Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/02/2022 10:01 5232
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
1. Hoàn cảnh lịch sử Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nền độc lập dân tộc mà nhân dân ta mới giành được bị đe dọa nghiêm trọng trước dã tâm xâm lược của các thế lực phản cách mạng. Với nhãn quan sáng suốt và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận thấy cần phải củng cố căn cứ địa cách mạng Việt Bắc thành căn cứ kháng chiến, nơi làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, làm cơ sở cho cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc khi cuộc kháng chiến bùng nổ.

Theo sự phân công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã ở lại cùng một số cán bộ củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Cuối tháng 10/1946, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc chuẩn bị những địa điểm làm nơi xây dựng căn cứ kháng chiến, nơi làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ trong trường hợp phải rời khỏi Thủ đô Hà Nội khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tháng 11/1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách chuyên lo việc nghiên cứu, vận chuyển và chọn địa điểm an toàn của các cơ quan Trung ương nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc trên địa bàn các huyện Định Hoá, Sơn Dương, Yên Sơn, Chợ Đồn làm nơi xây dựng an toàn khu (ATK) của Trung ương.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng "Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân dân Hà Nội và cả nước đã đứng lên chiến đấu với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ của dân tộc, đầu năm 1947 theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ… đã nhanh chóng chuyển từ Thủ đô Hà Nội về chiến khu Việt Bắc, đặt an toàn khu chủ yếu trên địa bàn các huyện Định Hoá (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Cạn), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) từ thời gian 1947 - 1954.

2. Vị trí và vai trò của an toàn khu Định Hóa

Trong hệ thống ATK của Trung ương đóng ở căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc thì việc chọn Định Hóa (Thái Nguyên) là trung tâm chỉ đạo cuộc kháng chiến là một quyết định đúng đắn, sáng suốt thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Định Hóa có những ưu thế về vị trí, địa hình hiểm trở với núi non bao bọc đảm bảo bí mật và an toàn cho Trung ương và các cơ quan đóng ở đây. Đồng thời, Định Hóa có vị trí phía bắc giáp với Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Kạn), nam giáp Đại Từ, đông giáp Phú Lương (Thái Nguyên), tây giáp Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang), vì vậy có thể cơ động ngăn cản sự tiến công của giặc Pháp. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt tại ATK Định Hoá (Thái nguyên), từ đây ATK Định Hóa trở thành nơi các cơ quan đầu não kháng chiến, nơi Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn quốc. Do nhu cầu công việc và cũng để đảm bảo tuyệt đối an toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương thường không ở lâu tại một địa điểm mà thường di chuyển thay đổi nơi ở, có thời gian ở Định Hóa, ở Chợ Đồn (Thái Nguyên), có thời gian lại sang Yên Sơn, Sơn Dương (Tuyên Quang). Từ cuối năm 1947 đến cuối năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh các cơ quan của Trung ương Đảng, Mặt trận, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu … thường đóng tại Định Hoá (Thái Nguyên). Các cơ quan Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đóng trên địa bàn huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Từ cuối năm 1953 đến tháng 7/1954, các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội.. tập trung về đất Kim Quan Thượng, Yên Sơn (Tuyên Quang). Đến tháng 8/1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, các cơ quan lại tập trung về tại Văn Lãng, Đại Từ (Thái Nguyên).

Vị trí, vai trò của ATK Định Hóa có ý nghĩa quan trọng quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đưa ra những quyết định lịch sử, những quyết sách có tính quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến như: Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp (Thu - Đông 1947); quyết định chiến lược biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta những năm 1948 - 1949; quyết định mở các chiến dịch: Biên giới (1950), Hòa Bình (1952), Tây bắc (1953)… nhằm tiêu hao sinh lực địch, phát triển lực lượng và mở rộng vùng giải phóng và sự ủng hộ của quốc tế với cuộc kháng chiến.

 

Xác tàu chiến L.C.T của giặc Pháp bị bộ đội ta bắn cháy trên sông Lô (Tuyên Quang) trong chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông 1947. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn mở chiến dịch Biên giới tại ATK Định Hóa năm 1950 (từ trái qua phải: đ/c Trường Chinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đ/c Phạm Văn Đồng, đ/c Lê Văn Lương, đ/c Hoàng Quốc Việt, đ/c Võ Nguyên Giáp)(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia) 

Tại ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Trung ương Đảng đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), tháng 2/1951 để lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đến thắng lợi. Đặc biệt cuối tháng 9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp, xác định nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 - 1954. Ngày 6/12/1953, tại xóm Tỉn Keo, xã Phú Đình, ATK Định Hoá, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã nhất trí thông qua “Phương án tác chiến mùa xuân 1954” do Tổng Quân uỷ báo cáo và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm trường kỳ và gian khổ của dân tộc đến thắng lợi.

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại ATK Định Hóa quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (từ trái qua phải: đ/c Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đ/c Trường Chinh, đ/c Võ Nguyên Giáp) (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia) 

ATK Định Hóa (Thái Nguyên) có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ngày 7/5/1954. Cùng với hệ thống các di tích ATK trong chiến khu Việt Bắc, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến ATK Định Hóa (Thái Nguyên) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012). Công chúng đến với Chiến khu Việt Bắc trong đó có ATK Định Hóa năm xưa là đến với vùng đất với những giá trị di sản văn hóa giàu bản sắc và lịch sử cách mạng, kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Phan Tuấn Dũng

Tài liệu tham khảo

Võ Nguyên Giáp 1977. Những chặng đường lịch sử. Nxb. Văn học, Hà Nội.

Sở Văn hóa - Thông tin Thái Nguyên 2003. Từ An toàn khu Thái Nguyên đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Sở Văn hóa - Thông tin Thái Nguyên xuất bản.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4808

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

80 năm đọc thơ xuân nhớ Bác

80 năm đọc thơ xuân nhớ Bác

  • 10/01/2022 10:06
  • 1717

Cách đây đúng 80 năm, trên báo Việt Nam độc lập (số báo 114) vào đúng dịp Tết Dương lịch, ngày 1/1/1942, lần đầu tiên Bác đăng thơ tặng đồng bào cả nước: “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau! Chúc Việt Minh ta càng tấn tới...”.