sử các chuyên đề về Sử liệu học, Văn bản học… Đến năm 1982 ông đã đề xuất với Khoa và chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập ở Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) bộ môn Phương pháp luận sử học mà sau đó ông được phân công làm chủ nhiệm Bộ môn. Năm 1988, ông về công tác ở Viện Khảo cổ học, sau đó được bổ nhiệm chức danh Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Đánh giá về người bạn cùng thời Hà Văn Tấn, Giáo sư Phan Huy Lê viết: "Tác phẩm đầu tay của anh Hà Văn Tấn là hiệu đính và chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi do cụ Phan Duy Tiếp dịch, xuất bản năm 1960 lúc anh mới 23 tuổi. Tài năng và phong cách khoa học của anh đã được bộc lộ ngay trong công trình đầu tay này”.

Nhiều công trình nghiên cứu đáng trân trọng

Ông là tác giả của 27 bộ sách đã xuất bản, trong đó nhiều bộ sách được coi là “kim chỉ nam” cho nền học thuật lịch sử Việt Nam, điển hình như: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam; Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam toàn tập; Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam; Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII; Thuật ngữ sử học, dân tộc học khảo cổ học Nga - Việt; Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Chùa Việt Nam; Tư tưởng thời kỳ tiền sử và sơ sử; Lịch sử tư tưởng Việt Nam; Triết học Ấn Độ cổ đại…

Trong số 27 bộ sách đã xuất bản, có nhiều tác phẩm về Phật giáo của ông đã trở thành “kinh điển”, phải kể đến như: “Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư” năm 1965; Lịch sử Phật giáo Việt Nam xuất bản năm 1988; Chùa Việt Nam xuất bản lần đầu năm 1993, đến nay đã tái bản nhiều lần. Để thực hiện những công trình này, Giáo sư Hà Văn Tấn đã đi hầu khắp các ngôi chùa cổ trên cả nước, nghiên cứu sâu từ kiến trúc, di vật, cổ vật lưu giữ ở các di tích và hiện vật tìm thấy trong những cuộc khảo cổ.

Đặc biệt, với cuốn sách “Chữ trên đá, chữ trên đồng - Văn minh và lịch sử” của ông, hàng nghìn văn bản chữ Hán, chữ Nôm trên các bia đá, chuông đồng cổ ở các ngôi cổ tự nước ta đã được Giáo sư Hà Văn Tấn dày công nghiên cứu, phân tích, từ đó phác thảo nên những nền văn hóa đồ sộ, những ý nghĩa lịch sử của  văn minh qua các thời kỳ. Có thời gian ông đã từng đảm nhiệm vai trò chủ biên Tạp chí Nghiên cứu Phật học thuộc Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội.

Trong tư liệu của cố nhà báo Hàm Châu (1935-2016) - Cây bút nổi tiếng chuyên viết về chân dung các nhà khoa học có lưu: Bài viết "Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư" in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 76 (1965) khi tác giả mới 28 tuổi. Cột kinh này là một trụ đá tám mặt, trên các mặt đều có khắc chữ Hán. Vì đá mềm, bị vùi lâu dưới đất nên một số chỗ trên trụ hỏng nát, không nhận rõ mặt chữ. Hà Văn Tấn đã viết lại thật rõ các chữ Hán để đưa in, rồi dịch ra âm Hán - Việt. Và điều khó hơn nhiều là phục nguyên Phạn văn, bởi lẽ bản kinh chữ Hán khắc ở Hoa Lư chỉ là dùng chữ Hán để phiên tiếng Phạn mà thôi, rồi phân tích ý nghĩa.

Trong tư liệu cố nhà báo Hàm Châu cũng còn những dòng viết: "Đồng nghiệp và học trò luôn ngưỡng mộ Giáo sư Hà Văn Tấn, nhất là ở khả năng tự học, ông thông thạo 7 ngoại ngữ  và sử dụng tốt chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật. Ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc rồi còn tự tìm cách học tiếng Sanskrit (Phạn) - một thứ ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại rất khó học thông qua tiếng Đức và Phật học”.

Không chỉ chuyên tâm nghiên cứu sử, sau này Giáo sư Hà Văn Tấn chuyển sang lĩnh vực khảo cổ học và đạt được nhiều thành tựu khoa học và chính những công trình khảo cổ học mới mang lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Cuốn "Theo dấu các văn hóa cổ" lý giải nhiều vấn đề về văn hóa Tiền Đông Sơn như văn hóa Gò Mun, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Phùng Nguyên, chứng minh tính bản địa của các văn hóa ấy. Đây là một công việc vô cùng khó, bởi vì, trước Hà Văn Tấn, một số học giả nước ngoài có tiếng đã ra sức biện luận rằng nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ kia không hề có… nguồn gốc bản địa Việt Nam.

Trong hàng loạt bài báo khoa học, Giáo sư Hà Văn Tấn đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng văn hóa Đông Sơn là sự tiếp tục phát triển lên từ các văn hóa Tiền Đông Sơn mà các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện.

Suốt gần 50 năm nghiên cứu gắn với giảng dạy, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ, công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước và là  tác giả, đồng tác giả nhiều công trình nghiên cứu.

Với những đóng góp lớn cho nền sử học Việt Nam hiện đại và ngành khảo cổ học Giáo sư Hà Văn Tấn được phong hàm Giáo sư năm 1980, được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ năm 2000 và nhiều huy chương khác.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

 

https://baotintuc.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4351

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

GS Hà Văn Tấn và ‘tứ trụ’ sử Việt

GS Hà Văn Tấn và ‘tứ trụ’ sử Việt

  • 02/12/2019 14:47
  • 3007

Tính từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước - khi xuất hiện cụm từ "tứ trụ" của nền sử học mác xít Việt Nam, cho đến ngày 27/11/2019 khi Giáo sư Hà Văn Tấn qua đời, là trọn nửa thế kỷ bốn cây đại thụ Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn tạo dựng được nền móng vững chắc và phát triển toàn diện nền sử học Việt Nam.