Đạm Phương (1881-1947), tên thật là Công Nữ Đồng Canh, tự Quý Lương, thường gọi là Đạm Phương nữ sử. Bà là con gái thứ hai của Nguyễn Phúc Miên Triện (tức Hoằng Hóa Quận Vương, con trai thứ 66 của vua Minh Mạng).
Bà xuất thân trong một gia đình hoàng tộc, quyền quý, dòng dõi con cháu vua chúa, lớn lên trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, cai trị. Dưới ách thống trị của thực dân - phong kiến, người dân Việt Nam bị “một cổ hai tròng”, thân phận người phụ nữ còn bị chất chồng bao nhiêu trói buộc bất công của lễ giáo phong kiến.
Chân dung Đạm Phương nữ sử (1881-1947). (Nguồn: Internet).
Vượt lên những mặt trái của tư tưởng phong kiến đương thời, Đạm Phương là người phụ nữ sớm nhìn thấy vai trò to lớn của giới mình cả trong gia đình và xã hội. Từ đó, bà hết sức tâm huyết với việc nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam. Chìa khóa cho việc nâng cao vị thế của phụ nữ là giáo dục. Trong bài “Muốn cho nữ lưu biết chức nghiệp, phải có Học hội nữ công”, bà viết: “Nước mình đàn bà con gái không phải không có óc thông minh, cũng không phải không có tài năng song không biết cách cùng nhau mà mưu sự nghiệp hạnh phúc chung, làm cho sự nghiệp về đường nữ công là cái phận sự của mình, phải nên chăm chút để gây dựng một nền giáo dục hoàn toàn mới mong nở mặt nở mày với người ta”.
Quan điểm của bà về giải phóng phụ nữ trong thời điểm đầu thế kỷ XX rất mới. Bà cho rằng, người phụ nữ rất cần được giáo dục ở hai môi trường: “Là nhờ trường nữ học của nhà nước để đào luyện tinh thần trí não, muốn cho khôn ngoan thì phải có học. Là trường học gia đình, thì ngày thường cha mẹ phải rèn tập lấy khuôn phẩm hạnh cho con cái, người trí thức ai cũng hiểu rằng: sự học của con gái cần phải khai thông, vì người đàn bà cũng chung đúc khí thiêng của núi sông mà nên người…”. Với suy nghĩ đó bà kêu gọi người phụ nữ muốn giải phóng mình thì trước hết mình phải học, phải có nghề nghiệp. Quan điểm này quả là mới mẻ ở xã hội Việt Nam thời đó, cái thời mà xã hội đã thành nếp suy nghĩ từ hàng ngàn năm là người phụ nữ chỉ cần biết cái bếp trong nhà là đủ. Tầm nhìn sâu rộng của Đạm Phương về giáo dục phụ nữ còn được thể hiện đầy đủ và cô đọng trong Tuyên bố nữ quyền của bà:
- Muốn bình quyền, bình đẳng với nam giới, trước hết người phụ nữ phải có những khả năng cần thiết nhất - đó là đức hạnh và tài năng.
- Đức hạnh và tài năng đó trước hết phải được giáo dục và rèn luyện trong gia đình từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành.
- Song song với giáo dục gia đình, người phụ nữ phải được tiếp nhận từ nhà trường một nền học vấn cơ bản tối thiểu là học hết bậc tiểu học.
- Với vốn tri thức cơ bản đó, người phụ nữ phải học lấy một nghề để có thể sống tự lập và góp phần phát triển kinh tế, không phụ thuộc và ỷ lại vào nam giới, không ăn bám chồng con.
Bà không chỉ hô hào trên mặt báo với những dòng chữ tâm huyết mà bà Đạm Phương còn là một người hành động. Một trong những cống hiến lớn nhất của bà Đạm Phương là việc kêu gọi nữ giới thành lập Học hội nữ công. Sau những lần gặp gỡ với nhà cách mạng lão thành từng bôn ba hải ngoại, từng trải kinh nghiệm trong đấu tranh vì dân, vì nước, bà Đạm Phương đã tiếp thu ý kiến của cụ Phan Bội Châu là nên thành lập một hiệp hội nhằm đoàn kết, giáo dục phụ nữ nước nhà. Bà đã đưa ra chủ trương thành lập “Nữ công học hội”. Và cuối tháng 4/1926, Nữ công học hội được thành lập tại Huế với thành phần nhân sự chủ chốt: bà Đạm Phương (Hội trưởng), bà Trần Quang Khải (Phó Hội trưởng), Trần Thị Như Mân (Tổng Thư ký) và nhiều ủy viên khác như: Nguyễn Khoa Tú, Ưng Úy, Thân Trọng Phước, Nguyễn Bá Trác… Mục đích của Hội là dạy công việc gia chánh, đồng thời lấy đó làm nơi gặp gỡ của chị em phụ nữ. Việc nữ công được hiểu là công việc bếp núc, may vá thêu thùa mà bất cứ người con gái nào cũng phải biết để phụng dưỡng cha mẹ, chăm lo cho chồng con. Với việc thành lập Nữ công học hội, khái niệm về nữ công cũng được mở rộng hơn. Chị em phụ nữ tham gia hội là để học lấy một nghề. Công việc gia chánh không phải chỉ là việc trong gia đình, mà còn nhằm mục đích nuôi sống bản thân mình. Muốn tham gia công tác xã hội trước hết phải biết sống tự lập về mặt kinh tế.
