Tôi may mắn gặp cố Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Dương Thị Cương năm 1984 trong một cuộc tọa đàm về phong trào học sinh, sinh viên Hà Nội thời kỳ chống Pháp, kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô. Khi đó, bà đang là Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh. Cơ duyên đã cho tôi thường được bà quan tâm, quý mến và tôi được biết thêm nhiều câu chuyện của bà, sinh động, thú vị - những câu chuyện không thể viết hết trên trang sử của Thủ đô Hà Nội.
Tôi may mắn gặp cố Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Dương Thị Cương năm 1984 trong một cuộc tọa đàm về phong trào học sinh, sinh viên Hà Nội thời kỳ chống Pháp, kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô. Khi đó, bà đang là Viện trưởng Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh. Cơ duyên đã cho tôi thường được bà quan tâm, quý mến và tôi được biết thêm nhiều câu chuyện của bà, sinh động, thú vị - những câu chuyện không thể viết hết trên trang sử của Thủ đô Hà Nội.
Cho đến nay những câu chuyện và kỷ niệm về bà vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Trong ngôi nhà của Giáo sư Dương Quảng Hàm để lại cho con cháu ở 98A Hàng Bông, được nghe ông Dương Tự Minh, em trai bà ôn lại những kỷ niệm của gia đình Giáo sư Dương Quảng Hàm, tôi càng hiểu thêm về bà - nữ Giáo sư - Bác sĩ, người vinh dự được nhận giải thưởng Kôvalepxkaia (năm 1999) và được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý - Nhà giáo ưu tú. Bà đã cống hiến tất cả tuổi trẻ và trí tuệ, công sức cho cách mạng và cho khoa học và sự nghiệp đào tạo các y bác sĩ ở Trường Y. Ông Dương Tự Minh kể lại kỷ niệm xưa: Hà Nội năm 1947 tang thương, đổ nát. Người dân hồi cư về thành phố sinh sống, nhìn ngôi nhà của mình bị sập tường, bay cửa mà xót lòng. “Nhà tôi bị hỏng cầu thang, trần tầng ba võng xuống như lòng chảo. Mẹ tôi vất vả lo toan sửa nhà, nuôi tôi và chị Cương ăn học. Bà cũng không bán tạp hóa như trước nữa mà dành một tầng nhà cho thuê”.
Cố Giáo sư - Nhà giáo ưu tú Dương Thị Cương.
Năm 1948, các trường học mở cửa đón học sinh. Dương Thị Cương, cô nữ sinh 16 tuổi cùng các bạn vào học lớp Đệ Tứ, trường Trung học Chu Văn An. Và thời áo trắng không còn vô tư khi tiếng súng kháng chiến từ ngoại thành vọng vào. Bà và em trai - ông Dương Tự Minh, đêm đêm áp tai vào chiếc radio bé xíu nghe tiếng nói của kháng chiến mà chị gái Dương Thị Ngân là phát thanh viên. Năm 1948, ông Phạm Hướng, cán bộ trực tiếp phụ trách học sinh kháng chiến vào nội thành gây cơ sở ở trường Chu Văn An rồi Trưng Vương, An-be Xa-rô. Dương Thị Cương cùng các bạn Vũ Bội Trâm, Đỗ Thị Thi là những đoàn viên đầu tiên của Tổ học sinh kháng chiến (HSKC) trường Chu Văn An, năm 1949-1950 phát triển thành Hiệu đoàn HSKC.
Và hai chị em Dương Thị Cương, Dương Tự Minh được chị gái Dương Thị Thoa dìu dắt (tức Lê Thi, nguyên Viện trưởng Viện Triết học) đã dấn thân vào cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên nội thành chống thực dân Pháp cuối năm 1949. Căn nhà 98A Hàng Bông trở thành cơ sở in ấn bí mật của HSKC. Truyền đơn và tài liệu được các chị Dương Cương, Đỗ Hồng Phấn, Hoàng Xuân Sính in bằng thạch trong kho nhà 98A Hàng Bông rồi mang đi phân phát bí mật cho các Hiệu đoàn HSKC ở các trường trung học. Thông minh, nhanh nhẹn, chị Cương lao như con thoi trong cao trào đấu tranh.
Kiên trung với Đảng, với đồng đội, bà được tin cậy giao nhiệm vụ phụ trách phong trào nữ sinh, là ủy viên Ban cán sự Hiệu đoàn HSKC Hà Nội, đồng thời, phụ trách hộp thư của Thành ủy để chuyển tài liệu công văn quan trọng của Thành ủy vào nội thành. Bà đã được kết nạp Đảng trước ngày thành phố giải phóng. Nữ đảng viên trẻ 22 tuổi đời tràn đầy sức xuân tham gia Ban cán sự sinh viên kháng chiến, vận động chống địch cưỡng ép di cư vào Nam.
Hà Nội giải phóng, Dương Thị Cương thi ngay vào trường Y và sau đó, bà đã tốt nghiệp loại ưu. Sản khoa trở thành đối tượng thực hành và nghiên cứu ở ngay Bệnh viện Bạch Mai, Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh. Dịu dàng, tận tâm với người bệnh, đưa phương pháp mới về nội soi và ung thư cổ tử cung vào việc chẩn trị, chữa bệnh cho chị em, bà đã đem lại tiếng cười và sự sống cho biết bao người.
Những năm Hà Nội vừa ra khỏi chiến tranh khốc liệt chống đế quốc Mỹ, nghèo đói triền miên với dòng người xếp hàng dài dằng dặc ở các cửa hàng mua chục cân gạo, vài lạng thịt. Chạy ăn đã khốn khổ, nói gì đến chữa bệnh, nhất là bệnh nan y. Những khuôn mặt buồn xanh xao sáng lên khi dáng bà xuất hiện ở lối đi vào phòng khám. Đôi bàn tay vàng kỳ diệu của bà với giọng nói trong trẻo, ân cần mỗi khi thăm khám bệnh đã là liều thuốc quý cho bệnh nhân. Và chính bà đã mổ cấp cứu kịp thời cho nhiều bà mẹ bị bệnh hiểm nghèo vượt cạn, mẹ tròn con vuông.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, bà là tác giả của 15 cuốn sách, dịch giả 6 cuốn sách nước ngoài, chủ trì 85 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước, 42 năm công tác, bà đã hoàn thành 83 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp về sản, phụ, sơ sinh. Trong đó, có 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ và 5 đề tài hợp tác quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới chủ trì. Ngoài ra, bà còn viết nhiều bài trên tạp chí khoa học của ngành, tham gia viết sách phục vụ sinh viên y khoa, dịch nhiều sách về sản phụ khoa và tham gia viết Từ điển Y học... Năm 1990, bà được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 1999, bà được tặng Giải thưởng khoa học Kôvalepxkaia cho những thành tựu nghiên cứu xuất sắc của một nhà nữ khoa học. Năm 2000, được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba.
Mỗi con người, mỗi cuộc đời của thế hệ bà là những trang sách mà tôi chưa đọc hết. Năm 2003, người nữ sinh Chu Văn An đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho nhiều người về gương sáng y đức, về lòng dũng cảm vượt lên số phận cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp phục vụ nhân dân.
Ths. Phạm Kim Thanh