Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/07/2019 08:23 4156
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Anh Nguyễn Như Trang sinh năm 1927 trong một gia đình nhà giáo ở làng Nam Nhạc, thôn Vĩnh Mộ, xã Cao Xá, Lâm Thao, Phú Thọ. Cha anh là cụ giáo Nguyễn Như Hoàn, đã từng được giải nhất thơ Ngụ ngôn của Hội Khai trí Tiến đức từ trước tháng Tám năm 1945. Anh là hậu duệ thứ 15 của Thám hoa, Tướng công Nguyễn Như Thức, cụ thủy tổ của dòng họ Nguyễn làng Nam Nhạc. Sớm được cha mẹ cho ăn học ở trường Thăng Long đúng vào thời kỳ sôi nổi của Mặt trận Dân chủ Đông Dương, lòng yêu nước thương nòi trong anh đã được bồi đắp từ những bài giảng của các thầy giáo Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám…

 

Anh hùng lực lượng vũ trang, Liệt sĩ Nguyễn Như Trang (1927- 1948)

Tháng Tám năm 1945, sau khi tham gia giành chính quyền ở Mỹ Hào, Hưng Yên, nơi cha mẹ anh đang sinh sống, anh trở lại Thủ đô Hà Nội, gia nhập Vệ quốc đoàn. Có bản lĩnh vững vàng, có học thức, lại giỏi thơ và nhạc, hè năm 1946, anh được tổ chức cho đi dạy học kỹ thuật quân sự ở trường quân chính của Vệ quốc đoàn, đào tạo cán bộ cấp Tiểu đội. Anh đã sớm trưởng thành trong cuộc chiến đấu quyết liệt để bảo vệ chế độ dân chủ  nhân dân và được kết nạp Đảng năm 1946.  

Tháng 11 năm 1946, Thủ đô Hà Nội gấp rút chuẩn bị mọi mặt chống thực Pháp xâm lược. Năm Tiểu đoàn Vệ quốc đoàn được bố trí ở ba Liên khu trong nội thành. Riêng trung đội do Anh làm Trung đội trưởng có nhiệm vụ bảo vệ một số cán bộ của Khu XI đóng ở khu Lò Lợn. Ông Nguyễn Hoàng Sâm, tiểu đội trưởng của Trung đội này, hiện ở Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội, kể lại:”Lúc đó, cán bộ Mặt trận khu XI có anh Trần Độ và một số người nữa, mượn nhà dân ở khu Lò Lợn, giáp Nhà máy Xay Lương Yên. Chúng tôi canh gác, bảo vệ các anh. Ngày 16 tháng 12 năm 1946, Lễ Quyết tử được tổ chức rất linh thiêng trong tâm trí chiến sĩ đội Quyết tử. Đêm 19/12/1946, chúng tôi đánh địch ở đê Stai Quai, rồi vào ngã ba Lò Đúc- Yec- xanh. Ở đây, các bao đựng đường cũng được người dân mang ra đắp ụ, nên khi tôi chiến đấu bị dính cả đường vào cánh tay. Chiến đấu được ít hôm, thì Trung đội sáp nhập với Tiểu đoàn 212 Vệ quốc đoàn”. Tiểu đoàn có ba đại đội 14, 15,16 do đồng chí Quang Tuần làm Tiểu đoàn trưởng, Bùi Cúc là Tiểu đoàn phó, Văn Tân là Chính trị viên. Anh Trang trở thành Đại đội trưởng một Đại đội của Tiểu đoàn. Những cuộc chiến đấu quyết liệt đã diễn ra ở các vị trí Ô Cầu Dền, phố Huế-Viện Paxteur, Ngã năm Lò Đúc- Hàm Long- Lê Văn Hưu- Phan Chu Trinh, Nhà máy Rượu Hà Nội, ô Đông Mác- Cảng Phà Đen. Anh đã cùng đồng đội tiêu diệt địch và xe cơ giới ở Mặt trận Liên khu II. Ông Lê Hùng Lâm, chiến sĩ của Đại đội 16 đã kể về những ngày chiến đấu ác liệt ở Liên khu II dưới sự chỉ huy của Anh - Đại đội trưởng Nguyễn Như Trang trong bài hồi ký “Từ Hà Nội đi Tây Tiến”: “Chiến lũy Hòa Mã cản địch từ phố Huế vào rất có hiệu quả. Xe tăng địch đến góc phố phải dừng lại. Tôi được phân công ra bắn giữa ụ đất. Bắn xong mỗi phát lại phải lao khẩu khai hậu vào trong nhà để anh em thông nòng. Ở Ô Cầu Dền, địch cũng bị chặn đánh rất lâu. Chúng không qua được chiến lũy, phải đánh vòng qua Việt Nam học xá xuống chợ Mơ rồi đánh ngược lên. Sau Tết, đại đội tôi đánh chặn địch ở Nam Dư Thượng- Nam Dư Hạ. Biết đơn vị mình đang bí mật chọn người đi Tây tiến, tôi tìm gặp anh Như Trang xin đi. Chúng tôi để Hà Nội lại sau lưng. Tây Tiến!”(1). Ông Nguyễn Hoàng Sâm, lúc đó cũng thuộc Đại đội 16 kể rõ hơn: “Chúng tôi được lệnh bí mật tập trung quân ở gần sân bay Bạch Mai, xốc lại lực lượng, nhằm thị xã Hà Đông tiến quân. Đến nơi, cầu bắc qua sông Nhuệ không còn, chúng tôi phải xuống mảng tre qua sông để vào trong thị xã, theo đường số 6 mà đi”. Cuộc chiến đấu một mất một còn ở mặt trận Hà Nội đã tôi luyện bản lĩnh kiên cường của người Đại đội trưởng xuất sắc. Anh được kết nạp Đảng.

