Cuộc khủng hoảng sâu rộng trên nhiều phương diện của nhà Nguyễn nửa cuối thế kỷ XIX cùng dã tâm xâm lược của thực dân phương Tây khiến nguy cơ mất nước ngày càng hiển hiện. Trong bối cảnh đó, triều đình trung ương Huế có sự phân hóa rõ rệt thành hai phái: chủ chiến và chủ hòa. Bên cạnh đó còn xuất hiện xu thế canh tân mà Nguyễn Lộ Trạch là một trong những gương mặt tiêu biểu.
Cuộc khủng hoảng sâu rộng trên nhiều phương diện của nhà Nguyễn nửa cuối thế kỷ XIX cùng dã tâm xâm lược của thực dân phương Tây khiến nguy cơ mất nước ngày càng hiển hiện. Trong bối cảnh đó, triều đình trung ương Huế có sự phân hóa rõ rệt thành hai phái: chủ chiến và chủ hòa. Bên cạnh đó còn xuất hiện xu thế canh tân mà Nguyễn Lộ Trạch là một trong những gương mặt tiêu biểu.
Nguyễn Lộ Trạch còn có tên gọi khác là Nguyễn Lộc Trạch. Ông sinh ngày 15 tháng 2 năm 1853 (có tài liệu ghi năm 1852), mất năm 1898, tên tự là Hà Nhân, hiệu Kỳ Am, biệt hiệu Quỳ Ưu (còn có các biệt hiệu khác như Hồ Thiên cư sĩ, Bàn cơ điếu đồ…). Quê gốc là làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là xã Điền Môn - Phong Điền - Thừa Thiên Huế) nhưng Nguyễn Lộ Trạch được sinh tại Cam Lộ (Quảng Trị).
Một góc làng Kế Môn - quê gốc của Nguyễn Lộ Trạch (Ảnh chụp năm 2012, nguồn ảnh: nld.com.vn)
Theo Nguyễn Huệ Chi (Từ điển văn học, nhà xuất bản Thế giới, 2004) thì tổ tiên Nguyễn Lộ Trạch trước ở vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh ngày nay, theo Nguyễn Hoàng vào khai phá Thuận Hóa (thế kỷ XVI). Ông thuộc dòng dõi “danh gia thế phiệt” - cha là Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai (thời vua Thiệu Trị), từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên), quyền Thượng thư bộ Hình… Khác với giới sỹ phu đương thời, Nguyễn Lộ Trạch không tham dự các kì thi mà chỉ chú tâm vào tính ứng dụng của khoa học. Do tính cách phóng khoáng, thích ngao du thiên hạ, kết bạn với những văn thân sĩ phu, người cùng chí hướng nên thiên hạ gọi ông là “cậu ấm tàng tàng”.
Nguyễn Lộ Trạch lập gia đình năm 20 tuổi, làm con rể quan phụ chính Trần Tiễn Thành - người trực tiếp đọc và lưu giữ nhiều bản điều trần của nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ. Sớm tiếp cận tân thư Trung Quốc cùng những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ nên Nguyễn Lộ Trạch chịu tác động rất mạnh bởi tư tưởng canh tân cuối thế kỷ XIX. Chính vì vậy mà năm Tự Đức thứ 30 (năm 1877), nhân sự kiện triều đình Huế tổ chức và ra đề thi: Sứ Pháp vào chầu, hòa hiếu hợp lễ ở kỳ thi Hội, Nguyễn Lộ Trạch đã dâng Thời vụ sách I (thượng), vạch trần bộ mặt giả nhân nghĩa, vờ nghị hòa của người Pháp, đồng thời đề ra chủ trương “gấp lo tự lực tự cường”. Bản Thời vụ sách đã gây tiếng vang lớn.
5 năm sau, Cơ mật viện Huế có ý định cử Nguyễn Lộ Trạch sang Hương Cảng (Hồng Kông) nhưng sự việc không thành. Cũng thời gian này, Nguyễn Lộ Trạch đã gửi thư cho Trần Tiễn Thành, có ý nhờ nhạc phụ nhắc nhở triều đình “phải biết tự cường, tự trị, đồng thời phải biết mật giao với các cường quốc thù địch của Pháp như Anh, Đức... để làm thế chân vạc kiềm chế Pháp”. Tuy nhiên, người đứng đầu triều Nguyễn đã phê là ngôn hà quá cao (lời nói cao, đại ngôn).
