Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/06/2021 10:47 1635
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
110 năm đã trôi qua kể từ ngày người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân nhưng ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự sâu sắc, để lại nhiều bài học quý báu, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). Ảnh tư liệu: TTXVN

Ngày 5-6-1911 tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh (nay là TP Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó mới vừa tròn 21 tuổi đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche-Tréville bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Trong hành trình của tuổi thanh xuân, Người đã tìm ra con đường giải phóng cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam. Sự kiện ra đi tìm đường cứu nước của Bác không chỉ truyền ý chí, cảm hứng, khát vọng cho thanh niên, mà còn giúp thanh niên Việt Nam rút ra nhiều bài học quý báu trong cuộc sống, học tập, công tác, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, đó là bài học về lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập dân tộc, phát triển đất nước. Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành từ thuở nhỏ đã gắn bó và kế thừa truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc, của quê hương, đất nước, của gia đình. Trực tiếp chứng kiến, cảm nhận những nỗi đau của đồng bào đang phải chịu ách nô lệ, thực dân, cảnh nước mất nhà tan đã hun đúc trong Người tình yêu quê hương, đất nước và nhân dân với khát vọng cháy bỏng độc lập dân tộc. Chính tình yêu to lớn ấy đã thôi thúc người thanh niên Nguyễn Tất Thành quyết tâm tìm con đường cứu nước, cứu dân. Trong quá trình tìm đường cứu nước, khi đã tìm thấy chân lý cách mạng và con đường giải phóng cho dân tộc mình, Người đã làm tất cả để tập hợp lực lượng, gây dựng phong trào, đấu tranh cách mạng để mang lại nền độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.

Lòng yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập của Người luôn soi đường cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, với tình yêu Tổ quốc cao cả, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần, chiến đấu, cống hiến và hy sinh cho Tổ quốc, tô thắm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tình yêu quê hương đất nước, khát vọng, hoài bão của mỗi thanh niên hôm nay phải được thể hiện, được bắt đầu từ chính những công việc rất cụ thể hằng ngày trong học tập, lao động, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; dấn thân làm những điều tốt đẹp, đột phá để thay đổi hiện trạng, tiên phong hiện thực hóa tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 mà Ðại hội XIII của Ðảng đã vạch ra.

Thứ hai, phải tìm hướng đi mới, đột phá và khác biệt. Trước những thất bại của các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Bác Hồ tuy rất khâm phục tinh thần cứu nước của ông cha, nhưng Người không tán thành các con đường cứu nước ấy, mà quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới, một lối đi mới, đó là sang Pháp "xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta" (1); Người còn sang nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa khác. Bằng lao động và hòa vào dòng chảy của các sự kiện trên thế giới, với trí tuệ thiên tài của mình, Người đã tiếp nhận những giá trị chung và mới của nhân loại để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của nước nhà và tương thích với sự vận động, xu thế phát triển mới trong quá trình tiến hóa của loài người.

Ngày nay, học tập tinh thần đó, mỗi thanh niên cần thật sự chủ động và sáng tạo trong các hoạt động của mình. Mục tiêu tầm nhìn 2030, khát vọng 2045 của dân tộc đòi hỏi mỗi thanh niên hôm nay phải luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo, luôn trăn trở tìm hướng đi mới, cách tiếp cận mới đối với mỗi vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, dấn thân vào những nhiệm vụ mới, khó. Mỗi thanh niên cần chủ động đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, ứng dụng khoa học - công nghệ trong thực hiện nhiệm vụ, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, lập nghiệp, khởi nghiệp, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Các tổ chức của thanh niên cũng cần đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, sáng tạo không ngừng để thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời theo kịp sự vận động nhanh chóng của nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển như vũ bão của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ ba, biết kết hợp tiến bộ của nhân loại với những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc. Trong sự kết hợp đó cần kiên định để tìm ra cái tốt và phù hợp nhất cho mình. Ði ra nước ngoài để "xem xét họ làm như thế nào" nhằm "trở về giúp đồng bào chúng ta", trong suốt 30 năm rời xa Tổ quốc, người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi khắp các châu lục, học tập, nghiên cứu, khảo sát, chọn lọc, tiếp thu những giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại và thực tiễn các cuộc đấu tranh cách mạng ở nhiều nước để nâng cao trí tuệ, mở rộng tầm nhìn, làm giàu các giá trị văn hóa, tìm ra con đường giải phóng dân tộc, hướng tới mục tiêu vì sự giải phóng con người. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với thế giới quan khoa học và cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã vận dụng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, thực tiễn cách mạng Việt Nam phù hợp với quy luật, xu thế phát triển trong tiến trình đi lên của lịch sử nhân loại, đó là: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" (2). Tiến trình cách mạng Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của nhiều nước, nhiều lực lượng trên thế giới nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vẫn chủ trương "đem sức ta mà tự giải phóng cho ta".

