Cách đây gần 70 năm, Hà Nội-Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) bước sang trang sử mới. Sau 9 năm thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và tay sai, ngày 10-10-1954, Hà Nội rợp cờ hoa đón chào Quân giải phóng về tiếp quản. Những ngày đầu tiếp quản Thủ đô, việc thiết lập và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng các lực lượng, nòng cốt là LLVT Thủ đô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 1954, ở Hà Nội có các đảng phái chính trị phản động hoạt động với mưu đồ chống phá cách mạng. Có đảng chuyển hướng hoạt động, âm mưu phá hoại hòa bình ở Đông Dương, xúc tiến tổ chức lực lượng chống lại chính quyền cách mạng khi vào tiếp quản, tuyên truyền xuyên tạc việc ký Hiệp định Geneva. Chúng âm mưu thành lập trung đoàn Thủ đô, tự vệ thành đội, an ninh và địa phương quân, gồm những phần tử lưu manh, trộm cướp... Chúng dùng truyền đơn, khẩu hiệu với nội dung: Ký hiệp định là chia sẻ đất nước; thuế má nặng nề; dụ dỗ quần chúng di cư vào Nam; xuyên tạc chủ trương, chính sách của Chính phủ; cho đảng viên quấy rối trong nhân dân...
Những người lính trẻ trong ngày tiếp quản Thủ đô, tháng 10-1954. Ảnh tư liệu
Trước tình hình trên, ngày 19-10-1954, Ủy ban Quân chính (UBQC) ra thông cáo về bảo đảm trị an. Bản thông cáo nêu rõ 3 nội dung: Đề phòng hành động xâm phạm phá hoại tài sản, tính mệnh của nhân dân như ám hại, cướp của, phá hoại...; những hành động phá hoại tài sản chung của thành phố đều bị nghiêm trị; thực hiện chế độ thưởng-phạt đối với những ai khai báo hoặc cất giữ những thông tin về kho tàng bí mật, vũ khí, đạn dược, tài liệu của quân đội Pháp và Bảo Đại trong thành phố.
Thông cáo của UBQC cũng yêu cầu quân đội Pháp, Bảo Đại phải tuân theo kỷ luật, trị an thành phố. Những sĩ quan, binh lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại còn lại trong thành phố phải đến khai báo và nộp vũ khí (nếu có) cho UBQC thành phố. Những ai thành thực sẽ được giúp đỡ, cho về quê làm ăn hoặc công tác với Chính phủ, nếu không sẽ bị nghiêm trị. Trong nhân dân, ai thấy những kẻ côn đồ, gián điệp có âm mưu phá hoại, cướp của, giết người phải báo ngay cho UBQC, sở công an, các quận, các đồn công an gần nhất. Ai biết nơi chôn giấu vũ khí, điện đài, hồ sơ, tài liệu của quân đội Pháp và Bảo Đại phải nhanh chóng khai báo, đem nộp cho UBQC. Nếu ai có vũ khí riêng phải đến trình báo với cơ quan công an gần nhất; không cá nhân, đoàn thể nào có quyền dùng và giữ đài phát tin ngoại trừ UBQC; nghiêm cấm mọi hành vi phá hoại, trộm cắp tài sản công cộng của thành phố như công xưởng, kho tàng, trường học, bệnh viện...
Nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài sản công cộng được UBQC thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo thực hiện. Ngày 21-10-1954, Chủ tịch UBQC ra chỉ thị, trong đó nhắc nhở tăng cường cảnh giác, xem xét chu đáo giấy tờ trước khi cho người vào vị trí của cơ quan, đơn vị. Dưới sự quản lý, điều hành của UBQC, LLVT Thủ đô và các đơn vị duy trì trật tự trị an trong thành phố nhanh chóng ổn định, bảo vệ được tài sản của nhân dân và tài sản công cộng; tổ chức chu đáo việc ghi tên của cảnh binh, sĩ quan, binh lính trong quân đội Pháp và Bảo Đại; duy trì mọi sinh hoạt bình thường của thành phố, đặc biệt là không để gián đoạn hoạt động của những xí nghiệp lợi ích công cộng; bảo đảm cung cấp các nhu yếu phẩm.
Căn cứ chủ trương của Đảng, LLVT Thủ đô tổ chức cho các đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền, mật thám của địch ra trình báo. Qua công tác đăng ký khai báo, kết hợp với công tác trinh sát, ta nắm được 12.000 đối tượng, trong đó có 230 sĩ quan và gần 2.900 hạ sĩ quan ngụy quân, 7.800 ngụy quyền, trong đó có 452 người làm tại cơ quan gián điệp, mật vụ, 416 tên chỉ điểm. LLVT Thủ đô tích cực trấn áp bọn chống đối hiện hành; tăng cường công tác bảo vệ cơ quan, xí nghiệp; nghiêm trị số cầm đầu các nhóm lưu manh, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; quản lý giao thông; quản lý nhân khẩu, hộ khẩu...
Nhìn chung, công cuộc tiếp quản Thủ đô Hà Nội và hai tỉnh Hà Đông, Sơn Tây diễn ra trong không khí phấn khởi, trật tự, hòa bình theo đúng kế hoạch. Chỉ trong vòng một tháng sau tiếp quản, LLVT Thủ đô, Hà Đông, Sơn Tây ổn định các mặt công tác, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự Thủ đô và vùng mới giải phóng. Công tác tiếp quản, bảo đảm an ninh trật tự những ngày đầu Thủ đô và vùng rộng lớn ở Hà Đông, Sơn Tây mới được giải phóng đã được tiến hành tốt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, thành ủy, tỉnh ủy, ủy ban hành chính địa phương và sự nỗ lực phi thường của cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô. PHÙNG VIỆT ANH