Thứ Bảy, 15/03/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/04/2020 07:36 2564
Điểm: 4.5/5 (2 đánh giá)
Tôi gọi những cựu chiến binh đi tìm đồng đội là những người đi theo ánh lửa trái tim. Tình đồng đội vẫy gọi họ lên đường, vào chiến trường năm xưa, để làm điều hằng tâm nguyện.

Câu chuyện của các cựu chiến binh trong Ban Liên lạc cựu chiến binh - Ông Hồ Đại Đồng, Phó Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, nay ở ngõ 189 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình; ông Phạm Văn Chúc ở 97 phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Văn Vĩnh ở ngõ 15 Phương Mai, quận Hai Bà Trưng kể lại hành trình đi tìm được hài cốt của các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ngày 26/3/1968 ở điểm cao 995 - dãy núi Chư tan kra, thuộc huyện Sa Thầy, KonTum, vô cùng cảm động, càng  làm cho chúng ta thêm trân quý giá trị của hòa bình, thống nhất non sông sau 30 năm kháng chiến oanh liệt chống giặc ngoại xâm và thêm tin yêu, trân trọng những cựu chiến binh giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ!

Trận đánh nổi tiếng ở mặt trận Kon Tum ngày 26/3/1968 của  “Trung đoàn Mũ sắt Hà Nội” ở đỉnh Chư tan kra với tinh thần cảm tử

Trung đoàn 209, sư đoàn 312 được gọi là “Trung đoàn mũ sắt Hà Nội”, vì đa số các chiến sĩ của Trung đoàn nhập ngũ ngày 27/3/1967, từ Hà Nội lên Thái Nguyên luyện tập 9 tháng rồi nhận lệnh đi chiến trường. Tất cả lên Tân Lạc, Hòa Bình, nhận vũ khí hiện đại nhất lúc đó như B41, lựu đạn chống tăng, đại liên K63, trung liên RBD, AK47, mặt nạ phòng hóa… Đặc biệt nhất là chiếc mũ sắt Liên xô nặng 1,8kg, khá to và dầy.

Trung đoàn 209 ngày đó, ngoài ''dân'' ngoại thành ở Đông Anh (Tiểu đoàn 8), Gia Lâm (Tiểu đoàn 7), còn có rất nhiều ''lính cậu'' nội thành như: Hồ Đại Đồng, từng là lớp trưởng lớp toán đặc biệt Trường cấp III Yên Hòa; Phạm Bá Thi, nguyên giáo viên tiếng Nga Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (đã hy sinh năm 1968); Lê Đình Thuộc, gốc ở  307 phố Bạch Mai (nay ở quận 7, TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Bá Thuận ở Giảng Võ, quận Ba Đình...

Sau thời gian huấn luyện tại Hòa Bình, chiều tối 5-2-1968 (mùng 2 Tết Mậu Thân), Trung đoàn 209 gồm Ban chỉ huy Trung đoàn, các Tiểu đoàn 7, 8, 9 và các đại đội trực thuộc được lệnh hành quân cấp tốc vào chiến trường Tây Nguyên, bổ sung cho Sư đoàn 1 - Sư đoàn chủ lực đầu tiên của Mặt trận Tây Nguyên (còn gọi là Nông trường 1, Mặt trận B3), chuẩn bị làm ''quả đấm thép'' cho chiến dịch Mậu Thân 1968.

Theo lời kể của ông Hồ Đại Đồng: Ở trạm T3 vùng ba biên giới trên đất Lào, chúng tôi được lệnh đánh trại biệt kích Kleng (căn cứ Lệ Khánh, ta gọi là mật danh M1) ở phía tây - tây bắc Kon Tum.

Kleng bị đe dọa, Mỹ liền điều quân Sư đoàn 4 đánh rừng và lữ đoàn dù 173 lên Kleng để ngăn chặn. Ngày 19-3-1968, khi Trung đoàn vừa tập kết quân ở khu vực Chư tan kra, Chư tan an, cách Kleng khoảng 10 km thì quân Mỹ, sau khi ném bom dọn bãi đã đổ quân để lập căn cứ hỏa lực (ta gọi là mật danh M2, còn trong bản đồ của Mỹ, gọi là FSB14) ngay giữa đội hình tập kết của trung đoàn tại mỏm 995 Chư Tan Kra.

M2 là một căn cứ hình chữ T trên sườn núi dốc, mỗi chiều 500 - 600m. Lực lượng quân Mỹ bố trí tại M2 là một tiểu đoàn tăng cường gồm: một đại đội pháo 105mm chốt ở giữa (sát chỉ huy sở); 3 đại đội bộ binh bố trí ở ba góc để chi viện cho nhau; lực lượng trinh sát, công binh, thông tin tương đương 1 đại đội. Trong thực tế ta không biết, quân Mỹ còn có 2 đại đội bộ binh thường xuyên tuần tra trong rừng, đêm ngủ rừng quanh căn cứ; 4 đại đội pháo ở sân bay Kleng và lân cận với các cỡ nòng 203, 175, 155, 105 mm cùng không quân yểm trợ. Trước tình hình trên,Trung đoàn phải bỏ mục tiêu đánh Kleng (M1) để đánh mục tiêu M2.

