Trong cuộc đời hoạt động cách mạng nhằm giành lại nền độc lập cho dân tộc, Phan Bội Châu đã để lại một di sản tư tưởng đồ sộ, trong đó có lẽ quý giá nhất là những di sản vật chất và tinh thần trong những năm hoạt động ở Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà cách mạng Phan Bội Châu (26/12/1867 - 26/12/2017), tôi viết bài này nhằm tôn vinh hai nhân vật lịch sử Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro, từ những người cộng sự trở thành người xây nền đắp móng cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng nhằm giành lại nền độc lập cho dân tộc, Phan Bội Châu đã để lại một di sản tư tưởng đồ sộ, trong đó có lẽ quý giá nhất là những di sản vật chất và tinh thần trong những năm hoạt động ở Nhật Bản đầu thế kỷ XX. Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà cách mạng Phan Bội Châu (26/12/1867 - 26/12/2017), tôi viết bài này nhằm tôn vinh hai nhân vật lịch sử Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro, từ những người cộng sự trở thành người xây nền đắp móng cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản.
Sau khi thành lập Hội Duy Tân năm 1904, Hội giao cho Phan một nhiệm vụ quan trọng: bí mật sang Nhật Bản cầu viện. Được sự dẫn đường của Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu cùng một đệ tử của mình là Đặng Tử Kính sang Nhật Bản cầu viện. Trong mắt của chủng tộc da vàng đang bị thực dân phương Tây đô hộ, Nhật Bản nổi lên như người anh cả sau khi đánh thắng Nga Sa hoàng. Đại diện tiêu biểu của nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Inđônêxia, Phillipin, Ấn Độ... lần lượt tìm đến Nhật học tập kinh nghiệm. Việt Nam không đứng ngoài trào lưu chung đó và góp phần tạo nên một “Châu Á thức tỉnh”.
Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940)
Cầu viện không thành, Phan Bội Châu theo lời khuyên của Lương Khải Siêu, một nhà cách mạng Trung Hoa đang sống lưu vong ở Nhật Bản, chuyển sang cầu học. Phong trào Đông Du phát tích từ đây. Phong trào Đông Du thực chất là đưa thanh thiếu niên yêu nước Việt Nam sang Nhật du học nhằm chuẩn bị đội ngũ cách mạng có trí tuệ, có nhân cách cho phong trào giải phóng dân tộc nước ta. Cả nước hưởng ứng nhiệt liệt, đặc biệt từ khi Hoàng thân Cường Để, cháu đích tôn sáu đời của vua Gia Long, gửi Kính cáo đồng bào Lục tỉnh và Khuyến cáo quốc dân kêu gọi dân Nam kỳ hưởng ứng phong trào Đông Du bằng cách gửi con em sang Nhật du học và trợ giúp kinh tài cho phong trào. Dân Nam kỳ, dân hưởng lộc của chúa Nguyễn và triều Nguyễn, đã mạnh mẽ đáp lời kêu gọi của Hoàng thân Cường Để. Trong số 200 du học sinh Việt Nam tại Nhật có hơn nửa là thanh thiếu niên Nam kỳ. Khi số lưu học sinh đông lên, việc quản lý trở thành một vấn đề quan trọng được đặt ra và cần phải giải quyết một cách riết róng với những người khởi xướng phong trào. Giữa năm 1907, Phan Bội Châu cho lập Việt Nam Công hiến Hội nhằm mục đích quản lý lưu học sinh học tập, sinh hoạt và giữ gìn mối quan hệ thân thiết với cư dân bản địa. Kỳ ngoại hầu Cường Để làm Hội trưởng, Phan Bội Châu làm Tổng lý kiêm Giám đốc, thực chất là người chỉ đạo tổ chức này. Cơ cấu tổ chức của Hội gồm 4 bộ: Bộ Kinh tế, Bộ Kỷ luật, Bộ Giao tế và Bộ Văn thư để chỉ đạo từng mặt hoạt động của lưu học sinh. Hệ thống tổ chức, bố trí nhân sự và điều hành hoạt động của “cộng đồng quốc dân” yêu nước tại Nhật Bản như chính cụ Phan đã từng mong muốn: “Chúng tôi dựng lên Tân Việt Nam Công hiến, bắt chước làm như một chính phủ lâm thời của nước Nam ở hải ngoại. Tuy cách thức sắp xếp còn sơ sài, nhưng có ảnh hưởng tới dân khí trong nước mau lắm”(1)
Công hiến Hội tổ chức những buổi sinh hoạt chính trị vào sáng Chủ nhật hàng tuần, nghe Hội trưởng và Tổng lý huấn thị, khuyến cáo những vấn đề liên quan đến cuộc sống, học tập, tu dưỡng và quan hệ với người bản địa. Có khi Tổng lý tổ chức bình giảng nội dung một cuốn sách, một chủ thuyết chính trị phổ biến hiện thời nhằm nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, củng cố lòng yêu nước. Phần cuối mỗi buổi sinh hoạt chính trị thường giành thời gian cho lưu học sinh tự bộc bạch những ý kiến, những quan điểm về một vấn đề mang tính thời sự nào đó hoặc kể những câu chuỵên đã xảy ra với mình, hoặc nêu lên những khó khăn, những thuận lợi trong cuộc sống nơi xứ người. Qua những buổi sinh hoạt chính trị đó, lưu học sinh Việt Nam tại Nhật không bao giờ quên hai câu chuyện được người trong cuộc chứng kiến, trực tiếp tham gia và kể lại. Nguyễn Thái Bạt(2), khi xuất dương sang Nhật du học đã gặp Phan Bội Châu ở Hương Cảng và đã gây ấn tượng lớn với Phan: “trong 7 người, duy có ông Nguyễn Thái Bạt tình nguyện đi ăn xin mà học. Tôi chỉ cấp cho ông 22 đồng và đủ phí đi tàu qua Nhật Bản. Ông hăng hái từ biệt ra đi...”(3). Và khi thành lập Công hiến Hội ông được Phan đưa vào làm Ủy viên Bộ Giao tế. Chính Phan đã khuyến khích ông kể câu chuyện của mình.
Chuyện kể rằng, lộ phí chỉ đủ đi tàu nên ông đã từng đi xin ăn, có khi đói lả và bị ngất xỉu trên đường. Ông được bác sĩ Nhật Bản là Asaba Sakitaro(4) mang về nuôi nấng trong nhà. Khi sức khỏe được hồi phục, bác sĩ tốt bụng người Nhật đó nghe tin Phan Bội Châu và những người đồng hương của Cụ ở Tôkyô đang thành lập Hội Việt Nam Công hiến, Nguyễn Thái Bạt xin phép bác sĩ lên Tôkyô để tham gia. Asaba không những vui mừng, mà còn cho tiền để anh theo học Đồng văn thư viện, là trường học phổ thông và ngoại ngữ cho lưu học sinh Việt Nam và Trung Quốc.
Bác sĩ Asaba Sakitaro (1867-1910)
Phan Bội Châu đã lắng nghe câu chuyện đầy xúc động đó và khuyên Thái Bạt tiếp tục giữ mối quan hệ với bác sĩ người Nhật và tự nhủ mình có dịp nào đó, ông sẽ thay mặt Hội về quê nhà bác sĩ Asaba Sakitarô để cảm ơn tấm lòng hào hiệp của bác sĩ.
Câu chuyện thứ hai liên quan tới cái chết đầy thương tâm nhưng tràn trề khí phách của một lưu học sinh Nghệ An tại Tôkyô mà thanh thiếu niên Việt Nam đang du học ở Nhật Bản thời đó đều biết. Đó là cái chết bi thương của Trần Đông Phong(5). Số là năm 1908, một phái đoàn phụ huynh Nam kỳ do ông Nguyễn Thần Hiến dẫn đầu, sang thăm. Gặp lại người đồng chí, đồng tâm trong chuyến Nam du năm nào, Phan Bội Châu hết sức phấn chấn và đích thân dẫn đoàn đi thăm các cơ sở học tập và sinh hoạt của lưu học sinh, đặc biệt những nơi có lưu học sinh Nam kỳ. Trở về Nam kỳ, ông Nguyễn Thần Hiến tiến hành vận động trong giới giàu có Nam kỳ gửi con em du học và tài chính cho phong trào. Cùng với uy tín của Hoàng thân Cường Để, do vậy, sự hưởng ứng phong trào Đông Du ở Nam kỳ càng mạnh hơn Trung, Bắc kỳ và được thể hiện không chỉ ở số lượng lưu học sinh (bằng cả số lượng Trung, Bắc cộng lại), mà cả tài chính. Có lúc lưu học sinh Trung, Bắc sống nhờ vào những đồng tiền quên góp được từ Nam kỳ gửi sang. Cái điều tưởng như bình thường đó lại là bất thường trong suy nghĩ của một số lưu học sinh có lòng tự trọng xứ Trung kỳ, dẫn đến cái chết bi thương của lưu học sinh Trần Đông Phong, quê Nghệ An. Trước khi tự kết liễu đời mình, Trần Đông Phong đã để lại một lá thư tuyệt mệnh trong cuốn sổ giấu trước bụng: “Nhà tôi giàu có, cả tiền với thóc, kể đến hàng vạn, mà gần đây học phí trong trường chỉ là nhờ Nam kỳ cấp cho anh em, tôi đã nhiều lần viết thư về nhà khuyên cha tôi bắt chước làm như Trương Tử Phòng phá sản vì nước, cha tôi không trả lời. Tôi nghĩ tôi là con một nhà giàu, xấu thẹn với anh em quá nên tôi phải tự vẫn cho cha tôi biết chí tôi và cũng để tạ tội với anh em...