Tháng tư năm 1882, nhân sự kiện thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (lần thứ hai), Nguyễn Lộ Trạch tiếp tục dâng bản Thời vụ sách II (hạ), gấp rút đề ra những kế hoạch giữ nước. Trong đó có nội dung rất đáng chú ý như sau:
- Tụ binh làm đồn điền để đủ lương ăn. Việc cần thiết như việc tài chính, không thể lấy chữ “bần lý” (lý luận của kẻ nghèo - TG) mà bỏ qua, ngồi chịu cái nạn cùng khốn, túng thiếu.
- Huấn luyện đồn binh: muốn có quân đội cho hùng cường, trước phải làm cho dân giàu, mà dân giàu không ra ngoài hai điều cần thiết là “nuôi” và “dạy” mà thôi!
- Học trường kỵ của nước ngoài để chế ngự: Nguyễn Lộ Trạch “xin chọn con em đại thần cùng bọn Cử nhân, Tú tài hoặc đã ra làm quan, hoặc chưa ra làm quan, chọn người nào có tư chất anh tuấn, cấp hậu lương, hướng cho ra nước ngoài học tập, định trình hạn cho nghiêm và định tưởng thưởng cho hậu thì tự nhiên người ta vui lòng học tập trong vài năm sẽ có thành tài…
- Rộng đường ngoại giao ra nước ngoài để giúp vào mặt thanh viện.
- Xứ Thanh được Nguyễn Lộ Trạch nhìn nhận như một vùng đất địa - chính trị đặc biệt, hiểm yếu, có thể xây dựng thành kinh đô thứ hai, cùng với Huế tạo thành thế ỷ dốc (ứng cứu lẫn nhau - TG), góp phần “bền vững gốc nước”. Dựng “Bắc kinh” (tức kinh đô phía Bắc) xong hãy bàn đến chuyện “sửa trong dẹp ngoài” *.
Song, giống như Thời vụ sách (thượng), bản Thời vụ sách (hạ) cũng không được triều đình quan tâm.
Dẫu vậy, Nguyễn Lộ Trạch vẫn kiên định với đường lối canh tân. Tháng Giêng năm 1884, Nguyễn Lộ Trạch viết bức “Thư đứng tên cùng Phạm Phú Đường gửi Phụ chính đại thần” (Dữ Phạm Phú Đường thướng Phụ chính đại thần), nhắc lại những luận điểm trong kế sách chống ngoại xâm
Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghị chạy ra Quảng Trị, ban chiếu Cần vương rồi bị bắt (1888); phong trào Cần vương vấp phải sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp. Nguyễn Lộ Trạch đành ẩn cư song “vẫn không thôi khắc khoải về thời cuộc”.
Đề nghị canh tân cuối cùng của Nguyễn Lộ Trạch có lẽ là bài viết “Thiên hạ đại thế luận” (Bàn luận về những việc lớn trong thiên hạ). Bài luận của ông được viết vào năm 1892, dưới triều vua Thành Thái. Mặc dù không tham gia kỳ thi Hội năm này nhưng trước đề thi “Đại thế hoàn cầu”, Nguyễn Lộ Trạch đã viết bài luận bàn thế nước của các quốc gia Á Đông trước nguy cơ xâm lược của phương Tây. Ông đã chỉ rõ rằng dã tâm của phương Tây đã có từ lâu, không vì triều đình sợ sệt, cầu hòa mà thực dân Pháp dừng lại, cũng không vì nhà Nguyễn chống lại mà Pháp dấy binh nhiều hơn. Đứng trước thực tế đó, triều đình chỉ còn cách: Từ bỏ tệ quan liêu, thói chuộng hư danh, sửa sang chính trị, giáo dục. Bài luận của Nguyễn Lộ Trạch được đông đảo sĩ phu cả nước có tư tưởng đổi mới đón nhận và khen ngợi.
Những năm tháng cuối đời, Nguyễn Lộ Trạch gần như dành trọn thời gian cho việc ngao du, kết bạn. Ông đã vào Phan Thiết (nơi tập trung nhiều sỹ phu Nam Trung bộ) và dự định xuất dương nhưng chưa kịp thực hiện thì lâm trọng bệnh rồi qua đời tại Bình Định năm 1898 (có tài liệu ghi năm mất của Nguyễn Lộ Trạch là 1895), hưởng dương 45 tuổi.
