Sau khi bình định xong phong trào Cần Vương, thực dân Pháp vội vã bắt tay khai thác thuộc địa nhằm vơ vét của cải của xứ này làm giàu cho Chính quốc. Chương trình khai thác thuộc địa của Toàn quyền Paul Doumer được khởi động.
Sau khi bình định xong phong trào Cần Vương, thực dân Pháp vội vã bắt tay khai thác thuộc địa nhằm vơ vét của cải của xứ này làm giàu cho Chính quốc. Chương trình khai thác thuộc địa của Toàn quyền Paul Doumer được khởi động.
Cả nước trở thành một đại công trường. Chỗ này làm đường sắt, bắc cầu, chỗ kia khai mỏ, xây bến cảng, dựng nhà máy, lập đồn điền, và chỗ kia nữa đặt những viên đá, viên gạch đầu tiên dựng xây thành phố hiện đại…Xã hội truyền thống Việt Nam vốn bình lặng, yên ả bỗng chốc được đánh thức, trở nên vội vã hơn, gấp gáp hơn. Cùng với sự chuyển động bên trong đó, một làn gió mát mang theo hơi hướng tiến bộ của nhân loại - dân chủ tư sản, theo những ngả đường khác nhau tràn tới nước ta. Từ Trung Quốc, Nhật Bản, Tân văn, Tân thư tràn tới và nhanh chóng làm “thay đổi lòng người như chớp, một tập sách nói chuyện nước Tàu mà làm cho 20 triệu dân Nam phấn khởi, như thần dược đối với người mắc bệnh trầm kha”(1). “Những Thanh Nghị báo, Tân Dân tùng báo, Ẩm Băng thất, Tự do thư, Trung Quốc hồn đã dánh thức đám sĩ phu ta, gần như trực tiếp, vì trong đó nói chuyện nước Tàu mà có nhiều chỗ trùng với bệnh của người mình lắm”(2). Cùng lúc đó, những quan chức người Việt được người Pháp lựa chọn, cho sang Pháp “khảo sát chính trị” trở về và trở thành những người tuyên truyền, cổ động cho văn minh Pháp. Họ tỏa đi khắp nơi diễn thuyết. Trong số đó, nổi lên bài diễn thuyết của Tri phủ Hoài Đức Trần Tán Bình thu hút người nghe nhiều hơn cả. Tại Nam Định, ông đã nói say sưa: “Khắp mặt địa cầu đâu đâu cũng có mặt nhà buôn người Đại Pháp, trên mặt các biển đều chi chít các tàu buôn; nơi này đại công ty, nơi nọ tiểu công ty, như thế làm cho dân phần nhiều có việc làm… Ở nước Đại Pháp, người ta trọng nghề buôn hơn nghề làm quan. Có sự buôn thì người cày ruộng mấy có việc, người thợ khéo mấy có công , người tài mấy nghĩ ra máy nọ, máy kia; hơi nước, điện khí đều do ở sự buôn bán mà ra cả; vì buôn xe lửa mới chạy vùn vụt; vì buôn tàu bè mới xoáy nước; buôn là cái hồn thiên hạ làm cho các mạch máu thế gian mấy xoay chuyển”(3) Thời đó, trong lòng xã hội Việt Nam mới xuất hiện một nhúm nhỏ các nhà tư sản, chứ chưa có một giai cấp tư sản đủ mạnh để tiếp nhận hệ tư tưởng mới mẻ đó. Vì thế, những nhà nho cấp tiến nước ta như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền…đứng ra đảm nhiệm sự nghiệp to lớn đó. Họ đưa những tư tưởng đó vào cuộc sống và biến thành phong trào giải phóng dân tộc theo hệ tư tưởng dân chủ tư sản đầu thế kỷ XX. Trong số những nhà nho cấp tiến thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng đầu thế kỷ ấy xuất hiện nổi trội một cặp đôi bổ sung cho nhau về tính cách, về chiến lược và sách lược cách mạng. Đó là cặp bài trùng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.
1.Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh có nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau. Hai ông là người cùng thời. Phan Bội Châu hơn Phan Châu Trinh 5 tuổi, người trước sinh năm 1867, người sau sinh năm 1872. Họ thuộc lớp nhà nho cấp tiến…Những điểm giống nhau ở hai ông không chắc đã bổ sung cho nhau. Có lẽ phải đi tìm những điểm khác nhau, những điểm “công” nhau ở hai ông mới có thể thấy được rõ nét sự bổ sung cho đến hoàn thiện một vấn đề nào đó mà hai ông cùng quan tâm, cùng theo đuổi.
Cụ Phan Bội Châu và Kỳ Ngoại hầu Cường Để.
Phan Châu Trinh (1872-1926).
Trước hết, hai ông bổ sung cho nhau bằng những nét đặc trưng của quê hương, nơi hai ông cất tiếng khóc chào đời. Phan Bội Châu sinh ra và lớn lên ở Nghệ An, một vùng đất được đặc trưng bởi tính cách “cứng đầu”. Tính cách nổi trội đó của người xứ Nghệ bắt nguồn từ miền đất không được thiên nhiên ưu đãi. Muốn tồn tại, phát triển trên đất này, con người phải biết nương tựa và chinh phục thiên nhiên. Xứ Nghệ còn là miền biên viễn thời Việt cổ. Bên kia đèo Ngang là nước Chămpa. Vì thế xứ Nghệ luôn bị xâm thực và kiên cường chống xâm thực bảo vệ mảnh đất của mình. Dần dà, sự gan lỳ đó, sự cứng đầu đó ngấm dần vào trái tim, khối óc của họ để cuối cùng biến thành bản lĩnh sống của họ. Vì thế, con người trên mảnh đất này không chấp nhận hữu khuynh. Lịch sử cận đại vùng đất này cho thấy cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai với lời thề chém đá: “Phen này quyết đánh cả Triều lẫn Tây” khi ở đây chưa có Tây, cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng kết thúc cũng là niên đại khép lại của Phong trào Cần Vương v.v… Còn Phan Châu Trinh sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam mà gen trội của xứ này là làm ăn kinh tế thông qua việc tiếp xúc sớm với thương nhân ngoại quốc qua bến cảng Faifo (Hội An) và cảng Tuaran (Đà Nẵng). Quê hương là điểm khác nhau đầu tiên, nhưng lại là điểm bổ sung cho nhau về tính cách của hai nhân vật lịch sử này. Thứ đến, sau khi đỗ đầu thi Hương ở trường thi Nghệ An năm 1900, Phan Bội Châu dấn thân vào con đường cứu nước bởi theo Cụ “lập thân hèn nhất thị văn chương”, câu thơ của Tùng Viên mà Cụ đã đọc cho Nguyễn Sinh Sắc nghe trong một đêm trăng sáng ở Kim Liên. Phan Bội Châu không một ngày làm quan, không một ngày tham chính, thậm chí ở cấp làng xã, cấp tận cùng trong hệ thống chính quyền quân chủ. Còn Phan Châu Trinh, sau khi đỗ Phó bảng trong kỳ thi Hội năm 1901, mặc dù không thích, nhưng cũng đã tham chính một thời gian ngắn trong bộ máy trung ương Triều đình Huế.
Những điểm khác nhau trên ở hai ông sẽ được thể hiện rất rõ trên những vấn đề chiến lược và sách lược của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng dân chủ tư sản mà hai ông theo đuổi trong những năm đầu thế kỷ XX. Và đó cũng là những điểm bổ sung cho nhau của hai ông thành một chỉnh thể hoàn chỉnh.
PGS. TS Phạm Xanh
Chú thích:
1.Báo Thần chung, ngày 25/1/1929.
2.Báo Thần chung, ngày 8/1/1929.
3.Đăng cổ tùng báo, ngày 28/3/1907.