Thứ Sáu, 18/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/02/2017 17:18 2763
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Dòng họ Mai ở Thạch Giản (Thanh Hóa) ra Thăng Long từ thế kỷ XVIII, nổi tiếng với Thám hoa Mai Anh Tuấn, đánh giặc và hy sinh ở vùng núi Cao - Lạng. Nối nghiệp nhà, Mai Ngọc Thuyết (tức Mai Vũ Trang) sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một trong những nữ đảng viên đầu tiên của Đảng từ năm 1929, khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập.

Đọc những dòng hồi ký và tư liệu lưu tại nhà người con duy nhất của ông bà Mai Ngọc Thuyết - Nguyễn Văn Mẫn là Nguyễn Thị Hồng Tuyến (hiện đang sống tại một căn hộ trên đường Xuân Thủy, Hà Nội), cảm động về sự cống hiến của bà, người phụ nữ sinh ra và lớn lên ở Thăng Long - Hà Nội, tôi đã tìm lại, tra cứu nhiều tư liệu hồi ký của lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, để viết về bà.

Từ ngôi nhà số 8 Ô Chợ Dừa, chim bằng sải cánh bay xa

Chuyện kể lại rằng: một đêm đầu xuân 1908, trên bè tre nứa, góc đầm rau muống trong ngõ Thịnh Hào (nay thuộc phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Hà Nội), bà cất tiếng khóc chào đời, nên có tên mụ là Đầm. Cha bà, cụ Mai Văn Giáo đã từng theo Kỳ Đồng lên miền Thượng du chống Pháp, rất yêu con, đã chọn cái tên đẹp - Mai Ngọc Thuyết.

Mai Ngọc Thuyết (Mai Vũ Trang).

Bố mất sớm khi bà chưa đầy 5 tháng tuổi, rồi mẹ mất khi bà 16 tuổi, hai anh em Mai Lập Đôn, Mai Ngọc Thuyết đùm bọc nhau ở nhà số 8 Ô Chợ Dừa. Đây là địa điểm do ông Đôn thuê để vợ chồng ông và em gái vừa ở vừa làm địa điểm liên lạc thuận tiện của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Theo sự chỉ bảo của anh trai, bà Mai Ngọc Thuyết bỏ việc thêu ren, ở nhà bán diêm, thuốc lào, chè nước…để canh bọn địch. Cụ Tôn Quang Phiệt và các ông Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tạo (tức Tạo cuội) ra Hà Nội hoạt động, phát triển tổ chức Tân Việt cũng đến đây hội họp với các đồng chí Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ông Đôn dặn em gái cách trả lời bọn “đánh hơi” cộng sản: nếu có ai hỏi, thì nói là anh tôi nhận dịch văn tự thuê hoặc đang đánh tổ tôm. Có khi cuộc họp kéo dài đến 1 giờ sáng, bà vẫn kiên nhẫn canh gác và ao ước được tham gia tổ chức. Rồi bà làm thơ tuyên truyền và giấu anh trai, tự mua mực về in truyền đơn. Anh trai phát hiện ra, la rầy bà, nhưng các đồng chí biết chuyện, nói hùn vào, ông Đôn mới siêu lòng. Ông thử thách em gái bằng cách giao nhiệm vụ rải truyền đơn ở thị xã Hà Đông.

Sau một lớp huấn luyện ngắn ngày, tháng 10 năm 1928, bà được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Làm giao thông liên lạc của Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ, bà hóa trang như con gái nhà giàu đi buôn bán vải tấm, đóng kiện hàng, lên tàu hỏa chạy chuyến đêm, đưa thư và truyền đơn vào Thanh Hóa, Nghệ An an toàn. Nhiều người nhắc nhớ và khâm phục bà mưu trí, dũng cảm, chính là chuyến đi nhận vũ khí từ Hải Phòng về Hà Nội, hết sức mạo hiểm, khi bà đang độ 20 xuân xanh.

Nhận nhiệm vụ do đồng chí Đỗ Ngọc Du, phụ trách công tác giao thông và tài chính của Xứ ủy Bắc kỳ giao, bà mượn cháu gái bộ quần lĩnh tía, giầy nhung, áo lụa màu hoa lý, ngoài phủ áo sa đen khuy vàng, ô tím, lên toa hạng nhất - première, chuyên dành cho quan Tây và công chức cao cấp để che mắt địch, đáp tàu xuống Hải Phòng. Bà đến nhà cơ sở, nhận súng brô-ninh, rồi lại lên toa xe hạng nhất trở về Hà Nội; còn ông Nguyễn Đức Cảnh có nhiệm vụ bảo vệ, khi đi Hải Phòng và trở về chỉ lên toa “hạng bét” - quatrième” (toa hạng bốn); nhưng đến ga Gia Lâm thì mất hút bóng kiều nữ Mai Ngọc Thuyết. Hồi ký còn ghi lại rất sinh động chi tiết rất thú vị tâm trạng của ông Nguyễn Đức Cảnh khi bà về tới 5D Hàm Long: Tôi đặt phịch va li xuống nhà. Anh Cảnh giật mình nhỏm dậy mừng quá: “Trang về đấy ư?. Mọi người cùng xô lại. Lúc này tôi mới biết, khi xuống tàu, tôi ra cửa Premier- cho người đi vé hạng Nhất, còn anh Cảnh ra cửa Quatrième - cho người đi vé hạng bốn; anh không nhìn thấy tôi nên rất lo lắng. Các anh bảo: “Phen này mà mất cô Trang thì cậu Cảnh chết”.Thấy bà về an toàn cả người và súng, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, ăn mừng thắng lợi bằng bữa cơm cá ngay tại 5D Hàm Long.

