Cách đây 55 năm (1968 - 2023), vào thời khắc Giao thừa Tết Mậu Thân 1968, trên Ðài Tiếng nói Việt Nam ngân vang những vần thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/Thắng trận tin vui khắp nước nhà/Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.
Ðó cũng chính là lời hiệu triệu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên khắp miền Nam. Ðây là cuộc Tổng tiến công đầy táo bạo, bất ngờ, đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công, là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, mang tầm vóc và ý nghĩa to lớn, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 - Dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trước những thất bại liên tiếp của địch và thắng lợi dồn dập của ta trên khắp chiến trường, từ cuối năm 1966 đầu năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đi tới chủ trương tạo điều kiện tiến tới mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, “vừa đàm vừa đánh”; đó là sách lược hỗ trợ cho dấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị của quân và dân ta.Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, khóa III, họp từ ngày 23 đến ngày 26-1-1967, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trình bày “Đề cương báo cáo về công tác đấu tranh ngoại giao”, trong đó chỉ rõ: “Để đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải giữ vững quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược, đồng thời phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn khéo, giành thắng lợi từng bước”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 khóa III, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về mặt ngoại giao bây giờ là đúng lúc” và chỉ rõ: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hiện nay, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”. Quan điểm của Đảng được quán triệt trong các hoạt động chỉ đạo chiến lược, chỉ đạo chiến tranh từ giữa năm 1968 trở đi. Trước mắt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 13, ngày 28-1-1967, Bộ Ngoại giao ta ra tuyên bố khẳng định lập trường trước sau như một của nhân dân Việt Nam là kiên quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do; đồng thời chỉ rõ: “Phía Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chỉ sau khi Mỹ thực hiện điều này thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện được”.
Tháng 5-1967, ngay sau khi cuộc phản công chiến lược lần thứ hai của quân Mỹ kết thúc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình, xem xét dự thảo “Kế hoạch chiến lược Đông-Xuân 1967-1968”. Tiếp đó, tháng 6-1967, Hội nghị Bộ Chính trị được triệu tập và bàn bạc rất kỹ dự thảo kế hoạch chiến lược này. Hội nghị nhận định, thắng lợi của quân và dân ta giành được trên cả hai miền Nam, Bắc là to lớn, toàn diện. Thắng lợi đó đã làm thất bại một bước rất cơ bản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, đẩy Mỹ vào thế lúng túng, bị động cả về chiến lược lẫn chiến dịch. Hội nghị nhận định, về phía ta, cả thế và lực đang có những tiến bộ, cho phép ta “trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn”. Nhưng tương đối ngắn là bao lâu? Tuy bàn bạc rất tỉ mỉ về tương quan lực lượng lúc đó, Hội nghị cũng chỉ có thể dự kiến sẽ giành thắng lợi quyết định trong năm 1968 theo phương hướng “ĐÁNH LỚN”. Muốn vậy, nhiệm vụ quân sự của ta là phải tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân Mỹ, làm mất khả năng tiến công của chúng, đồng thời phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, khiến cho chúng không còn là lực lượng chiến lược trong tiến công và phòng ngự mà Mỹ dựa vào đó để tiến hành chiến tranh.
Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất theo phương hướng trên, trong 5 ngày, từ ngày 20 đến 24-10-1967, Bộ Chính trị họp bàn cụ thể hơn về chủ trương và kế hoạch chiến lược năm 1968. Đây là hội nghị rất quan trọng để vạch ra kế hoạch tiến công táo bạo “Tết Mậu Thân 1968” lịch sử. Tại Hội nghị, thay mặt Quân ủy Trung ương, đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày dự thảo “Kế hoạch chiến lược Đông Xuân Hè 1967-1968” làm cơ sở cho Bộ Chính trị bàn bạc và thảo luận. Ngoài bản dự thảo kế hoạch trên đây, Bộ Chính trị còn dành thời gian nghe báo cáo về tình hình địch của Cục 2, về tình hình ta của Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, về các kế hoạch tác chiến của Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trên cơ sở đường lối độc lập, tự chủ và thảo luận kỹ các báo cáo, đặc biệt là “Kế hoạch Đông Xuân Hè 1967-1968” do Quân ủy Trung ương dự thảo, Bộ Chính trị chủ trương tạo một bất ngờ lớn về chiến lược đánh địch. Để tạo được bất ngờ về chiến lược, Bộ Chính trị quyết định thời gian bắt đầu mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân 1968.