Ban trị sự Hội Nữ công Huế (Đạm Phương ngồi ở giữa, sau bàn) - tổ chức phụ nữ đầu tiên của Việt Nam trong ngày ra mắt Nữ Công học hội, năm 1926. (Nguồn: Internet).
Quy mô của Hội ngày càng phát triển, bà Đạm Phương đã cử một số cán bộ ra Hà Đông, Hà Nội, vào Quảng Nam học thêm các nghề mới như dệt vải, ươm tơ, nuôi tằm để về phổ biến lại cho chị em trong Hội. Hoặc biết nơi nào mới sáng chế được máy móc phục vụ tốt cho sản xuất thì bà viết thư mời người đó dạy cho Hội viên. Chẳng hạn như bà mời ông Diễm ở Hà Đông vào Huế dạy hội viên cách dệt vải khổ rộng với năng suất cao hơn kiểu dệt cũ. Khi công việc của Hội ổn định, đi vào hoạt động có nề nếp thì bà Đạm Phương đã đi vào Nam ra Bắc tuyên truyền, cổ súy thành lập các Nữ công học hội tương tự.
Nữ công học hội thành lập được coi là một sự kiện lịch sử quan trọng đặc biệt trong vận động phụ nữ của nước nhà. Hoạt động của Hội Nữ công đã gây được tiếng vang lớn khắp cả nước. Nhiều học sinh ở các tỉnh miền Trung, ở Sài Gòn, Hà Nội tự động tổ chức thành chi nhánh của Hội, qua giao lưu với nhau về nhiều phương diện như học tập các nghề tiểu thủ công - nông nghiệp, phương pháp giáo dục gia đình, nuôi dạy con…
Người của Hội cũng đã có những tiếp xúc với những nhà yêu nước hoạt động trong các tổ chức tiền thân của Đông Dương Đảng Cộng sản, trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong Đảng Tân Việt. Lúc đó, ở Huế đã có một tổ chức phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Và rồi những hội viên tích cực của Hội Nữ công cũng chịu ảnh hưởng tốt của tư tưởng đấu tranh cách mạng và hòa nhập vào xu hướng tiến bộ đó. Số lớn hội viên trong Hội Nữ công sau này trở thành cán bộ của Đảng Tân Việt, của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, của Hội Phụ nữ Cứu quốc (trong Mặt trận Việt Minh), là cán bộ ưu tú của thời Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ sau này…
Nhìn lại cuộc đời hoạt động của bà Đạm Phương, chúng ta thấy, sau khi bà thành lập Nữ công học hội thì bốn năm sau Đảng Cộng sản Việt Nam mới ra đời. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng cũng đã nêu lên nguyên tắc “nam nữ bình quyền” và sáng suốt nhận ra phụ nữ là một lực lượng quan trọng của cách mạng, nếu quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh thì cách mạng không thắng lợi được. Do đó, ngày 20-10-1930, Hội Phụ nữ được thành lập - nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – tổ chức tiên phong trong công cuộc giải phóng phụ nữ và đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Bằng sự mẫn cảm của một người phụ nữ, bà Đạm Phương cùng các cộng sự của mình đã thành lập một tổ chức dành cho phụ nữ - mà tổ chức đó cùng quan điểm với Hội Phụ nữ theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ riêng điều này, bà Đạm Phương cũng xứng đáng được hậu thế ca ngợi là một trong những người đã tích cực gióng tiếng chuông đầu tiên cho nữ quyền.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn:
- Đạm Phương nữ sử - Chân dung nhà văn hóa đầu thế kỷ XX, H. Chính trị quốc gia, 2012, 532 trang.