Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902, quê xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), Yên Thành, Nghệ An. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, thuở nhỏ học chữ Hán, rồi theo học Trường Trung học Pháp - Việt ở Vinh. Sau vào Huế học, rồi ra học trường Canh Nông tại Hà Nội.
Năm 1928, ông tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, được bầu làm ủy viên thường vụ Tổng bộ. Cuối năm, ông nhận nhiệm vụ sang Quảng Châu, gặp Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, ông trở về nước tham gia việc thành lập tổ chức cộng sản, cuối năm bị Pháp bắt ở Hải Phòng, kết án 7 năm tù, đày đi Ban Mê Thuột, đến năm 1936 mới được thả tự do. Sau khi ra tù, ông trở về quê hoạt động bí mật, được bầu vào Xứ ủy Trung kỳ, ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1940, được giao phụ trách xứ ủy Nam kỳ, chuẩn bị khởi nghĩa Nam kỳ, được giao nhiệm vụ ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương Đảng. Khi trở về Sài Gòn, ông bị mật thám Pháp bắt ngày 22-11-1940. Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, ông bị thực dân Pháp xử bắn ngày 28-8-1941 tại Hóc Môn, Gia Định cùng Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, hưởng dương 39 tuổi.
Đồng chí Phan Đăng Lưu (1902- 1940).
Năm 1959, nhân dịp đến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia), đến gian trưng bày về đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn đã phát biểu: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”.
Chất “trí thức cách mạng tiêu biểu” của Phan Đăng Lưu thể hiện trước và trên hết ở những đóng góp quan trọng của đồng chí trong việc xây dựng đường lối cách mạng giải phóng dân tộc và giải quyết những vấn đề cụ thể của cách mạng như xây dựng lực lượng, tuyên truyền vận động quần chúng, chỉ đạo phong trào quần chúng đấu tranh công khai, bán công khai trong một giai đoạn sôi nổi, quyết liệt của cách mạng Việt Nam thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở việc nêu gương hy sinh bất khuất trước họng súng kẻ thù. Trên lĩnh vực báo chí, Phan Đăng Lưu có những đóng góp quan trọng, trở thành một trong những nhà báo vô sản tiêu biểu của cách mạng Việt Nam.
Năm 1931, khi bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Ban Mê Thuột, Phan Đăng Lưu đã học tiếng Êđê, tổ chức ra tờ báo lấy tên là “Doãn Đê tuần báo” với hai thứ tiếng Kinh và Êđê, dùng làm tài liệu để tuyên truyền, giáo dục tù nhân và anh em binh lính người Êđê. Đồng chí phụ trách mục Bình luận và Dạy tiếng Ê đê. Báo ra hàng tuần, viết tay và lưu hành bí mật trong anh em.
Để tố cáo chế độ hà khắc của nhà tù, Phan Đăng Lưu viết nhiều bài báo bằng tiếng Pháp, bí mật gửi ra ngoài, có bài bị bọn cai ngục bắt được, ghép vào tội viết báo tuyên truyền chống lại chính phủ bảo hộ, tăng án lên 5 năm tù khổ sai.
Năm 1936, sau khi được trả tự do, Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Xứ ủy Trung Kỳ, được Đảng phân công phụ trách phong trào đấu tranh công khai, bán công khai ở Huế và Trung Kỳ, nơi trung tâm đầu não của thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, với tài năng nhiều mặt, cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Bùi San, đồng chí Phan Đăng Lưu đã thể hiện rõ vai trò là linh hồn của cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở Huế và Trung Kỳ, góp phần đưa phong trào trở thành một cao trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp của quần chúng.
Hoạt động trên lĩnh vực báo chí là một đóng góp rất to lớn của Phan Đăng Lưu trong phong trào này. Là người phụ trách báo chí, đồng chí đã khắc phục, vượt lên mọi khó khăn về tài chính để tổ chức biên tập bài vở, in, phát hành báo dưới sự theo dõi, bắt bớ rất gắt gao của chính quyền thực dân Pháp. Sau khi báo Nhành Lúa bị cấm, Xứ ủy Trung kỳ không còn báo chí trong tay, trong khi cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng dân chủ và phản động vẫn đang tiếp diễn. Lúc này, tờ Sông Hương do Phan Khôi chủ trương đang bế tắc, có thể phải đóng cửa và phá sản. Các đồng chí xứ ủy chủ trương mua lại, vẫn giữ nguyên tên báo, thêm hai chữ “tục bản” vì báo nghỉ đã lâu, nay ra lại. Ta giữ nguyên tên người sáng lập.
Phan Khôi để giữ thế hợp pháp về hình thức, nhưng chủ nhiệm là Nguyễn Cửu Thạch, một nhân sĩ dân chủ, gần gũi với Đảng. Ngay trên trang đầu, số 1 có đăng “thư và mandat xin gửi cho ông Phan Đăng Lưu”. Ngô Đức Mậu được phân công làm thư ký tòa soạn. Tòa soạn đặt tại số 68 Jules Ferry, Huế. Những bài vở chính được Phan Đăng Lưu và Tôn Quang Phiệt lo, viết ở Huế rồi gửi ra Vinh cho Ngô Đức Mậu sắp xếp, trình bày viết thêm tin cho đầy trang, sửa bản in thử do nhà in Vương Đình Châu ở Vinh in, xong phát hành ngay tại đó. Báo ra được 14 số, số đầu ra ngày 19-6-1937, số cuối ra ngày 14-10-1937. Sông Hương tục bản đã góp phần quan trọng trong cuộc tranh cử của ta vào Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1937. Báo đã đề cập sắc sảo đến những vấn đề về tranh cử, hướng cử tri vào cuộc bầu cử, qua đó trình bày quan điểm rõ ràng của người cộng sản. Ngay sau đó, chính quyền Pháp đã ra lệnh thu hồi giấy phép ra báo.
Sau khi Xứ ủy Trung kỳ chính thức thành lập, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đã chỉ thị việc xuất bản báo Dân và giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo Dân được xuất bản thứ 4 hàng tuần tại Huế, do Nguyễn Đan Quế quản lý, đồng chí Phan Đăng Lưu, xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo biên tập. Báo ra được 17 số: số 1 ra ngày 6-7-1938; số cuối - số 17 ra ngày 7-10-1938. Tòa soạn báo đặt tại số 11, Doudart de Lagreé, Huế.
Báo Dân, xuất bản thứ tư hàng tuần tại Huế năm 1938, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo biên tập.
Thời kỳ này, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng nhân dân trước Viện dân biểu Trung kỳ, trước tòa soạn báo Dân để phản đối, yêu cầu Viện Dân biểu bác dự án thuế thân và dự án tăng thuế điền thổ của chính phủ. Kẻ thù bị thất bại trên mặt trận công luận, tư tưởng đã đưa tờ báo ra tòa, ra lệnh đóng cửa báo Dân. Không chịu bó tay và cũng không cần xin phép chính quyền thực dân Pháp, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo ra tiếp tờ Dân Tiến xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn. Danh nghĩa báo là cơ quan liên hiệp các lực lượng cấp tiến nhưng thực chất là của Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và phát hành tại Sài Gòn. Thư ký tòa soạn: Lưu Quý Kỳ. Quản lý: Huỳnh Văn Thanh. Tòa soạn: số 46B, Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn (nay là đường Phát Diệm). Báo ra được 5 số: số 1 ra ngày 27-10-1938; số cuối - số 5 ra ngày 22-12-1938 thì bị đóng cửa. Đồng chí lại tiếp tục cho ra tờ Dân Muốn, cơ quan trung ương của Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, in và xuất bản xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn. Đồng chí Phan Đăng Lưu là người trực tiếp chỉ đạo biên tập. Chủ nhiệm báo là Phan Văn Tạo. Thư ký tòa soạn: Lưu Quý Kỳ. Tòa soạn tại số 198, đại lộ Galiêni, Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo). Báo in khổ 44,5cm x 60cm tại Nhà in Bảo tồn. Báo ra được 2 số: số 1 ra ngày 20-12-1938, số cuối- số 2 ra ngày 25-1-1939 thì bị đình bản.
Báo Dân tiến xuất bản thứ năm hàng tuần tại Sài Gòn, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo biên tập.
Đồng chí Phan Đăng Lưu vừa xây dựng chỉ đạo các tờ báo, vừa trực tiếp đào tạo, đoàn kết tập hợp lực lượng báo giới, đặc biệt là các tri thức trẻ, hướng dẫn bồi dưỡng họ đi về với quần chúng lao động. Các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Thôi Hữu, Hồng Chương... đều có những kỷ niệm đẹp đẽ, sâu sắc về Phan Đăng Lưu.
Bản thân Phan Đăng Lưu cũng là cây bút chủ yếu viết chính luận, tiểu phẩm... cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Dưới sự kiểm duyệt, đàn áp gắt gao của chính quyền thực dân Pháp, làm báo như đồng chí Phan Đăng Lưu thời bấy giờ phải dấu tên tuổi, bút danh, tung tích. Người dân Cố đô Huế và bạn đọc cả nước thời bấy giờ thấy xuất hiện liên tục hàng trăm bài báo sắc bén với hàng loạt bút danh: Sông Hương, Dân, Dân muốn, Phi Bằng, Tân Cương, Ly Toét, BCH, QB, SH, KD, Mục tiêu, Thương tâm, KĐ... trên các báo Sông Hương tục bản, Dân, Hồn trẻ, Tin tức, Nhành lúa... xuất bản ở Huế và ở Sài Gòn.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5-5-2002), nhà thơ Tố Hữu nói: “Phan Đăng Lưu là nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ uyên bác, tác phong giản dị, gần gũi đã có sức cuốn hút lớp trí thức trẻ như chúng tôi và cả những trí thức lớn như cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng...”(Băng ghi âm lời phát biểu của nhà thơ Tố Hữu năm 2002).
Những đóng góp của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu trên lĩnh vực báo chí quả là to lớn, cần được nghiên cứu và giới thiệu trong những công trình khoa học đầy đủ hơn.
Ths. Nguyễn Tường Khanh (Ban XDND &HTTB)
Nguồn:
1. Nguyễn Thành: Nhà báo Phan Đăng Lưu. Tạp chí Người làm báo. Số 2, 1988.
2. Theo tác giả Nguyễn Thành trong cuốn “Phan Đăng Lưu - tiểu sử, tác phẩm”, thời kỳ mặt trận dân chủ, đồng chí Phan Đăng Lưu đã viết 95 bài trên các báo.