Theo gia phả họ Lê Văn ở làng Diên Hào, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân thì ông nội của Lê Văn An nguyên quán sở Vạn Ty thành Gia Định.
Vì mưu cầu cuộc sống, cả gia đình nhiều phen chuyển đổi nơi ở, cuối cùng tụ lại ở Mục Sơn. Theo Ngọc phả họ Đinh Thanh Hóa, Lê Văn An đến tụ nghĩa tại Lam Sơn ngày 25-5 năm Ất Mùi (1415), trước Hội thề Lũng Nhai 1 năm, trước ngày khởi nghĩa 3 năm. Theo sách Đại Việt Thông sử (Chư thần truyện) thì: “Lê văn An người sách Mục Sơn (nay là xã Xuân Bái, Thọ Xuân, Thanh Hóa), theo vua Thái Tổ dấy binh, được trao chức Thứ Thủ vệ kỵ binh trong quân Thiết Đột. Khi Nhà vua cùng với 18 người bề tôi thân cận tổ chức hội thề thì tên ông đứng ở hàng thứ ba. Trải hơn một trăm trận lớn nhỏ, khi tấn công cũng như khi phòng thủ, ông đều có nhiều công lao”. Như vậy, Lê Văn An đến Lam Sơn với Lê Lợi trước khi Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai (năm 1416). Cùng thời điểm đó, con trai ông là Lê Biếm cũng đã là một thanh niên khỏe mạnh, được Lê Lợi thu nhận, cho tham gia lực lượng nghĩa binh của Lam Sơn. Sinh thời, Lê Văn An là bậc dũng tướng đa mưu, văn võ song toàn, từng “trải hơn một trăm trận lớn nhỏ” nên rất dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Sự nghiệp của Lê Văn An thể hiện tập trung nhất qua mấy trận đánh quan trọng sau đây.
Trận Khả Lưu và trận Tân Bình - Thuận Hóa
Cuối năm 1424, trên cơ sở chấp thuận và tán đồng mạnh mẽ đối với kế hoạch xuất sắc của Nguyễn Chích, Lam Sơn đã ồ ạt tấn công vào Nghệ An. Tại Nghệ An, một trong những trận đánh quan trọng nhất của nghĩa quân Lam Sơn chính là trận Khả Lưu. Và, Lê Văn An đã có vinh dự được tham gia chỉ huy trận đánh quan trọng này.
Trận Khả Lưu là một trong những trận lớn nhất của Lam Sơn tại Nghệ An, trận đã buộc quân Minh phải lâm vào thế bị dồn ép để rồi mất khả năng cứu nguy cho nhau. Kể từ đây, tương quan thế và lực giữa đôi bên nhanh chóng thay đổi theo chiều hướng ngày càng có lợi cho Lam Sơn. Trận này, quân ta bắt sống được tướng giặc Chu Kiệt, chém chết tướng Hoàng Thành. Đây là trận được Lam Sơn thực lụcmô tả khá tỉ mỉ. Trong trận này, Lê Văn An vừa là tướng chỉ huy, cũng là người đã lập công lớn, “Ông xông lên trước, hãm thế trận của giặc và đánh lui chúng (Đại Việt thông sử, Chư phần truyện).
Sau thắng lợi ở trận Khả Lưu, Lê Lợi cho quân vây hãm thành Nghệ An. Bấy giờ, để đề phòng tướng giặc có thể từ vùng Tân Bình và Thuận Hóa, bất ngờ đem quân ra ứng cứu, Lê Lợi liền sai các tướng như Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, Lê Đa Bồ, đem hơn một ngàn bộ binh cùng với một thớt voi, ồ ạt tấn công vào phía Nam. Lực lượng này xuất trận chưa được bao lâu thì Lê Lợi lại sai Lê Văn An, Lê Ngân, Lý Triện và Lê Bôi, lãnh hơn 70 chiến thuyền, tiến gấp theo để tiếp ứng. Sự phối hợp nhịp nhàng và mãnh liệt của quân thủy bộ Lam Sơn đã khiến cho giác rất hốt hoảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ vùng Tân Bình và Thuận Hóa đã được Lam Sơn giải phóng. Trong chiến công chung rất vang dội này, Lê Văn An là một trong những tướng lĩnh có công lớn. Năm 1427, Lê Văn An được vua Lê Lợi phong làm Thiếu bảo tổng quản trông coi các việc quân ở Quốc Oai thượng, Quốc Oai trung, Tam Đái và Quảng Oai. Vua còn cho phép Lê Văn An ”Nếu có viên chấp lệnh, hay giám quan nào không theo tiết chế của ngươi thì được quyền chém trước tâu sau”.
