Thứ Sáu, 24/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

12/10/2022 09:50 1974
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
“Thành Hà Nội, ngày 22/11. Anh trai yêu quý của em, em đã kiệt sức vì mệt mỏi rồi..” - Francis Garnier

Từ cửa phía Tây Nam, Francis Garnier tấn công thành Hà Nội và hạ thành vào ngày 20/11/1873. Đây là một trong những chiến dịch huy hoàng nhất trong lịch sử thuộc địa của Pháp, giúp cho Pháp làm chủ toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Kì trong một tháng.

Trước trận chiến, Francis Garnier có viết thư cho anh trai và trung úy hải quân Luro. Hai lá thư này, được viết trong cơn mê say chiến đấu. Bức thư có ghi lại các bước đánh chiếm thành Hà Nội từng ngày một và những cảm xúc của viên thủ lĩnh trẻ với tham vọng táo bạo là tấn công, bất chấp sự mất cân đối lớn trong tương quan lực lượng vào thời điểm đó.

 

Lá thư của Francis Garnier gửi cho anh trai, ngày 19-20/11/1873, và gửi Luro, ngày 22/11/1873. Tài liệu lưu trữ của đại tá Garnier. Nguồn: Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931.

 “Ngày 19/11, 10 giờ tối, Con xúc xắc đã gieo (Alea jacta est), nghĩa là mệnh lệnh được đưa ra...”. Trong khi tất cả còn đang ngủ, ở Trường thi[1], trước cuộc khai hỏa đã định sẵn vào ngày hôm sau, năm giờ sáng, Francis Garnier viết vội vài dòng tiễn biệt gửi cho anh trai để dặn dò vợ và con gái nếu mình tử trận.

“Ngày 20/11. Em đã chiếm thêm được một tòa thành nữa để ngăn chặn những kẻ đào ngũ tụ tập với nhau...”. Việc này ám chỉ cuộc chiếm đánh thành nhỏ ở Phủ Hoài, cách Hà Nội chừng 6 km về phía Đông, nơi tàn quân người Việt ẩn náu. Đây là chiến dịch đầu tiên trong các chiến dịch khiến cho toàn bộ Đồng bằng Bắc Kì rơi vào tay Garnier và các cộng sự của ông trong vài tuần lễ.

Thành Hà Nội, ngày 22/11. Anh trai yêu quý của em, em đã kiệt sức vì mệt mỏi rồi..”. Từ đây, được đóng quân giữa thành Hà Nội, trong “Điện Kính Thiên” (Temple de l’Esprit du Roi) Francis Garnier, mặc dù quá mệt mỏi, nhưng vẫn có ý định tổ chức chính quyền cai trị ở xứ này. Ông ta đề nghị bạn của mình là trung úy hải quân Luro, thanh tra các công việc bản xứ, đến để giúp đỡ: “Tôi còn công việc của cả tỉnh phải thực hiện. Đừng trả lời tôi như Sganarelle: bỏ nó đi, đến tìm tôi. Tôi khẩn thiết xin ông với Đô đốc. Cùng với ông, tất cả sẽ vận hành trơn tru, thực sự sẽ như vậy! Tôi không thể làm tất cả”. Nhưng cuối cùng Luro không đến, người đến lại là Philastre.

 

Dấu được Francis Garnier giao cho các viên quan Bắc Kì vào tháng 11 -12/1873 (Lưu tại Bảo tàng Quân sự). Nguồn: Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931.

Các chữ khắc trên con dấu có nghĩa là: “Đại vương [Pháp] quốc bảo hộ”. Đây là một trong những bằng chứng lí thú của nền bảo hộ ngắn ngủi đầu tiên với quyền hành riêng của chính Francis Garnier ở Bắc Kì vào năm 1873.

Sau khi chiếm thành Hà Nội, trong khi các sĩ quan chiếm đánh Đồng bằng châu thổ, thì Garnier, nhờ sự am hiểu những người bản địa mà ông ta thu phục được trong thời gian làm việc tại Nam Kì, ông đã nắm trong tay được chính quyền Bắc Kì. Dân chúng, không hề trốn tránh người thắng trận Pháp, mà nhìn nhận ông ấy như một nhà giải phóng [đây là góc nhìn và nhận định của tác giả cuốn sách]. Đối với các quan lại quy phục và đối với những người được Pháp bổ nhiệm, họ được giao một con dấu mới và tất cả các văn bản pháp quy phải được bắt đầu bằng các từ: “Thay mặt Tự Đức, dưới sự bảo hộ của nước Pháp[2].

Mặc các cố gắng quy phục của Garnier, Triều đình nhà Nguyễn vẫn quyết tâm thu phục lại Thành Hà Nội. Quân triều đình phối hợp với Quân Cờ đen đánh lại quân Pháp và chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất. Tiếp đó, ngày 21/12/1873 Quân Cờ đen tiếp tục bao vây thành Hà Nội, truy đuổi và giết F. Garnier tại Cầu Giấy[3]. Triều đình nhà Nguyễn lấy lại được thành Hà Nội sau cái chết của F. Garnier.

Sau 7 năm, vào đầu năm 1882, Jean-Bernard Jauréguiberry[4] đã lựa chọn đại tá hải quân Rivière để chỉ huy toán quân tiến ra Hà Nội. Henri Rivière được cử đến Bắc Kì vào năm 1882, giống như Garnier, ông này có nhiệm vụ phải đánh chiếm lại thành Hà Nội.

 
Ảnh F. Garnier (trái) và H. Rivière (phải). Nguồn: Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931.