Sau Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1967, các chiến trường bắt tay chuẩn bị trực tiếp cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua “Kế hoạch chiến lược năm 1968 và nhiệm vụ của quân và dân ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự, chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng báo cáo toàn bộ vấn đề và quán xuyến việc thảo luận. Bộ Chính trị chủ trương: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”. Đây là nhiệm vụ trọng đại và cấp bách. Bộ Chính trị quyết định: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”.
Bộ Chính trị dự kiến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có thể phát triển theo ba khả năng: Một là, ta giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn, ý chí xâm lược của địch bị đè bẹp, địch phải chịu thương lượng đi đến kết thúc chiến tranh theo mục tiêu, yêu cầu của ta. Hai là, tuy ta giành thắng lợi quan trọng nhiều nơi nhưng địch vẫn còn lực lượng dựa vào những căn cứ lớn và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào phản công giành lại những vị trí quan trọng và các đô thị lớn - nhất là Sài Gòn để tiếp tục chiến đấu với ta. Ba là, Mỹ tăng cường nhiều lực lượng, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, sang Lào và Campuchia hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh, gỡ thế đang thua của chúng. Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: Ta phải nỗ lực phi thường giành thắng lợi cao nhất theo khả năng một, nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng chủ động đối phó với khả năng hai, khả năng ba, tuy ít.
Tháng 1-1968, để giữ bí mật ý đồ chiến lược, Ban Chấp hành Trung ương lên họp ở huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) để thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12 năm 1967. Hội nghị Trung ương phân tích sâu sắc toàn diện các vấn đề Bộ Chính trị nêu ra, tính kỹ các phương án, cuối cùng Trung ương nhất trí với Bộ Chính trị và lấy đó làm Nghị quyết Trung ương lần thứ 14. Phát biểu trong Hội nghị, đồng chí Trường Chinh cho đây là “MỘT SÁNG TẠO LỚN CỦA ĐẢNG”.
Đêm 29 rạng sáng ngày 30-1-1968 (tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam, ngày mồng Một Tết theo lịch miền Bắc), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra ở khắp các tỉnh và thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn - Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức… Trải qua ba đợt tấn công, quân và dân ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội tay sai Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.
Có thể khẳng định, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời căn cứ vào đặc điểm tình hình mọi mặt, Đảng Lao động Việt Nam đã quyết định tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 giành thắng lợi quyết định. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về “Tình hình và nhiệm vụ mới” tháng 10-1968 đánh giá “đó là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo, là một sáng kiến lịch sử của Đảng ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”. Với thực tiễn đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là dấu ấn sâu đậm, tạo nên bước đột phá trong dòng chảy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Tầm vóc, ý nghĩa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh giữa ta và địch trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền tay sai Sài Gòn. Bằng cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải đơn phương “xuống thang chiến tranh”, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược. Quá trình đó là không thể đảo ngược, cho dù phải 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân ra khỏi miền Nam và phải 7 năm sau chế độ tay sai Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mỹ đã thua cuộc từ mùa Xuân năm 1968. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Lyndon B. Johnson phải tuyên bố ba điểm: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris; không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai. Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ - chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ công phu chuẩn bị và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” của Mỹ trong thập niên 60 của thế kỷ XX. Đến tháng 5-1968, Mỹ phải bắt đầu khởi động quá trình đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Như vậy, thắng lợi lớn nhất và quan trọng nhất của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là ta đã làm đảo lộn chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ - một cường quốc đế quốc giàu mạnh nhất, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của chúng. Trong chiến tranh, thắng lợi ở quy mô chiến dịch, chiến thuật là rất quan trọng, song chỉ khi làm đảo lộn kế hoạch chiến lược chiến tranh của đối phương mới tạo chuyển biến lớn, thay đổi cục diện chiến trường. Đó là vấn đề có tính quy luật thuộc nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh, có tác động lớn đến tiến trình và kết cục cuộc chiến tranh. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ta đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của chúng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thắng lợi oanh liệt Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đưa tới nguy cơ, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quân Mỹ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh với Việt Nam - một dân tộc nhỏ ở cách xa nước Mỹ.
