Thứ Hai, 20/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/04/2020 17:47 3337
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Kế hoạch tác chiến cho chiến dịch Hồ Chí Minh tính đến 27-4-1975 đại quân ta từ hướng Bắc, Tây bắc, Tây nam, Đông của Sài Gòn đã sẵn sàng. Tuy nhiên, các điểm cầu án ngữ cửa ngõ vào Sài Gòn được địch canh giữ cẩn mật gây khó khăn cho lực lượng của ta, thậm chí địch có thể phá cầu bất cứ lúc nào khi chúng không giữ được.

Trước tình hình đó, Tiểu đoàn 23 (đặc công nước) và tiểu đoàn 174 pháo binh được giao nhiệm vụ đánh chiếm, chốt giữ cầu Mới (Hóa An) và cầu Ghềnh nhằm đảm bảo cho đại quân ta cơ động từ nhiều hướng. Thực hiện mệnh lệnh, ngày 25-4-1975, tiểu đoàn 174 rời hậu cứ gần trảng Nhà Nai (trong chiến khu Đ) ở phía bắc thị trấn Tân Uyên và đêm 26-4 đến mục tiêu. Toàn đội hình dừng lại ở khu vực phía đông ấp Tân Bản (nay thuộc phường Bửu Hòa) trong khu rừng thấp. Sau đó các đại đội áp sát ven ấp gần cầu Hang để thực hiện nhiệm vụ: Đại đội 3, Tiểu đoàn 23 và Đại đội 13, Tiểu đoàn 174 đánh chiếm cầu hóa Hóa An. Các đội khác có nhiệm vụ ngăn chặn địch từ Dĩ An và Thủ Đức tới.

 

 Sơ đồ vị trí các trận đánh của Trung đoàn Đặc công 113 (trong Chiến dịch  Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975)

Đúng 4 giờ 30 phút sáng 27-4 trận chiến bắt đầu. Đảm bảo yếu tố nhanh chóng bất ngờ, chỉ trong vòng 30 phút sau, hai mục tiêu đều bị quân ta chiếm giữ mà không có một tổn thất nào, song chiếm cầu thì dễ còn giữ cầu thì khó. Đến 8 giờ 30 phút sáng, địch phản công dữ dội để chiếm lại cầu bằng các đợt pháo từ bốn phía: Thủ Đức, Long Bình, Biên Hòa, Châu Thới, tiếp theo sau là bộ binh của địch ồ ạt kéo tới. Trong cả ngày 27-4 địch mở nhiều đợt pháo và tấn công liên tục nhưng đều thất bại. Sáng sớm ngày 28-4 trận địa pháo và trực thăng của địch theo hướng Tân Sơn Nhất bay tới bắn phá, sau cùng là các đợt tấn công như vũ bão bằng bộ binh, xe tăng có máy bay trinh sát L19 chỉ đường. Trận đánh không cân sức nên chiều cùng ngày địch đã chiếm lại cầu. Bên ta tạm lui để để chỉnh đốn lại đội hình và tiếp tế lương thực, vũ khí. Tối 28-4 ta lại phản công kéo dài tới ngày 29-4, hai bên giằng co tranh giành chiếm và tái chiếm hai cây cầu quan trọng này. Cuối cùng nửa đêm 29-4, sau trận mưa nhỏ các đại đội đã đánh chiếm giữ cầu thành công tới sáng 30-4 đảm bảo cho các quân đoàn chủ lực tiến qua cầu hướng về Sài Gòn. Trong trận đánh chiếm và giữ hai cầu 60 chiến sĩ đặc công đã hy sinh.

Cầu Rạch Chiếc, trục giao thông đối ngoại quan trọng ở cửa ngõ đông bắc Sài Gòn, được một tiểu đoàn thuộc Liên đoàn 301 của chính quyền Sài Gòn chốt giữ nhằm chặn bước tiến của lực lượng cách mạng. Một giờ sáng ngày 26-4-1975, đồng chí Tư Thanh (Nguyễn Văn Bảng) - quyền lữu đoàn trưởng lữ đoàn 316 nhận được điện với nội dung: Tập trung toàn bộ lực lượng hiện có của ba đơn vị: Lữ đoàn 316, Thành đội và Thủ Đức, đêm 27-4-1975 đánh chiếm bằng được hai cầu Rạch Chiếc và Xa Lộ, diệt bót, cắt dây điện, chủ yếu không cho địch phá cầu.

 

Bia tưởng niệm các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ cầu Rạch Chiếc

Chấp hành mệnh lệnh, Lữ đoàn 316 đã giao nhiệm vụ cho Z.23 và D.81 là hai đơn vị chủ công và Z.22 là đơn vị bổ sung. Bốn giờ sáng 28-4-1975, Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành cùng Z.23 đã nổ súng bắt đầu cuộc tiến công đánh chiếm cầu Rạch Chiếc. Bị tấn công bất ngờ sau 15 phút ta đã làm chủ được cầu. Sáng ngày 28-4 địch tăng viện ồ ạt phản kích dữ dội. Trong lúc giao tranh Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thành và 7 chiến sĩ khác đã hy sinh. Ở bên kia cầu Trung đội trưởng Trần Đình Lạc cùng đồng đội diệt gần hai trung đội địch nhưng chỉ còn lại 4 chiến sĩ. Bất ngờ, trên sông xuất hiện hai chiếc tàu chở lính từ hướng Sài Gòn lao tới bắn phá dồn dập, Trung đội trưởng Đỗ Xuân Quang vội cầm lấy khẩu B.40 trên tay một đồng chí đã hy sinh nã vào địch, một chiếc bị chìm cùng với lính.

Đến 8 giờ sáng ngày 29-4, cầu Rạch Chiếc chỉ còn lại 9 chiến sĩ nhưng hầu hết bị thương nặng. Trung đội trưởng Đỗ Xuân Quang tuy bị thương nặng nhưng vẫn vùng dậy dùng B.40 bắn trả nhiều đợt phản kích của địch, cuối cùng đã ngã xuống bên công sự cầu Rạch Chiếc. Với so sánh lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch phần lớn các chiến sĩ đều bị thương, số còn lại quá mệt mỏi sau mấy ngày đêm bám trụ giữ cầu nên cấp trên đã hạ lệnh rút lui để thay đơn vị khác. Ngay đêm đó, lữ đoàn giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Văn Thinh – Lữ đoàn phó trực tiếp chỉ huy đơn vị tái chiếm cầu Rạch Chiếc. Với khí thế mạnh mẽ, quân đội Sài Gòn hoang mang cao độ, nhiệm vụ chiếm lại cầu hoàn thành xuất sắc không mấy khó khăn. Thừa thắng, đơn vị Lữ đoàn 316 đã truy kích, bức rút và làm chủ hoàn toàn khu vực phía nam Thủ Đức, trong đó có một số nhà máy quan trọng như Xi măng Hà Tiên, nhà máy nước, nhà máy nhiệt điện....

Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh Đông quân ta tiến vào Sài Gòn.

Thu Nhuần (Tổng hợp)

Nguồn: “Nhớ về mùa xuân đại thắng 1975”, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr 195-213, 2015. 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5147

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Tạo và nắm thời cơ chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 (Phần 2 và hết)

Tạo và nắm thời cơ chiến lược trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975 (Phần 2 và hết)

  • 27/04/2020 08:10
  • 2484

Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, thời cơ thúc đẩy thời cơ. Sau khi mất thành phố Huế, đại bộ phận quân địch ở Trị Thiên và Quảng Nam, Quảng Ngãi bị tiêu diệt, thành phố Đà Nẵng hoàn toàn bị cô lập. Mặc dù Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy phải “tử thủ” để giữ Đà Nẵng. Song trước sức mạnh tiến công của quân và dân ta, trong các ngày 27, 28.3.1975, Tổng Lãnh sự Mỹ và Bộ Chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy đã bỏ chạy khỏi Đà Nẵng. Ngày 29.3.1975, chỉ sau 32 giờ tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giải phóng thành phố Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã hơn 100.000 quân địch, đập tan căn cứ liên hiệp quân sự mạnh nhất của địch ở miền Trung, xóa bỏ Quân khu 1 ngụy, phá vỡ thế mạnh ở đầu phía Bắc của địch. Lúc này “so sánh thế và lực trên chiến trường có sự chuyển biến vượt bậc. Hai trong bốn quân khu của địch đã bị xóa sổ. Lực lượng chúng bị giảm một nửa. Số còn lại lâm vào tình trạng tuyệt vọng, bị suy sụp lớn về tinh thần” (12).