Trong khi các cựu chiến binh buồn bã trở về Hà Nội, thì Đội tìm kiếm hài cốt Liệt sĩ K53 của Tỉnh đội Kon Tum và đại đội 187 Sa Thầy vẫn tích cực tìm ở trận địa năm xưa. Ngày 25-5-2009, tin mừng vui khôn xiết từ Huyện đội Sa Thầy bay ra Hà Nội: đã tìm thấy nhiều hố cá nhân có di vật của liệt sĩ Tạ Ngọc Giao và một số di vật khác.
Ngay lập tức, tháng 6 năm 2009, năm ông lại quay vào Sa Thầy. Chuyến đi thứ hai có thêm một số cựu chiến binh của Tiểu đoàn và gia đình liệt sĩ Tạ Ngọc Giao đi cùng.
Ông Phạm Văn Chúc kể tiếp: Vào đến Ban chỉ huy Huyện đội, chúng tôi được nhìn thấy ngay các di vật quá quen thuộc: mũ sắt, ống thuốc cứu thương, tăng dù; nòng súng AK; đặc biệt nhất là chiếc bi đông có khắc Tháp Rùa Hồ Gươm và tên Tạ Ngọc Giao. Gia đình anh Giao đã xin đưa về Hà Nội, trong nỗi đau buồn, mừng mừng tủi tủi khôn xiết.
Ngày 29-6-2009, hài cốt của Liệt sĩ về tới 63 Đinh Tiên Hoàng. Lễ truy điệu đã được tổ chức trọng thể tại gia đình anh và lễ an táng được tổ chức tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố (Ngọc Hồi). Anh là Liệt sĩ đầu tiên của Trung đoàn mũ sắt được trở về Hà Nội sau 41 năm nằm trên đỉnh Chư tan an.
Mũ sắt - kỷ vật thiêng liêng của các liệt sĩ “Trung đoàn mũ sắt” hy sinh năm 1968 tại Kon Tum
Kết quả ban đầu và những thông tin ít ỏi thu được đã khiến ông Phạm Văn Chúc nảy ra ý nghĩ, làm cách nào để liên lạc được với cựu chiến binh phía Mỹ. Rất may, cháu ông là Phan Trường Sơn đã giúp ông tìm thấy trang của cựu chiến binh Sư đoàn 4 Mỹ và dịch sang tiếng Anh những yêu cầu, mong muốn của cựu chiến binh Trung đoàn 209 để họ cung cấp thông tin. Chỉ sau một thời gian ngắn, cựu chiến binh Sư đoàn 4 Mỹ đã gửi cho ông Chúc nhật ký trận đánh ở Chư tan kra trong tháng 3-1968 và họ xác định có chôn 134 chiến sĩ ta trong ba hố bom ở gần sở chỉ huy căn cứ Mỹ.
Lễ truy điệu và an táng 77 liệt sĩ đã tìm được trên núi Chư tan kra và đưa về NTLS huyện Sa Thầy, ngày 25-3-2011
Từ những thông tin cụ thể đó, đầu tháng 3 năm 2010, các ông tổ chức ngay chuyến đi thứ ba. Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 209 cũng đi cùng anh em. Vào tới Sở Lao động-Thương binh-Xã hội tỉnh Kon Tum, ông Vĩnh tìm thấy bản photocopy nhật ký chiến trường trận Chư tan kra tháng 3/1968 do văn phòng MIA cung cấp từ tháng 9 năm 2000 cho phía ta, Bộ Quốc Phòng đã gửi tiếp về Sở và lưu tại đây. Hồ sơ trong đó ghi rõ: 134 NVA chết trong các hố chôn tập thể. Thông tin chỉ ngắn gọn: “Ba ngôi mộ tập thể được chôn ở toạ độ: YA 939913 trên bản đồ 6537IV, kèm theo là dòng chữ “Polei Jar Sieng”.
Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 209 hy sinh năm 1968 tại Chư tan kra, năm 2017
Lại cắt đường núi, thăm dò, lần tìm… Chuyến thứ 4 là tháng 7 năm 2010 và chuyến thứ 5 là tháng 12 năm 2010. Ông Hồ Đại Đồng kể: Bắt đầu lên núi tìm từ 14-12, đến ngày 19-12-2010, đoàn đã tìm được vị trí hố chôn tập thể có 81 hài cốt và nhiều di vật của các liệt sĩ. Không thể nói hết nỗi đau và tâm tư mừng mừng tủi tủi của mọi người sau 42 năm, nhìn thấy đồng đội trong những mảnh xương cốt, mảnh vải “tăng” mục nát, đế giày cao su cháy quăn queo…4 hài cốt của các Liệt sĩ Nguyễn Đình Tâm, Lê Văn Xuyên, Lưu Văn Cập và Nguyễn Văn Tạo, quê quán đều ở Gia Lâm (Hà Nội) được các gia đình xin đưa về quê hương của các Liệt sĩ. Ngày 19-1-2011, Ủy ban Nhân dân và Ban chỉ huy Quân sự huyện Sa Thầy đã đưa 77 hài cốt chưa có danh tính về Nhà tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện để sau đó sẽ làm lễ truy điệu trang trọng vào ngày 25-3-2011. Chiều 26-3-2011, tin mừng từ Ban chỉ huy Quân sự Kon Tum báo về: tìm thấy hài cốt liệt sĩ Phạm Bá Thi, ở phố Quán Thánh, là Tiểu đội phó thuộc C1D7E209, hy sinh ngày 21-3-1968 tại cao điểm M2 Chư tan kra.
