Thứ Sáu, 01/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

14/09/2016 18:41 8654
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, là vị Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị Hoàng đế cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913, tại kinh thành Huế, là người con trai duy nhất của Nguyễn Phúc Bửu Đảo, tức vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc sau này là bà Từ Cung.

Chân dung vua Bảo Đại (1913-1997).

Ngày 28 tháng 4 năm 1922, khi được 9 tuổi, ông được lập làm Đông cung Hoàng Thái tử. Sau khi trở thành người kế vị. Vĩnh Thụy được trao cho Khâm sứ Jean François Eugène Charles đưa về Pháp đào tạo.

Ngày 6 tháng 11 năm 1925, vua Khải Định mất, thế tử Vĩnh Thụy về nước thọ tang. Ngày 8 tháng 1 năm 1926, triều đình tôn Vĩnh Thụy lên ngôi vua, lấy hiệu Bảo Đại, là vị vua thứ 13 của triều Nguyễn. Sau khi lên ngôi vua, Bảo Đại trở lại Pháp để tiếp tục học tập cho đến khi tốt nghiệp Trung học (tương đương học vị Tú tài Pháp).

Sau 10 năm đào tạo ở Pháp, ngày 16 tháng 8 năm 1932, Bảo Đại xuống tàu
D'Artagnan về nước. Ngày 10-9-1932, Bảo Đại ra đạo dụ số 1 tuyên cáo chấp chính và khẳng định chế độ quân chủ của Đại Nam hoàng triều. Văn bản này hủy bỏ “Quy ước” ngày 6/11/1925 lập ra sau khi Khải Định mất. Quy ước đó ghi rõ: Trong khi vua còn ở nước ngoài, Hội đồng phụ chính được quyền thay mặt điều hành mọi việc triều đình, đồng thời từ nay chỉ những lệ định có liên quan đến điển lệ, ân thích, ân xá, tặng phong các hàm tước, chức sắc... thì do hoàng đế ban dụ. Mọi việc khác đều thuộc quyền nhà nước Bảo hộ. Văn bản này còn sáp nhập ngân sách Nam Triều vào ngân sách Trung kỳ và mọi cuộc họp bàn của Hội đồng thượng thư phải do Khâm sứ Trung kỳ chủ tọa. Như vậy là bằng văn bản trên, thực dân Pháp đã hoàn toàn thâu tóm mọi quyền lực của Nam Triều ngay cả trên địa bàn Trung kỳ. Triều đình Huế chỉ còn là bộ máy tay sai do thực dân trả lương mà thôi.

Lễ đăng quang của vua Bảo Đại.

Năm 1933, Bảo Đại cho ban hành hàng loạt các chính sách cải cách, thực chất chỉ là hình thức mỵ dân mà thôi. Bảo Đại đã cải cách công việc trong triều như sắp xếp lại việc nội chính, hành chính. Ông đã cho bỏ một số tập tục mà các vua nhà Nguyễn trước đã đề ra như thần dân không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn vua khi lễ giá tới, mỗi khi vào chầu các quan Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua, các quan ta cũng không phải quỳ lạy.

Tiếp đó, Bảo Đại ra những đạo dụ để cho các vị thượng thư già lão về nghỉ, đó là: Nguyễn Hữu Bài (bộ Lại), Tôn Thất Đàn (bộ Hình), Phạm Liệu (bộ Binh), Võ Liêm (bộ Lễ), Vương Tứ Đại (bộ Công) được về nghỉ với danh hiệu là nguyên lão cố vấn. Sau đó, nhà Vua chọn một số trí thức và quan lại tương đối có tiếng vào lập nội các mới, gồm các ông: Ngô Đình Diệm, giữ bộ Lại; Thái Văn Toản, giữ bộ Lễ nghi - Mỹ thuật; Hồ Đắc Khải, giữ bộ Công, Bùi Bằng Đoàn, giữ bộ Tư pháp; Phạm Quỳnh, giữ bộ Giáo dục.

Tháng 12-1933, Bảo Đại ngự du Bắc kỳ thăm dân chúng cho biết sự tình. Trước đó, ngày 24-10, Bảo Đại đã ký lời dụ truyền cho Hội đồng Tư vấn Bắc kỳ được thay mặt Nam Triều trong công cuộc hợp tác với Chính phủ bảo hộ…

Ngày 20-3-1934, Bảo Đại làm đám cưới với Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào (tức Nguyễn Hữu Thị Lan) và tấn phong bà làm Nam phương Hoàng hậu. Đây là một việc làm phá lệ bởi vì kể từ khi vua Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến vua Khải Định, các vợ vua chỉ được phong tước Hoàng phi, sau khi mất mới được truy phong Hoàng hậu. Ông là nhà vua đầu tiên thực hiện bỏ chế độ cung tần, thứ phi.