Phần mộ Nguyễn Lộ Trạch tại làng Kế Môn - Điền Môn - Phong Điền - Thừa Thiên Huế (ảnh: langkemonsaigon.com)
Hiện di cốt Nguyễn Lộ Trạch đã được cải táng, đưa về nghĩa trang làng Kế Môn (xã Điền Môn - Phong Điền - Thừa Thiên Huế). Mộ Nguyễn Lộ Trạch không được xây dựng cầu kỳ (đường kính 3m, thành mộ cao 0,4m, dày 0,2m) và được công nhận là Di tích quốc gia theo quyết định số 52/2001/QÐBVHTT ngày 28 tháng 12 năm 2001.
Mộ Nguyễn Lộ Trạch được công nhận Di tích quốc gia ngày 28 tháng 12 năm 2001 theo quyết định số 52/2001/QÐBVHTT (ảnh: langkemonsaigon.com)
Thông qua những kiến nghị của Nguyễn Lộ Trạch, có thể nhận thấy trong bối cảnh xã hội Việt Nam khủng hoảng trầm trọng về nhiều mặt, dưới tác động của trào lưu đổi mới của một số nước châu Á, trước nguy cơ mất nước hiển hiện về tay thực dân Pháp, nửa cuối thế kỷ XIX, ở Việt Nam đã xuất hiện một dòng tư tưởng đổi mới với nhiều gương mặt xuất sắc như Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Tư Giản, Trần Đình Túc… Họ là những “trí thức mới”, sớm tiếp thu những tiến bộ khoa học kỹ thuật phương Tây, từ đó đề nghị hàng loạt hành động đổi mới đất nước lên triều đình trung ương Huế.
Cũng như những người cùng chí hướng, quan điểm của Nguyễn Lộ Trạch mang hơi hướng Tư bản chủ nghĩa, tấn công trực diện vào nền văn minh nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu của quốc gia, vạch ra những suy nghĩ, hướng đi mới.
Tuy nhiên, đa phần các đề nghị của Nguyễn Lộ Trạch đều bị vua Tự Đức phủ nhận vì nguyên nhân mà chủ yếu xuất phát từ sự bảo thủ, giáo điều của vua quan nhà Nguyễn trong trường tư tưởng phong kiến… Bởi vậy, dù nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học hậu thế song chủ trương canh tân đất nước đa phần chỉ nằm “trên giấy” và không được áp dụng rộng rãi trên thực tế.
Đây thực sự là điều đáng tiếc cho Nguyễn Lộ Trạch và nhà Nguyễn, nhất là khi con đường cứu nước mà triều đình Huế đi theo đã không thể bảo vệ độc lập quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Chú thích:
* Lược ghi theo Di cảo cụ Mính - Viên (1996), Một bậc tiên thời nhân vật đồng thời với Nguyễn Trường Tộ ít ai biết - Nguyễn Lộ Trạch, Bà Nguyễn Thị Nghiên tại Nhà Anh Minh xuất bản, từ trang 28 đến 45.
PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ
TRƯƠNG THỊ HẢI
Tài liệu tham khảo:
1.Nguyễn Huệ Chi (2004), Tự điển Văn học (bộ mới), NXB Thế Giới, 2004.
2.Đoàn Lê Giang (1987), “Thiên hạ đại thế luận” của Nguyễn Trường Tộ, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 5+6.
3.Trương Thị Hải (2014), Tìm hiểu dòng canh tân đất nước nửa cuối thế kỷ XIX, Luận văn Thạc sỹ Sử học, Đại học Quốc gia Hà Nội.
4.Hải Ngọc Thái Nhân Hòa (2005), Xu hướng canh tân, phong trào duy tân, sự nghiệp đổi mới (từ giữa thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX), Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
5.Đinh Xuân Lâm (1999), Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.
6.Nguyễn Thị Nghiên (1996), Một bậc tiên thời nhân vật đồng thời với Nguyễn Trường Tộ ít ai biết - Nguyễn Lộ Trạch, Di cảo cụ Mính - Viên, Nxb Anh Minh.
7.Lê Sỹ Thắng (1997), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
8.Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (2006), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NxbTổng hợp TP. Hồ Chí Minh.
9.Viện Triết học, Tự Đức ngự chế thi tập. Tư liệu Viện Triết học, kí hiệu 44-AH.