* Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Nhà thơ, nhà báo Chu Hà, tên thật là Lã Xuân Choát. Ông sinh năm 1914 ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên (Nam Định). Năm 1931, 17 tuổi, ông đã gửi bài và được đăng trên tờ Ngọ Báo ở Hà Nội với bút danh Đài Sơn - tên ngọn núi quê hương Thượng Đồng (nay là Yên Tiến, huyện Ý Yên, Nam Định). Ông cộng tác với nhiều báo ở Hà Nội: Phụ nữ tân văn, Đông thanh tạp chí, Đông phương, Kinh tế tạp chí, Minh nông tạp chí với bút danh Chu Hà. Từ đó, mọi người thường gọi ông theo bút danh Chu Hà - Ráng mây đỏ.
Năm 1936, muốn thoả chí tang bồng mở rộng tầm mắt, ông sang Viên-chăn, nhận làm đại lý phát hành báo công khai cho Đảng, đồng thời vẫn cộng tác với Ngọ Báo (Đổi tên là Việt Báo), làm phóng viên cho các báo Khuyến học (Hà Nội), Công luận, Đàn bà mới (Sài Gòn). Từ hiệu sách chợ Đồng Xuân, báo chí được đưa sang Viên-chăn theo con đường phát hành công khai. Ông tổ chức và lấy hiệu sách A.J.I (L’ami de la jeuness intellectuelle) làm địa điểm gặp gỡ của thanh niên học sinh, trí thức, tuyên truyền sách báo Đảng. Nhóm trung kiên do ông tổ chức được gồm: Cù Văn Phó, Đào Ngọc Dung, Phan Đình Làn. Các ông hoạt động rất tích cực, nhận chuyển cả sách báo của Đảng sang Thái Lan (đại lý đặt ở Tha Khét) tuyên truyền cho đồng bào Việt kiều. Hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội ở trong nước, từ Viên-chăn xa xôi, ông gửi một loạt bài về nước đăng trên báo L’Annam nouveau (Tin tức An Nam) tiêu biểu như: Tiếng nói của dân đóng thuế; Khám nhà và tịch thu trái phép. Đặc biệt, ông đã công kích tư tưởng kỳ thị dân tộc, đòi trục xuất người Việt Nam sinh sông trên đất Cămpuchia và Lào trong bài Về bức thư của Khemmeravích. Năm 1937, ông tổ chức kỷ niệm 20 năm cách mạng tháng Mười ngay tại hiệu sách A.J.I. Nhớ lại những ngày sôi nổi đó, trong hồi ký của mình, ông viết: “Anh Phạm Văn Hảo, chủ hiệu sách chợ Đồng Xuân gửi sang cho tôi mấy tờ báo La Rusie d’aujoud’hui (Nước Nga ngày nay) số đặc biệt về cách mạng tháng Mười. Tôi nghiến ngấu đọc và nẩy ra sáng kiến tổ chức kỷ niệm 20 năm cách mạng tháng Mười vào đúng ngày 7/11/1937 tại Viên-chăn. Anh Trương Đình Nhân, hoạ sĩ nghiệp dư bồi bìa làm khung, treo ảnh Lê-nin trên chỗ trang trọng nhất của nhà sách A.J.I. Buổi tối hôm ấy, ngoài ba chục kiều bào còn có vài bạn Lào quây quần cùng nhau trong nhà sách nghe tôi nói về ảnh hưởng to lớn và ý nghĩa sâu sắc của cách mạng Tháng Mười đối với nhân dân các xứ thuộc địa như chúng ta. Sau đó kết thúc bằng mấy câu thơ ca ngợi lãnh tụ Lê-nin”.
Đầu năm 1938, ông gửi về nhà in Lê Cường in 1500 cuốn Bút Xuân Mậu Dần với các bài thơ và truyện ngắn viết về đời của người nông dân bị địch kiểm duyệt và cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. (Hiện nay, Bút xuân Mậu Dần được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, ký hiệu 11631). Dịp lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, ông vinh dự được các đồng chí lãnh đạo nhóm Tin Tức của Đảng tiếp và chiêu đãi tại trụ sở báo - 105 Phùng Hưng; tuyên dương ông là đại lý đặc biệt của báo Đảng. Sau đó, sang Viên-chăn, ông đến các tỉnh Tha-khet, Sa-va-na-khet, Pắc-sế, vừa nói chuyện về ngày 1/5/1938 ở Hà Nội, vừa mời đồng bào mua báo dài hạn cho Đảng, được đồng bào nhiệt tình hưởng ứng. Ông còn hăng hái giúp dân viết đơn kiến nghị đưa lên Khâm sứ (Lào) đòi giảm thuế thân như đã hứa. Những hoạt động của ông như cái gai trước mắt nhà cầm quyền, ông bị trục xuất ông khỏi Lào “Vì biện pháp an ninh cảnh sát”.
Nhà thơ, nhà báo Chu Hà (1914-2010)
Về quê hương, ông vẫn tiếp tục làm cho chi nhánh báo Tin Tức ở Nam Định, truyền bá quốc ngữ trong nhân dân nên ngày 29/9/1939, ông bị địch bắt và bị kết án 3 năm tù. Từ nhà lao Nam Định lên Hoả Lò, trong ngục tối, nhà thơ Chu Hà nghe “Xuân hồng đương nảy nở/ Trong đông tù u tối/ Bao búp nõn mầm tươi trào ý mới/ Ta đã nghe xán lạn cả ngày mai”. Ở nhà tù Sơn La, được các đồng chí Tô Hiệu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Trân dìu dắt, ông đã trưởng thành trong cuộc đấu tranh sinh tử. Ông tham gia viết báo Suối Reo với những bài thơ mang tinh thần chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản như: Đêm chong nến, Hồn Độc lập, Xuân gọi bạn, Say, Sớm phát nương. Vàng đêm chong nến ngồi thao thức. Mài bút làm gươm nghe máu sôi.
Thoát khỏi ngục tù thực dân, về Nam Định, ông lao ngay vào cuộc đấu tranh đang dâng trào, vận động nhân dân mua tín phiếu ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày Nam định khởi nghĩa, ông đại diện cho Đảng Dân chủ, là uỷ viên Uỷ ban khởi nghĩa, sau đó là Chủ tịch Lâm thời Uỷ ban Nhân dân Cách mạng huyện Ý Yên. Cảm xúc dâng trào trong thời khắc lịch sử đánh dấu thời đại mới của dân tộc được ông ghi lại bằng thơ ngày 19/8 và 2/9/1945 với hào khí Lạc Hồng: “Sấm dậy Tân Trào tung phẫn nộ/ Gươm thề giải phóng phá xiềng gông”.
*Và làm báo kháng chiến
Đầu năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh rồi làm Phó trưởng ty Bình dân học vụ. Kháng chiến bùng nổ, ông làm chủ bút tờ Nam Định kháng chiến với sự cộng tác đắc lực của các đồng nghiệp. Số 1 của báo ra ngày 21/12/1946 phục vụ kịp thời các chiến sĩ đang chiến đấu trên mặt trận và duy trì đến khoảng tháng 9/1947 thì ngừng bản để chuyển sang báo mới lấy tên là Công Dân thay thế tờ Cứu Quốc Khu III bị Lê Hữu Từ cấm giáo dân không được đọc báo này. Nhận nhiệm vụ Tỉnh uỷ Nam Định giao, ông mời nhà thơ Trúc Đường đang ở thôn Thiện Vịnh (huyện Vụ Bản) về làm chủ bút, đồng thời mời được một số cộng tác viên của Hà Nội và thành Nam viết cho báo: Trần Lê Văn, Lộng Chương, Vũ Hoàng Chương, Đoàn Văn Cừ, Bùi Hạnh Cẩn; còn ông làm thư ký toà soạn. Báo phát hành rộng rãi cả các làng xã có đông giáo dân mà Lê Hữu Từ vẫn nghĩ đây là tờ báo trung lập. Ông làm báo Công Dân đến năm 1949 thì chuyển lên Mặt trận Hà Nội làm báo Cứu quốc Thủ đô. Làm báo, nhưng ông vẫn không quên nghiệp thơ. Những bài ông sáng tác trong kháng chiến nặng lòng với quê hương và Hà Nội bị kẻ thù giày xéo và hình ảnh Bác ngời sáng, là ngọn đèn soi rọi cho nhân dân bền gan kháng chiến để “Tiến về Hà Nội Ba Đình nắng/ Dựng một mùa xuân Hồ Chí Minh”. Sau này, những bài thơ trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến của ông được tập hợp lại trong các tập “Văn thơ yêu nước cách mạng (1959); Tiếng hát trong tù (1973); Suối reo (1977)
* Tiếng thơ còn mãi với thời gian
Thủ đô được giải phóng, ông về công tác tại Sở Báo chí Trung ương, đến năm 1959 chuyến sang Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội. Năm 1966, ông là một trong những người đầu tiên sáng lập Hội Văn nghệ Hà Nội. Thời gian này, ông không chỉ sáng tác thơ mà còn say mê sưu tầm, nghiên cứu thể loại nghệ thuật đặc sắc của văn hoá dân gian là hát ca trù. Ông cùng đồng nghiệp biên soạn cuốn “Hát cửa đình Lỗ Khê”, góp phần khôi phục và bảo tồn ca trù đang dần thất truyền. Chính ông đã sáng tác gần 40 bài ca trù, trong đó bài Xuân Rồng Việt Nam do bà Quách Thị Hồ ngâm tại Văn Miếu sau đó, giáo sư Trần Văn Khê thu lại và được UNESCO giới thiệu rộng rãi với bạn bè quốc tế.
Ghi nhận những đóng góp của ông cho cách mạng, năm 1995, Nhà nước tặng thưởng ông phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương vì sư nghiệp văn hoá, nghệ thuật, báo chí. Những bài thơ chan chứa tình đời, mang tính nhân văn cao cả và giàu tính chiến đấu của ông được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tập hợp lại và in trong tập Biến chuyển, Kỷ nguyên hồng (Xuất bản năm 2002). Ở tuổi 90, tinh thần và bút lực chín đằm, ông viết diễn ca về Bác “Bông sen vàng” gồm 79 tiết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hoá lớn của dân tộc và thế giới.
Nhà thơ, nhà báo - người chiến sĩ Chu Hà, từ tuổi thanh xuân đến khi từ giã cõi đời năm 2010 đã dành trọn tâm huyết cho báo chí và văn học nghệ thuật phụng sự nhân dân.
Ths. Phạm Kim Thanh