Tướng chỉ huy cuộc vây hãm và dụ hàng thành Nghệ An
Sau trận thắng lớn ở Tân Bình và Thuận Hóa, Lê Văn An và các tướng được lệnh đem quân tiến gấp ra Nghệ An. Tại đây, kế hoạch tấn công ra giải phóng vùng đồng bằng Thanh Hóa đã được Bộ chỉ huy Lam Sơn thông qua. Đây là một kế hoạch rất táo bạo, bởi lẽ, giặc ở Thanh Hóa mạnh hơn hẳn giặc ở Nghệ An. Và nếu sơ hở trong cuộc vây hãm đối với thành Nghệ An, thì rất có thể, giặc sẽ từ hai hướng Nam, Bắc khác nhau là Nghệ An và Thanh Hóa, sẽ phối hợp để tiêu diệt lực lượng của Lam Sơn ngay trên đường hành quân.
Để ngăn chặn khả năng này, Lê Lợi đã tin cậy cử Lê Văn An ở lại, chỉ huy toàn bộ lực lượng vây hãm thành Nghệ An. Lê Văn An xiết chặt vòng vây, thẳng tay trừng trị những kẻ ngoan cố, cả gan dám đánh lén vào hàng ngũ của ông, đồng thời, liên tiếp kêu gọi giặc đầu hàng. Sau đó, Lê Văn An cùng các tướng Lưu Nhân Trú, Lê Sát, Lê Lý, Lê Khôi đồng loạt tấn công giặc, chém đầu hơn 5 vạn tên. Trước tình thế ngày một bức bách, tướng chỉ huy cao cấp của giặc trong thành Nghệ An là Thái Phúc đã xin đầu hàng. Sự kiện này khiến cho tinh thần của giặc bị khủng hoảng nghiêm trọng, ngược lại làm cho ý chí chiến đấu của Lam Sơn được khích lệ mạnh mẽ.
Tranh minh họa: tướng giặc Thái Phúc đầu hàng tướng Lê Văn An trong trận đánh vây thành Nghệ An của nghĩa quân Lam Sơn.
Tướng lập công lớn ở trận Xương Giang (1427)
Sau khi Thái Phúc ra đầu hàng, Lê Văn An được lệnh tiến ra Đông Quan. Bấy giờ, Lam Sơn đã thắng trận quyết chiến chiến lược vang dội ở Tốt Động - Chúc Động, đẩy Tổng binh Vương Thông của giặc từ vị trí của một viên tướng đi cứu nguy, trở thành một kẻ kêu cứu thảm thiết.
Cũng lúc bấy giờ, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã quyết định đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quân Minh ở Chi Lăng - Xương Giang. Đại bộ phận lực lượng tinh nhuệ nhất của Lam Sơn đã được điều động vào trận đánh lịch sử này. Ngoài ra, một bộ phận khác đã được điều lên ải Lê Hoa để đánh chặn đạo quân của Mộc Thạnh, và một bộ phận khác nữa cũng được bố trí ở lại để tiếp tục bao vây, tiếp tục dụ hàng thành Đông Quan.
Lê Văn An có vinh dự được cùng với tướng Nguyễn Lý đem 3 vạn quân tiếp ứng cho các tướng sĩ Lam Sơn ở trận Chi lăng - Xương Giang. Ông là một trong những tướng đã lập công to lớn trong trận tập kích vào Xương Giang (tháng 11 năm 1427). Sử cũ chép:
“Vua lại sai ông cùng Lê Lý (tức Nguyễn Lý - NKT) đem 3 vạn quân lên hỗ trợ cho tướng Lê Sát làm thế ỷ giốc (Thuật ngữ quân sự cổ: nghĩa là trên dưới, sau trước, phải trái và trong ngoài cùng dựa vào nhau). Ông liên tục đánh phá quân của Thôi Tụ và Hoàng Phúc, vây hãm chúng ở Xương Giang. Kế đến, ông cùng các tướng hợp sức đánh phá giặc, bắt sống được Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng 3 vạn quân địch. Thiên hạ từ đó đại định” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).
