Thứ Năm, 12/06/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

31/08/2016 00:25 9805
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Lê Khôi - thụy là Võ Mục, người Lam Sơn (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là con của Lê Trừ.

Cha mẹ mất sớm, Lê Khôi ở với chú ruột là Lê Lợi, tham gia nghĩa quân, có tên trong Hội thề Lũng Nhai gồm 35 công thần tụ nghĩa. Ông tham gia nhiều trận đánh, lập công lớn, cùng Lê Sát, Lê Phấn bắt sống tướng Minh là Chu Kiệt.

Lê Khôi làm quan qua 3 triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông; đã giữ tới chức Khâm sai Tiết chế thủy lục như Dinh, rồi lên chức Hộ vệ Thượng tướng quân. Năm 1427 trong trận Xương Giang, ông đã cùng Phạm Vấn cầm quân chi viện cho Lê Sát, Trần Nguyên Hãn đánh tan quân giặc, bắt sống đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Hoàng Phúc và hơn 3 vạn tù binh giặc, góp phần giải phóng Đông Đô.

Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu (Nghệ An – Hà Tĩnh) chỉ vài năm làm công bộc chăm dân ở đây, ông đã nổi tiếng bởi sự công minh chính trực, chú trọng phát triển nông nghiệp, lo cuộc sống cho dân “ nhà nhà ấm no, không lo trộm cướp”.

Năm 1446, ông phụng mệnh vua Nhân Tông cầm quân cùng các tướng Nguyễn Chích, Nguyễn Xí đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa bắt được chúa Chiêm là Bí Cai. Trên đường trở về, đoàn chiến thuyền đến chân núi Long Ngâm của dãy Nam Giới thì ông mất. Thương tiếc vị tướng tài - đức song toàn, binh sỹ kêu gào dậy sóng một vùng Cửa Sót. Vua quan thương xót vô hạn, nghỉ triều chính làm quốc tang 3 ngày. Thi hài ông an táng tại chóp núi Long Ngâm. Nhà vua cho lập đền thờ, hàng năm tổ chức quốc tế, truy phong. Nhân dân địa phương thương tiếc và kính trọng ông, họ cũng lập đền thờ tại Cửa Sót và hàng năm đều tổ chức Lễ hội đền Chiêu Trưng vào ngày giỗ ông.

Tượng Đại Vương Lê Khôi.

Năm Quang Thuận thứ 4 (1463) Vua Lê Thánh Tông ngự giá thăm Đền, viếng mộ, ngự chế bài thơ quốc âm đề vịnh, sắc cho Đô úy Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ soạn bia dựng tại Đền. Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) lại phong tặng “ Chiêu Trưng Đại Vương”.

Tại vùng Nghệ An - Hà Tĩnh, người ta vẫn còn lưu truyền câu: “Đền Cờn, Đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”. Đây là tên của 4 ngôi đền linh thiêng và lâu đời ở miền Trung. Đền Chiêu Trưng được xây dựng xong năm Đinh Mão (1447) một năm sau khi Lê Khôi mất. Đến nay, Đền thờ Lê Khôi - Chiêu Trưng Đại Vương được dựng lên đã là 569 năm. Kết cấu đền gồm 3 tòa và lăng mộ (tiền miếu hậu lăng). Nếu đi đường thủy, sau khi rời bến thuyền ngoặt vào núi Long Ngâm, du khách leo qua 23 bậc đá để lên thềm trong bóng râm rợp mát của um trùm cây cối cổ thụ.

23 bậc đá dẫn lên ngôi đền linh thiêng Đền Chiêu trưng Đại Vương.

Trước cổng Đền có câu đối ghi rõ năm đặt phần mộ, dựng đền và năm xây cổng. Qua cổng và vọng lâu vào đền Hạ là nơi đón tiếp quan khách về tế lễ. Phía Đông là nhà đặt bia khắc bài thơ nôm của Lê Thánh Tông đề tặng ngày 3/5/1447. Đền Chiêu Trưng nằm trên núi Long Ngâm thuộc dãy núi Nam Giới uốn lượn ra biển ở xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ngọn núi này nhìn xa giống như một con Rồng đang quay đầu xuống nước. Đền Chiêu Trưng nổi tiếng bởi sự linh thiêng của phát tích và những giá trị nghệ thuật kiến trúc nên ngôi đền.

Nghệ thuật điêu khắc ở đền Chiêu Trưng, đặc biệt ở trung điện hết sức tinh tế, công phu, và điêu luyện. Ngoài các hình tượng bát tiên quả sơn, bát tiên quá hải, tứ linh, bát bảo quen thuộc của nhiều ngôi đền Việt Nam, thì tại đây còn có nhiều hình tượng khác mang đậm nét văn hóa dân gian Việt Nam như: nữ công đánh đàn Nguyệt, nữ công thổi sáo, vũ nữ, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long chầu nhật, phượng hàm thư; các hình con giống như voi, hươu… Đặc biệt tại Trung điện còn tạc tượng 2 võ sĩ Chàm.

Khu vực bên trong Đền Đại Vương Chiêu Trưng.

