Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/02/2017 17:17 2313
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Một mình vượt dốc, gánh trên vai việc nước việc nhà

Tình cảm vợ chồng đang lúc mặn nồng, phải chia tay kẻ bắc, người nam. Tổ chức bố trí cho bà trở về ở trong hiệu thuốc lào Thuận Mỹ, số nhà 15 Hàng Nón, vốn là cơ sở của Công hội Đỏ Bắc kỳ. Bà tiếp tục tuyên truyền chị em tiểu thương, thêu, ren. Theo lời kể của con gái bà là Nguyễn Thị Hồng Tuyến, chúng tôi biết thêm: ông Mai Lập Đôn bị địch bắt giam ở Sở mật thám đã báo tin ra, bọn địch đánh hơi thấy bà ở Hà Nội, nên tháng 7- 1930, bà đã đi ngay lên Bắc Giang, nương náu ở gia đình nhà chồng. Từ đây, bà lấy tên là Hoàng Kỳ để giữ bí mật tung tích, dần dần tìm cách liên lạc, bắt mối hoạt động. Nhưng họa vô đơn chí! Trên đường đi công tác ở Yên Thế, ông Mẫn đã bị địch bắt ở Bắc Giang tháng 10-1931 rồi bị địch kết án tù khổ sai đày ra Côn Đảo. Khi ấy, con gái Hồng Tuyến của ông bà mới 4 tháng tuổi, bà cắn răng xuống Hà Đông tá túc, chờ đợi tin tức: ông bị địch kết án tù khổ sai đày ra Côn Đảo. Đầu năm 1933, bà bế con gái xuống cảng Hải Phòng tiễn chồng. Nhìn chồng nằm cùng anh em ở gầm tàu, tay chân xích liền nhau, ruột đau như cắt, bà làm mấy câu thơ gửi ra Côn Đảo cho chồng, ra đi không biết có ngày về:

“Tàu quay mũi lệ đôi hàng

Càng nhìn khuất bạn, lệ càng tuôn rơi

Sương che lấp bạn xa rồi

Bạn ơi thấu nỗi lòng người này chăng?”

Nuốt nước mắt vào lòng, bà quay về Bắc Giang, làm căn nhà tranh nhỏ ở ngã ba phố Tiền Môn (nay là số nhà 206, đường Nguyễn Văn Cừ) để sinh sống và tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Gặp được đồng chí Nguyễn Văn Giảng, hoạt động ở Thanh Hóa về Bắc Giang và ông Nguyễn Trung Tẩy, vốn là bạn học cùng chồng, làm thư ký nhà máy Điện, bà bàn bạc, lập tổ tự động công tác khi chưa bắt được liên lạc với Đảng. Đến năm 1935, cơ sở cách mạng đã được gây dựng và lan dần trong các tầng lớp nhân dân trong thị xã, như các ông Minh Tước (nhà giáo), Ký Thành (công chức Sở Giây thép), Cự Hải (nhà buôn), ông Dư (Thư ký nhà Ga), ông Mão (mục sư Tin Lành), Lã Hữu Quỳnh (nhạc sĩ).

Những năm 1936-1937, nhiều đồng chí từ Côn Đảo đã trở về đất liền, do Mặt trận Bình dân Pháp có chính sách ân xá tù chính trị; nhưng với bà Mai Ngọc Thuyết, càng trông mong tin tức của chồng thì càng biền biệt mù khơi. Thống sứ Sa-ten bác đơn của bà xin ân xá cho chồng. Nén buồn đau, bà vẫn hoạt động tích cực. Năm 1938, bà gặp được đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) tại hiệu bò Bô-vô của ông Nhã ở Bắc Ninh. Sau đó, cuối năm 1938, chi bộ đầu tiên của thị xã Phủ Lạng Thương được thành lập do đồng chí Vương Văn Trà làm Bí thư. Chi bộ gồm các đồng chí: Mai Ngọc Thuyết, Nguyễn Ninh, Nguyễn Văn Lung, Ngô Tuấn Tùng, Nguyễn Văn Giảng.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở Bắc Giang. Đồng chí Hạ Bá Cang lấy Bắc Giang làm địa bàn hoạt động, đóng vai thư ký ở hiệu bò Bô-vô của ông Sáu, nên cơ sở cách mạng từ thị xã phát triển dần lên Tân Ấp, Lục Liễu, chợ Thắng (Hiệp Hòa)... Một đường dây liên lạc đã được bà Mai Ngọc Thuyết thiết lập từ Tân Ấp, Lục Liễu về Hà Nội, để đồng chí Hạ Bá Cang liên lạc với đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, nhận chỉ thị mới. Những năm 1936-1939, bà Mai Ngọc Thuyết và cán bộ, cơ sở thị xã Bắc Giang đã nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ như: Hạ Bá Cang, Tô Hiệu, Trần Quốc Hoàn, Lê Hoàng (tức Dung mắt lửa)… tạo thuận lợi cho công tác xây dựng an toàn khu của Đảng.

