Nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Thôi Hữu tên thật là Nguyễn Đắc Giới (bí danh là Trần Văn Tấn), sinh năm 1919 ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Bạn đọc biết đến Thôi Hữu và nhớ ông với bài thơ Lên Cấm Sơn lấy bút danh Tân Sắc viết năm 1948 ở Việt Bắc, sau đó được in trong “Tập Văn cách mạng và kháng chiến”, Hội văn nghệ Việt Nam xuất bản năm 1949, nhưng ít ai biết ông đã từng là Thành ủy viên trực tiếp trừng trị tên Cai Long khét tiếng gian ác ở vùng Bưởi trước ngày khởi nghĩa.
Nhà thơ, nhà báo, liệt sĩ Thôi Hữu tên thật là Nguyễn Đắc Giới (bí danh là Trần Văn Tấn), sinh năm 1919 ở Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Bạn đọc biết đến Thôi Hữu và nhớ ông với bài thơ Lên Cấm Sơn lấy bút danh Tân Sắc viết năm 1948 ở Việt Bắc, sau đó được in trong “Tập Văn cách mạng và kháng chiến”, Hội văn nghệ Việt Nam xuất bản năm 1949, nhưng ít ai biết ông đã từng là Thành ủy viên trực tiếp trừng trị tên Cai Long khét tiếng gian ác ở vùng Bưởi trước ngày khởi nghĩa.
*Người cán bộ xuất sắc của Đảng bộ Hà Nội
Tuổi thanh niên, Nguyễn Đắc Giới tốt nghiệp Thành chung và rời quê hương Thanh Hóa vào Huế học trường Kỹ nghệ thực hành. Năm 1942, ông làm viên chức nhà đèn để có điều kiện thuận lợi tham gia trong Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Ông lấy bí danh là Trần Văn Tấn để bí mật hoạt động. Cũng vào thời kỳ này, nhà thơ Tố Hữu vừa vượt ngục Công Tum ra, đã gặp ông ở Huế. Ông giúp đỡ nhà thơ Tố Hữu bắt liên lạc với tổ chức và dùng tiền lương thợ nhà đèn của mình để ông Tố Hữu sinh sống.
Tham gia hoạt động cách mạng, nhưng Trần Văn Tấn đã có thơ và báo lấy bút danh Thôi Hữu đăng trên báo Bạn Đường cùng với Nguyễn Thường Khanh (tức Trần Mai Ninh) và bút danh đó đã trở thành tên thường gọi sau này của ông. Nhưng từ bí danh Tấn, mà ông còn một bút danh khác là Tân Sắc.
Năm 1943, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó ra Hà Nội hoạt động bí mật đúng vào lúc thành phố bị địch khủng bố gắt gao nhất. Thi hành chính sách thuộc địa phản động, thực dân Pháp liên tiếp đàn áp phong trào cách mạng Việt Nam, trong đó, Hà Nội, đầu não bộ máy chính trị - quân sự toàn Đông Dương luôn luôn bị chà đi xát lại. Hàng trăm đảng viên và cơ sở cách mạng bị bắt và tù đày. Từ năm 1941 đến năm 1944, tám Ban cán sự Đảng Hà Nội bị vỡ. Thôi Hữu cũng bị địch bắt, kết án 5 năm tù và bị giam trong Hoả Lò. Ông kiên cường chịu đựng cực hình tra tấn và tìm cách thoát khỏi nhà ngục ghê rợn ấy, ra ngoại thành ẩn náu rồi tìm cách bắt liên lạc lại với đồng chí để hoạt động. Nhà văn Tô Hoài, người đã trực tiếp nuôi giấu Thôi Hữu trong gia đình mình một tuần, đã kể lại những ngày đáng nhớ ấy: “Sáng hôm ấy, có người đến nhà tôi. Người cũng trạc tôi, da ngăm ngăm, mắt nhìn thăm thẳm, đôi mày rậm đen sẫm. Tôi trông hao hao, chỉ lạ có cái áo dài thâm…Vào trong nhà, Giới bỏ mũ ra. Đầu Giới trọc lốc như người húi cua. Giới mỉm cười. Vẫn vui như lần gặp trước nhưng lại nói về một chuyện thật nghiêm trọng:
- Tớ mới chui cống Hoả Lò ra. Cho ở đây vài ngày, để mọc tóc khá một tý. Được không?
Mới ba hôm trước, Nhật đảo chính Pháp…Tôi chưa biết trả lời thế nào, Giới đã tự nhiên cởi áo dài thâm, móc áo và mũ lên đinh trên vách. Tôi đi xin Hoà, cơ sở Việt Minh ở làng được cái áo cánh lụa nâu đem về cho Giới. Nhỡ có ai đến, trông cũng đỡ lạ mắt”. Ngày ăn một bữa gạo xát máy - thứ gạo của Sài Gòn đưa ra, mỗi bữa Thôi Hữu chỉ ăn đúng một bát. Ngoài đường đã có xác người đói, mẹ Tô Hoài chạy chợ cho cả nhà. Ít hôm sau, đồng chí Mười Hương đến (lúc đó lấy bí danh là Trang), giao chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta cho Tô Hoài. Họ đã biết nhau, và Thôi Hữu được giao nhiệm vụ mới: Ông được bổ sung vào Uỷ viên ban cán sự Đảng Hà Nội cùng ông Vũ Oanh. Ông Nguyễn Quyết là Bí thư Ban cán sự, giao một số cơ sở cách mạng ở Bưởi - Nghĩa Đô cho Thôi Hữu ăn ở, đi lại hoạt động.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, thực hiện chỉ thị của Trung ương, Ban cán sự Đảng Hà Nội chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, đưa phong trào của quần chúng thành cao trào cách mạng. Do đó, Ban cán sự phân công: đồng chí Thôi Hữu phụ trách ngoại thành. Đồng chí Vũ Oanh phụ trách mặt trận Việt Minh và các đoàn thể quần chúng.
Xông xáo, dũng cảm, Thôi Hữu trực tiếp gây dựng cơ sở của Việt Minh tự vệ ngoại thành, từ Nghĩa Đô - Bưởi xuống Dịch Vọng Tiền, Dịch Vọng Hậu, Cổ Nhuế, được nhân dân tin yêu, che chở. Tháng 6/1945, trong cao trào tiền khởi nghĩa, những tên việt gian đầu sỏ bị Đội danh dự trừ gian trừng trị ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Và chính ông thực thi nhiệm vụ trừng trị cai Long, tên tay sai khét tiếng tàn ác ở vùng Bưởi. Theo các đồng chí đã tham gia tiền khởi nghĩa ở vùng Bưởi và lịch sử địa phương: Đồng chí Tấn nhận nhiệm vụ trực tiếp đi ám sát cai Long vì đồng chí là người thạo sử dụng súng và lạ mặt, địch không thể biết để truy bắt. Anh Nguyễn Quý Thái là người cùng làng với cai Long và biết rõ cả quy luật hoạt động của nó. Sáng ngày 20/6/1945, anh Thái dẫn đồng chí Tấn đến cổng Đõ đầu làng Hồ Khẩu thì gặp cai Long đi xe đạp. Đồng chí Tấn liền nổ mấy phát súng làm cho hắn chết ngay. Sau đó, đồng chí Tấn về cất giấu súng ở nhà ông Đỗ Vũ Huynh, chùa làng Tân. Nhận thấy Ba Lự, em cai Long cũng là một tên việt gian nguy hiểm nên đồng chí Tấn đã giao cho đồng chí Tĩnh và tự vệ Nghĩa Đô tìm cách giết hắn. Từ đó, phong trào cách mạng cả vùng Bưởi phát triển an toàn”.
Sáng 19/8/1945, Thôi Hữu chỉ huy các chiến sĩ tự vệ dẫn đầu nhân dân vùng Bưởi từ chợ Bưởi tiến theo đường Thuỵ Khuê tiến vào Nhà Hát lớn dự mít tinh trên quảng trường rồi toả đi chiếm trại Bảo an binh.
Nhớ về những ngày tháng kề vai sát cánh hoạt động cùng Thôi Hữu, ông Nguyễn Quyết nói: Anh Tấn là một đồng chí xuất sắc, dũng cảm, có đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng ngoại thành mà trực tiếp là vùng Bưởi. Nhưng trong điều kiện địch càn quyét Hà Nội khốc liệt như thế, chúng tôi tồn tại và phát triển được chính là do cán bộ phải dựa chắc vào dân, lấy dân làm gốc. Anh Thôi Hữu từ Huế ra nhưng đã làm rất tốt công tác vận động quần chúng, được nhân dân đùm bọc và che chở.
*Người say mê làm thơ, viết báo
Nhà báo Thép Mới, trong bài Thương nhớ Thôi Hữu, viết ngay sau khi ông hi sinh, đăng trên Tạp chí văn nghệ số 35, năm 1950 đã dành những dòng hết sức cảm động, trân trọng: “Thôi Hữu là một nhân cách đặc biệt của làng báo, làng văn trẻ tuổi chúng ta hiện nay…Người cán bộ Thôi Hữu từ lúc giác ngộ đã mang một lòng yêu thơ, yêu viết”.
Từ năm 1946, cuộc đời ông gắn bó với báo: Sự Thật (1946), Thủ Đô (đầu năm 1947). Kháng chiến bùng nổ, ông cùng với một số anh em của báo Cứu Quốc và ban Tuyên tuyền Khu XI ở lại mặt trận Hà Nội như Tô Hoài, Lưu Văn Lợi, làm báo Thủ Đô. Ông Lưu Văn Lợi, Phó Ban Tuyên truyền khu XI vẫn nhớ: Đầu tháng 3/1947, Pháp chiếm thị xã Hà Đông rồi dọc đê sông Hồng đánh xuống Phùng, dọc đê sông Đáy đánh ra Mai Lĩnh, sau đó đánh ra chùa Trầm, Quốc Oai, chùa Thầy, Phùng. Cơ quan quan tôi tạm rút về một thôn ở bên kia con đường Gạch đi Hòa Lạc. Dù gặp nhiều khó khăn, chúng tôi cũng cho ra tờ Thủ Đô với chiếc máy in nhỏ kiểu Minerve.
Từ trái sang: Nguyễn Đình Thi, Thôi Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Huy Tưởng tại Đại hội Văn hóa Cứu quốc lần thứ Nhất, tháng 11/1946.
Lên Việt Bắc, Thôi Hữu trong ban biên tập báo Vệ quốc quân và Sự Thật. Hồn thơ tươi trẻ, khoẻ khoắn, trong sáng là nét riêng trong mạch thơ ông, đem lại cảm xúc lạc quan, yêu đời, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ. Khác hẳn với những nhà thơ tiền chiến vẫn còn băn khoăn day dứt khi phải đổi mới nghệ thuật sáng tác để phục vụ cách mạng, với Thôi Hữu, thơ và lý tưởng chiến đấu cho cách mạng là một. Bài thơ Lên Cấm Sơn đăng trên báo Vệ quốc quân số 21, ngày 15/4/1948 là một trong những tác phẩm hay của thơ ca buổi đầu kháng chiến. Vẫn là hơi thơ tự do, khoẻ khoắn như thời trai trẻ; hiện thực khắc nghiệt của cuộc kháng chiến gian khổ được ông viết với những hình ảnh thật trần trụi, xót xa, đầy rung động sâu sắc và tràn đầy tinh thần chiến đấu: “Cuộc đời gió bụi pha xương máu. Đói rét bao lần xé thịt da/Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật/Đâu còn tươi nữa những ngày hoa/Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/Muốn viết bài thơ thấm lệ nhoà”. Lên Cấm Sơn của Thôi Hữu và Nhớ máu của Trần Mai Ninh - những người cùng làm báo Bạn đường xưa, Đồng chí của Chính Hữu đã tạo nên mảng thơ đặc sắc của thơ kháng chiến, khác hẳn với những nhà thơ cùng thời. Và tình cảm của ông, của anh bộ đội Cụ Hồ mới 26 tuổi, cũng bình dị, tha thiết như bao người xa vợ, xa người yêu trong chiến tranh, thương “Em lủi thủi quê người/Nhà gianh nghiêng một mái/Đắm trông một phương trời” (Tuổi 26). Say thơ, yêu thơ, Thôi Hữu đã thổi vào hồn thơ cái tình mộc mạc mà sâu lắng của người dân lao động.
Ở mảng truyện ký, tuỳ bút, Thôi Hữu là một cây bút viết chắc, khoẻ, giàu cảm xúc của người lăn lộn và trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Đó là điểm mạnh của văn xuôi Thôi Hữu. Cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân Thủ đô trong trận Cự Đà ngày 27/3/1947 được Thôi Hữu phản ánh trong truyện ký Đợi giờ chết, viết ngay sau trận đánh (NXB Vệ quốc quân in năm 1949). Đó là thiên tuyệt bút duy nhất viết về trận đánh này với tên tuổi nổi tiếng “ Con hùm xám Cự Đà”- trung đội trưởng Nguyễn Văn Sự và chính trị viên trung đội - đồng chí Tự của mặt trận Hà Nội. Độc giả yêu áng văn đầy hơi thở chiến đấu anh dũng trong “Đợi giờ chết” sẽ còn truyền tay nhau và đưa vào lòng Hà Nội đau thương đang bị giặc chiếm bài viết Tù binh trên đường số 4 của ông cùng với “Ký sự Cao Lạng” của Nguyễn Huy Tưởng.
Sống như là viết, ông mê đi, mê viết; viết để thể hiện những điều cháy bỏng trong ông, để phụng sự nhân dân lao động mà ông đã tâm niệm từ thời trai trẻ. Tác phẩm Thôi Hữu để lại cho hôm nay không nhiều, nhưng thời khắc để làm nên Lên cấm sơn, Đợi giờ chết, Tù binh trrên đường số 4 thì sẽ còn lại mãi trong lòng bạn đọc.
Ông đã hi sinh như một người chiến sĩ anh dũng trong bộ quân phục đã bạc màu và ở lại với nhân dân xã Giang Tiên (Thái Nguyên) với cái tên Tân Sắc. Mộ ông trên đồi Vô Tranh, dưới gốc cây dẻ có tấm bia bằng gỗ, do cụ Soạn làm; hằng năm, cụ vẫn hương khói cho nhà báo Tân Sắc và chính cụ đã dẫn đại biểu báo Nhân dân cùng gia đình nhà thơ lên đồi Vô Tranh tìm đúng vị trí cụ đã chôn cất nhà báo Tân Sắc. Đến lúc ấy, cụ mới biết, đó chính là ông Thôi Hữu, nhà báo, nhà thơ, người cán bộ cách mạng xuất sắc của Đảng và nhân dân.
Ths. Phạm Kim Thanh