Thứ Sáu, 09/06/2023
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/05/2013 10:19 2878
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
1. Hoàng Đình Kinh (? - 1888) quê làng Thuốc Sơn, châu Hữu Lũng (nay là xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Là người giỏi võ, tính tình hòa hiệp, nhà giàu, ông đã thu nạp được nhiều người nổi tiếng trong giới giang hồ, hùng cứ cả môt vùng Dương Yên, Giàng Thượng, Thoát Lạng, triệu tập anh em họp gấp, kêu gọi nổi dậy chống thực dân Pháp. Trong số thủ hạ của Cai Kinh có Hoàng Đình Điều, người cùng xã (chắc có họ?), được dự kịp ngay từ đầu. Hoàng Đình Điều giỏi võ nghệ, bắn súng vào hàng thiện xạ nên được Cai Kinh giao cho chỉ huy một đội quân rất dũng mãnh, thường đi tiên phong trong các trận đánh. Hoàng Đình Điều đã sát cánh với chủ tướng Cai Kinh trong các trận đánh quân Pháp ở Kép, Phủ Lạng Thương, tiêu diệt đồn Than Muội (5/1885), Đồn Mai Sao (4/1886). Đầu năm 1888 Hoàng Đình Kinh bị giặc Pháp phục kích bắt khi ông đang trên đường tới biên giới Việt – Trung. Ngày 6/7/1888, giặc Pháp đã xử tử ông còn Hoàng Đình Điều cùng phần lớn các chỉ huy và nghĩa quân gia nhập cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám (khởi nghĩa Yên Thế). Đến khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Đình Điều trực tiếp chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Đề Thám. Ông tham gia các trận đánh ở làng Dương Sắt (nay thuộc xã Liên Sơn), làng Thế Lộc (nay thuộc xã Tân Trung) đều thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Trong suốt thời gian từ năm 1891 đến 1892, Hoàng Đình Điều luôn chiến đấu cạnh Đề Thám. Sau đó, ông được Đề Thám giao cho xây dựng căn cứ mới ở núi Tam Đảo. Hoàng Đình Điều chỉ huy nghĩa quân ở Tam Đảo cho đến năm 1920, quân số bị tổn thất nặng trong các trận đánh, ông mới quy y cửa Phật, lấy pháp danh là Thích Thanh Điều, rồi bí mật về tu ở chùa Vua, phố Thịnh Yên (nay thuộc phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tam quan Chùa Vua (Nguồn Internet)

(Thích Thanh Điều khoác áo tu hành, nhưng vẫn bền lòng nuôi chí đánh giặc cứu nước. Ông mở lò dạy võ kén chọn người tài phòng khi dùng đến. Trong những ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), Chùa Vua là nơi đóng quân, chứa vũ khí của Vệ Quốc Đoàn và Tự vệ thành Hà Nội. Ngày 10/4/1956, Hồ Chủ tịch đã đến thăm Chùa Vua. Ngày 21/8/2001, Chính phủ truy tặng nhà sư Hoàng Đình Điều bằng khen của Chính phủ về thành tích chống giặc ngoại xâm. Chùa Vua được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa ngày 21/01/1992).

2. Ảnh hưởng sâu rộng của cuộc khởi nghĩa Cai Kinh đã làm cho giặc Pháp tăng cường biện pháp đối phó. Nghị định ngày 6/2/1894 của toàn quyền Đông Dương đã quyết định thành lập Quân khu lấy tên Tiểu Quân khu Cai Kinh, bổ nhiệm một sĩ quan là Tiểu đoàn trưởng Tournier giữ chức chỉ huy (J1016, JOIF, tr.706). Nghị định quy định rất cụ thể, gồm 7 điều:

- Tiểu khu Cai Kinh được thành lập tại vùng núi Đồng Nai (còn gọi là dãy núi Cai Kinh) do một sĩ quan cấp Tá trực tiếp chỉ huy, đặt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đạo quan binh 2. Phụ tá cho sĩ quan chỉ huy Tiểu quân khu là một Hội đồng kỳ mục.

- Tiểu quân khu Cai Kinh gồm 13 tổng của người Thổ, trong số đó có 5 tổng tách từ tỉnh Thái Nguyên.

- Hàng năm, tư lệnh Tiểu quân khu Cai Kinh hưởng trợ cấp chức vụ trị giá 1.500 francs, cộng với 800 francs phụ cấp quân tịch theo quy định của Nghị định ngày 15/9/1893.