“ Nhà tôi giàu có nhưng đất nước có bị diệt vong cũng không giúp được gì thì tôi còn mặt mũi nào nhìn thiên hạ nữa”.(6)
Chúng ta trở lại với câu chuyện mà đích thân Nguyễn Thái Bạt kể lại cho Phan Bôi Châu và lưu học sinh Việt Nam trong những buổi sinh hoạt chính trị sáng Chủ nhật hàng tuần của Công hiến Hội. Giữa năm 1907, Phan Bội Châu được Nguyễn Thái Bạt dẫn đường về quê nhà bác sĩ Asaba Sakitarô thăm và cảm ơn lòng nghĩa hiệp của bác sĩ. Bên những chén rượu hàn huyên trong bữa cơn đãi khách của gia đình bác sĩ, Phan Bội Châu và Asaba Sakitarô, hai con người cùng sinh một năm, ở hai đất nước xa lạ, lúc bằng miệng, khi bút đàm, trao đổi, sẻ chia những tư tưởng, tình cảm của những trí thức vì đại nghĩa của dân tộc, bỗng dưng trở nên đôi bạn thân thiết và hơn nữa là người cộng sự.
Được biết Asaba Sakitarô sau khi tốt nghiệp khoa Y, ông có ý định sang Đức tiếp tục nghiên cứu để nâng cao trình độ, nhưng do phổi yếu, ông đành bỏ ý định du học và ở lại mở bệnh viện giúp bà con trong vùng. Có lẽ vì thế mà ông có thiện cảm với lưu học sinh và phong trào du học Nhật Bản của thanh thiếu niên Việt Nam. Ông làm việc và trở nên nổi tiếng là một bác sĩ có tay nghề giỏi, nhân hậu, được dân làng kinh mến. Người trong vùng kháo nhau rằng nếu chưa được bác sĩ Asaba Sakitarô khám thì chưa nhắm mắt yên được.
PGS.TS PhạmXanh
Chú thích:
1.Phan Bội Châu. Toàn tập, NXB Thuận Hóa, Huế, 1990, tập3, tr 198.
2.Nguyễn Thái Bạt, còn có tên là Lý Huy Lượng, Trong nhà Asaba hiện giờ đang còn một tầm ảnh của Lý Huy Lượng đề “Tặng Asaba Sakitaro tiên sinh, Minh Trị tứ thập niên” (1907)
3.Phan Bội Châu. Toàn tập, tập 6. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1990, tr 137.
4.Asaba Sakitaro sinh ngày 1 tháng 3 năm 1867 (hơn Phan Bội Châu khoảng 9 tháng), làng Umeda, quận Iwata, phố Asaba, trong vùng Umeyama thuộc huyện Shizuoka. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Daiichi Kôto Chugakko năm 1890, ông theo học y khoa ở Đông Kinh Đế quốc Đại học. Sau khi tốt nghiệp, ông mở bệnh viện ở quê nhà để giúp đỡ dân làng và những người nghèo trong vùng. Ngày 25/9/1910. Ông mất tại nhà riêng vì bệnh lao phổi.
5.Trần Đông Phong (1887-1908) sinh trưởng trong một gia đình giàu có ở làng Di Luân, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Thời trẻ hào phóng, thích quảng giao, ghét những kẻ cậy quyền thế ức hiếp dân lành. Biết tin Phan Bội Châu qua Nhật cầu viện, Trần Đông Phong đã tặng Phan 100 quan tiền làm lộ phí. Năm 1907 tìm đường sang Nhật theo Phan. Đám tang tiễn đưa Trần Đông Phong về nơi an nghĩ cuối cùng có sự tham gia đông đủ và đầy nước mắt của toàn thể lưu học sinh Việt Nam và Trung Quốc cùng với quan chức địa phương. Mộ Trần Đông Phong hiện nằm trong dãy 1-4A-14, Nghĩa trang Zoshigaya Reien, tp Tokyo, Nhật Bản.
6. Phan Bội Châu. Toàn tập. Tập 6, Sđd, tr.188-189.