Ngày 1-3-1968, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ MacNamara bị cách chức, sau đó Westmoreland cũng bị bãi quyền. Clark Clifford nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thay MacNamara tỏ ra hoang mang: “Tôi không biết bao giờ cuộc chiến tranh kết thúc, không biết nó kết thúc bằng cách nào… Không biết liệu bao giờ quân đội Nam Việt Nam có thể thay thế được quân Mỹ”.
Nghị quyết Bộ Chính trị (8-1968) khẳng định: “Thắng lợi to lớn nhất là chúng ta đã tạo ra một sự thay đổi đột biến trong cục diện chiến tranh”. Năm 1973, khi đánh giá về ý nghĩa của cuộc tổng công kích, Trung ương Đảng khẳng định: “Thắng lợi của cuộc tiến công Tết Mậu Thân là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra một bước ngoặt của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ… Ta đã giành thắng lợi to lớn này chỉ sau ba năm, kể từ khi địch chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, trong lúc địch đã có trên 20 vạn quân Mỹ, ngụy và quân chư hầu trên chiến trường… Sự kiện này chứng minh rực rỡ sức mạnh của phong trào cách mạng của quần chúng và sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở miền Nam”. Với ý nghĩa đó, “kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chứng tỏ Đảng ta không máy móc, mà luôn luôn có những phát kiến chiến lược lớn, luôn luôn sáng tạo trong chủ trương cũng như trong chỉ đạo toàn dân, toàn quân hành động. Đánh giá về sự kiện Tết Mậu Thân 1968, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng sau ngày toàn thắng (12-1976) nêu rõ: “Thắng lợi rất oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ đó làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris”.
Hơn nữa, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, nổi bật là nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ.
Sau 55 năm nhìn lại, ngẫm suy về quyết định Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chúng ta càng thấy rõ đường lối độc lập, tự chủ và và đầy tính sáng tạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quyết định một vấn đề có tính bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến nhằm tiến lên đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù. Hơn nữa, thực tiễn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Trước hết đó là bài học về xây dựng quyết tâm chiến đấu và ý chí quyết đánh Mỹ, quyết thắng Mỹ cho toàn thể quân và dân miền Nam.
Thứ hai, Đảng ta đã sớm đánh giá đúng kẻ thù, có chủ trương, lựa chọn phương pháp tác chiến phù hợp, lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thắng lợi.
Thứ ba, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ta thực hiện đồng loạt tiến công kết hợp với nổi dậy ở nhiều thành phố; sử dụng lực lượng với quy mô lớn, kết hợp cả đấu tranh quân sự và chính trị bất ngờ tiến công đồng loạt thẳng vào cơ quan đầu não của địch, vào tận hậu phương, sào huyệt của chúng, nơi chúng cho là an toàn nhất.
Thứ tư là bài học tạo yếu tố bất ngờ về thời cơ, thời điểm tiến hành tiến công và nổi dậy.
Thứ năm là bài học về giữ bí mật tuyệt đối, từ ý đồ chiến lược của Trung ương đến kế hoạch tiến công và nổi dậy ở cơ sở, nhất là ở các trọng điểm lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.
Những bài học đó có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, cần được chắt lọc và vận dụng sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới; đồng thời qua đó củng cố sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam, để đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước - Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (1-2021) đã xác định.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng