Thứ Hai, 09/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/06/2020 08:17 3230
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc lâu dài, gian khổ, oanh liệt của cách mạng Việt Nam, báo chí được coi là một vũ khí cực kỳ quan trọng. Cách mạng đòi hỏi phải có báo chí cách mạng, sinh ra báo chí cách mạng và sử dụng báo chí cách mạng làm vũ khí chiến đấu, thúc đẩy cách mạng Việt Nam phát triển và giành thắng lợi trọn vẹn.

Kể từ tháng 6-1936, Báo chí cách mạng chiếm lĩnh trận địa công khai, nhận sứ mệnh lịch sử mới mà Đảng trao cho: ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản cũng như tình hình thế giới đương thời đối với việc thành lập Mặt trận Dân chủ chống phát xít, tuyên truyền cho sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, vận động việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống và hòa bình, tự do báo chí, chống phản động thuộc địa chủ nghĩa phát xít, chống chủ nghĩa tờrốtxkít, chủ nghĩa cải lương và mọi tư tưởng, lý luận phản động, khuynh hướng sai lầm khác trong nội bộ Đảng để đẩy tới một cao trào cách mạng mới.

 
 
 Một số tờ báo cách mạng xuất bản công khai dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, thời kỳ 1936-1939 (Ảnh tư liệu BTLSQG).  

Với nghệ thuật lãnh đạo tài tình, sách lược linh hoạt, nhạy bén của Đảng, đa dạng về hình thức xuất bản như: tranh thủ chế độ kiểm duyệt và thủ tục đơn giản của chính quyền thực dân Pháp để xuất bản báo chữ Pháp; chuyển báo đã được phép xuất bản từ trước sang phục vụ cách mạng; Thuê, mượn, mua lại báo của người khác; đưa những cá nhân thân cách mạng đứng tên xin ra báo công khai; Biên tập ở một xứ, xuất bản và phát hành ở xứ khác; ra báo tiếng Việt không xin phép chính quyền thực dân Pháp.

Hầu hết báo chí cách mạng đều được in ở các nhà in của tư sản Pháp và Việt, phát hành qua 3 hệ thống: bưu điện, hiệu sách, tổ bán báo lưu động. Với hình thức đấu tranh nửa hợp pháp và hợp pháp, báo chí đã tác động đến quần chúng, góp phần thúc đẩy sự thống nhất phong trào đấu tranh trong cả nước, hoà vào nhau, hưởng ứng lẫn nhau, cùng nhau tiến lên đấu tranh dưới những khẩu hiệu chung, khắc phục tính rời rạc, địa phương.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí thời kỳ 1936-1939 là thời kỳ báo chí cách mạng Việt Nam phát triển rộng khắp, tạo nên một mặt trận báo chí công khai chưa từng có trong lịch sử báo chí Việt Nam, phản ánh chân thực một chặng đường đấu tranh tiêu biểu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hiện nay, BTLSQG còn lưu giữ được đủ số những tờ báo cách mạng thời kỳ 1936-1939, như sau:

1 - Báo Bạn Dân, Tuần báo xuất bản thứ 7 hàng tuần tại Hà Nội do Đào Duy Kỳ quản lý và làm chủ bút. Sáng lập: R.F Michel (người Pháp). báo ra được 29 số: số 1 ra ngày 24-4-1937; Số từ biệt - số 29 ra tháng 11-1937. Toà soạn: 64A, Đường Thành. Sau chuyển đến số 49, phố Julien Blanc (Nay là Phủ Doãn, Hà Nội). Báo in khổ 30,5x44cm ở nhà in riêng. Sau số 29, Bạn Dân vẫn tiếp tục ra, đánh lại từ số 2, ra ngày 7-1-1938 đến tháng 9-1941 là công cụ của thực dân Pháp. Báo có số ký hiệu 6338-6368/Gy 4697-4727.

 

Báo Bạn Dân, do Đào Duy Kỳ (đồng chí là Quyền Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, sau này là Phó Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc) quản lý và làm chủ bút.(Ảnh tư liệu BTLSQG).

2Báo Dân, tuần báo xuất bản thứ 4 hàng tuần tại Huế. Người sáng lập, quản lý: Nguyễn Đan Quế. Báo ra được 17 số: số 1 ra ngày 6-7-1938; số cuối - số 17 ra ngày 7-10-1938. Từ số 1-15: do Nguyễn Đan Quế chủ nhiệm. Từ số 16-17: do Nguyễn Xuân Các chủ nhiệm. Chỉ đạo biên tập: Phan Đăng Lưu, xứ ủy viên Xứ ủy Trung kỳ. Tòa soạn đặt tại số 11, Doudart de Lagreé, Huế.

Báo in khổ 45x60cm tại Nhà in Phúc Long. Báo có số ký hiệu 6296-6312/Gy 4655-4671.

3- Báo Dân Muốn, tuần báo xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn, cơ quan trung ương của Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo ra được 2 số: số 1 ra ngày 20-12-1938, số cuối - số 2 ra ngày 25-1-1939. Báo được biên tập ở Huế, in và xuất bản tại Sài Gòn. Chỉ đạo biên tập: Phan Đăng Lưu. Chủ nhiệm: Phan Văn Tạo. Thư ký tòa soạn: Lưu Quý Kỳ. Tòa soạn tại số 198, đại lộ Galiêni, Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo). Báo in khổ 44,5x60cm tại Nhà in Bảo tồn. Báo có số ký hiệu 6271-6272/Gy 4630-4631.

4 - Báo Dân Tiến, tuần báo xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn, cơ quan liên hiệp các lực lượng cấp tiến, thực chất là của Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo ra được 5 số: số 1 ra ngày 27-10-1938; số cuối - số 5 ra ngày 22-12-1938. Báo được biên tập ở Huế, in và phát hành tại Sài Gòn. Chỉ đạo biên tập: Phan Đăng Lưu. Thư ký tòa soạn: Lưu Quý Kỳ. Quản lý: Huỳnh Văn Thanh. Tòa soạn: số 46B, Nguyễn Tấn Nghiệm, Sài Gòn (nay là đường Phát Diệm). Báo in khổ 44,5x60 cm tại Nhà in Bảo tồn. Báo có số ký hiệu 6266-6270/Gy 4625-4629.

 

Báo Dân Tiến, xuất bản thứ 5 hàng tuần tại Sài Gòn, cơ quan liên hiệp các lực lượng cấp tiến, thực chất là của xứ ủy Trung kỳ Đảng CSĐD (Ảnh tư liệu BTLSQG)

5 - Báo En Avant, tuần báo chính trị xuất bản thứ 6 hàng tuần tại Hà Nội bằng tiếng Pháp. Báo ra được 11 số: số 1 ra ngày 20-8-1937, số cuối - số 11 ra ngày 29-10-1937. Báo do đồng chí Đặng Xuân Khu, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ trực tiếp chỉ đạo. Chủ bút: Trần Đình Long. Quản lý: từ số 1 đến 4: Ngô Lê Động. Từ số 5 trở đi: Lưu Bách Đoán. Tòa soạn: 35, Hàng Vải, sau chuyển đến 93 Henri D’Orleans (Nay là phố Phùng Hưng, Hà Nội). Báo in khổ 31x45,5 cm, sau đổi thành 44,5x59cm tại Nhà in Cửa Bắc. Báo có số ký hiệu 6282-6292/Gy 4641-4651.

6 - Báo Lao Động, tuần báo xuất bản thứ 3 hàng tuần tại Sài Gòn, cơ quan bênh vực quyền lợi của giai cấp cần lao, thực chất là cơ quan công vận của Xứ ủy Nam kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo ra được 20 số: số 1 ra ngày 29-11-1938; số cuối - số 20 ra ngày 14-7-1939. Quản lý kiêm chủ bút: Nguyễn Thành A (Nguyễn Thanh Hà). Toà soạn tại 38 Rue D'Ayot, sau chuyển đến Công Quỳnh, Sài Gòn. Báo in nhiều khổ tại Nhà in Việt Nam, sau là Nhà in Xưa nay. Báo có số ký hiệu 6661-6678/Gy 5020-5037 và 9070/Gy 6251.

 

Báo Lao Động, xuất bản thứ 3 hàng tuần tại Sài Gòn, cơ quan bênh vực quyền lợi của giai cấp cần lao, thực chất là cơ quan công vận của Xứ ủy Nam kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương.

7- Báo Nhành Lúa, cơ quan Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo ra được 9 số: số 1 ra ngày 15-1-1937, số cuối - số 9 ra ngày 19-3-1937. Báo được biên tập ở Huế, phát hành tại Hà Nội, toàn quốc và Pháp. Riêng số 5 - số Xuân ra ngày 12-2-1937 là số đặc biệt, in ở Huế, biếu không, chỉ bằng một trang nhỏ như truyền đơn. Chủ nhiệm: Nguyễn Xuân Lữ. Tổng Thư ký: Hải Triều. Toà soạn đặt tại phố Jules Ferry, Huế. Báo in khổ 21,5x31cm và 30x45cm tại Nhà in Đông Tây, 193 Hàng Bông, Hà Nội. Ở Trung kỳ, chế độ vua quan Nam triều rất phản động, thẳng tay đàn áp báo chí cách mạng. Vì thế, báo Nhành Lúa được biên tập tại Huế, in và phát hành tại xứ khác... Báo có số ký hiệu 6217-6225/Gy 4576-4584.

 

Báo Nhành Lúa, cơ quan Xứ ủy Trung kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương. Báo được biên tập ở Huế, phát hành tại Hà Nội, toàn quốc và Pháp.

8 - Báo Tân Xã Hội, xuất bản tại Hà Nội. Báo ra được 3 số: số ra mắt ngày 30-9-1936, số cuối - số 2 ra ngày 17-10-1936. Người sáng lập: Nguyễn Bích Nam, Nguyễn Kim Hải. Chủ bút kiêm Quản lý: Vũ Đình Huỳnh. Tòa soạn đặt tại 21, Phạm Phú Thứ (nay là Nguyễn Quang Bích, Hà Nội). Báo in khổ 31x45,5cm tại nhà in Trung bắc Tân văn. Báo có số ký hiệu 6293-6295/Gy 4652-4654.

So với số lượng báo chí cách mạng Việt Nam tồn tại thực tế trong giai đoạn 1936-1939*, số lượng báo chí hiện BTLSQG còn lưu giữ được tuy không nhiều, 8 đầu báo với 96 số báo, trong đó có 3 tờ: Bạn Dân, En avant, Tân Xã Hội của Xứ ủy Bắc kỳ; 4 tờ: Dân, Dân Muốn, Dân Tiến, Nhành Lúa của Xứ ủy Trung kỳ, 1 tờ: Lao Động của Xứ ủy Nam kỳ.

Đây là những số báo nguyên gốc, đồng thời là nguồn sử liệu vô cùng quý giá, là đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn ở trong và ngoài nước, hơn nữa là những bảo vật quốc gia - di sản văn hóa vật thể của dân tộc, hiện do BTCMVN lưu giữ, bảo quản và phục vụ công chúng. Trân trọng, nâng niu từng trang báo, những người hậu thế chúng tôi hiểu rằng đó là sự lao động gian khổ, vất vả trong biên tập, xuất bản, phát hành của các thế hệ người làm báo thời kỳ này. Và cao hơn nữa là sự hy sinh, mất mát của biết bao quần chúng nhân dân, cơ sở cách mạng đã bảo vệ, nuôi dấu cơ quan biên tập, in ấn báo trong hoàn cảnh khó khăn thời kỳ thực dân Pháp cai trị trước năm 1945.

Ths. Nguyễn Thị Tường Khanh
(Phòng Truyền thông)

 

* Trong cuốn “Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945”, năm 2001, tác giả Nguyễn Thành có công bố 52 đầu báo chí cách mạng thời kỳ 1936-1939.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5040

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Về báo chí cách mạng Việt Nam trước năm 1945 (Phần 2 và hết)

Về báo chí cách mạng Việt Nam trước năm 1945 (Phần 2 và hết)

  • 19/06/2020 08:19
  • 2471

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ được 91 đầu báo, tạp chí cách mạng Việt Nam xuất bản từ 1928 đến 1945, trong đó có nhiều tờ báo quý hiếm, độc đáo của Trung ương Đảng, các cấp bộ Đảng từ Bắc, Trung, Nam kỳ đến Khu ủy, Liên tỉnh ủy, tỉnh, huyện, chi bộ..., rồi các báo, tạp chí của các tổ chức quần chúng, đoàn thể như: mặt trận, công đoàn, đoàn thanh niên... do Đảng lãnh đạo