Trần Nhật Duật sinh năm Ất Mão (1255) tại kinh thành Thăng Long trong gia đình hoàng tộc nhà Trần. Ông là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Thuận Thiên; em trai vua Trần Thánh Tông và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải.
Từ thuở niên thiếu, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng là ông hoàng hiếu học và sớm bộc lộ thiên tài. Do miệt mài học tập và khổ công rèn luyện mà ông nổi tiếng hiểu khắp kinh sử, giỏi việc chính trị, quân sự, thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của các tộc người thiểu số trong và ngoài nước. Ông biết tiếng Hoa, tiếng Chiêm Thành, tiếng Sách Mã Tịch (tức Tumasik, nay là Singapore).
Sử cũ chép rằng khi ông sinh ra, trên cánh tay có mấy chữ “Chiêu Văn đồng tử” nên về sau ông được phong tước Chiêu Văn Vương.

Trần Nhật Duật (1255-1330).
Ngoài 20 tuổi, Trần Nhật Duật đã được triều đình nhà Trần giao đặc trách những công việc về các dân tộc có liên quan. Nhà vua rất thán phục, có lần nói đùa: “Chiêu Văn Vương có lẽ không phải người Việt mà là hậu thân của giống Phiên, Nam”.
Khi tiếp xúc với các sứ thần nhà Nguyên, ông vui vẻ, tự nhiên trò chuyện suốt cả một ngày, khiến sứ Nguyên cho rằng Nhật Duật là người Hán ở Chân Định (nước Triệu cũ, gần Bắc Kinh) sang làm quan bên Đại Việt.
Năm 1280, tù trưởng địa phương ở đạo Đà Giang (thuộc miền Tây Bắc ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên cự lại triều đình. Cùng lúc đó nhà Nguyên đang sửa soạn đại binh xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Với nhu cầu cấp bách phải dẹp ngay mối bất hòa trong nước, vua Trần phái Trần Nhật Duật làm “Trấn thủ Đà Giang” đem quân đi dẹp.
Hay tin, Trịnh Giác Mật họp thủ hạ bàn kế cự chiến. Giác Mật định ám hại ông nên sai người đưa thư dụ Nhật Duật: “Giác Mật không dám trái lệnh triều đình. Nếu ân chủ một mình một ngựa đến, Giác Mật xin ra hàng ngay”. Các tướng can ngăn e Giác Mật tráo trở, ông chỉ nói nếu có như vậy triều đình sẽ cử một vương khác tới làm tướng, rồi ông một mình một ngựa đến trại Giác Mật, chỉ mang theo mấy tiểu đồng cắp tráp đi hầu. Thản nhiên đi giữa lớp lớp gươm giáo và đám lính sắc phục kỳ dị cố ý phô trương uy hiếp của Giác Mật, Nhật Duật nói với chúa đạo bằng chính ngôn ngữ và theo đúng phong tục của dân tộc Đà Giang:
“Lũ tiểu đồng của ta khi đi đường thì nóng tai trái, vào đây thì nóng tai phải”.
Từ Giác Mật đến các đầu mục đều sững sờ, kinh ngạc trước sự am hiểu tiếng nói và tục lệ của ông. Rồi Giác Mật sai bưng mâm rượu lên. Giác Mật mời ông uống. Trần Nhật Duật không chút ngần ngại, cầm thịt ăn rồi vừa nhai vừa ngửa mặt, cầm gáo rượu bầu từ từ dốc vào mũi hết sức thành thạo.
Trịnh Giác Mật kinh ngạc thốt lên: “Chiêu Văn Vương là anh em với ta rồi!”.
Trần Nhật Duật nói: “Chúng ta xưa nay vẫn là anh em”. Trịnh Giác Mật nhanh chóng chịu quy thuận, khiến nhà Trần yên ổn được biên giới Tây Bắc để tập trung chống quân Mông Nguyên.
Tài năng của Trần Nhật Duật trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông rất giỏi về âm nhạc và thường tự mình sáng tác các bản nhạc, trong đó có không ít bài có lời bằng chữ Nôm.
Tuy nhiên, tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật là thuộc lĩnh vực quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thật sự là một danh tướng kiệt xuất.
Năm 1285, quân Nguyên sang xâm lược nước ta. Trần Nhật Duật được trao trọng trách chỉ huy một cánh quân lớn của triều đình đóng giữ ở vùng Tuyên Quang ngày nay, đánh chặn để cản bước tiến ồ ạt của quân Nguyên Mông do Thoát Hoan cầm đầu. Ông đã chỉ huy các tướng sĩ dưới quyền đánh nhiều trận xuất sắc, gây cho giặc nhiều tổn thất lớn. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, một cánh quân Nguyên từ Vân Nam tiến xuống theo đường quốc lộ Tuyên Quang. Lúc bấy giờ, ông đóng quân ở trại Thu Vật (Yên Bái), đem quân chặn đánh rồi rút lui về Bạch Hạc làm lễ tuyên thệ, nguyện hết lòng trung thành báo đền ơn vua. Sau đó, ông rút về Thiên Trường hội quân với đại quân triều đình.
Mùa hè năm 1285, quân ta tổ chức phản công. Trong năm chiến dịch lớn nhất của cuộc phản công chiến lược này do Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương đề ra và trực tiếp chỉ đạo (năm chiến dịch gồm: chiến dịch Tây Kết lần thứ nhất, chiến dịch Chương Dương, chiến dịch Hàm Tử, chiến dịch Tây Kết lần thứ hai, chiến dịch giải phóng Thăng Long), Trần Nhật Duật có vinh dự được cử làm tướng chỉ huy chiến dịch Hàm Tử. Bấy giờ, ngoài lực lượng vốn có của ta, Trần Nhật Duật đã quy tụ được không ít những người Trung Quốc lưu vong. Họ bị thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông nên chạy sang lánh nạn ở nước ta. Điều này làm cho quân Nguyên Mông rất bất ngờ và hốt hoảng, cho rằng đó là đội liên quân của nhà Tống với Đại Việt. Trần Nhật Duật đã cản phá quân giặc ở Hàm Tử (Hưng Yên). Lực lượng của quân Nguyên Mông nhanh chóng bị chia cắt, bị tấn công tiêu diệt bởi sự hợp đồng chặt chẽ của nhiều chiến dịch khác nhau. Chiến thắng Hàm Tử do Trần Nhật Duật chỉ huy có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với thắng lợi chung của cuộc kháng chiến lần thứ hai; và, cùng với các cánh quân khác đập tan hệ thống phòng thủ phía Nam Thăng Long, mở đường tiến về giải phóng kinh thành.

