Trong khói lửa ngút trời của trận địa, ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I (tên gọi ban đầu của Trung đoàn Thủ đô) được thành lập. Trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc thiêng liêng, cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn tự hào gắn lên mũ "ca - lô" ngôi "sao tròn" của Quân đội quốc gia. Ngôi sao tròn đã trở thành kỷ niệm sâu sắc của các chiến sĩ quyết tử. Trung đoàn Thủ đô Anh hùng mãi mãi là niềm tự hào của người Hà Nội và của nhân dân cả nước. Ông Lê Trung Toản là Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn.
Trong khói lửa ngút trời của trận địa, ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I (tên gọi ban đầu của Trung đoàn Thủ đô) được thành lập. Trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc thiêng liêng, cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn tự hào gắn lên mũ "ca - lô" ngôi "sao tròn" của Quân đội quốc gia. Ngôi sao tròn đã trở thành kỷ niệm sâu sắc của các chiến sĩ quyết tử. Trung đoàn Thủ đô Anh hùng mãi mãi là niềm tự hào của người Hà Nội và của nhân dân cả nước. Ông Lê Trung Toản là Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn.
Ông đã về cõi Niết bàn ngày 2/11/2017 với 97 tuổi đời, 75 tuổi Đảng. Kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Trung đoàn Thủ đô (6/1/1947-6/1/2018), tôi viết bài này để tri ân ông.
Ông Lê Trung Toản, tên thật là Nguyễn Ngọc Đĩnh, sinh năm 1921 ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Lên 9 tuổi, ông đã được gia đình cho ra Hà Nội học ở trường tư thục Thăng Long. Ở cấp trung học, ông đã sớm đọc tác phẩm Người Mẹ của Mác-xim Gooc-ki và sách báo truyền tay trong trường.
Năm 1939, Nguyễn Ngọc Đĩnh và các bạn Bùi Huy Thục (tức Hồng Thao), Trần Hồng (tức Trần Việt Phương) được kết nạp Đảng cùng một đợt. Trong dịp kỷ niệm thành lập Đảng tháng 1/1941, ông bị địch bắt rồi bị đày lên nhà tù Sơn La. Chính ở nơi ma thiêng nước độc này, ông đã được học thêm lý luận về chủ nghĩa cộng sản và quan trọng nhất là được tôi rèn ý chí, nghị lực để hoạt động cách mạng. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, bọn cai ngục buộc phải đồng ý thả một số đồng chí, nên ông được ra tù đợt này. Từ Hiền Lương (Phú Thọ), ông Nguyễn Ngọc Đĩnh và Trần Quốc Hoàn về An toàn khu của Xứ uỷ ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) rồi ông được phân công trở lại Sơn La để chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa của tỉnh Sơn La. Đêm 19/8/1945, ông về Hà Nội, Xứ uỷ điều động ông về công tác tại Thành uỷ Hà Nội. Để tiện cho hoạt động công khai, cán bộ phải có tên mới. Ông Nguyễn Huy Khôi lấy tên là Trần Quang Huy, ông lấy tên mới Lê Trung Toản. Ngày 25/8/1945, ông Trần Quốc Hoàn thay mặt Xứ ủy chủ trì phiên họp đầu tiên của Thành ủy, chỉ định ông Trần Quang Huy làm Bí thư, ông Lê Trung Toản là Thành ủy viên, phụ trách công tác quân sự địa phương và lực lượng Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, Tự vệ Thành ở các khu phố, Dân quân tự vệ ngoại thành.
Ông Lê Trung Toản (1921-2017).
Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu là lực lượng vũ trang nòng cốt của thành phố Hà Nội đặt dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, Xứ ủy, Thành ủy, chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài, phối hợp chặt chẽ với Công an xung phong làm lực lượng xung kích tiêu diệt Việt gian, phản động, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ trong tình thế gian nan "ngàn cân treo sợi tóc". Ngoài ra, Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu và Vệ quốc đoàn còn huấn luyện quân sự cho Tự vệ Thành và hội viên các đoàn thể cứu quốc. Ông vừa phụ trách Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu, vừa là Bí thư Chi bộ của Đội (Tháng 9/1945, Chi bộ chỉ có 3 người: Lê Trung Toản, Nguyễn Anh Bảo, Hồng Thao). Tháng 10/1945, theo chỉ thị của Xứ ủy, ông Lê Trung Toản đã chọn ông Nguyễn Hữu Văn (tức Tạ Quang Chiến) và Nguyễn Chương đi làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Ngoài ra, ông còn cử 4 đội viên khác bảo vệ Bác ở địa điểm bí mật số 8 phố Lê Thái Tổ và Bưởi (Đấu Đong) là Lê Thư, Nguyễn Thế Mỹ, Đặng Văn Mỹ, Trần Minh Trung.
Ngày 12/7/1946, lực lượng Công an và Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu đã phối hợp chặt chẽ tấn công vây bắt bọn phản động ở các địa điểm (số 7 Ôn Như Hầu nay là phố Nguyễn Gia Thiều), 80 Quán Thánh, đường Đỗ Hữu Vị, âm mưu làm cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền cách mạng nhân dịp quốc khánh Pháp (ngày 14/7). Sau khi phối hợp cùng Công an vây bắt bọn phản động, tự vệ chiến đấu ở lại chốt giữ vị trí. Đây là một trận đánh tuyệt đẹp, thể hiện sự lớn mạnh trưởng thành của lực lượng vũ trang Hà Nội trong bão táp cách mạng. Sau đó, ông Lê Trung Toản được điều động xuống Hải Phòng làm Bí thư Thành uỷ.
Cuối tháng 11/1946, chuẩn bị kháng chiến, các cơ quan Đảng, Ủy ban bảo vệ của ba Liên khu nội thành và 5 khu ngoại thành được kiện toàn. Đối với Liên khu I, Khu ủy khu XI chỉ định: ông Nguyễn Hữu Mai, Khu ủy viên Khu XI, làm Bí thư; ông Lê Trung Toản, Khu ủy viên Khu XI, làm Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ Liên khu I kiêm Phó Bí thư; ông Hoàng Phương là ủy viên Liên khu I (1)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung đoàn Thủ đô, 1946.
Ban tác chiến của Liên khu I cũng được thành lập để giúp Ủy ban bảo vệ Liên khu, gồm các ông: Hoàng Siêu Hải, cán bộ của Ban chỉ huy Khu XI biệt phái về Liên khu I làm Trưởng ban; Hoàng Phương, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên tự vệ Hà Nội, Ủy viên; Nguyễn Văn Triệu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn, ủy viên; Vũ Yên, ủy viên. Ngoài Ủy ban bảo vệ còn có các ban khác: Ban Tuyên truyền do ông Hồ Lịch làm Trưởng ban. Ban Tình báo do bà Lê Song Toàn làm Trưởng ban. Ban Quân pháp do ông Trần Xuân Trường làm Trưởng ban. Ban Quản lý do ông Bùi Nguyên Cát làm Trưởng ban. Ban Cứu thương do ông Phạm Văn Trừng làm Trưởng ban. Văn phòng do ông Hoàng Phú làm thư ký, có đội liên lạc do ông Nguyễn Quỳ làm đội trưởng và một tổ điện đài do ông Nguyễn Khắc Hữu là tổ trưởng (2)
Liên khu I là địa bàn tập trung các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, có địa hình địa vật thuận lợi để tổ chức trận địa phòng ngự chiến đấu dài ngày. Do đó, trong kế hoạch tác chiến, Ban chỉ huy mặt trận khu XI chủ trương xây dựng Liên khu I thành một chốt thép kiên cường để thu hút, kiềm chế, giam chân địch trong lòng thành phố, đồng thời phối hợp với Liên khu II và III đánh địch trên toàn mặt trận, tạo điều kiện cho Trung ương rút lên Việt Bắc an toàn. Cụ thể như sau: “Liên khu I, khi nổ súng, vẫn giữ như khu hành chính cũ: phía nam và tây nam theo đường Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ); phía tây bắc từ đường Cổ Ngư tới Yên Phụ; phía bắc và đông bắc là dọc sông Hồng từ Yên Phụ đến Nhà hát lớn. Sau ba ngày chiến đấu tiêu hao địch, Liên khu I thu hẹp lại: Giới tuyến phía nam dọc đường Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông; phía tây theo đại lộ Phùng Hưng; phía bắc và đông bắc theo đường xe lửa tới cầu Long Biên, ven theo sông Hồng trở về Lò Sũ. Sau ba ngày chiến đấu tại những khu vực của mình, tiểu đoàn 101 rút vào Liên khu I, thực hiện ý định “Trùng độc chiến”, cố gắng chiến đấu trong lòng địch 15 ngày để phối hợp với ngoại tuyến”(3). Trước ngày tác chiến, Liên khu I được Ban chỉ huy khu XI ưu tiên, phát vũ khí nhiều hơn Liên khu II và III gồm 1 vạn viên đạn dự trữ, 6 bom ba càng, 500 lựu đạn mỏ vịt, 100 chai xăng crếp; 2 máy thông tin vô tuyến điện; lương thực dự trữ đủ ăn cho 5000 người trong ba tháng(4).
Một tổ súng trung liên chiến đấu tại mặt trận Hà Nội, tháng 12-1946.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ và Ban chỉ huy Mặt trận khu XI, Ban chỉ huy Trung đoàn đã tổ chức, chiến đấu giam chân địch và tiêu hao không chỉ một tháng như kế hoạch dự định mà là hai tháng.
Những kỳ tích vang dội được ghi trong trang sử đất nước của Trung đoàn Thủ đô, không thể tách rời tên tuổi của "những người khổng lồ": tham mưu trưởng Hoàng Phương giỏi tiếng Pháp và lịch lãm, Phạm Văn Trừng giỏi tiếng Trung, thường giao dịch với Hoa Kiều, vận động họ rời khỏi Liên khu I; Vũ Lăng oai hùng xông pha "liều mình như chẳng có" giữa khói lửa đạn bom. Vũ Yên, Hoàng Siêu Hải….đều là những cán bộ giỏi, sau này trở thành những vị tướng cầm quân mưu lược, can đảm của Quân đội nhân dân Việt Nam. Là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Liên khu I kiêm Chính ủy Trung đoàn Thủ đô, ông Lê Trung Toản đã đoàn kết, phát huy được sở trường của mỗi cán bộ chỉ huy Trung đoàn và Tiểu đoàn để rồi có những quyết định sáng suốt vào những thời khắc mang tầm chiến lược: Thống nhất các lực lượng vũ trang đang chiến đấu trên địa bàn Liên khu I thành một Trung đoàn để tạo sức mạnh của quả đấm thép (ngày 6-1-1947); tổ chức Lễ quyết tử (ngày 14-1-1947); nhân dịp tết dân tộc (Đinh Hợi, 1947) tổ chức bữa tiệc long trọng tiếp đại biểu lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa, chứng minh sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân. Ngày 15-2-1947 họp cán bộ trung đoàn, thống nhất quyết định rút khỏi Liên khu I vào đêm 17/2/1947 dù tình thế hiểm nghèo để bảo toàn lực lượng sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
Ths. Phạm Kim Thanh
TLTK:
(1), (2) Lê Trung Toản: Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh, NXBHN, H 2000, tr 110-111. Ngày 15-1-1947, đồng chí Nguyễn Hữu Mai theo lệnh của Khu ủy, theo đồng bào tản cư ra hậu phượng nhân công tác mới, từ đây, Chính ủy Trung đoàn Thủ đô Lê Trung Toản là Bí thư Liên khu ủy Liên khu I.
(3) Theo tư liệu của ông Nguyễn Văn Triệu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 101 thì Lực lượng vũ trang trên địa bàn Liên khu I có 500 cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 101 với 450 súng; 720 Tự vệ chiến đấu với 240 khẩu súng các loại. Tự vệ Thành ở 7 khu phố của Liên khu (Hoàn Kiếm, Đông Thành, Đông Kinh Nghĩa Thục, Hồng Hà, Long Biên, Trúc Bạch, Phúc Xá) có khoảng 2.500 chiến sĩ.
(4) Trung tướng Vương Thừa Vũ: Hà Nội 60 ngày khói lửa, sđd, tr 47-48.