Những trận chiến đấu ở Hòa Bình

Từ Nam Dư ra Xuân Mai bổ sung quân số, thành Tiểu đoàn 150 để đi chiến đấu đánh địch phía Thượng Lào, giữ sườn phía Tây của ta. Cuối tháng 2-1947, Tiểu đoàn 150 thuộc Trung đoàn 52 Tây Tiến gồm  bốn Tiểu đoàn (D 150, D157, D 160, D 164). Các chiến sĩ hành quân theo hướng Lương Sơn- Chợ Bò- Suối Rút, Chiềng Sại rồi ngược sông Mã đánh chiếm Mường Lát trong năm 1947.

Trong khó khăn gian khổ, bị thương cuối năm 1947, nằm điều trị ở trạm xá Trung đoàn, anh đã chứng kiến cảnh bi thương: nhiều chiến sĩ bị sốt rét, chết ngay tại bệnh xá. Vô cùng xúc động, đau xót khi nghe mỗi tiếng cồng đánh lên là một chiến sĩ đã bị bệnh sốt rét cướp đi, anh đã sáng tác bài hát Tiếng cồng quân y, nói đúng tâm trạng của người lính: “Chàng chưa đáng chết, nước non chưa yên/ Nhưng bệnh rừng ác độc mang chàng đi/ mà nước non đang chờ… Nơi quân y đã bao lần tiếng cồng rền rĩ/ Tơi tai người chiến sĩ hùng dũng xưa kia”.

