Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/12/2017 08:23 6840
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
2.Vấn đề đối tượng của cuộc cách mạng hay là nhận diện kẻ thù.

2.Vấn đề đối tượng của cuộc cách mạng hay là nhận diện kẻ thù.

Với bất cứ một cuộc cách mạng nào, đối tượng cách mạng là một vấn đề chiến lược hàng đầu. Nhận diện đúng kẻ thù là để dồn mọi sức mạnh đánh trúng kẻ thù, cách mạng mới thành công. Nhận diện sai kẻ thù thì cách mạng sẽ thất bại. Về vấn đề này trong Niên biểu, Phan Bội Châu tóm tắt như sau: “Ông (Phan Châu Trinh) thì dựa vào Pháp mà đánh đổ vua, tôi thì từ chỗ đánh đổ Pháp mà phục Việt”. Như vậy, về vấn đề chiến lược này, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh thông qua lăng kinh riêng của mình đã nhận diện đối tượng của cách mạng không giống nhau. Người đầu cho đó là thực dân Pháp, người sau cho đó là phong kiến, triều đình Huế. Nói cách khác, Phan Bội Châu chủ trương đoàn kết “mười hạng người”, kể cả địa chủ, phong kiến, để lật đổ nền thống trị của Pháp giành lại nền độc lập dân tộc. Còn Phan Châu Trinh chủ trương dựa vào Pháp, kẻ đang thống trị nước ta, để chống lại và thủ tiêu ché độ phong kiến thối nát, tức dương cao ngọn cờ dân chủ. Chủ trương của hai ông đã được lịch sử Việt Nam kiểm chứng. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nước ta muốn thành công phải đồng thời cùng một lúc đánh đổ cả thực dân và phong kiến, có nghĩa là cùng một lúc giương cao hai ngọn cờ dân tộc và dân chủ bởi chính quyền thuộc địa được xây dựng trên nền tảng cấu kết chặt chẽ giữa thực dân và phong kiến bản xứ. Như vậy, ở hai ông, sự nhận diện kẻ thù của cách mạng đều không đầy đủ, không hoàn thiện. Về sau, từ đầu những năm 20 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc nhận diện kẻ thù bằng tổng hòa cách nhìn của hai Cụ Phan. Và theo đó, đối tượng của cách mạng bị đánh trúng vào tháng Tám năm 1945 và nhà nước mới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, hệ quả lớn nhất của việc nhận diện đúng kẻ thù.

3.Bạo lực và hòa bình.

Từ khi thành lập Duy Tân Hội năm 1904, Việt Nam Quang phục Hội năm 1912 đến khi tiến hành cải tổ tổ chức cách mạng trước đó thành Quốc Dân Đảng theo mô hình của Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu luôn chủ trương sử dụng bạo lực để lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, khôi phục nền độc lập dân tộc. Trong Hải ngoại huyết thư, Phan Bội Châu đã viết: “Gió tanh sông núi khó ưa/ Kiếm sao cặp nách mà ngơ cho đành. Hòn máu uất chảy quanh đầy ruột/ Anh em ơi, xin tuốt gươm ra”. Hay trong Tuyên cáo của Việt Nam Quang phục Hội, Cụ đã viết: “Hợp đoàn thể cả Nam lẫn Bắc/Lấy máu hồng vẽ mặt non sông. Nghìn năm con cháu Lạc Hồng/ Lưng chung nhau hợp, việc cùng nhau lo”. Dĩ nhiên không liền mạch bởi có một lúc Cụ dao động, chủ trương Pháp-Việt đề huề. Nhưng sự “nhụt chí” đó diễn ra trong Phan rất ngắn. Cụ cho đó là sách lược vì Cụ đã từng nghĩ: “Đề huề chi mà đề huề. Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què”. Cụ nhanh chóng quay lại con đường chính trước đó là vũ trang bạo động. Trong phiên tòa đại hình xử Cụ Phan ngày 23/11/1925, vì chủ trương này mà Cụ bị tuyên án tử hình, sau xuống khổ sai chung thân. Trước tòa, Phan Bội Châu tự bào chữa bằng những lời hào sảng: “Tôi là người Nam, tôi biết yêu nước Nam, tôi muốn đánh thức dân tộc Việt Nam, thấy thế nên tôi sinh ra cái tư tưởng phản đối chính trị. Nếu mà trong tay tôi có mấy vạn hải quân, mấy mươi vạn lục quân, binh tinh, lương túc, súng đủ, đạn nhiều, tàu chiến có, tàu bay có, thì có lẽ tôi hạ chiến thư đường đường chính chính đánh lại Chính phủ thuộc địa. Nhưng tôi là một kẻ thư sinh, túi không có một đồng tiền, trong tay không có một tấc sắt, không lấy võ lực mà phản đối lại được, vậy tôi chỉ dùng văn hóa, nghĩa là trước thư lập ngôn để cổ động nhân dân, yêu cầu Chính phủ cải lương chính trị. Chẳng dè, Chính phủ ngờ vực tôi, bắt tôi, tôi phải trốn ra ngoại quốc để hành động cho đạt mục đích của tôi…”(4)

Phần trưng bày về Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tại hệ thống trưng bày BTLSQG.