Nhà số 5D phố Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (3-1929).

Tình yêu đơm hoa kết trái khi đi “vô sản hóa” ở Nam Định

Những năm 1928-1929, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ chủ trương đưa các hội viên là học sinh, trí thức ở thành thị đến các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền các tỉnh để cùng sinh hoạt và làm việc, qua đó rèn luyên bản lĩnh cách mạng, tuyên truyền giác ngộ, vận động, tổ chức công nhân đấu tranh.Vì vậy, anh em ông Mai Lập Đôn, Mai Ngọc Thuyết và ông Khuất Duy Tiến đi vô sản hóa ở Nam Định. Bà được ông Trần Văn Lan (bí danh là Giáp cóc) đưa vào nhà máy sợi học nghề, sau lại chuyển sang nhà máy tơ. Vốn là con gái Hà Nội, chỉ làm nghề thêu ren, lần đầu tiên, bà biết thế nào là lao động 8 giờ bị bọn chủ bóc lột, ăn chặn, đánh đập, nhưng vẫn đói vàng mắt. Có khi không còn đồng xu nào đong gạo, bà vẫn phải đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 gờ tối, uống nước cầm hơi 4 ngày liền. Gian nan rèn luyện ý chí. Bà đã tuyên truyền trong chị em thợ bằng cách làm thơ lục bát dễ hiểu, dễ thuộc và tổ chức được Hội tương tế trong phân xưởng guồng sợi. Mọi người đồng lòng trích quỹ của Hội mua báo Phụ nữ Tân văn, mở mang kiến thức, đòi quyền lợi của nữ giới. Từ những hạt giống đỏ mà bà và các đồng chí gây dựng, đầu năm 1930, công nhân nhà máy sợi đã bãi công chống chủ đánh đập, cúp phạt, tăng lương và phụ cấp đắt đỏ; thực hiện ngày làm 8 giờ giành thắng lợi

Trong những ngày đi “Vô sản hóa”, ông Nguyễn Văn Mẫn, vốn quê ở thị xã phủ Lạng Thương (nay là Thành phố Bắc Giang), đã cảm mến bà. Họ tổ chức kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga ngày 7-11-1929, rải truyền đơn ở Ngã Sáu Nam Định. Nhưng rồi tai họa đã ập tới. Ông Mai Lập Đôn bị địch bắt trong khi đang rải truyền đơn. Có kẻ phản bội trong Đảng đã khai báo các đồng chí. Bọn địch lần theo dấu vết hoạt động và chúng treo thưởng 5000 đồng Đông Dương cho ai bắt được bà. Cần phải đưa bà về Hà Nội cho an toàn. Trong hoàn cảnh đó, các đồng chí cùng hoạt động đứng ra tác thành cho ông bà. Nhiều năm sau, trong hồi ký, bà xúc động kể lại: “Tôi chỉ biết anh Tám là đồng chí tốt, cũng không biết anh đang ở trong Tỉnh ủy Nam Định. Gọi là cưới nhưng chỉ có các đồng chí Hới, Phiếm Chu, Ba Ngọ và chúng tôi cùng ngồi nói chuyện với nhau một bui tối”. Xa gia đình, nhưng tình cảm đồng chí ấm áp trong buổi thành hôn là kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ sâu sắc trong tâm khảm người phụ nữ sớm dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng nhân dân khỏi kiếp nô lệ, lầm than.

Ths. Phạm Kim Thanh

TLTK:

- Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ Hà Nội, NXB Hà Nội, H. 1982, tr 38.

- Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Những chiến sĩ cộng sản ưu tú và cơ sở cách mạng của Hà Nội, NXB Hà Nội, H. 2006, tr 107-108.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 5086

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Chí sĩ Lê Đại - người thổi hồn vào “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu (Phần 2 và hết)

  • 27/01/2017 19:22
  • 2810

Và cuộc tương phùng tương ngộ với Phan Bội Châu tại Huế