Đền Trung có 3 gian điện thờ. Thượng điện treo tấm biển của Lê Thánh Tông ban: “Nam thiên tuấn vọng”. Trên hương án sơn son thiếp vàng là bức tượng Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi bằng gỗ sơn, nét chạm đẹp, vẻ mặt trang nghiêm mà phúc hậu. Ở Hạ điện có đôi câu đối: Thượng đẳng hiển anh linh thiên hạ huyền công bang hải đạo/ Quốc triều long tự tải nhân bằng thịnh đức phát tài nguyên.

Lăng mộ của Đại vương ở phía sau thượng điện, không cao to, đồ sộ nhưng trang trọng, uy nghiêm. Sau hương án là lối vào có hai hổ chầu hai bên. Ở hai cột nanh có khắc đôi câu đối: “Yên chức hào kiệt/ Chiến tích anh hùng”.

Theo “Danh thắng Quỳnh viên & Đền Chiêu trưng Đại vương”, cái đẹp của Đền không chỉ ở đường nét kiến trúc mà còn là sự hài hòa giữa công trình kiến trúc, không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên. Theo thế núi, không gian kiến trúc của ngôi Đền cao dần dẫn khách thập phương đến với sự chiêm nghiệm về công lao và sự thiêng liêng của Đại vương Chiêu Trưng. Ngọn Long Ngâm có dáng đầu rồng cúi đầu uống nước biển Đông mặc cho quanh năm bạc đầu sóng vỗ. Sông Hoàng Hà (sông Sót) chảy mãi cho thế gian giao hòa với biển cả. Ở chốn phong ba hùng vĩ ấy, Đền Chiêu Trưng Đại vương trầm mặc, thấp thoáng trong rừng xanh để quanh năm ngắm non trông bể, lắng nghe âm thanh của tạo hóa, hòa âm của sóng biển với gió rừng. Đúng như câu đối khắc ở đền vọng làng Dương Luật: Vạn cổ thanh danh tùy bất hủ/ Tam triều lãm vọng lẫm như sinh.

Lễ dâng hương tưởng niệm Đại Vương Lê Khôi.

Tiếng tăm, công đức của Người mãi trường tồn, ba triều vua ngóng trong vẻ lẫm liệt oai hùng như Người còn đó. Về tổng thể đền Lê Khôi gồm nhiều đơn nguyên kiến trúc phối hợp với nhau thành một công trình kiến trúc hài hòa gồm 3 khu vực. Khu vực 1: là những công trình kiến trúc phụ trải dài từ chân núi đến đỉnh núi. Khu vực 2 là khu kiến trúc chính được xây dựng ngay trên đỉnh núi. Khu vực 3 là khu lăng mộ Đại Vương. Hệ thống hiện vật trong đền có rất nhiều đồ quý. Quan trọng nhất chính là bức tượng Đại Vương Lê Khôi cao gần 1m, sơn son thiếp vàng, được tạc bằng gỗ trầm hương. Dưới bệ tượng thờ là hòm đựng 21 Sắc phong của nhiều đời vua ban cho ngôi đền. Sắc phong sớm nhất có niên đại Cảnh Hưng thứ 4 (năm 1783); sắc phong muộn nhất có niên hiệu Duy Tân thứ 3 (năm 1909). Nội dung các sắc phong đều ghi Lê Khôi được phong là “Thượng Thượng Thượng đẳng thần tối linh”.

Đền Chiêu trưng Đại Vương Lê Khôi thường có 3 kỳ lễ chính:

Lễ Thưởng Xuân (còn gọi là Khai Ân) diễn ra ngày mồng 4 tháng 1 âm lịch.

Lễ hội chính tưởng niệm ngày mất của Lê Khôi, diễn ra trong 3 ngày từ ngày mồng 1 đến mồng 3 tháng 5 âm lịch.

Lễ Hạp Ấn diễn ra ngày 25 tháng 12 âm lịch, là lễ báo ân, báo đáp của nhân dân lên Đức Thánh sau một năm làm ăn gặp nhiều may mắn.

Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại Vương thu hút hàng chục vạn lượt người tham dự.

Lễ hội Đền Chiêu Trưng được đánh giá là có quy mô nhất trong vùng, khai thác được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống mang đậm phong tục, đặc điểm của cư dân vùng biển. Trong lễ hội chính vào dịp giỗ Đại Vương, người dân trong vùng thường tiến hành các lễ mộc dục, tắm rửa lau chùi tượng Đại Vương. Sau nghi thức tế lễ là các trò vui như hội chèo giải, hội bơi thuyền. Cuộc thi bơi thuyền được diễn ra ngay tại bờ sông Cửa Sót, trước cửa Đền Chiêu Vương. Mỗi kỳ lễ hội đền Chiêu Vương thường thu hút hàng chục vạn lượt người tham gia.

Minh Vượng

Nguồn:

- Danh tướng Việt Nam - Tập 2: Danh tướng Lam Sơn( Nguyễn Khắc Thuần)- NXB Giáo dục, năm 1996.

- Báo Hà Tĩnh onile.

- Website Dòng họ Lê Hà Tĩnh.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 5352

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Bốn luật sư làm Bộ trưởng trong Nội các Trần Trọng Kim.

Bốn luật sư làm Bộ trưởng trong Nội các Trần Trọng Kim.

  • 17/08/2016 19:28
  • 3687

Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản… có rất nhiều chính khách nổi tiếng xuất thân là luật sư.