Phong trào Đông du đang tiến triển một cách tốt đẹp, có hiệu quả đột ngột phải dừng lại bởi Hiệp ước Pháp – Nhật có hiệu lực vào năm 1909(7). Theo Hiệp ước đó, lưu học sinh Việt Nam phải rời khỏi nước Nhật. Trước tình thế đó, Phan Bội Châu giải quyết vấn đề lưu học sinh theo ba hướng: 1) Cho phần đông lưu học sinh Nam kỳ về nước (Thống đốc Nam kỳ buộc phụ huynh gọi con em về nước); 2) Theo Phan Bội Châu và Cường Để về Trung Quốc, Xiêm La hoạt động, học tập; 3) Một số có điều kiện thì “mai danh ẩn tích”, ở lại Nhật tiếp tục học tập thành tài.
Phong trào Đông du đang tiến triển một cách tốt đẹp, có hiệu quả đột ngột phải dừng lại bởi Hiệp ước Pháp – Nhật có hiệu lực vào năm 1909(7). Theo Hiệp ước đó, lưu học sinh Việt Nam phải rời khỏi nước Nhật. Trước tình thế đó, Phan Bội Châu giải quyết vấn đề lưu học sinh theo ba hướng: 1) Cho phần đông lưu học sinh Nam kỳ về nước (Thống đốc Nam kỳ buộc phụ huynh gọi con em về nước); 2) Theo Phan Bội Châu và Cường Để về Trung Quốc, Xiêm La hoạt động, học tập; 3) Một số có điều kiện thì “mai danh ẩn tích”, ở lại Nhật tiếp tục học tập thành tài.
Để giải quyết tốt đẹp vấn đề trên, Hội Công hiến phải có một loạt những điều kiện mà trước hết là tài chính. Lúc này, tài chính trong tay Hội trưởng đã cạn kiệt. Phan Bội Châu khuyên những lưu học sinh có mối quan hệ tốt với người Nhật viết thư cậy nhờ giúp đỡ của họ. Còn Phan Bội Châu, thông qua Nguyễn Thái Bạt, viết thư gửi bác sĩ Asaba Sakitarô cậy nhờ sự giúp đỡ trong lúc khó khăn. Thư gửi đi, Phan hồi hộp đợi chờ sự phản hồi. Không ngờ, thư gửi đi buổi sáng, buổi chiều đã có hồi âm tốt lành. Bác sĩ Asaba Sakitarô đã gửi cho cụ Phan một khoản tiền 1.700 yên(8) kèm những lời chứa chan tình cảm: “Nhặt nhạnh trong nhà chỉ còn có thế, tạm thời gửi trước. Lần sau nếu cần, đừng ngại, cứ lên tiếng. Tôi sẽ làm những gì có thể làm được”. Biết rằng tiền lương hàng tháng của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Higashiasaba là 18 yên, món tiền đó có giá trị biết nhường nào, to biết nhường nào. Nhưng cái lớn lao nhất, cái giá trị nhất nằm ở tấm lòng người cho. Cầm lá thư và khoản tiền trong tay, Phan Bội Châu không cầm được lòng mình, rơi lệ. Trong Phan Bội Châu Niên biểu, Cụ ghi lại câu thơ sau để nói lên nỗi vui mừng khôn xiết của cụ: Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ/ Liễu ám hoa minh biệt hữu thôn, nghĩa là Non cùng nước tận, ngờ không lối/ Liễu lấp hoa lòe thấy hướng ra. Cụ Phan đã dùng số tiền đó thu xếp cho một số lưu học sinh rời nước Nhật, nuôi nấng những người còn lại cho đến khi rời nước Nhật, góp một ít tiền cho Hội Điền Quế Việt Liên minh, dùng một khoản để in 3.000 bản cuốn Hải ngoại huyết thư bằng 3 thứ tiếng (chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ), in 1.000 bản cuốn Việt Nam quốc sử khảo và cuốn Trần Đông Phong truyện. Trước khi rời Nhật Bản, ngày 8/3/1909, Phan Bội Châu đến Kôfutsu để chào Asaba và cảm ơn tấm lòng hào hiệp của bác sĩ. Chủ khách nâng chén rượu mừng, hẹn ngày tái ngộ và chia tay trong vội vã. Chắc Cụ Phan không ngờ đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Trong Phan Bội Châu niên biểu, Cụ đã nhớ lại: “Khi mới vào cửa, Thái Bạt giới thiệu tôi với tiên sinh, tôi chưa kịp nói tạ ơn, tiên sinh vội vàng dắt tay tôi kéo vào nói chuyện, chốc bày cơm rượu ra... Khi tiên sinh nói chuyện với tôi, rất khinh bỉ chính khách Nhật Bản, tức như ông Đại Bôi, Khuyễn Dưỡng Nghị, tiên sinh cũng không thèm nhắc tới, nói với tôi rằng: “Bọn nó đối với các ngài, chính là nghề tay trái của bọn âm mưu dã tâm mà thôi”(9). Năm sau, và ngày 25/9/1910, Asaba Sakitarô mất tại nhà riêng vì bệnh lao phổi.
Chí sĩ Phan Bội Châu (ngồi hàng đầu thứ hai từ phải sang) chụp ảnh trong ngày dựng bia cho ân nhân- bác sĩ Asaba Sakitaro tại Nhật Bản năm 1918.