Anh còn viết nhiều bài báo, sáng tác nhiều ca khúc động viên, khích lệ cán bộ chiến sỹ của mình vượt qua gian khổ, chiến đấu vì Tổ quốc. Tác phẩm nổi tiếng “Trấn biên cương” do anh phổ nhạc bài thơ mà anh sáng tác từ năm 1946, ra đời trong những ngày ở mặt trận Hòa Bình. Mỗi khi hát, các chiến sĩ thêm vững lòng: “Đoàn quân lên trấn biên cương hào hùng/Một mùa xuân mới trời rung/ Đem chiến công về vinh quang mà danh vang ghi”

Tháng 5-1948, thực dân Pháp đã tập hợp bọn lang đạo phản động đầu sỏ trong tỉnh về thị xã Hòa Bình để thành lập “Xứ Mường tự trị”. Chúng phong Đinh Công Quyền làm Chánh quan lang, ra báo Sao Trắng làm công cụ tuyên truyền. Thu - đông năm 1948, quân Pháp đã chiếm đóng hai phần ba đất đai ở Hòa Bình, kiểm soát toàn bộ tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12, quốc lộ 15; từ đó, chúng muốn biến Hòa Bình thành "bức tường thép bên sông Đà”, chặt đứt mạch máu giao thông Liên khu 3, Liên khu 4 với Việt Bắc và Tây Bắc; do đó, đoàn quân Tây Tiến đã trải qua những ngày chiến đấu cực kỳ gian khổ, không kể xiết. Anh Nguyễn Như Trang đã chỉ huy một Đại đội thuộc Tiểu đoàn 150 chiến đấu trên đường số 6, Hòa Bình, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, chặn đường hành binh của địch. Điển hình là trận Mè - Lặt, Lương Sơn, ta đã tiêu diệt hàng chục tên. Tên Phùng Đồng Đẳng, đảng trưởng khét tiếng phải đền tội. Trận tiêu diệt căn cứ Mai Châu, đồn Mai Hạ, Mường Lò, Anh đã chỉ huy bộ đội đánh phá cơ quan ngôn luận của xứ Mường tự trị có tờ báo Sao Trắng do Quách Đăng làm chủ bút, diệt 2 trung đội địch, làm chủ trận địa, lập chiến công vang dội khắp vùng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Anh còn chỉ huy đại đội chiến đấu trên địa bàn rộng lớn ở miền núi Hòa Bình. Vì vậy, Anh đã được cấp trên bổ nhiệm là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 150, Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Thu đông năm 1948, Trung đoàn 52 chủ trương các đại đội độc lập hỗ trợ cho Tiểu đoàn 150 nhổ đồn Đầm và đồn Nghẹ - hai vị trí quan trọng của địch ở Ngọc Lặc, phía tây Thanh Hóa để từ đó sẽ tạo đà, giải phóng một vùng rộng lớn Thanh Hóa- Hòa Bình. Một đoàn chuẩn bị chiến trường do Trung đoàn trưởng An Giao, chính ủy Hùng Thanh dẫn đầu. Tiểu đoàn 150 do Tiểu đoàn phó Như Trang và Đại đội trưởng 135 Nguyễn Huy Ngọc chỉ huy. Sau vài ngày hành quân, ngày 19/11/1948, bộ phận trinh sát tình hình địch tới thôn Mu, làng Ngọc Lâu, Châu Lạc Sơn, nay là xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình. Do bị bọn Mường gian chỉ điểm, một bộ phận trinh sát bị một đại đội địch tăng cường, trong đó có trung đội lính Âu- Phi tấn công. Theo lời kể của ông Lê Hùng Lâm những năm trước đây, người luôn luôn theo sát Anh như hình với bóng, hình ảnh của Anh hiện lên thật oanh liệt và anh đã đến hơi thở cuối cùng: Trong điều kiện hoàn toàn bất lợi, địa hình trống trải, lực lượng chênh lệch (ta một địch mười), Anh cho các chiến sĩ rút khỏi vòng vây địch để bảo toàn lực lượng; trận địa chỉ còn Anh và một đại đội trưởng ở lại thu hút lực lượng địch về phía mình. Khi đồng chí đại đội trưởng hy sinh, chỉ còn một mình, Anh vẫn tiếp tục chiến đấu trong vòng vây của địch, diệt hơn 10 tên địch  và hy sinh oanh liệt tại thôn Ngọc Lâu, Châu Lạc Sơn, Hòa Bình trưa 19/11/1948. Tên trung úy Pháp đứng trước thi thể Anh đã thốt lên: Tôi cúi đầu thán phục trước cái chết anh hùng của người sĩ quan trẻ tuổi. Và chính tấm gương anh hùng của Anh đã cảm hóa Grand Wath – người lính Âu- Phi chạy sang hàng ngũ bộ đội Cụ Hồ.

