Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, còn có sự tham gia của dân quân du kích, lực lượng hùng hậu, to lớn không thể thiếu được ở các địa phương trong cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một trong những địa phương có phong trào dân quân du kích tiêu biểu và có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là dân quân xã Lam Hạ, thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cùng với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, còn có sự tham gia của dân quân du kích, lực lượng hùng hậu, to lớn không thể thiếu được ở các địa phương trong cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Một trong những địa phương có phong trào dân quân du kích tiêu biểu và có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là dân quân xã Lam Hạ, thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Nhằm ngăn chặn, đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, quanh thị xã Phủ Lý bấy giờ, ta bố trí nhiều trận địa pháo phòng không cố định và cơ động. Riêng tại xã Lam Hạ có tới 8 trận địa bố trí liên hoàn ở các thôn Đình Tràng, Hòa Lạc và Đường Ấm.
Để hỗ trợ, phối hợp với các trận địa pháo cao xạ của bộ đội, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ được thành lập vào ngày 5-8-1965. Hòa cùng quyết tâm chung của cả dân tộc “đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước”, các cô gái Lam Hạ đã tình nguyện viết đơn gia nhập lực lượng dân quân phòng không.
Mười nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ.
Họ là những cô gái tuổi còn rất trẻ, vừa mới rời ghế trường cấp 3, người là nông dân, giáo viên, công nhân. Mười cô gái ấy cùng sinh ra, lớn lên, cùng chiến đấu và anh dũng ngã xuống trên mảnh đất quê hương Lam Hạ. 10 cô hy sinh ở các trận địa khác nhau, lúc đó các cô mới chỉ khoảng 16-22 tuổi mà thôi. Tại trận địa pháo 37 ly, ngày 1-10-1966 có 6 cô hy sinh gồm: Cô Đinh Thị Tâm (sinh năm 1948), Trần Thị Tuyết (sinh năm 1947), Phạm Thị Lan (sinh năm 1944), Vũ Thị Phương (sinh năm 1943), Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1948) và Nguyễn Thị Thi (sinh năm 1950). Còn trận địa pháo 57 ly ở Đường Ấm, ngày 9-10-1966 có cô Nguyễn Thị Thuận (sinh năm 1948), Trần Thị Thẹp (sinh năm 1944) và Nguyễn Thị Oánh (sinh năm 1942) cũng anh dũng hy sinh. Trên trận địa pháo 57 ly ở Hòa Lạc, ngày 7-7-1967, cô Đặng Thị Chung (sinh năm 1944) hy sinh.
Thời gian đầu, chị em phân công luân phiên trực chiến, còn lại vẫn thường xuyên chăm lo công việc đồng áng và việc nhà. Nhiều người ra trận địa trực chiến mà quần áo, tay chân, đầu óc còn vương mùi bùn đất.
Tập luyện kỹ, chiến thuật súng pháo phòng không bắn máy bay là điều thật không dễ dàng chút nào với chị em phụ nữ. Nhưng với quyết tâm lớn, được các đơn vị bộ đội yêu quý, cảm phục và được sự động viên của bà con cô bác, người thân, nên các chị em không chỉ thuần thục một mà nhiều vị trí tác chiến trên mâm pháo phòng không 57 ly, 37 ly, súng máy phòng không 14,5 ly để có thể hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Vừa mới thành lập được 1 năm, Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh quyết liệt. Tiêu biểu là những trận đánh đầu tháng 10-1966. Sáng sớm 1-10-1966, còi báo động máy bay Mỹ đang bay về phía Nam đồng bằng Bắc Bộ phá tan bầu không khí yên tĩnh. Như một phản xạ tự nhiên, chị em dân quân Lam Hạ tức tốc chạy thẳng ra trận địa phòng không. Ngoài trận địa pháo, các pháo thủ nhanh chóng vào vị trí chiến đấu, quay tầm, chỉnh hướng, sẵn sàng nhả đạn... Ngoài nhiệm vụ hậu cần, tiếp đạn, tải thương, chị em dân quân Lam Hạ còn trực tiếp sát cánh chiến đấu cùng bộ đội. Đó là các chị Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương... Chỉ trong buổi sáng ngày hôm đó, đã có 4 đợt với hàng chục tấn bom dội xuống cầu, đường sắt, trận địa pháo, và các vị trí quanh Phủ Lý, gây nên cảnh đổ nát, chết chóc đau thương.