Bài học của Bác tiếp tục truyền cảm hứng cho thanh niên ngày nay phải luôn nỗ lực học tập, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo những trào lưu, các tiến bộ, tinh hoa của nhân loại vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Bối cảnh hội nhập, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày nay giúp thanh niên có điều kiện để học những tinh hoa và phù hợp của các trào lưu trên thế giới nhưng không được phụ thuộc, không được dựa dẫm vào người khác, phải tiếp thu có chọn lọc trên nền tảng các giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc, tiếp thu những giá trị mới để làm giàu bản sắc dân tộc. Ðể hội nhập sâu rộng với thế giới, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với những tinh hoa của nhân loại, thanh niên ngày nay cần tích cực nâng cao năng lực ngoại ngữ, trở thành những công dân toàn cầu.

Thứ tư, bài học về nghị lực và rèn luyện ý chí quyết tâm, bản lĩnh, nỗ lực, phấn đấu không ngừng và không được tự mãn. Cả quá trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ cũng như suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện. Thanh niên ngày nay phải luôn có ý thức tự rèn thái độ sống đúng đắn, ý chí, nghị lực vươn lên, vượt khó sáng tạo. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi mỗi thanh niên phải luôn làm giàu cho bản thân cả về tri thức, sức khỏe, kỹ năng; luôn có khát vọng vươn tới những tầm cao. Ðể xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa sẽ còn phải tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi thanh niên luôn phải ra sức học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần nghị lực và ý chí quyết tâm, không ngừng nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của tuổi trẻ, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.

Thứ năm, bài học về tinh thần tự học, học tập suốt đời. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đi đến khắp năm châu. Ðến đâu, Người cũng học, tìm mọi cách để học, tìm hiểu phong tục tập quán ở những nơi mình đi qua để nâng cao tri thức; học nghề để kiếm sống, kiếm sống để hoạt động cách mạng. Bác đã học và làm rất nhiều nghề khác nhau, bắt đầu từ việc làm thợ đốt lò trên tàu viễn dương, làm đầu bếp, quét tuyết, bốc thuốc, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ... Bác đã tự học rất nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Ðức, Nga, Thái-lan, Tây Ban Nha, Ả Rập... Nhờ đó, Người đã đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lê-nin và tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam. Cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học tập, học tập suốt đời, vừa học tập vừa hoạt động cách mạng. Học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân.

Tấm gương tự học, học tập suốt đời của Bác đã để lại nhiều bài học và những chỉ dẫn quý báu, trong đó có những nội dung rất cơ bản mà chúng ta cần học tập và noi theo. Mỗi thanh niên ngày nay cần phải không ngừng tự học tập, tự rèn luyện để nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt và coi tự học là nhu cầu, thói quen, hành vi hằng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị tự thân cần đạt. Ðặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra yêu cầu, đòi hỏi mỗi thanh niên phải tự nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ, năng lực số để chủ động tham gia, nắm bắt và tận dụng tối đa cơ hội của chuyển đổi số, trở thành những công dân toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc cho những bước phát triển nhảy vọt của đất nước.

Thứ sáu, bài học về việc chăm lo cho thế hệ tương lai. Trong quá trình tìm đường cứu nước, khi đã tìm thấy chân lý cách mạng và con đường giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã lựa chọn đối tượng đầu tiên để truyền bá tư tưởng cách mạng vào Việt Nam là thanh niên; thức tỉnh họ, làm cho họ nhận ra con đường và đi trên con đường cách mạng, ý thức được bổn phận và trách nhiệm của mình trước dân tộc. Và chính Người đã thức tỉnh được lực lượng quan trọng này; sáng lập các tổ chức thanh niên yêu nước để giáo dục, đoàn kết tập hợp thanh niên; sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh. Khi có lý tưởng cách mạng soi đường, thanh niên đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, cùng với Ðảng, với dân tộc hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Không chỉ với thanh niên, Bác Hồ còn đặc biệt quan tâm chăm lo tới thiếu niên, nhi đồng - lực lượng mầm non, tương lai của đất nước. Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, về nước ngày 28-1-1941 và ngay ngày 15-5-1941, Bác đã thành lập Ðội Nhi đồng cứu quốc, là tiền thân của Ðội Thiếu niên tiền phong bây giờ. Thanh niên ngày nay cần học tập Bác, biết chăm lo cho thế hệ tương lai ngay từ hiện tại để đưa đất nước phát triển đi lên.

Nhớ Bác, học Bác để mỗi bạn trẻ nỗ lực hơn trong tự rèn luyện, không ngừng sáng tạo, phấn đấu vì một Việt Nam hùng cường như tâm nguyện và khát vọng cháy bỏng của Người.

TS Nguyễn Anh Tuấn

Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Ðoàn

(1) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.Trẻ - Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.14.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tập 9, tr.314.

 

https://nhandan.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4823

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021): Cuộc hành trình vĩ đại

Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021): Cuộc hành trình vĩ đại

  • 04/06/2021 10:46
  • 3421

Hãng tàu biển vận tải hợp nhất của Pháp mà đồng bào ta quen gọi là hãng Năm Sao (có năm ngôi sao sơn ở ống khói tàu), có chiếc tàu chạy đường Đông Dương, châu Phi, châu Mĩ mang tên “Đô đốc Latouche-Tréville” . Khoảng giữa năm 1911, con tàu đó rời bến Cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Pháp. Trên tàu có thêm một phụ bếp trẻ tuổi người Việt Nam tên là Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Văn Ba, hay anh Ba). Anh ra đi tìm đường giải phóng cho dân tộc.