Thứ Ba, 10/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/12/2018 14:25 4909
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Lương Văn Can được xem là nhà giáo dục, nhà yêu nước lớn của nước ta đầu thế kỷ XX. Tên tuổi, sự nghiệp và uy tín của cụ có thể xếp ngang hàng với các nhà cách mạng đi tiên phong những năm đầu thế kỷ XX như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Cụ đã có những đóng góp rất lớn, trong việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) nói riêng và phong trào yêu nước nói chung. Ngay cả khi tuổi già sức yếu, cụ cũng đóng góp cho dân cho nước theo cách của mình.

Lương Văn Can được xem là nhà giáo dục, nhà yêu nước lớn của nước ta đầu thế kỷ XX. Tên tuổi, sự nghiệp và uy tín của cụ có thể xếp ngang hàng với các nhà cách mạng đi tiên phong những năm đầu thế kỷ XX như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh... Cụ đã có những đóng góp rất lớn, trong việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) nói riêng và phong trào yêu nước nói chung. Ngay cả khi tuổi già sức yếu, cụ cũng đóng góp cho dân cho nước theo cách của mình.

Ngôi nhà của cụ Lương Văn Can tại số 4 Hàng Đào, từ năm 1906 đến đầu năm 1907 thường là nơi lui tới của các nhà nho yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Quyền.... Sau nhiều lần họp bàn, các cụ đã đi đến quyết định thành lập một trường học nhằm “hóa dân cường quốc”, bằng con đường mở mang dân trí và chấn hưng kinh tế. Trường lấy tên là Đông Kinh Nghĩa Thục, do cụ Lương Văn Can làm hiệu trưởng. Đông Kinh là thành Thăng Long đời nhà Hồ, “Nghĩa Thục” là trường dạy học vì nghĩa, không lấy tiền. Chương trình học của trường ĐKNT, được dựa theo lối tân học Trung Hoa, Nhật Bản, dạy thể thao, toán pháp, địa dư, lịch sử, văn chương, công dân giáo dục…

Trường Đông Kinh Nghĩa Thục (ngôi nhà bên phải có 3 vòm cửa màu trắng)
tại phố Hàng Đào, Hà Nội
(nguồn Internet)

Bên cạnh vai trò hiệu trưởng, cụ Lương Văn Can còn đảm nhận vai trò biên soạn tài liệu giảng dạy cho giáo viên, tài liệu học tập cho học sinh và tài liệu tuyên truyền cổ động cho nhà trường. Trong một thời gian ngắn, cụ cùng với các cụ Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu, Phạm Tư Trực, Phan Châu Trinh và Ngô Đức Kế... đã biên soạn được một số sách giáo khoa và tài liệu tuyên truyền gồm: Quốc dân độc bản; Nam quốc gia sự; Nam quốc địa dư; Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư.... Những tài liệu này đều viết bằng chữ Hán, in ra phát không cho học sinh và các hội viên, cho các trường cùng tôn chỉ, cũng có khi bán lấy vốn cho các hiệu buôn.

ĐKNT với phương thức hoạt động công khai, hợp pháp cùng những nét đặc thù độc lập của mình, đã có những đóng góp tích cực cho phong trào chung trong cả nước, nhưng đồng thời cũng thấy được nó có liên quan chặt chẽ với Duy Tân hội và phong trào Đông Du do Phan Bội Châu và cộng sự sáng lập. Càng ngày phong trào ĐKNT càng có mối quan hệ chặt chẽ với phong trào Đông Du, thông qua những hoạt động cụ thể để ủng hộ Đông Du cả về vật chất lẫn tinh thần và tiến tới sự phối hợp hoạt động theo xu hướng cách mạng bạo động của Đông Du.