Di ảnh của liệt sĩ Đinh Thị Tâm.
Mặc dù mới tham gia chiến đấu, giữa trận địa bom, đạn vang rền và tiếng gầm rít của động cơ phản lực, song chị em không hề tỏ ra sợ hãi, nao núng, vẫn bình tĩnh đợi mục tiêu lọt vào tầm bắn mới trút lửa đạn, làm cho địch khó tiếp cận mục tiêu ném bom. Đến đợt thứ 4, lúc gần 10h30, trận địa phòng không ở thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ gồm 4 khẩu đội pháo 37 ly bố trí dọc theo trục đường chính của xã, gần Quốc lộ 1, có tới 2 khẩu đội bị trúng bom. Loạt bom đó đã cướp đi sinh mạng 6 nữ dân quân Lam Hạ gồm Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương.
8 ngày sau (9-10-1966), trong một trận đánh trả máy bay Mỹ, lại có thêm ba người con gái Lam Hạ là các chị Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp và Nguyễn Thị Oánh ngã xuống trên trận địa pháo 57 ly ở Đường Ấm. Trong trận chiến đấu khác, ngày 7-7-1967, người con gái thứ 10 - Đặng Thị Chung của Đại đội dân quân phòng không Lam Hạ đã anh dũng hy sinh tại trận địa pháo 57 ly ở Hòa Lạc.
Di ảnh của liệt sĩ Trần Thị Thẹp.
Mười cô gái - liệt sỹ Lam Hạ, mỗi người một vẻ, song tinh thần chiến đấu, sự hy sinh và những câu chuyện riêng của họ đã trở thành Bài ca đi cùng năm tháng của một thời đánh Mỹ hào hùng. Hành động, cử chỉ của họ rất đời thường, song mang đầy tính chiến đấu và nhân văn cao thượng. Xin được dẫn chứng một vài trường hợp cụ thể: Chị Đinh Thị Tâm, một trong những người con gái đẹp người, đẹp nết vào loại bậc nhất của thôn Đình Tràng, xã Lam Hạ. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 chị em, mà Tâm là cả, nên tốt nghiệp cấp 2 (lớp 7), chị phải nghỉ học làm công nhân. Trước ngày 1-10-1966, Tâm đang làm việc trong xưởng may, chị đề nghị bố đẻ vào làm thay để mình ra trận địa trực chiến. Khi chị Tâm hy sinh, mắt vẫn mở, tay đang cầm đạn pháo, mái tóc dài xõa tung, cuốn vào thân pháo. Bố chị đau đớn đưa thi hài con gái nằm tạm trong vườn mía, để lại cho em trai chị trông chừng, rồi vội vàng đi lo cho các thương binh khác.
Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Thi là 2 chị em ruột, cách nhau 2 tuổi. Như bao lần khác. Sáng 1-10, khi đã bước chân lên thuyền ra trận địa pháo, các chị còn ngoái đầu lại nói với mẹ mình rằng: “Mẹ ở nhà nhớ trú bom cẩn thận, các con đi chiến đấu, nhỡ có mệnh hệ gì xin mẹ đừng quá buồn đau”. Chị Thu hy sinh ngay tại trận địa. Chị Thi bị mảnh bom phạt vào bụng và chân rất nặng. Người anh trai của các chị tên là Thái, chiến đấu ở trận địa gần đó, biết tin khẩu đội của các em gái mình trúng bom đã vội chạy sang, vuốt mắt cho Thu và bế Thi về trạm xá. Tỉnh lại sau cơn choáng váng, Thi nói với anh trai hãy nhanh chóng trở về vị trí tiếp tục chiến đấu. Khi bác sĩ chuẩn bị làm phẫu thuật, thì Thi nói rằng hãy để thuốc mê dành cho thương binh khác, rồi thiếp đi và lặng lẽ ra đi.