Ngày 25/4/1882, đại tá Rivière một lần nữa tấn công thành Hà Nội, nhưng lần này là từ Cửa Bắc và giành thắng lợi. Để tránh việc người Việt thu phục lại Thành, điều này đã trở thành mối đe dọa đối với người Pháp, Rivière đã cho trổ lỗ hổng ở tường thành gần cửa Đông Nam, đoạn gần nhất với Trường Thi và khu Nhượng địa. Đây là bước đầu tiên của việc phá hủy thành Hà Nội. Sau đó việc phá thành được tiến hành một cách có hệ thống từ năm 1894 đến 1897 để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố theo kiểu châu Âu ở phương Đông[5].

 

Cổng phía Tây Nam thành Hà Nội bị đại tá Rivière phá bỏ năm 1882. Nguồn: Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931.

Lo sợ bị quân Cờ Đen bao vây siết chặt ở Hà Nội, ngày 19/5/1883 đại tá Rivière thử nghiệm một cuộc rút lui theo đường Sơn Tây để khai thông những vùng lân cận của thành phố về phía Đông. Sau khi vượt qua đê nơi Francis Garnier tử nạn mười năm trước đó, đội quân tiến qua một cây cầu nhỏ bằng gạch, được biết đến với tên gọi “Cầu Giấy” (Pont de Papier), tên ngôi làng Giấy gần đó, trung tâm sản xuất giấy. Quân Cờ Đen núp sau rặng tre của làng Thien - tong, phía bên phải, đợi cho quân Pháp qua cầu và đi dọc trên đường Sơn Tây mới lộ diện. Được trang bị súng, quân Cờ Đen tiến hành pháo kích tiêu diệt. Đại tá Rivière là một trong những người đầu tiên tử trận ngay cửa ô vào ngày 19/5/1883.

 

Cầu Giấy, đoạn gần nơi đại tá Rivière tử trận ngày 19/5/1883. Nguồn: Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931.

Sau lần này, quân Pháp chính thức chiếm được Thành Hà Nội và từng bước xây dựng các công trình quân sự trong Thành, đồng thời cho phá hủy thành Hà Nội để xây dựng các tuyến đường.

Việc can thiệp phá Thành Hà Nội được tập trung thực hiện bắt đầu từ năm 1894 đến năm 1897. Theo sơ đồ ngày 14/2/1894, Thành Hà Nội được chia thành 2 phần, 1 phần đất dành cho quân đội và 1 phần nhượng lại cho thành phố Hà Nội. Ngay cùng năm, Toàn quyền Đông Dương De Lanessan kí kết một bản giao kèo với kĩ sư Auguste Bazin để thực hiện việc phá Thành Hà Nội ngày 15/2/1894, gồm các công việc chính như: phá tường lũy, lấp ao, hào, mở đường, xây tường bao quanh Sở Pháo binh v..v… với tổng kính phí 6.000 đồng bạc.[6]

 
Bản sơ đồ ngày 14/2/1894. Nguồn TTLTQG1

Từ cuối thế kỉ 19 đến hết thời kì Pháp thuộc, Thành Hà Nội bị phá hủy, thu hẹp. Nhiều tuyến đường được mở xuyên qua Thành, ban đầu để tạo thuận lợi cho quân đội di chuyền về Đồn Thủy. Sau đó, các công trình lần lượt được xây dựng trong Thành để phục vụ các quân đội Pháp. Và rồi Thành Hà Nội chẳng còn nguyên vẹn nữa.

 

Tài liệu tham khảo:

- P. Boudet & A. Masson, Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931. Để chuẩn bị cho Triển lãm Thuộc địa Quốc tế Paris năm 1931, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được Toàn quyền Đông Dương giao nhiệm vụ chuẩn bị nội dung cho Khu Lịch sử Đông Dương tại cuộc Triển lãm từ năm 1928. Nhiều tư liệu được sưu tầm từ các nguồn khác nhau, chủ yếu từ các kho lưu trữ, thư viện và lưu trữ cá nhân. Người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này là André Masson, một lưu trữ viên-cổ tự, quản thủ viên Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương - Một trong những thành viên tích cực nhất của cơ quan này. André Masson được giao biên soạn cuốn sách lịch sử Đông Dương qua ảnh nhân dịp này. Cuốn sách “Iconographie historique de l’Indochine française” được ra mắt năm 1931 với nội dung phong phú, phác hoạ quá trình can thiệp của Pháp vào Đông Dương qua tư liệu hình ảnh. Một trong các nội dung đặc biệt quan trọng và được tác giả viết trong cuốn sách là về các trận đánh chiếm Hà Nội của quân đội Pháp.

- Phông Phủ Thống sứ Bắc Kì, Phông Đô đốc và Thống đốc, TTLTQG1.


[1] Camps de Lettrés, Trường Thi Hà Nội, nay là vị trí Thư viện quốc gia Việt Nam .

[2] P. Boudet & A. Masson, Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931.

[3] P. Boudet & A. Masson, Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931.

[4] Jean-Bernard Jauréguiberry là Bộ trưởng Thuộc địa thời điềm này. Ông cũng là một trong những người đề xướng việc đánh chiếm Bắc Kì. – Theo P. Boudet & A. Masson, Iconographie historique de l'Indochine, Paris 1931.

[5] P. Boudet & A. Masson, Iconographie historique de l’Indochine, Paris 1931.

[6] RST 58801

Đỗ Hoàng Anh (lược dịch và tổng hợp)

https://archives.org.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5154

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Thành Hà Nội bị phá hủy qua từng giai đoạn

Thành Hà Nội bị phá hủy qua từng giai đoạn

  • 10/10/2022 11:00
  • 1748

Sau lần tấn công thành Hà Nội lần II, Pháp đã chiếm luôn Hành cung và điện Kính Thiên để làm nơi đóng quân. Đấy là hành động đầu tiên trong quá trình chiếm đóng và phá hủy thành Hà Nội để phục vụ mục đích quân sự của quân đội Pháp.