Tháng 9 năm 1939, phát xít Nhật ở Đông Dương đưa nhân dân vào thảm họa chiến tranh tàn ác, khủng bố trắng khắp các vùng. Đồng chí Hạ Bá Cang rút sang Thái Nguyên; một số đồng chí trong chi bộ thị xã được điều đi công tác nơi khác; bà Thuyết ở lại, sinh hoạt với chi bộ Hương Gián. Tháng 4 năm 1941, bà bị địch bắt, đưa về Hỏa Lò với số tù 258750. Suốt 1 năm 4 tháng bị tra tấn tàn ác, bị ép cung, đối chất 7 lần với người đã khai và dẫn địch về bắt mình, bà vẫn một mực không khai, kiên trung bảo vệ Đảng; các đồng chí trong Hỏa Lò vô cùng kính phục bà, Đồng chí Trần Đăng Ninh lúc đó là Bí thư Chi bộ nhà tù đã có sự chỉ đạo đấu tranh với địch để bảo vệ bà. Đặc biệt, Luật sư Phan Anh đã bảo vệ bà suốt hai tiếng đồng hồ tại phiên tòa.

Nữ chiến sĩ Mai Ngọc Thuyết (Mai Vũ Trang) khi bị Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò.

Tháng 8 năm 1942, bà được ra tù, nhưng bị quản thúc ở Kép (quê mẹ chồng). Giữa lúc đó, bà nhận được tin dữ như sét đánh ngang tai: Ông Nguyễn Văn Mẫn đã hy sinh ở Côn Đảo ngày 3-3-1943. Đau đớn khôn kể xiết, bà kiên gan đi trên con đường đã chọn và nuôi dậy con gái Nguyễn Thị Hồng Tuyến, lúc này 13 tuổi. Hồng Tuyến làm liên lạc cho mẹ từ khi 7 tuổi, nên đã thông thạo công việc, giúp mẹ rất tốt trong các việc canh gác, giao thông... Giữa năm 1943, bà tìm cách về thị xã, mở lại quán hàng ở ngã ba Tiền Môn để làm trạm liên lạc. Một số đồng chí từ nhà tù Sơn La trốn thoát ra, bà đón tiếp rồi đưa về các cơ sở. Công tác tuyên truyền cho Việt Minh, gây dựng và phát triển cơ sở, phân phát bí mật báo chí cách mạng Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc …được bà tổ chức thực hiện tốt ở thị xã và các vùng nông thôn ven thị xã.

Báo Cờ Giải Phóng, Cứu Quốc - những tờ báo cách mạng do Bà Mai Ngọc Thuyết tổ chức bí mật phân phát .

Tháng 4 năm 1945, bà và con gái được tổ chức cho chuyển lên Yên Thế hoạt động. Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh phân công bàphụ tráchtổng Bố Hạ gồm bốn xã: Cồn, Bo, Hương Vĩ, Bố Hạ. Tự vệ các xã lan rộng ra các thôn. Đặc biệt, Ủy ban Giải phóng đã được thành lập ở Bố Hạ. Khí thế cách mạng dâng cao, ngày 10-8, đồn Bố Hạ bị phá tan, bà đeo súng Xanh- tê-chiên dẫn đầu đoàn quân chiến thắng. Ngày 12-8, bà được cử làm Chủ tịch cuộc mít tinh ở phủ Yên Thế và lên khán đài nói chuyện với đồng bào. Sau đó, tự vệ bắn bảy phát súng trường để làm lễ chào cờ. Thật thiêng liêng, xúc động biết bao khi người dân nô lệ đã được giải phóng khỏi xích xiềng.

Sáng 21-8, bà đã từ Bố Hạ, dẫn đầu khối tự vệ oai dũng, rầm rập vượt sông tiến tới thị xã. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình làm Chủ tịch, Ninh Văn Phan làm Phó Chủ tịch. Bà được cử làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời, phụ trách công tác tuyên truyền.

Một trang đời mới đã mở ra cho người con gái Thịnh Hào, Hà Nội - người cán bộ tỉnh Bắc Giang đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng, kiên cường vượt qua bao sóng gió của cuộc sống để đi trọn sự nghiệp mà Bà đã thề suốt đời hy sinh phấn đấu, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Từng là Tỉnh ủy viên tỉnh Bắc Giang, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc, rồi làm Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tỉnh; cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, bà xứng đáng là người nữ cán bộ xuất sắc của Đảng, tâm đức sáng vằng vặc như sao Khuê.

Ths. Phạm Kim Thanh

TLTK:

- Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ Hà Nội, NXB Hà Nội, H. 1982, tr 38.

- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Những chiến sĩ cộng sản ưu tú và cơ sở cách mạng của Hà Nội, NXB Hà Nội, H. 2006, tr 107-108.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4417

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Người nữ đảng viên xuất sắc Mai Ngọc Thuyết (Phần 1)

Người nữ đảng viên xuất sắc Mai Ngọc Thuyết (Phần 1)

  • 08/02/2017 17:18
  • 2348

Dòng họ Mai ở Thạch Giản (Thanh Hóa) ra Thăng Long từ thế kỷ XVIII, nổi tiếng với Thám hoa Mai Anh Tuấn, đánh giặc và hy sinh ở vùng núi Cao - Lạng. Nối nghiệp nhà, Mai Ngọc Thuyết (tức Mai Vũ Trang) sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một trong những nữ đảng viên đầu tiên của Đảng từ năm 1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập.