Thứ Sáu, 11/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/08/2019 10:34 2366
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
“Muốn được cái lớn là độc lập, tự do của dân tộc thì phải hy sinh cái nhỏ là giàu sang, phú quý, hạnh phúc riêng tư”. Đó là tâm sự của Nhà địa lý học Lê Xuân Phương và cũng chính là cuộc đời ông.

 

Nhà Địa lý học Lê Xuân Phương – cựu công chức Lưu trữ Quốc gia, nguồn: sưu tầm

Nhà Địa lý học Lê Xuân Phương sinh năm 1904, từng là Giám đốc Trường Quốc học Huế (thời gian ông Phạm Đinh Ái làm Hiệu trưởng). Sau Cách mạng tháng Tám, ông là giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Từ tháng 1-1955, ông được điều chuyển về phụ trách tổ Địa lý, Ban Văn Sử Địa trung ương. Năm 1959, ông lại được điều chuyển về công tác tại Cục Lưu trữ Trung ương thuộc Phủ Thủ tướng với chức vụ Phó trưởng Kho Lưu Trữ TW tại 31 phố Tràng Thi, Hà Nội. Khi nghỉ hưu ông được hưởng lương cấp chuyên viên 3. Ngày 15-8-1989, ông qua đời.

Cuốn Sơ thảo địa lý Việt Nam do ông làm chủ biên và Ban Văn Sử Địa Việt Nam cho xuất bản tháng 6-1957 (*) đã từng gợi ra những ước mơ: “Nước ta có nhiều núi và nhiều mưa. Lưu lượng các sông mạnh… Có nhiều thác lớn có thể sử dụng vào việc sản xuất điện lực. Điện lực mà một nhà thủy điện xây trên sông Đà vào khoảng chợ Bờ sản xuất ra có thể bằng gấp đôi điện lực của tất cả bao nhiêu nhà máy điện thực dân ở Bắc bộ trước kia cộng lại… Nếu ta đào một cái kênh độ 20 km nối sông Đa Nhim và sông Cơ-rông-pha ở Lang-bi-ang lại với nhau, ta sẽ tạo ra một cái thác cao 300m có thể sản xuất một điện lực để cung cấp cho Liên khu 5, Tây Nguyên và một phần Nam bộ.

Những công trình nghiên cứu của ông đã được công bố như: Đối tượng của địa lý kinh tế (tập san Văn Sử Địa, số 2-1958); Vấn đề địa đồ phiên âm địa danh (tập san Văn Sử Địa, số 1-1957); Ảnh hưởng giữa thiên nhiên và sinh hoạt xã hội (tập san Văn Sử Địa, số 1-1955)… 

Tất cả đều đã tiếp cận được những vấn đề cơ bản của khoa học địa lý. Đồng thời, ông cũng không quên ứng dụng những thành tựu ban đầu vào phục vụ trực tiếp cho sản xuất và xây dựng đất nước, với các công trình: Vấn đề phân chia khu vực địa lý của nước ta (tập san Văn Sử Địa tháng 2-1957); Mưa ở nước ta ảnh hưởng đến việc trồng trọt như thế nào? (tập san Văn Sử Địa tháng 7-1957)…

Nhà Sử học Văn Tạo viết về Lê Xuân Phương như sau:

“Điều đáng ghi nhớ ở ông là lòng nhiệt thành, muốn đem những tri thức tích luỹ được ra để cống hiến cho dân tộc, cho khoa học, chứ đâu có cầu danh, cầu lợi! Bởi vì, như chúng ta đã biết, Lê Xuân Phương của chúng ta, một người thuộc lớp trí thức được đào tạo dưới chế độ thực dân, nếu muốn được sung sướng thì đã có thể sống trong nhung lụa mà đế quốc phong kiến sẵn sàng dành cho. Nhưng nhà giáo ấy đã giữ gìn được phẩm chất yêu nước trong sáng của mình. Ông đã từng dạy dỗ được những học trò mà sau này trở thành những nhà cách mạng có tên tuổi. Đặc biệt có học trò đi làm cách mạng, khi vượt ngục tù đế quốc và gặp phải nguy nan đã tìm đến nương tựa ở nhà thầy và được thầy hết lòng bảo vệ, giúp đỡ để có điều kiện tiếp tục hoạt động.

Khi kháng chiến chống Pháp bắt đầu, nhà sư phạm yêu nước Lê Xuân Phương đã quyết tâm từ bỏ biệt thự xinh đẹp của mình ở Huế, tạm biệt một bộ phận nhỏ của gia đình vì điều kiện không đi kháng chiến được, đã lưu lại ở trong thành – dứt bỏ sang giàu đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn. Ông đi vào kháng chiến trong hàng ngũ đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính với tinh thần, động cơ đó mà nhà sư phạm Lê Xuân Phương đã trở thành nhà địa lý cách mạng – một trong những cán bộ chủ chốt của Ban Văn Sử Địa Việt Nam, thành lập từ tháng 12-1953.

Ông cũng như nhà thư tịch học Trần Văn Giàu có hoàn cảnh tương tự, đã từng tâm sự với tôi “muốn được cái lớn là độc lập, tự do của dân tộc thì phải hy sinh cái nhỏ là giàu sang, phú quý, hạnh phúc riêng tư”. Sự dấn thân của các trí thức lão thành là như thế…”. Ngày 23-5-2008, nhà địa lý học Lê Xuân Phương đã được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba, với danh nghĩa một nhà lão thành cách mạng.

Chú thích:

(*)Lê Xuân Phương (chủ biên), Nguyễn Việt, Hướng Tân (cộng tác viên), Sơ thảo địa lý Việt Nam, NXB.Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.  tr 148.

NGUYỄN XUÂN VƯỢNG

 

http://luutruquocgia1.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4438

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Nhà Bảo tàng học Lâm Bình Tường - Những điều được biết

Nhà Bảo tàng học Lâm Bình Tường - Những điều được biết

  • 06/08/2019 14:22
  • 2131

Có những con người mà cuộc đời và sự nghiệp của họ đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với sự phát triển của một ngành, một lĩnh vực…; nhưng họ lại là người rất khiêm nhường, âm thầm, lặng lẽ, ít khi nói về mình. Nhà Bảo tàng học, GS Lâm Bình Tường là một trong những trường hợp như thế.