Thứ Ba, 05/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

04/04/2024 09:41 1374
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tại sao lại là Điện Biên Phủ và tập đoàn cứ điểm được bố trí phòng ngự như thế nào khiến nơi này được ví như "pháo đài bất khả xâm phạm"? Câu trả lời sẽ có qua hai bài viết tổng hợp từ tài liệu lưu trữ và tư liệu của Bộ Quốc phòng Pháp.

Kỳ I. Tại sao Điện Biên Phủ?

Mùa xuân năm 1953, nước Pháp bước vào năm thứ 8 "bế tắc" của cuộc chiến Đông Dương. Thắng lợi liên tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy quân Pháp lún sâu trong thất bại. Chính phủ Pháp cũng như đa số công luận Pháp muốn kết thúc cuộc chiến, vốn được ví như vực xoáy tài chính. Chính Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng) René Mayer (08/1-28/6/1953) được giao trọng trách đề xuất một chính sách mới đưa nước Pháp thoát khỏi thế bế tắc mang tên Đông Dương. Và một trong những động thái đầu tiên của tân Thủ tướng là bổ nhiệm tướng Henri Navarre làm Chỉ huy trưởng quân đội Pháp ở Đông Dương, thay tướng Raoul Salan-người vốn rất am hiểu vùng đất này nhưng có chiến lược gây tranh cãi và đặc biệt không được lòng người Mỹ, vốn coi ông này là người "nhút nhát và thiếu quyết đoán".
Bản kế hoạch Navarre[1]
Thủ tướng Pháp Mayer cho rằng, bổ nhiệm một người không hiểu về Đông Dương sẽ giúp có cái nhìn chiến lược mới và nhiệm vụ của tân Chỉ huy trưởng rất rõ ràng: tìm thấy lối thoát danh dự cho cuộc chiến, nghĩa là buộc Việt Minh phải ngồi vào bàn đàm phán ở thế đã bị suy yếu cả về chính trị lẫn quân sự.
 
(ảnh : Tướng Henri Navarre tới sân bay Hà Nội sau khi được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng quân Pháp ở Đông Dương, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp)
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, tướng Navarre trình bản kế hoạch dự kiến triển khai trong 2 năm, theo đó dự kiến trong năm đầu tiên (Chiến dịch 1953-1954) chủ trương duy trì phòng thủ ở Bắc Việt Nam, bảo vệ đồng bằng châu thổ nếu Việt Minh tấn công, tiếp tục theo đuổi chính sách bình định ở miền Nam đồng thời tiến hành các chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm tăng vùng kiểm soát ở miền Trung Việt Nam. Song song với việc đó, ông ta cũng chủ trương chuyển giao những vùng đã bình định tốt cho chính quyền Việt Nam (thân Pháp) nhằm phát triển các đơn vị viễn chinh Pháp đối phó với nguy cơ tấn công từ các đại đoàn của tướng Võ Nguyên Giáp. Giai đoạn 2 (1954-1955) là giành lại quyền phản công ở Bắc Việt Nam và hy vọng với lực lượng chiến đấu cơ động được tái thiết, cộng với giúp đỡ từ Mỹ, quân Pháp có được "một giải pháp chính trị phù hợp cho cuộc chiến" như theo lời của tướng Navarre.
Nhưng cái nhìn chiến lược mới như kỳ vọng của Thủ tướng Pháp Mayer trong bản Kế hoạch Navarre, bản kế hoạch kế thừa gần như trọn vẹn Kế hoạch Salan của người tiền nhiệm. Trong báo cáo về thời gian nắm quyền chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương, tướng Navarre cho biết Kế hoạch Salan ra đời vẻn vẹn vài tháng trước khi Salan bàn giao quyền chỉ huy trưởng quân Pháp ở Đông Dương cho người kế nhiệm, vốn bị coi kế hoạch mang nặng tính lý thuyết, dựa trên những định đề không vững chắc.
Cuộc hành binh Hải Li và sự ra đời của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Mùa thu năm 1953[2], Việt Minh tiếp tục chiến lược tổng phản công ở đồng bằng châu thổ. Đến cuối tháng 10/1953, tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển mặt trận lên vùng thượng du Bắc Kỳ: mục tiêu là chiếm Lai Châu, tiêu diệt lực lượng lính đánh thuê. Đại đoàn 316[3] và trung đoàn độc lập 48 được lệnh tiến về Lai Châu. Nhận được các tổng hợp tình báo về mục tiêu của đối phương, ngày 02/11/1953, tướng Navarre ra chỉ thị hướng dẫn gửi tướng Cogny, Chỉ huy Lục quân Bắc Việt Nam ấn định cuộc hành binh Hải Li (Castor) chiếm Điện Biên Phủ diễn ra trong khoảng từ 15 đến 20/11/1953[4], mục đích là ngăn Việt Minh biến đây thành căn cứ tác chiến của họ. Tuy nhiên, chỉ thị này vấp phải những phản ứng phần lớn là tiêu cực từ ban tham mưu của tướng Cogny - Chỉ huy lực lượng Lục quân Bắc Việt Nam với những lập luận cho rằng một căn cứ không lục quân ở Điện Biên Phủ không ngăn được Việt Minh tiến về Lào, các nguy cơ đe dọa Lào chỉ mang tính giả thuyết, thêm vào đó việc chiếm đóng vùng này sẽ hút lượng lớn quân chiến đấu Pháp trong khi số quân này sẽ có ích hơn ở đồng bằng châu thổ - mục tiêu sắp tới của Việt Minh. Cuối cùng, việc rút quân Pháp từ Lai Châu tiềm ẩn nhiều rủi ro vì Việt Minh có thể tấn công chặt đứt tuyến giao thông này. Cogny thể hiện quan điểm nước đôi, coi Điện Biên Phủ và căn cứ xuất phát cho các chiến dịch của lực lượng thân Pháp. Ngày 17/11/1953, trong cuộc họp diễn ra ở Hà Nội với tướng Navarre và Cogny, các tướng Dechaux -  Chỉ huy lực lượng không vận chiến thuật Bắc Việt Nam (GATAC Nord) và tướng Gilles - Chỉ huy lực lượng không vận ở Đông Dương bày tỏ e ngại về những khó khăn kỹ thuật cũng như chiến thuật. Tuy nhiên, không gì có thể ngăn được quyết định của tướng Navarre. Hải Li đã được bật đèn xanh.
Quân Pháp dự kiến ngày J sẽ cho ba tiểu đoàn lính dù nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, tiếp theo là ba tiểu đoàn khác trong vòng 48 giờ[5]. Tuy không biết chính xác về tình hình quân số Việt Minh đóng trong thung lũng Điện Biên Phủ, nhưng ban tham mưu lực lượng Lục quân Bắc Việt Nam ước tính, khoảng một tiểu đoàn và có thể là tiểu đoàn 910 của trung đoàn 148,  ban chỉ huy tiểu đoàn cũng đóng tại Điện Biên Phủ. Ngày 20/11/1953, tiểu đoàn 910 của Việt Minh di chuyển đến Lai Châu, tham gia tấn công tiêu diệt các đơn vị Pháp - Thái đang đóng chiếm bảo vệ thung lũng buộc quân Pháp phải cho các máy bay Dakota không kích hòng làm chậm bước tiến của họ.
Giữa 10h35 đến 10h45, tiểu đoàn lính dù thuộc địa số 6 là tiểu đoàn đầu tiên nhảy dù xuống khu vực nhảy dù Natacha đã chọn (Drop Zone-DZ), ở tây bắc Điện Biên Phủ - vị trí có đông quân chiến đấu Việt Minh triển khai. Do vậy, nhiều lính của tiểu đoàn trưởng Bigeard bị tấn công, một số bị bắn hạ trước khi chạm đất. Dưới mặt đất, cuộc chiến bắt đầu và diễn ra dữ dội. Lính dù Pháp bỏ mặc những thi thể đẫm máu để phá vòng vây và tìm cách tập hợp lại. Tình hình khá hơn ở phía nam Điện Biên Phủ, nơi tiểu đoàn số 2, trung đoàn lính dù biệt kích số 1 (II/Ier RCP) nhảy dù xuống khu nhảy dù Simone và không vấp phải bất kỳ loạt đạn tấn công nào của Việt Minh.
 