Tháng 5 năm Đại chính thứ sáu (1917), sau khi ra khỏi nhà tù Quảng Đông, Phan Bội Châu bí mật sang Nhật thăm Kỳ Ngoại hầu Cường Để và được biết bác sĩ Asaba Sakitarô, ân nhân của phong trào Đông Du đã mất năm 1910, tức sau khi Cụ rời nước Nhật hơn một năm. Chưa có gì đền đáp tấm lòng nghiệp hiệp của ân nhân, cụ Phan đến tận quên hương, trước nấm mồ thắp nén hương và hứa năm sau quay lại dựng bia tri ân.
Theo đúng lời hứa trước nấm mồ của ân nhân, năm 1918, Phan Bội Châu đưa theo Lý Trọng Bá(10), một người mai danh ở lại và đang học tại Trường Đại học Công nghệ ở Nagôya, quay lại, trình bày với vị trưởng thôn nghe về kế hoạch làm Bia Tri ân bác sĩ Asaba Sakitarô. Nghe xong, trưởng thôn cảm động vô cùng. Trưởng thôn biết chắc Phan Bội Châu, kẻ hàn sĩ, trong túi không có mấy tiền nên có sáng kiến huy động sức người, sức của trong dân làng giúp Phan thực hiện ý tưởng cao đẹp đó. Trong một cuộc họp với các bậc phụ huynh Trường Tiểu học của làng, ông Trưởng thôn Okamôtô Sanjirô thưa với các bậc phụ huynh rằng hai người này (đưa tay chỉ Phan Bội Châu và Lý Trọng Bá) vượt ngàn dặn tới đây để dựng Bia Tri ân cho thầy Asaba Sakitarô, chúng ta nên giúp đỡ hai ông. Tiếng vỗ tay đồng tình vang lên. Công việc tiến hành khẩn trương trong một tháng. Tấm bia đã tạo tác xong và ông Ốsugi Kyôkurei khắc chữ Hán của Phan Bội Châu lên bia đá. Bia cao 2,7m, rộng 0,87m được đặt trên một bệ đá cao trên 1m, dựng trong khuôn viên chùa Giôrin, cạnh ngôi mộ của bác sĩ Asaba Sakitarô. Tấm bia tri ân hội tụ ý tưởng cộng 100 yên của Phan Bội Châu và công sức của dân làng Umeyama. Hôm khánh thành Bia Tưởng niệm, cả dân làng tập trung mở tiệc ăn mừng. Hôm dựng bia có thêm một người Việt Nam đến dự nữa đó là Nguyễn Thái Bạt, tức Lý Huy Lượng.
Sự kiện đó được Lý Trọng Bá ghi lại bằng một tấm hình làm kỷ niệm mà bây giờ cùng với tấm bia là những vật chứng duy nhất và thuyết phục ghi nhận và khẳng định Phan Bội Châu và Asaba Sakitaô trở thành những người đặt viên đá tảng cho tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản(11).
Mặt trước tấm bia khắc chữ Hán đã được ông Gôto Kinpei dịch sang tiếng Nhật và ông Chu Xuân Giao dịch sang tiếng Việt như sau:
“ Chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới đất Phù Tang, Ngài nể thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi! Nay chúng tôi sang mà đâu thấy, trời xanh, biển thẳm, cúi ngưỡng nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối xúc cảm nơi bia đá. Lời minh rằng:
Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn khắp cả trong ngoài, Ngài ban thời như trời lớn, tôi nhận thời như biển đầy.
Chí tôi chưa thành mà Ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này, ngàn thu ghi tạc.
Ngày Xuân năm Mậu Ngọ (Đại Chính năm thứ 7, tức năm 1918).
Việt Nam Quang phục Hội đồng nhân cẩn chí”
Mặt sau tấm bia ghi:
“Tháng 3 năm Đại Chính thứ 7 (1918). Người tán thành, Ôkamôtô Sanjirô, Ôkamôtô Setsutarô, Asaba Yôshiô”(12)
Bia Tri ân bác sĩ Asaba Sakitarô của Phan Bội Châu sừng sững đứng đó đến nay đã gần 100 năm bất chấp nắng mưa, giông bão và sẽ trường tồn trong lịch sử hai nước Việt Nam và Nhật Bản. Tấm Bia đá sừng sững đó cũng là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự hình thành mối quan hệ thân hữu giữa hai nước dù trái đất này có dâu bể đổi thay.
PGS.TS Phạm Xanh
Chú thích:
7.Phan Bội Châu. Sđd, tr.113.
8.Tương đương khoảng 30 triệu yên ngày nay, tức hơn 200 nghìn đô la Mỹ.
9.Phan Bội Châu. Sđd, tr.184
10.Lý Trọng Bá tên thật là Lưu Yến Đan. Khi Nhật trục xuất lưu học sinh Việt Nam ra khỏi nước Nhật, ông trốn ở lại, lấy quốc tịch Trung Hoa, được học bổng, lúc đó đang theo học Trường Đại học Đế quốc Công nghiệp Nagoya, tiếp đó lên học tại Teikuku Tokyo, đậu Tiến sĩ khoa Công nghiệp. Ông giỏi thơ, nhạc và chơi vĩ cầm rất hay. Lý Trọng Bá đích thân đưa Phan Bội Châu tới gặp trưởng thôn để làm Bia Tri ân ông Asaba Sakitaro.
11.Qua bao thăng trầm, năm 1973, hai nước Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao và từ nền tảng mà Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro đặt đầu thế kỷ XX, tòa lâu đài hữu nghị Việt - Nhật được hình thành và kiện toàn.
12.Tác giả đã chép nguyên văn chữ Hán và bản dịch tại khu tưởng niệm Phan Bôi Châu trong chuyến thăm năm 2011 sau khi Nhật Bản hứng chịu trận động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện nguyên tử.