Thứ Tư, 09/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/08/2019 08:09 2247
Điểm: 2/5 (1 đánh giá)
Nguyễn Quang Thông sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuộc đồng bằng Bắc bộ. Anh là sinh viên năm thứ 4, Khoa chế tạo máy Trường đại học Bách khoa Hà Nội, nhập ngũ theo Lệnh Tổng động viên của Chính phủ nhằm tăng cường sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đang ầm vang tiếng súng. Vừa hành quân, vừa huấn luyện nên vài tháng sau khi nhập ngũ anh và các bạn sinh viên cùng lứa đã có mặt trên mảnh đất Bình Trị Thiên. Anh được bổ xung vào Trung đội trinh sát thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn I, Trung đoàn pháo binh “Tất Thắng” khi đó đang có mặt trên chảo lửa Quảng Trị.

Tháng 9-1972, chiến sự đang ở giai đoạn ác liệt. 

Mới đầu tháng 9 mà những cơn mưa miền Trung đã tầm tã suốt ngày đêm, mưa trắng rừng trắng đất, mưa như muốn níu kéo cuộc chiến lại không cho nó diễn ra khốc liệt như nó đang diễn ra nữa. Nhưng than ơi, nắng mưa là việc của trời! Ai tận dụng được yếu tố thiên thời kẻ đó sẽ làm chủ thế trận. Vì vậy, bom đạn vẫn tiếp tục trút xuống đầu những người lính nơi chiến địa. Máu chiến sỹ trộn với bùn đất và hòa lẫn trong mưa.

Quân địch có ưu thế về khả năng cơ động hơn ta rất nhiều, lại được sự yểm trợ tối đa về phi pháo của hải quân và không quân Mỹ nên sau khi choáng váng rút chạy khỏi Quảng Trị, chúng đã quay trở lại làm một cuộc tái chiếm khá táo bạo. Bằng chiến lược trực thăng vận, chúng đổ quân chiếm lĩnh những vị trí và điểm cao quan trọng. Chỉ hơn một tháng chúng đã lấy lại được gần như toàn bộ vùng đồng bằng ven biển và các điểm cao ở vùng đồi núi trung du Quảng Trị. Trên bản đồ tác chiến, những mảnh đất, địa danh ngày hôm qua còn cắm cờ giải phóng, ngày hôm nay đã thay bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa. Thành cổ Quảng trị đang trở thành điểm nóng tranh chấp nhau từng mét đất, từng mét chiến hào, từng góc phố, gốc cây…máu xương của những chiến sỹ đã hòa quyện cùng đất đá, gạch sỏi trên mọi nẻo đường của thị xã bé nhỏ này.

 

Chiến trường Quảng Trị, năm 1972

Quân ta nhanh chóng lâm vào thế bị động trên toàn mặt trận, thương vong nặng nề, quân số thiếu hụt trầm trọng, súng đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men và dụng cụ y tế… hết thảy đều trở thành vật quý hiếm. Đạn pháo của đại đội 2 vào những lúc khó khăn chỉ được phép mỗi khẩu pháo bắn cầm canh bốn viên một ngày. Vật chất đã vậy, đương nhiên tinh thần của binh sỹ cũng hết sức nao núng. Trực thăng địch đổ quân đến đâu cũng chỉ gặp sự kháng cự yếu ớt, nhiều vị trí địch tái chiếm không mất một viên đạn.

Quy luật mạnh được yếu thua của chiến tranh là vậy! Một số đơn vị hoàn toàn mất sức chiến đấu, lính tráng quân hồi vô phèng, từng toán, từng toán kẻ lành lặn, người bị thương, băng đầu, băng chân… kéo nhau đào hầm dọc các tuyến đường tiếp vận chờ Hiệp định ngừng chiến Paris được ký kết.

Phía bên kia xem ra tinh thần chiến đấu cũng chẳng hơn gì, sự tiến quân của chúng cũng chững lại, dò dẫm, hoàn toàn ỉ ê vào hỏa lực. Không có hỏa lực dọn đường, bộ binh nhất định không tiến lên phía trước… Ai có ở trong cuộc mới hiểu rằng, lúc đó binh sỹ hai bên như những đô vật đã kiệt sức mà cuộc đấu vẫn chưa phân thắng bại, phải buông nhau ra mà thở thôi... đành vậy!