Nhờ những công lao nói trên, năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi vua, Lê Văn An được phong làm: Nhập nội thiếu úy, Tư Mã, hàm Suy trung Bảo chính công thần, tham dự triều chính.
Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), nhà Lê dựng biển khắc tên công thần, Lê Văn An cũng có tên ở trong số đó. Cũng năm này, ông được ban tước Đình Hầu.
Năm Thuận Thiên thứ 5 (1432) ông được gia hàm Tán Trị Hiệp Mưu Công thần, Nhập nội Kiểm hiệu Tư không, Bình Chương Quân Quốc Trọng sự.
Năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), dưới triều vua Lê Thái Tông, Lê Văn An được cử làm Tư mã Bắc Đạo và nhờ có công trấn trị ở vùng này, ông được gia phong làm Nhập nội Đại Tư mã, Đô Đốc Đồng Tổng quản Bắc Đạo.
Ngày 9-4 năm Đinh Tỵ (1437), Lê Văn An đột ngột qua đời vì bệnh. Khi ông mất được vua Lê Thái Tông truy tặng chức Tư không, ban tên thụy là Trung Hiếu.
Sinh thời, "trong số võ tướng, ông là người hòa nhã và giản dị, thường dùng lễ để tiếp đãi các bậc sĩ đại phu” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện). Đến đời vua Lê Thánh Tông xét lại công lao các vị đại thần thời Thái Tổ, Lê Văn An được gia phong Khắc Quốc Công.
Về thời gian xây dựng đền thờ Khắc Quốc Công Lê Văn An, theo các cụ cao niên trong làng truyền lại đền được dựng năm Đinh Dậu (1597) đời vua Lê Kính Tông - niên hiệu Hoàng Định. Cũng theo người dân nơi đây, trước kia đền được xây dựng ở sách Mục Sơn nhưng đến thời kỳ Lê Trung Hưng, công thần Lê Duy Trinh dời về làng Diên Hào. Đến năm 1740 vua Lê Hiển Tông đã sắc phong cho Lê Văn An là Thượng Đẳng Phúc thần.
Đền thờ Lê Văn An được xây dựng quay mặt về hướng nam, không gian cao ráo, thoáng đãng, liền kề dòng Nông Giang (sông đào dưới thời Pháp thuộc). Ngôi đền nhìn thẳng về vùng ruộng đồng bao la, trù phú của xã Xuân Phú và xã Xuân Thắng. Không gian của đền có được vượng khí đắc địa tụ linh, tụ phúc tạo nên sự linh thiêng, huyền bí. Đền thờ được xây dựng bao gồm có Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường là một ngôi nhà gỗ 4 gian, 3 vì kèo theo lối truyền thống. Hậu cung có diện tích 19,8m2 được bố trí làm hai cung: cung ngoài thờ hội đồng tổ tiên, cung trong thờ Khắc quốc công Lê Văn An. Đền thờ hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật vô cùng quý giá như: Ngai thờ bằng đá, thánh vị bằng đá ghi thánh tổ Lê Văn An, hai cây đèn đá, ba đài thờ đá, đôi nến, mâm bồng đá… Cùng với nhiều đồ thờ bằng gỗ quý như: Ngai thờ tổ Nguyễn Thọ, Bài Vị, Mâm bồng… và nhiều bản gia phả bằng chữ Hán được viết dưới thời vua Tự Đức, ba đạo sắc phong của vua Lê Hiển Tông và vua Duy Tân (Triều Nguyễn)… Đây đều là những hiện vật có nhiều giá trị trên nhiều lĩnh vực của lịch sử dân tộc.
Đền thờ Lê Văn An còn lưu giữ câu đối như đã đúc kết lại công trạng của một tướng lĩnh, một vị quan mẫu mực trong chế độ phong kiến lúc bấy giờ:
“Khai quốc bình Ngô quang vạn đại / Chiêu dân bồi tượng trạch di thâm”
Cả cuộc đời Lê Văn An tận tâm với vua, với nước, lòng dạ sáng tựa sao băng. Trong các võ tướng thời Lê Sơ, Lê Văn An là người điềm đạm, giữ lễ nghĩa, được giới sỹ phu cả nước lúc bấy giờ quý trọng.
Minh Vượng
Nguồn:
- Danh nhân họ Lê Thanh Hóa- NXB Văn học, 2007
- Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn (Tác giả Nguyễn Khắc Thuần). NXB Giáo dục, 1996.