Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/04/2022 10:32 5706
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Nhân kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022)

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc 1954 - 1975, cùng với phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào miền Nam, hệ thống loa phóng thanh bên bờ Bắc cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị tư tưởng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.                                                

Sau năm 1954, tình hình quốc tế đã có những thay đổi mạnh mẽ, sự lớn mạnh của Liên Xô, Trung Quốc, của hệ thống Xã hội chủ nghĩa và sự trưởng thành của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đã tạo nên một sức mạnh mới về thế và lực cho cách mạng Việt Nam. Ở Việt Nam, sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ  ngày 7/5/1954, Hiệp định Geneve về Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954 đã chia cắt Việt Nam dọc theo đường giới tuyến vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị và vùng đệm phi quân sự rộng 5 cây số mỗi bên, bên bờ sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc.
 
Cầu Hiền Lương (phía bờ Bắc) sau ngày hòa bình lập lại năm 1954 (nguồn ảnh: BTLSQG)

Ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, ngày 24/7/1954, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Foster Dulles đã tuyên bố: "Điều quan trọng nhất, không phải khóc than cho quá khứ mà phải nắm bắt lấy cơ hội tương lai nhằm ngăn cản không để mất miền Bắc Việt Nam, để cuối cùng dẫn đến chỗ chủ nghĩa Cộng sản có ưu thế trên toàn cõi Đông Nam Á và Tây nam Thái Bình Dương".

Ngày 7/7/1954 được sự hậu thuẫn của Mỹ, Ngô Đình Diệm đã lên làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng nội vụ và quốc phòng của chính quyền Bảo Đại ở miền Nam. Mỹ quyết định viện trợ trực tiếp cho chính quyền Ngô Đình Diệm thông qua các phái đoàn huấn luyện và phái đoàn viện trợ Quân sự Mỹ (MAAG), chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại việc thực hiện Hiệp định Geneve. Sau khi tổ chức “trưng cầu dân ý” phế truất Bảo Đại, ngày 4/3/1956, chính quyền Ngô Đình Diệm tổ chức bầu cử “quốc hội” riêng rẽ ở miền Nam. Ngày 26/10/1956 công bố “Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa”, công khai vi phạm những qui định của Hiệp định Geneve. Bên cạnh những thủ đoạn dụ dỗ, lừa bịp mỵ dân, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “tố cộng, diệt cộng” thẳng tay đàn áp, khủng bố, tiêu diệt các lực lượng cách mạng và nhân dân miền Nam với mưu đồ chia cắt đất nước.

Tháng 9/1954, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp ra quyết nghị về “Tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng” trong đó chỉ rõ cuộc đấu tranh của nhân dân ta bước vào một thời kỳ mới, có những đặc điểm mới. Song “nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chưa phải đã hoàn thành … Cuộc đấu tranh đó đang còn tiếp tục nhưng phương thức đấu tranh cần phải thay đổi. Chúng ta cần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc trong tình hình đấu tranh mới”. Vì vậy, trong một thời gian nhất định, nhiệm vụ chung của Đảng là đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định Geneve để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn toàn độc lập dân chủ trong toàn quốc. Ở miền Nam: "nhiệm vụ của Đảng… là lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định Geneve, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất. Đồng thời… đấu tranh chống những hành động khủng bố, đàn áp, phá cơ sở của ta". Phương thức đấu tranh của ta lúc này là khéo công tác, khéo che giấu lực lượng và tranh thủ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp. Nghị quyết của Bộ Chính trị có tác dụng chỉ đạo kịp thời cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên cả hai miền đất nước.

Từ thực tiễn của tình hình đấu tranh tranh chính trị mạnh mẽ khắp nông thôn và thành thị của các tầng lớp nhân dân trên toàn miền Nam, tháng 6/1956, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết “Về tình hình nhiệm vụ công tác miền Nam”, chỉ rõ: “Hình thức đấu tranh của ta trong toàn quốc hiện nay là đấu tranh chính trị, không phải đấu tranh vũ trang. Nói như thế không có nghĩa là tuyệt đối không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định hoặc không tận dụng những lực lượng vũ trang của các giáo phái chống Diệm. Chúng ta chủ trương duy trì và phát triển các lực lượng vũ trang đó đến một mức độ nhất định…”.

Cùng với các cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào miền Nam, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm cổ vũ, động viên nhân dân miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Hệ thống loa phóng thanh với công suất lớn của ta bên bờ sông Bến Hải bờ Bắc cầu Hiền Lương, thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được xây dựng. Hệ thống loa phát thanh được chia thành 5 cụm suốt chiều dài 1.500 mét ở bờ Bắc, mỗi cụm có 24 loa loại 25W chĩa về bờ Nam. Hàng ngày phát đi các chương trình của đài Tiếng nói Việt Nam, đài truyền thanh Vĩnh Linh về các chủ trương, chính sách của Đảng, tính ưu việt và sự lớn mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh các thông tin chính trị còn có những chương trình của đội truyền thanh lưu động, chương trình văn hóa, văn nghệ như: ca nhạc, ngâm thơ kẻ vè, kịch, dân ca… do các nghệ sĩ miền Bắc thể hiện. Có những chương trình thời lượng phát thanh kéo dài từ 14 đến 15 tiếng đồng hồ và có khi phát cả vào ban đêm.