Các liệt sĩ đã được đồng bào thôn Mu chôn cất - “Áo bào thay chiếu anh về đất”. Một thời gian sau, đơn vị cử người tìm đến gia đình anh đang tản cư ở Thanh Ba, Phú Thọ, đau đớn báo tin buồn. Năm 1957, mẹ anh, cụ Đặng Thị Lục và người em trai thứ bảy là Nguyễn Như Giao lên làng Mu. Trải bao khó khăn, vất vả, khi đạp xe, khi xuống thuyền, theo sông mà đi, mới đến được làng Mu. Được đồng bào địa phương tận tình giúp đỡ, nhất là ông Bùi Mun, con trai ông cụ đã từng chôn cất hai liệt sĩ, gia đình đã lần tìm được hài cốt hai Anh Nguyễn Như Trang và Nguyễn Huy Ngọc trong hai ngôi mộ kề bên nhau. Mẹ nén đau xót, xin địa phương đưa anh về rồi rước vong linh Anh lên chùa Trấn Quốc làm lễ. Sau đó Lễ truy điệu và an táng Anh đã được tổ chức trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Dịch. Anh nằm tại Lô số 8, khu L1, quây quần với hàng trăm Liệt sĩ của Thủ đô Hà Nội hy sinh cho đất nước hòa bình, độc lập, tự do.

Tượng đài bất từ

Chiến công xuất sắc của anh trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 21/10/2014. Gia đình và dòng họ Nguyễn Như ở Cao Xá (Phú Thọ) tự hào về anh, đã tổ chức Lễ vinh danh trong dòng họ Nguyễn làng Nam Nhạc vào ngày lành, 26 tháng 9 âm lịch năm 2015 (7/11/2015). Năm 2016, tại Hà Nội, họa sĩ, nhà điêu khắc Hoàng Sỹ Long đã sáng tác một tác phẩm về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Như Trang. Tháng 4/2017, bức tượng đồng bán thân Anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Như Trang được hoàn thành. Đúng ngày 30/4/2017, Đảng ủy- Ủy ban Nhân dân, Hội đồng nhân dân xã Tự Do, huyện Lạc Sơn đã về Hà Nội làm lễ rước tượng đồng nguyên khối cao 50 cm, từ chùa Trấn Quốc về xã. Đó cũng là tình nghĩa của gia đình với địa phương, nơi anh đã ngã xuống và nằm lại trong tình cảm khâm phục, thương tiếc của bà con.

Đặc biệt, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), gia đình còn hiến tặng bức tượng đồng thứ hai cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Hình tượng người chiến sĩ Tây Tiến sống mãi trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong muôn ngàn trái tim dân Việt “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”. Và hôm nay, hình tượng bi tráng ấy hiện lên rất cụ thể, sinh động và tràn đầy sự khâm phục qua một tấm gương tiêu biểu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Như Trang.

Ths. Phạm Kim Thanh

 

(1): Tây Tiến 50 năm nhìn lại, Ban Liên lạc truyền thống CCB Tây Tiến- E52  xuất bản 1997, tr 83.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4649

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Hoạt động yêu nước của cụ Nguyễn Văn Tố qua một số hiện vật bảo tàng

Hoạt động yêu nước của cụ Nguyễn Văn Tố qua một số hiện vật bảo tàng

  • 19/07/2019 08:22
  • 2586

Trong kho của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật, hình ảnh về các chí sỹ yêu nước, trong số đó có một số hiện vật gốc gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Văn Tố.