Mọi ngóc ngách chiến hào, lính tráng đâu đâu cũng bàn tán về Hiệp định đình chiến, chẳng ai còn tư tưởng chiến đấu với chiến thắng nữa.

Nguyễn Quang Thông bổ sung vào tiểu đội trinh sát của chúng tôi vào một buổi chiều ẩm ướt và xám xịt như vậy.

Hôm đó, khi tôi vừa tác nghiệp phần tử bắn, nã pháo vào một khu kho bộ binh của địch thì nghe tin có lính mới bổ sung. Xuất hiện trước căn hầm chỉ huy là một thanh niên dong dỏng cao, nụ cười khá rạng rỡ, cặp mắt mầu nâu trong suốt luôn mở to quan sát. Mái tóc mầu hạt dẻ bồng bềnh bên trên khuôn mặt trí thức trắng trẻo với vệt râu con kiến đậm xanh thể hiện một tính cách rất lãng mạn của tuổi trẻ thời bấy giờ. 

Anh tự giới thiệu và chủ động làm quen với anh em lính cũ chúng tôi lúc đó đang mỗi người mỗi việc trong căn hầm chật chội. Mấy tháng hành quân gian khổ, đói rét, đạn bom vẫn không làm phôi phai dáng dấp trí thức của anh.

Tôi và Thông có cảm tình với nhau ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đưa anh về ngủ cùng trong căn hầm chữ A bên sườn núi. Tôi hướng dẫn anh vài điều cần thiết theo kinh nghiệm và hiểu biết của mình về quy luật hoạt động của máy bay B52, về thám báo và pháo kích của địch… Thái độ ân cần của tôi làm anh yên tâm và cởi mở hơn. Thế là từ đó, đêm đêm trong căn hầm chữ A, giữa những giờ trực tác chiến, chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện về cuộc đời mình, về gia đình và sự nghiệp… những lúc đó giọng anh nhỏ nhẹ và yếu đuối vô cùng. Tôi biết trong anh đang có nhiều tâm sự chưa thể giãi bầy.

Khi đã quen dần với không khí chiến trận, khoảng một tháng sau đó anh bắt đầu nhập cuộc, anh phải đi theo đài quan sát vào sát vùng địch, cùng với tiểu đội trinh sát sửa bắn cho pháo. Nhóm các anh gồm: Trung đội trưởng Hồng "đen", hai trinh sát viên Tâm "quặm" và Sơn "rỗ", hai điện báo viên 15w người dân tộc Tày là Hoàng Văn Khu và Nông Văn Đén, thường xuyên giữ liên lạc với trận địa để sửa bắn.

Từ đó, tôi và anh chỉ gặp nhau vào những dịp anh về Sở chỉ huy lấy thêm lương thực, thực phẩm, chủ yếu là lương khô, đạn dược… Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại có dịp hàn huyên suốt đêm. Anh hơn tôi vài tuổi nhưng thân thiết nên tôi chỉ coi anh là bạn và xưng hô ngang hàng, anh cũng không coi chuyện ấy quan trọng và dễ dàng chấp thuận.

Thông sống giản dị và làm việc gương mẫu, là sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa nên anh nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật bắn pháo, anh sử dụng thành thạo các loại khí tài như kính viễn vọng, pháo đối kính, phương hướng bàn…bốn tháng cùng tiểu đội trinh sát lăn lộn trên chiến trường nóng bỏng, anh nhập cuộc vững vàng trong việc sửa bắn nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ đắc lực cho bộ binh giữ vững trận địa.

Do những thành tích đạt được trong chiến đấu, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chiến sự tạm ngưng, anh được cử đi học một khoá huấn luyện cán bộ trung đội ngay tại vùng giải phóng thuộc tỉnh Quảng trị. Hết khoá huấn luyện anh chuyển sang Tiểu đoàn 4 với chức vụ Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng. Tôi đùa anh, có số phát về đường binh nghiệp, anh cười hiền lành và tự chế nhạo mình là đã tốt nghiệp khóa sỹ quan Cùa-Mai Lộc! (địa danh thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

- Mong sao chiến tranh sớm kết thúc, mình muốn được trở về trường bảo vệ luận án tốt nghiệp đang dở dang. Anh nói.

Với cương vị chỉ huy mới, tôi biết anh chẳng hứng thú gì nhưng lúc này những thanh niên trí thức như anh đang rất cần cho một giai đoạn trưởng thành mới về chất lượng của quân đội… hẳn anh cũng chung suy nghĩ như tôi.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 trong sự hân hoan chờ đón của những người lính đang trực tiếp tham gia chiến đấu ngoài mặt trận. Trên thực tế tiếng súng vẫn chưa hề ngưng, hai bên đều lớn tiếng tố cáo nhau không tôn trọng thực thi hiệp định. Riêng đám lính quèn chúng tôi thì hiểu rằng đây chỉ là thời gian nghỉ giữa 2 hiệp đấu và tương lai của những người lính chúng tôi vẫn còn vô cùng mờ mịt, chúng tôi vẫn thường nghêu ngao câu đồng giao về thân phận mình: “nghĩ tới tương lai trào nước mắt, nhìn về quá khứ toát mồ hôi”.

Nhìn lại lịch sử, những thỏa ước trong chiến tranh hầu như chỉ là những giải pháp tình thế. Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về đình chiến và hiệp thương tổng tuyển cử ở Việt Nam là một ví dụ điển hình về sự bất tín chính trị, đây là cái cốt lõi để các thế lực ngoại bang lợi dụng triệt để và Việt Nam vô tình trở thành nơi đối đầu giữa hai phe, hai hệ thống chính trị đối lập nhau. Với các thế lực sen đầm quốc tế, tiền bạc, súng đạn không thiếu, chỉ thiếu một dân tộc dám hy sinh không tiếc xương máu cho những mục đích thống trị tột cùng của chúng.

Hơn một năm sau Hiệp định Paris ký kết, đơn vị chúng tôi vẫn căng mình trực chiến tại Quảng Trị. Cuối tháng 12 năm 1974, chúng tôi được lệnh di chuyển ra phía Bắc để củng cố, bổ sung thêm quân. Lúc này yêu cầu về một cuộc chiến hiện đại với cách đánh hợp đồng binh chủng bao gồm pháo binh, bộ binh và tăng thiết giáp đang dần trở thành hiện thực.

Được trở lại miền Bắc là niềm vui không dấu nổi trong ánh mắt chúng tôi, cơ hội được gặp lại gia đình và những người thân bỗng chốc ở trong tầm tay. Hành quân hơn chục ngày trong mưa to, gió rét, lũ chúng tôi thân tàn ma dại, đói ăn, đói uống, vàng võ vì sốt rét rừng, không một đồng xu dính túi nhưng vô cùng hăng hái. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một vùng đồi trọc nghèo khổ, heo hút gió mùa đông bắc thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đón năm mới trên đất Nghệ một cách đạm bạc. Ở đây, lần đầu tiên tôi được nếm món bánh trưng nhân thịt chó và món thịt chó nấu với đường mật… mà vẫn vui như tết! Chưa kịp lại sức, lại được lệnh di chuyển, điểm dừng lần này là Quán Giắt- thủ phủ của vùng trung du đồi núi huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tôi được điều động về làm Trung đội trưởng kiêm giáo viên xạ kích tại Trường quân chính Quân đoàn I (Tiểu đoàn 5), vẫn thuộc biên chế của Trung đoàn pháo binh Tất Thắng. Thời gian này, tôi và Thông gặp nhau luôn vì chúng tôi chỉ đóng quân cách nhau có vài quả đồi. Những lúc rảnh rỗi chúng tôi thường tìm đến nhau. Lại những câu chuyện bất tận thuộc đủ đề tài nhưng cuối cùng, câu chuyện vẫn trở về đề tài tình yêu đôi lứa - Nỗi khát khao muôn thủa của những người lính chiến xa nhà, thiếu tình chúng tôi.

Dịp đó, Thông kể cho tôi nghe mối tình của anh với một thiếu nữ cùng quê, một cô gái duyên dáng, sinh viên vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm I Hà Nội đang chờ nhận quyết định về làm giáo viên trường phổ thông cấp III nơi quê nhà. Hai người hứa hẹn nên duyên chồng vợ khi có điều kiện… Trớ trêu thay, chiến tranh cứ kéo dài lê thê, việc hẹn hò vẫn không thực hiện được. Ở cương vị cấp chỉ huy Đại đội, với những kế hoạch tác chiến, huấn luyện không ngưng nghỉ luôn trói chặt thời gian của Thông, không cho phép anh được rời đơn vị lấy vài ngày, đến cả những bức thư gửi người yêu, anh cũng viết vội vã và hết sức vắn tắt. Lính thời chiến làm gì có phép tắc nghỉ ngơi, cùng lắm có điều kiện thì cấp trên cho tranh thủ tụt tạt thăm gia đình ít ngày là lộc trời to lắm rồi, vì vậy anh thường nhường cái lộc đó cho đồng đội và những người dưới quyền anh. Khi người yêu ngỏ ý lặn lội vào thăm anh, anh lần lữa rồi tìm cách gạt đi. Phần vì sợ nàng đi lại thân gái dặm trường, đường xa vất vả, phần vì đơn vị mới ở chiến trường ra chỗ ăn, chỗ ở tạm bợ, nhếch nhác nên anh luôn tìm cách thoái thác dù trong lòng luôn xao xuyến nhớ tới người yêu.