Chân dung Nam phương Hoàng hậu.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, Bảo Đại ra đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ.

Ngày 7-4-1945, Bảo Đại đã ký đạo dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim và ngày 12 tháng 5 giải thể Viện Dân biểu Trung kỳ.

Ngày 19-8-1945, nhân dân đã vùng lên cướp chính quyền ở Hà Nội. Thắng lợi vang dội của cuộc khởi nghĩa ở Thủ đô đã cổ vũ các địa phương trong cả nước kiên quyết tiến tới giành toàn thắng.

Ở Huế, các huyện tỉnh Thừa Thiên cũng đã giành được chính quyền. Chính phủ bù nhìn và triều đình phong kiến đã sống những giờ phút cuối cùng. Đêm 23-8-1945, Chính phủ Cách mạng Lâm thời gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị.

Chiếu thoái vị của vua Bảo Đại, ngày 30-8-1945. (Ảnh chụp văn bản)

Ngày 30-8-1945, trước hơn 5 vạn nhân dân thành phố Huế tập trung ở cửa Ngọ Môn, Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm, quốc bảo của Hoàng triều cho ông Trần Huy Liệu - đại diện chính quyền Cách mạng. Ông trở thành công dân Vĩnh Thụy. Trong bản Tuyên ngôn Thoái vị, ông có câu nói nổi tiếng: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập.

Ấn Hoàng Đế Chi Bảo vua Bảo Đại trao lại tại lễ thoái vị chiều 30/8/1945.

Sau đó, công dân Vĩnh Thụy được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn cho Chính phủ Lâm thời mới thành lập. Năm 1946, Vĩnh Thụy tham gia phái đoàn chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm Trung Quốc, nhưng ông không trở về nước, mà về Côn Minh rồi Hương Cảng. Tháng 4-1949, ông lại được đưa về nước tham chính nhưng Bảo Đại lại bị Ngô Đình Diệm lật đổ. Tháng 10-1956, Bảo Đại sang Pháp sống lưu vong. Để quên đi quãng đời hoạt động chính trị cay đắng, Bảo Đại đã tự giam mình 10 năm ròng (1956-1966) trong một ngôi nhà vùng Alsace, miền Đông nước Pháp, lấy săn bắn và suy ngẫm làm thú vui và giết thời gian.

Sang năm 1996, ông không được khỏe, thị lực mắt kém dần. Năm 1997, ông bị ốm và được đưa vào điều trị tại một bệnh viện Quân y nổi tiếng của thủ đô Paris. 5 giờ sáng ngày 31-7-1997, Vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam đã qua đời trên đất Pháp, thọ 85 tuổi.

Đám tang cựu hoàng Bảo Đại được tổ chức vào lúc 11 giờ ngày 6-8-1997 tại nhà thờ Saint - Pièrre de chaillot số 35 đại lộ Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại nghĩa trang Passy trên đồi Trocadéro.

Mộ Bảo Đại trong nghĩa trang Passy ở Paris.

Như vậy, từ thuở các vua Hùng dựng nước đến vị Hoàng đế cuối cùng - Bảo Đại trị vì, nước ta trải qua hơn 4000 năm lịch sử với những thăng trầm của hơn 20 triều đại, các ông hoàng, bà chúa. Năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công - vị Hoàng đế cuối cùng thoái vị chấm dứt thời kỳ phong kiến tập quyền lâu dài, lịch sử Việt Nam sang trang mới - thành lập nhà nước Việt Nam Độc lập - Dân chủ.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, “Vị Hoàng đế cuối cùng”, Các triều đại Việt Nam, H. Thanh niên, 2001, tr. 389-394.

- Lý nhân Phan Thứ Lang, Bảo Đại - Vị vua cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, H. Công an nhân dân, 2015, 351 trang.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4514

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Khắc Quốc Công Lê Văn An, một tướng tài triều Lê sơ

Khắc Quốc Công Lê Văn An, một tướng tài triều Lê sơ

  • 12/09/2016 18:08
  • 3007

Theo gia phả họ Lê Văn ở làng Diên Hào, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân thì ông nội của Lê Văn An nguyên quán sở Vạn Ty thành Gia Định.