Một nửa kia của Phan Bội Châu là Phan Châu Trinh đã từng xác định với Thống đốc Nam kỳ khi ông này ra thẩm vấn cụ Phan Châu Trinh tại nhà đày Côn Đảo trước khi trả lại tự do cho Cụ: “Phan Bội Châu nhận hẳn rằng, người Pháp quyết không có thiệt lòng khai hóa cho người Nam, nên nói việc khai hóa trước phải tìm cách đánh đổ Chính phủ Pháp, không nhờ cậy một nước thế lực, một nước mạnh ngoài, thì tự người Nam không làm gì được. Hiện nay, nước mạnh duy có Nhật Bản là nước đồng văn đồng chủng nên cầu viện Nhật Bản..”(5)

Còn Phan Châu Trinh, từ khi ở Nhật về, không ngớt hô hào: “bất bạo động, bạo động tắc tử”, nghĩa là chớ bạo động, bạo động là chết, là vô ích như lũ phù du rơi vào ngọn đèn. “Ỷ Pháp, cầu tiến bộ”, tức dựa vào Pháp, tự lực khai hóa nhằm ba mục tiêu: Khai dân trí, tức bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ cùng kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục; Chấn dân khí, tức thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường, mọi người giác ngộ quyền lợi của mình, giải thoát khỏi tư tưởng chuyên chế phong kiến; và hậu dân sinh, tức phát triển kinh tế, khai hoang, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa, cải thiện đời sống của nhân dân bằng phương pháp cách mạng phi bạo lực, hoà bình.

Phan Châu Trinh theo đuổi những mục đích “đánh đổ chuyên chế, làm cho dân quyền tự do”(6) cho đến hơi thở cuối cùng, ngay khi được Nguyễn An Ninh đón về nước, sức đã yếu, Cụ vẫn tiếp tục diễn thuyết tại Sài Gòn với hai đề tài: Quân trị chủ nghĩa hay Dân trị chủ nghĩa và Đạo đức luân lý Đông Tây. Với đề tài đầu, Cụ say sưa: “Chủ nghĩa Dân trị hay hơn chủ nghĩa Quân trị nhiều lần. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một Triều đình mà trị một nước, thì cả nước ấy không khác một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ theo lòng của người chăn. Còn như theo chủ nghĩa Dân trị, thì tự quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấy. Dù không có người tài giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải bị đè đầu khốn nạn làm tôi mọi cho một nhà, một họ nào…”

Trong phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỷ XX, phái bạo động của Phan Bội Châu hoạt động bí mật, gọi là ám xã, còn phái tự lực khai hóa của Phan Châu Trinh hoạt động công khai thường được gọi là phái minh . Hai phái này thường phối hợp hoạt động trong nước và ngoài nước. Do sự bổ sung cho nhau của cặp bài trùng trên nhiều bình diện nên phong trào cách mạng đầu thế kỷ trước phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức.

Nhưng cuối cùng như Tôn Quang Phiệt đã nhận định trong công trình nghiên cứu của mình về hai ông: “Cả hai phái bạo động và cải lương đều thất bại, vì nước ta chưa đủ điều kiện chủ quan và khách quan để đuổi được ngoại xâm giành được độc lập. Tuy nhiên cách mạng vũ trang của Phan Bội Châu được người sau noi theo và đã thành công. Các nhà hoạt động cách mạng thường nói “thất bại là mẹ thành công”, trường hợp này rất đúng. Còn chủ trương cải lương của Phan Châu Trinh thì bị thất bại là bị phá sản luôn, sau Phan Châu Trinh những nhà chân chính ái quốc của nước ta không ai đi theo con đường ấy nữa”.

Trong trường hợp này, không thể đem thắng bại mà luận anh hùng và luận đúng sai. Sự phân tranh giữa phái bạo động, phái ám xã do Phan Bội Châu chủ xướng và phái tự lực khai hóa hay phái minh xã do Phan Chu Trinh lãnh đạo hồi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam không chống nhau mà bổ sung cho nhau và làm cho phong trào cách mạng theo khuynh hướng dân chủ tư sản phong phú về nội dung và hình thức để trên nền tảng đó mà các chính đảng về sau trông vào và đề ra những vấn đề chiến lược và sách lược trong cương lĩnh của mình. Từ đó, chúng ta có thể kiểm chứng tính đúng đắn về chiến lược và sách lược trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng tổng hòa sự khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau của cặp bài trùng Phan Bội Châu - Phan Châu Trinh trong lịch sử cận đại Việt Nam.

PGS. TS Phạm Xanh

Chú thích:

4.Thực nghiệp dân báo, ngày 24/11/1925.

5.Phan Châu Trinh Toàn tập, tập 2, tr.90. Nxb Đà Nẵng, 2005.

6.Điếu văn của Cụ Huỳnh Thúc Kháng tiễn đưa Cụ Phan Châu Trinh về cõi vĩnh hằng ngày 4 tháng 4 năm 1926.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4358

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh: Cặp bài trùng trong lịch sử cận đại Việt Nam (Phần 1)

Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh: Cặp bài trùng trong lịch sử cận đại Việt Nam (Phần 1)

  • 18/12/2017 00:00
  • 5322

Sau khi bình định xong phong trào Cần Vương, thực dân Pháp vội vã bắt tay khai thác thuộc địa nhằm vơ vét của cải của xứ này làm giàu cho Chính quốc. Chương trình khai thác thuộc địa của Toàn quyền Paul Doumer được khởi động.