Đầu tháng 3 năm 1975, chúng tôi đột ngột chia tay nhau.

Số là, sau khóa huấn luyện hạ sỹ quan pháo binh Quân đoàn I kết thúc, tôi được cử về Trường sỹ quan Pháo binh Sơn Tây học một lớp đào tạo sỹ quan ngắn hạn nhằm kịp thời bổ sung cho chiến trường. Chúng tôi nói đùa là phải qua trường để đóng số vì khoá học chỉ vẻn vẹn có 3 tháng là kết thúc.

Thông ở lại Thanh Hóa, ít ngày sau đó anh cùng đơn vị lên đường hành quân về phía Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tôi nhớ mãi buổi chia tay ấy với anh!

Hôm đó, ngày chủ nhật tôi nghỉ trong doanh trại, Thông đến chỗ tôi ở từ rất sớm, mái tóc cánh én bồng bềnh của anh trùm kín tai, những lọn tóc dài loà xoà trước trán. Năm tháng ở chiến trường, chúng tôi phải tự cắt tóc cho nhau. Tôi khéo tay nên thường được các chiến hữu tin tưởng giao cho xử lý cái đầu của họ. Thông cũng vậy, anh rất hài lòng về cách trình diễn dao kéo của tôi và lần chia tay này, anh lại muốn tôi cắt kỷ niệm anh mái tóc của mình. Đã hơn tháng trời chúng tôi không gặp nhau, anh bận đưa bộ đội đi diễn tập hiệp đồng binh chủng còn tôi phải kết thúc khoá huấn luyện hạ sĩ quan pháo binh. Gặp nhau thật mừng, trông anh đen đúa và gầy xọp đi, mắt trũng sâu, râu ria lởm chởm, riêng nụ cười thì không thay đổi, vẫn ngời sáng như lần đầu tôi gặp anh ở Trường Sơn. Tôi không ngờ đây là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau.

 

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập,
Sài Gòn, trưa ngày 30/4/1975

Tôi hoàn thành khoá huấn luyện sỹ quan 3 tháng cũng là lúc Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Trở về đơn vị, tôi bàng hoàng nghe tin Thông không còn nữa. Anh đã hy sinh trên đường dẫn quân tiến vào Sài Gòn. Nghe nói, Anh ngã xuống khi gặp phải sự chống trả hú hoạ của một máy bay địch trước khi bay vọt ra biển tẩu thoát. Các chiến sỹ dưới quyền chỉ huy của anh hẳn không thể quên người chỉ huy đại đội đã không quản hiểm nguy, hy sinh tính mạng chạy theo từng người đè họ nằm xuống vì lần đầu tiên gặp địch, họ quá sợ hãi mà bỏ chạy. Chính họ đã may mắn thoát chết, còn anh, anh đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất này. Nơi đó chỉ còn cách Sài Gòn một tầm đại bác 130 ly. Đó chính là những giây phút cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng.

Giờ đây, tất cả những tấm huân chương dành tặng cho anh và chúng tôi đều trở nên vô nghĩa.

Anh mãi mãi là người Anh hùng của chúng tôi!

Nguyễn Xuân Vượng

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4433

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Lòng yêu nước của Nhà Địa lý học Lê Xuân Phương – cựu công chức Lưu trữ Quốc gia

Lòng yêu nước của Nhà Địa lý học Lê Xuân Phương – cựu công chức Lưu trữ Quốc gia

  • 08/08/2019 10:34
  • 2363

“Muốn được cái lớn là độc lập, tự do của dân tộc thì phải hy sinh cái nhỏ là giàu sang, phú quý, hạnh phúc riêng tư”. Đó là tâm sự của Nhà địa lý học Lê Xuân Phương và cũng chính là cuộc đời ông.