Trận đại chiến Hàm Tử Quan.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1288), danh tướng Trần Nhật Duật lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc ta.
Trần Nhật Duật là một nhà quân sự lớn, ông biết khôn khéo áp dụng phương pháp địch vận, tác động vào lòng người. Ông là người kiên trì đường lối hữu nghị giữa các dân tộc, không kỳ thị những dân tộc thiểu số mà trước đây người ta thường khinh miệt là man di, mọi rợ; biết liên minh với các dân tộc bị áp bức với mục tiêu chống kẻ thù chung. Hơn nữa, ông lại là người giữ vững sự đoàn kết giữa nội bộ vương hầu quý tộc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Trần Nhật Duật là người nhã nhặn, độ lượng, mừng giận không lộ ra sắc mặt. Trong nhà không hề chứa roi vọt để đánh nô lệ. Có khi đánh thì trước hết kể tội lỗi rồi sau mới đánh. Có lần gia đồng của ông bị gia đồng của Quốc phủ (tức Trần Quốc Tuấn) đánh. Có người đến mách, Trần Nhật Duật hỏi có chết không? Người ấy trả lời: chỉ đánh bị thương thôi. Ông nói: không chết thì thôi, mách để làm gì?
Năm Đinh Mão (1267), Trần Nhật Duật được phong tước Chiêu Văn Vương.
Năm Nhâm Dần (1302), tức là hai năm sau khi Trần Hưng Đạo qua đời, Trần Nhật Duật được phong làm Thái úy Quốc công (Quý tộc họ Trần đồng thời được ban hai tước vị khác nhau, đó là tước vị quý tộc và tước vị triều đình. Với hệ thống tước vị quý tộc, Trần Nhật Duật được phong tới Đại Vương, nhưng với hệ thống tước vị triều đình, ông chỉ được phong tới mức cao nhất là Quốc công).
Năm Nhâm Tý (1324), ông được phong làm Tả thánh Thái sư.
Năm Kỷ Tỵ (1329), ông lại được gia phong là Chiêu Văn Đại Vương.

Chùa Đệ Tứ, phường Lộc Hạ (TP Nam Định) nơi thờ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.
Ông mất năm 1330 đời Trần Hiến Tông, thọ 75 tuổi. Bình sinh, ông là người tài hoa nhưng xét việc rất cẩn trọng, nghiêm nghị nhưng rất dễ gần, liêm khiết và nhân hậu khó ai sánh kịp. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần cùng thế hệ với ông (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải…) góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời Trần.
Phương Anh (tổng hợp)
Nguồn:
- TS. Lưu Minh Trị, “Trần Nhật Duật (1255-1330)”, Danh nhân Hà Nội, H.: Nxb Hà Nội, 2004, tr. 193-197.
- Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, “Trần Nhật Duật”, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh: Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr. 1372-1373.