(Ảnh : Hồ sơ 4 C 1219, thông tin kỹ thuật về khu nhảy dù Simone)
Gần 15 h, trong khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt trong thung lũng, khoảng 40 máy bay Dakota tiến hành đợt nhảy dù thứ 2 gồm tiểu đoàn lính dù thuộc địa số 1 (1er BPC) và hai dàn súng đại bác cỡ nòng 75 li không giật (75 SR) của lính pháo binh thuộc đơn vị hành quân, trung đoàn pháo hạng nhẹ lính dù số 35 (35è RALP). Tối 20/11/1953, thiệt hại của quân chiến đấu Pháp khá nặng, 15 lính bị giết và khoảng 50 quân bị thương.
Ngày đầu tiên (20/11/1953) của cuộc hành binh Hải Li, 65 máy bay vận tải C.47 đã thả những lính dù đầu tiên xuống lòng chảo và 4 ngày sau đó, loại máy bay này có thể đáp xuống sân bay đã được công binh Pháp san lấp. Những ngày tiếp theo, ba tiểu đoàn lính dù khác (tiểu đoàn lính dù số 8 - 8è BPC, tiểu đoàn lính dù nước ngoài - 1er BEP và tiểu đoàn lính dù Việt Nam số 5 - 5è BPVN) được gửi chi viện cho quân đồn trú.Tính đến tối 22/11/1953, 4.560 lính dù Pháp và Việt có mặt ở lòng chảo Điện Biên Phủ với nhiệm vụ xây dựng tại đây một căn cứ không lục quân (tập hợp hậu cần xung quanh sân bay và được các trung tâm đề kháng bảo vệ).
Trong suy nghĩ của Navarre, ngoài việc bảo vệ Lào, căn cứ không lục quân ở Điện Biên Phủ sẽ là điểm xuất phát của các đơn vị Pháp trong các chiến dịch tấn công hậu phương của Việt Minh, kéo họ rút khỏi đồng bằng châu thổ nhằm tránh một cuộc giao tranh tổng lực ở khu vực này. Phần lớn các đơn vị lính dù thuộc quân dự trữ được đặt dưới quyền của Tổng chỉ huy, trong tháng 12 lần lượt rút khỏi Điện Biên Phủ, thay vào đó là các đơn vị bộ binh.
 
(Ảnh : Hồ sơ 1 K 342, hộp số 1, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ trong cuộc hành binh Hải Li)
Sau khi chiếm được Điện Biên Phủ và trên các ngọn đồi xung quanh, lính công binh thuộc đại đội lính dù công binh số 17 (17è CPG), với sự hỗ trợ của lính dù thuộc quyền chỉ huy của Bigeard bắt đầu san lấp mặt bằng khu vực sân bay. Để hỗ trợ nhiệm vụ này, ngày 21/11/1953, lần đầu tiên ở Đông Dương và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Pháp, một máy ủi được một máy bay C119 thả dù xuống Điện Biên Phủ và sau đó một máy ủi thứ hai được thả dù xuống. Đến ngày 25/11, đường băng đã sẵn sàng cho việc bắt đầu vận chuyển tiếp tế: từ dây thép gai cho đến quân trang, từ túi đựng đất cho đến thiết bị làm bếp, chưa kể đến đạn dược các loại dành cho pháo binh cũng như các tiểu đoàn bộ binh. Từ 20/11 đến 07/12/1953, không vận Pháp hoạt động hết công suất phục vụ cho việc xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ: trong 18 ngày, 1.760 tấn thiết bị các loại đã được chuyển đến đây, tức gần 100 tấn/ngày.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chính thức ra đời tại lòng chảo vùng Tây Bắc.
 
(Ảnh : Hồ sơ 4 C 888, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp. Không ảnh chụp đoạn từ Lai Châu đi Điện Biên Phủ, cuộc hành binh Pollux).
Kết thúc cuộc hành binh Hải Li, quân Pháp còn tiến hành cuộc hành binh khác mang tên Pollux từ ngày 08-25/12/1953 rút quân Pháp ở Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ.

[1]. Kế hoạch Navarre là tên do báo chí đặt khi Navarre trình lên chính phủ Pháp bản kế hoạch của ông ta vào tháng 7/1953, Hồ sơ 1 K 342, hộp số 3, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp.

[2]. Báo cáo thời gian nắm quyền chỉ huy trưởng quân Pháp ở Đông Dương của tướng Henri Navarre, hồ sơ 1 K 342, hộp số 3, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp.
[3]. Các tài liệu lưu trữ quốc phòng Pháp gọi là các đại đoàn của Việt Minh là Sư đoàn (Division).
[4]. Theo "Tại sao Điện Biên Phủ?" (Pourquoi Dien Bien Phu), Pierre Recolle, 1968, trang 176-190.
[5] . Theo "Điện Biên Phủ, 13/3-07/5/1954", Ivan Cadeau, 2023, trang 65-70.

Ngọc Nhàn

https://archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4956

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Điện Biên Phủ

  • 26/03/2024 14:59
  • 1172

Có thể khẳng định, nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định chiến thắng trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, là sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.