Sau đợt này, các ông còn tiếp tục tìm được thêm một hố chôn tập thể nhỏ hơn và một số hài cốt nằm rải rác…Ngày 27-7-2018, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền tỉnh Kon Tum, Sư đoàn 10 và Đại đội 187 Sa Thầy, Ban Liên lạc đã may mắn tìm được ngôi mộ chung thứ 3 có 34 liệt sĩ ở Chư tan kra.
Từ 2009 đến năm 2018, 170 liệt sĩ trên đỉnh Chư tan kra đã được Ban liên lạc Trung đoàn mũ sắt phối hợp với Tỉnh đội KonTum cùng Quân đoàn 3 tìm thấy và quy tập, trong đó có 9 liệt sĩ đã được đón về quê hương. 112 liệt sĩ còn lại chưa có danh, thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 1 quây quần trong nghĩa trang Liệt sĩ huyện Sa Thầy; 49 liệt sĩ được tìm thấy trong hai năm 2017 - 2018, đã về bên nhau trong Khu tưởng niệm.
Gió núi mây ngàn hát mãi chiến công các Anh, những anh hùng bất tử!
* Tượng đài Liệt sĩ sừng sững trên núi cao
Sau khi tìm được các di vật và an táng hài cốt Liệt sĩ Tạ Ngọc Giao tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố, Ban Liên lạc Trung đoàn 209 tường trình với Bộ Tư lệnh Quân Khu Thủ đô. Sau đó, Bộ Tư lệnh đã nghiên cứu và báo cáo với Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội về việc xây dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại huyện Sa Thầy. Tháng 3 năm 2010, Lãnh đạo Thành phố và Sở Lao động Thương binh xã hội đã đi thị sát thực địa để xác định vị trí xây khu tưởng niệm.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại huyện Sa Thầy, Kon Tum
Khu tưởng niệm được khởi công đúng ngày nổ súng tại Chư tan kra sau 43 năm - ngày 25-3-2011.Tại chân núi Chư tan an xã Ia Xier huyện Sa Thầy. Khu tưởng niệm bao gồm các công trình: Nhà tưởng niệm; nhà bia; sân hành lễ; phù điêu; khu nghĩa trang; nhà văn hóa. Ngày 18-7-2012, Khu tưởng niệm được khánh thành trong niềm xúc động của toàn thể cựu chiến binh Trung đoàn mũ sắt 209 và quân dân Hà Nội-Kon Tum. Năm 2018, Tượng đài Liệt sĩ uy nghiêm khắc tên hơn 500 liệt sĩ, trong đó hơn 400 liệt si hy sinh ở KonTum và gần 100 Liệt sĩ hy sinh ở ĐăkLăk.
*Tình đồng đội sống chết có nhau !
Nhớ lại những chuyến đi tìm đồng đội, ông Hồ Đại Đồng xúc động nói: Ban Liên lạc đã vơi dần các lão chiến binh do sức khỏe, tuổi tác, nhưng đã bổ sung thêm lực lượng mới. Đến nay, chúng tôi thường xuyên có 10 người gồm 7 cựu chiến binh: Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Minh Ngọc, Đặng Ngọc Linh (D7 E209) Dương Viết Lục (D9 E209), Thiếu tướng, cố vấn Ban Liên lạc Lộ Khắc Tâm (E66), thân nhân liệt sĩ Trương Đức Bình, chuyên gia thông tin Lâm Hồng Tiên và tiến sĩ công nghệ thông tin Cao Văn Chung. Tháng 7 năm 2018, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và tỉnh Kon Tum và các đơn vị, chúng tôi đã may mắn tìm được ngôi mộ chung thứ 3. Nhưng đến nay vẫn còn hơn 200 đồng đội nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm trong rừng quốc gia Chư mom ray.
Đến năm 2019, các cựu chiến binh Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 đã thực hiện 31 đợt lặn lội từ Thủ đô vào Chư tan kra và các địa điểm khác thuộc Kon Tum, miền Đông Nam bộ, Campuchia để tìm đồng đội. Tuổi cao mà những bước chân đi tìm đồng đội vẫn không quản núi cao, rừng sâu.
Ôi! Tình đồng đội sống chết có nhau..!
Ths. Phạm Kim Thanh