- Ông Tournier, tiểu đoàn trưởng Trung đoàn 9 Thủy quân lục chiến được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Tiểu Quân khu Cai Kinh.

Rõ ràng qua các biện pháp đối phó như vậy, có thể khẳng định cuộc khởi nghĩa do Cai Kinh đứng đầu là một phong trào đấu tranh sâu rộng, một nguy cơ cho thực dân Pháp.

3. Truyền thống đấu tranh của vùng núi Cai Kinh là liên tục và hùng hậu. Núi Cai Kinh thuộc địa bàn Lạng Sơn là tỉnh địa đầu của tổ quốc, từ xưa tới nay xuyên qua các thời kỳ lịch sử, kẻ thù liền kề từ phương Bắc xuống cũng như kẻ thù từ xa tới đều phải đi qua con đường này, kẻ thù thứ nhất là muốn thực hiện âm mưu đánh nhanh thắng nhanh để nuốt gọn nước ta, kẻ thù thứ 2 là muốn giải quyết chiến trường sau khi đã chiếm được miền đồng bằng. Cho nên từ các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, bọn bành trước đã kéo vào nước ta. Nhưng thực tế cho thấy từ Hầu Nhân Bảo, Chiêu thảo sứ Quách Quỳ đến Trấn Nam vương Đại Nguyên soái Thoát Hoan rồi đến An Viên hầu Liễu Thăng, Chinh Man Đại tướng quân Tôn Sĩ Nghị…, tất cả đều bị quân dân ta đánh cho thất điên bát đảo, có tên phải chui vào ống đồng để quân lính kéo về nước, ôm mãi cái hận Chi Lăng, Bạch Đằng, Như Nguyệt, Đống Đa…. Còn bọn xâm lược phương Tây sau khi chiếm được nhiều thành trì lớn nhỏ vùng đồng bằng đã hùng hổ kéo lên vùng biên giới phía Bắc để hoàn thành việc chiếm đóng nước ta cũng đều bị đánh bại. Tiếp theo là phong trào Cần Vương kéo dài trong nhiều năm, cho đến cuối thế kỷ XIX mới kết thúc để chuyển sang một thời kỳ đấu tranh mới. Cuộc khởi nghĩa Cai Kinh bùng nổ trong bối cảnh đó đã có sức hỗ trợ đối với các phong trào khác như cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám đứng đầu. Qua thực tế lịch sử đấu tranh yêu nước hào hùng, thấy rõ phong trào đấu tranh của Cai Kinh bùng nổ kịp thời (1886 - 1888), nhưng do tương quan lực lượng nghiêng về phía kẻ thù nên cuối cùng bị thất bại.

Núi Cai Kinh

4. Mặc dù thất bại, song phong trào đấu tranh do Hoàng Đình Kinh đứng đầu vẫn có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài về sau. Cho tới năm 1893 ngọn núi đá vùng Hữu Lũng (còn gọi là núi Cai Kinh), có hai thủ lĩnh là Hoàng Thái Nhân và Hoàng Tài nổi lên, thực dân Pháp phải điều động nhiều quân mới đàn áp được. Đặc biệt, đáng chú ý là trong số thủ hạ của Hoàng Đình Kinh và Hoàng Đình Điều là người cùng xã đã tới gia nhập nghĩa quân ngay từ đầu.

Qua các tư liệu trên, có thể khẳng định từ Hoàng Đình Kinh đến Hoàng Đình Điều là một quá trình phát triển liên tục và bền vững lòng yêu nước chống giặc xâm lược Pháp. Việc lấy tên Hoàng Đình Kinh đặt tên cho rặng núi đá ở quê hương ông là một hình thức tôn vinh cao quý đối với người anh hùng yêu nước, đúng với truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.

GS.Đinh Xuân Lâm

Trường Đại học KHXH&NVQG

* Tham luận tại Hội thảo khoa học: Các tư liệu, bài viết về thân thế, sự nghiệp Hoàng Đình Kinh chống giặc Pháp, Phỉ bảo vệ quê hương cuối thế kỷ XIX do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với dòng họ Hoàng thân tộc Hoàng Đình Kinh tổ chức tại Hữu Lũng, Lạng Sơn ngày 25/4/2013

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 3247

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên trong Triều Trần (1225-1400)

Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên trong Triều Trần (1225-1400)

  • 20/05/2013 15:55
  • 8190

Triều Trần (từ 1225-1400) kéo dài 175 năm với 13 đời vua, có công lao rất lớn trong xây dựng đất nước Đại Việt cũng như lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.