Chị Nguyễn Thị Thuận bị thương nặng ở chân, biết không thể sống nổi, vẫn nghiến răng giấu sự đau đớn của mình để mẹ đỡ buồn. Hơn thế, chị còn động viên, khuyên mẹ đừng lo âu về tương lai của con gái. Chị nói với mẹ: “Nếu chân con bị cưa mất, ngày khỏe lại sẽ đi bán hàng cho hợp tác xã”. Rồi chị lặng dần và mãi mãi đi xa. Hồ sơ kết nạp Đảng đã làm xong, song chị Thuận đã không có được vinh dự đứng tuyên thệ trước cờ Đảng.
Chị Đặng Thị Chung, ngày vào dân quân, nói với mẹ mình rằng: “Con đi chiến đấu để đất nước hết chiến tranh, để gia đình thoát cảnh nghèo khổ”. Sau ngày chị hy sinh (7-7-1967), người anh trai của chị là Đặng Văn Hòa, đang là công nhân, cũng đã tình nguyện đi chiến đấu. Và một thời gian sau, anh cũng đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị.
Chị Trần Thị Thẹp có người yêu là bộ đội đang chiến đấu ở xa. Sau khi chị hy sinh, gia đình nhận được thư của người yêu chị, trong thư, anh ngỏ lời xin phép gia đình cho hai người xây dựng hạnh phúc trăm năm. Lời cầu hôn muộn màng, hay tại bởi chiến tranh mà ước nguyện của hai anh chị đã không thành.
Chị Nguyễn Thị Oánh và anh Lê Văn Chắc.
Chị Nguyễn Thị Oánh vốn là cô giáo, đã lập gia đình. Chồng chị là bộ đội phòng không Lê Văn Chắc. Họ mới cưới, chưa kịp có con. Ngày chị hy sinh, anh Chắc đã kịp về nhìn mặt vợi lần cuối và mai táng cho chị. Thế rồi, chưa đầy một năm sau ngày đau thương đó, anh Chắc cũng đã anh dũng ngã xuống trên trận địa pháo 57 ly ở thôn Hòa Lạc, ngày 7-7-1967, cùng trong trận đánh mà cô dân quân Đặng Thị Chung hy sinh.
Mười cô gái Lam Hạ hy sinh không cùng một ngày giống như mười cô gái thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), song tất cả đều là những anh hùng liệt sĩ bất tử với thời gian, sống mãi với tuổi mười sáu, đôi mươi, mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ. Suốt hơn 50 năm qua và chắc chắn rằng cả mãi về sau này, những câu chuyện về 10 cô gái Lam Hạ vẫn còn tươi nguyên trong ký ức của bà con, cô bác, người dân địa phương. Từ lâu rồi nhân dân vẫn thường gọi họ là Mười nữ Anh hùng Lam Hạ.
Đền thờ mười cô gái dân quân Lam Hạ.
Những chiến công của Đại đội dân quân phòng không, đặc biệt, sự hy sinh của 10 cô gái Lam Hạ sẽ sống mãi với thời gian. Để ghi nhớ, vinh danh và tưởng nhớ chiến công của mười liệt sĩ dân quân xã Lam Hạ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam đã xây dựng đền thờ mười liệt sĩ dân quân Lam Hạ ngay tại ụ pháo nơi các cô đã hy sinh. Nơi ghi dấu chiến công và sự hy sinh của mười cô gái Lam Hạ mãi là địa chỉ đỏ, là di tích lịch sử ghi nhận sự hy sinh dũng cảm của các cô. Ngày nay, nhắc đến các cô như một niềm tự hào riêng của người dân Lam Hạ cũng như toàn thể nhân dân Hà Nam.
Lê Khiêm (tổng hợp)
Nguồn:
-Trần Văn Thức, “Mười cô gái Lam Hạ - “Đồng Lộc của Phủ Lý, Hà Nam””, Lịch sử quân sự 9/2010, tr. 79-82.