 
 Dàn loa phóng thanh bên bờ Bắc cầu Hiền Lương, năm 1961 (nguồn ảnh : BTLSQG)

Để đối phó với hệ thống loa phóng thanh của ta bên bờ Bắc, ở bờ Nam chính quyền Sài Gòn cũng gắn những cụm loa có công suất lớn do Tây Đức, Úc cung cấp phát inh ỏi lấn át cả loa phía ta. Đáp lại, ta lắp thêm 8 loa công suất gấp đôi 50W và một loa công suất 250W của Liên Xô sản xuất nên khi hệ thống loa bờ Bắc vang lên đã át hẳn tiếng loa bên bờ Nam. Đầu năm 1960, phía bờ Nam đã lắp một dàn loa hiện đại do Mỹ sản xuất có công suất cực lớn âm thanh có thể vang xa đến cả chục km. Phía ta ở bờ Bắc cũng xuất hiện một chiếc loa có kích thước lớn đường kính 1,7 mét công suất 500W, sau đó bổ sung thêm 20 loa 50W, 4 loa công suất 250W để đối lại. Các cụm loa được đặt trên trụ bên tông cốt thép kiên cố, riêng chiếc loa 500W đặt trên xe lưu động, khi thuận gió âm thanh có thể truyền xa hơn 10km. Để cung cấp điện cho hệ thống loa có công suất lớn này, ta đã dựng một đường dây cao thế 6KvA dài gần 10 km kéo từ Vĩnh Sơn về đến Tùng Luật và một trạm tăng âm cho hệ thống loa đặt cách cầu Hiền Lương 2,5km về phía bắc. “Cuộc chiến âm thanh” bên bờ sông Bến Hải hai bờ Nam-Bắc cứ thế tiếp diễn cho đến năm 1965, khi máy bay Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, hệ thống loa phóng thanh của cả hai bờ đã hoàn toàn ngừng hoạt động.

Năm 1967, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập. Cột cờ, Nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, Dàn loa phóng thanh cũng bị máy bay Mỹ đánh phá và hư hỏng nặng. Gần 10 năm sau ngày giải phóng, nhiều di tích, hiện vật, nhân chứng lịch sử không còn nữa, cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương tồn tại dưới dạng phế tích. Đến năm 1986, được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, việc làm hồ sơ cho hệ thống di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương mới chính thức được tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) bắt đầu và đã được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Đến năm 2008, tỉnh Quảng Trị đã cho phục dựng lại cầu Hiền Lương theo bản thiết kế do Pháp xây dựng năm 1952. Đồng thời tôn tạo, phục hồi các di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải như: Sông Bến Hải và bến đò trên sông Bến Hải, Cột cờ bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, Dàn loa phóng thanh, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất”, Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” hiện đang lưu giữ và trưng bày chiếc loa phóng thanh công suất lớn 500W của ta bên bờ Bắc như một trong những chứng tích lịch sử quan trọng trong “cuộc chiến âm thanh” bên cầu Hiền lương lịch sử năm xưa. Năm 2013, cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử cách mạng của cụm di tích quốc gia đặc biệt này trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải trong đó có những chiếc loa phóng thanh lịch sử qua năm tháng vẫn sống mãi với thời gian. Đây là những chứng tích lịch sử sống động mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước hơn 20 năm, nơi đã chứng kiến bao cảnh tang tóc đau thương nhưng vô cùng anh dũng, kiên trung và tự hào của nhân dân ta vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước - là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

 

Phan Tuấn Dũng

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Alain Ruscio 2011, Điện Biên Phủ kết thúc một ảo tưởng, Nxb. Lao Động.

2. Archimedes L.A. Patti 1995: Tại sao Việt Nam? Bản dạo đầu con chim Hải Âu của nước Mỹ. Nxb. Đà Nẵng.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam 2002, Văn kiện Đảng Toàn tập. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. GG.C.Herring 1998: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất nước Mỹ. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Lê Mậu Hãn 1995, Đảng Cộng sản Việt Nam các Đại hội và Hội nghị Trung ương. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4862

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Nguyễn Ái Quốc làm báo Le Paria

Nguyễn Ái Quốc làm báo Le Paria

  • 05/04/2022 09:59
  • 3343

Báo « Le Paria » ra số đầu tiên tại Pari ngày 1/4/1922, tồn tại cho đến tháng 4/1926. Báo ra được 38 số. (Le Paria vẫn được dịch là Người cùng khổ, nhưng tên viết bằng chữ Hán đầu báo là Lao động báo). Với nội dung chống chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đoàn kết các dân tộc thuộc địa, với mục tiêu tôn chỉ là « vũ khí chiến đấu với sứ mạng đã rõ ràng là giải phóng con người » (Lời kêu gọi nhân báo ra số đầu).