Chí sĩ Lương Văn Can (1854 - 1927) (nguồn Internet)

Trước khi ĐKNT thành lập năm 1905, cụ Lương Văn Can đã cho hai con trai là Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh tham gia phong trào Đông Du. Cụ Phan Bội Châu thường qua lại nhà cụ Lương Văn Can nhất là sau khi trở về nước lần thứ 2 năm 1906. Một phần tài liệu giảng dạy quan trọng ở trường Đông Kinh đã được chuyển từ nước ngoài về, trong đó có những tác phẩm của Phan Bội Châu như: Việt Nam Vong quốc sử được phổ biến dưới tên sách Việt Nam văn minh khởi điểm sử hay như Hải ngoại huyết thư... cũng được dịch ra thành 3 thứ tiếng Hán, Nôm, Quốc ngữ để phổ biến rộng rãi. Ngày 26-4-1913, nhân xảy ra vụ đánh bom khách sạn tại phố Tràng Tiền (Hà Nội) của Việt Nam Quang phục Hội, thực dân Pháp đã quy trách nhiệm cho các nhóm sĩ phu ĐKNT, cụ Lương Văn Can bị kết án lưu đày sang Cam-pu-chia suốt 8 năm.

Sau khi ra tù bằng cách của mình cụ vẫn tiếp tục cống hiến cho dân tộc bằng cách mở trường dạy học và viết sách. Chỉ trong vòng sáu năm cuối đời, Lương Văn Can đã biên soạn và biên dịch được hơn một chục cuốn sách thuộc về nhiều lĩnh vực, từ truyền thụ Hán tự - Hán học, giáo dục nhân cách, giáo dục gia đình, cho đến các kiến thức về địa lý, lịch sử và kinh doanh, thương mại. Trong số đó, có nhiều cuốn đã được cụ biên soạn hoặc phác thảo trong tám năm lưu đày ở Cam-pu-chia, mà đặc sắc nhất là hai cuốn Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn, nội dung chủ yếu bàn về kinh doanh, thương mại, đúc kết những chiêm nghiệm của cụ về kỹ thuật và đạo đức kinh doanh được đúc kết những kiến thức và suy nghiệm của cả một đời cụ. Những triết lý đó đánh dấu sự ra đời của một tầm nhìn mới, một kiến thức mới, một phương pháp mới đối với lĩnh vực kinh doanh - thương mại của doanh nhân và trí thức Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Bằng cách tiếp tục mở trường dạy học và biên soạn những cuốn sách với nội dung như vậy, dường như cụ vẫn kế tục sự nghiệp "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" như tôn chỉ của trường ĐKNT trước đây, theo lối đi riêng mà cụ chọn là: kiên trì giúp thế hệ sau đổi mới nhận thức về giáo dục và doanh thương, trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hoá của dân tộc và hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xây dựng nội lực cho cuộc đấu tranh giải phóng non sông. Về điều này thì bản thân cụ và gia đình cụ chính là một tấm gương rất sáng, khi phần lớn lợi nhuận và gia sản mà gia đình cụ có được nhờ kinh doanh đều được dùng để làm việc nghĩa: bán cửa hiệu để trang trải công nợ cho ĐKNT, gửi tiền chi viện cho các nhà cách mạng Đông Du ở Quảng Đông và Quảng Tây, xây trường và lót gạch đường làng ở Nhị Khê, chu cấp cho những người yêu nước bị tù đày ngoài Côn Đảo..v.v.

Lương Văn Can, một nhà ái quốc, một nhà cách mạng Duy Tân có tầm nhìn sâu rộng không chỉ về giáo dục, văn hoá mà cả về kinh tế, những giá trị đến ngày nay vẫn được học hỏi, nghiên cứu, nghiền ngẫm. Chính vì những đóng góp đó mà hậu thế luôn nhớ đến cụ, nhiều giải thưởng, tên đường, tên trường học mang tên Lương Văn Can như một cách để tri ân những đóng góp của cụ cho đất nước.

Hoài An

Nguồn:

1.TS Chương Thâu, “Đông Kinh Nghĩa Thục”, NXB Hồng Đức, 2015.

2.Nguyễn Quang Thắng, “Phong trào Duy Tân những khuôn mặt tiêu biểu”, NXB Văn hóa Thông tin, 2006.

3.Nhiều tác giả, “Một trăm năm Đông Kinh nghĩa thục”, NXB Tri thức, 2008, tr 333-343.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4333

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Người kế nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

  • 05/09/2018 10:56
  • 3548

Ngày Quốc khánh lần thứ 24 (2/9/1969), đất nước trải qua một đau thương lớn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa họp phiên đặc biệt, bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước thay cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Tôn Đức Thắng xúc động phát biểu: “Được kế tiếp chức vụ của Hồ Chủ tịch là điều rất vinh quang đối với tôi”.