Lực lượng chủ công của ta trong trận này là Tiểu đoàn 7, có thêm lực lượng tăng cường bao gồm: đại đội 11 và 13 của Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 209, 1 đội súng phun lửa, 1 đội đặc công thuộc thuộc Sư đoàn 1.

3h20, quá giờ hẹn đã lâu mà chưa thấy đặc công nổ súng làm hiệu lệnh tấn công; trời sắp sáng, điện thoại không liên lạc được với trung đoàn, vì thế, các đồng chí là chính trị viên và tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 đã quyết định nổ súng. Hai phát pháo hiệu xanh vọt lên trời. Hướng nam, địa hình dốc đứng, các chiến sĩ của Tiểu đoàn 9 thương vong nhiều vì mìn claymo, buộc phải tạm rút. Hướng tây và tây bắc, lực lượng của tiểu đoàn 7 dùng mìn định hướng ĐH10 quét được hàng rào và mìn của địch. Đại đội 1 và đại đội 2 được tăng cường hỏa lực đại liên; cùng lúc, B41 của đại đội 5 và súng phun lửa đồng loạt xung phong mãnh liệt…

4h sáng, đại đội D thuộc Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 8 của Sư đoàn 4 Mỹ bị thương vong nặng, phải rút về khu vực trận địa pháo. Đại đội C thuộc Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 29 Mỹ  hạ nòng pháo 105mm và chúng bắn thẳng ra vùng cửa mở; đồng thời, 4 trận địa pháo của quân Mỹ từ các vùng lân cận bắn dồn dập vào khu vực căn cứ vừa bị ta đánh chiếm. Trận chiến vô cùng dữ dội. Phía ta, Tiểu đoàn 7 đánh vào trận địa pháo của địch. Hai đại đội bộ binh 1 và 2 như hai mũi khoan lửa khoan sâu vào vùng lửa nóng. Quân Mỹ tổ chức các trung đội trinh sát, công binh, thông tin chi viện cho đại đội D phản kích lại quân ta. Ta và địch giành giật quyết liệt quanh từng ụ pháo. Tiểu đoàn 9 sử dụng C13 tổ chức tấn công chi viện từ hướng nam nhưng không thành.

 

Nhiều kỷ vật của các liệt sĩ Chư tan kra hy sinh năm 1968 đã được các cựu chiến binh Trung đoàn 209 tìm thấy

4h15, máy bay C47 tới thả pháo sáng, bắn chi viện cho quân Mỹ. Tình thế nguy hiểm nhất đã xảy ra: quân Mỹ luồn rừng ứng cứu cho nhau ở cứ điểm M2, tấn công sau lưng quân ta từ hướng tây bắc. Chúng tổ chức liên tiếp 4 đợt xung phong để bịt lại vùng cửa mở. Bộ đội ta bị quây trong căn cứ, dần dần bị hết đạn. Từ vị trí Yên Ngựa phía tây, Tiểu đoàn trưởng Trương Ân tung lực lượng dự bị duy nhất là Trung đội 9 thuộc Đại đội 3 vào trận. 6h15, quân Mỹ từ vòng ngoài vào được căn cứ M2. 6h30, trực thăng Mỹ đổ 2 đại xuống M2 để phản kích chiếm lại trận địa. Chính trị viên tiểu đoàn Phan Trung Bắc hô các chiến sĩ thông tin, vận tải xông lên cứu thương binh. Những thương binh tiểu đoàn 7 đã rút được ra bên ngoài còn nghe tiếng súng AK của những đồng đội bị địch vây trong căn cứ đến 7h. Trận Chư tan kra còn kéo dài đến 31-3-1968 mới kết thúc khi quân ta rút khỏi đỉnh 1198.

Sau này, ta biết được nhật ký chiến trường của quân Mỹ đã ghi: 198 lính Mỹ bị chết và bị thương. 134 lính Bắc Việt chết trong căn cứ Mỹ và được chôn trong 3 mộ tập thể.

Bản tráng ca của các chiến sĩ Trung  đoàn mũ sắt Hà Nội tháng 3 năm 1968, mãi mãi được ghi vào lịch sử  trong cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc, bảo vệ hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc, và nhắc nhở con cháu: giá trị thiêng liêng, vĩnh hằng đó được xây nên bằng máu xương của các chiến sĩ Anh hùng.

Mấy chục năm đã qua, kể từ 26-3-1968, hình ảnh đồng đội nằm lại trận địa mà không tự tay chôn cất được cứ đọng mãi trong tâm can các ông- những người may mắn sống sót trong bão lửa cuộc chiến, tụ lại thành một dấu hỏi ngày càng lớn.

Và hành trình đồng đội đi tìm đồng đội

Một ngày lành năm 2008, cơ may đã cho cựu chiến binh Nguyễn Văn Vĩnh, hiện đang sống ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội, nối liên lạc được với đồng đội là ông Hồ Đại Đồng, khi ấy đang là Giám đốc một công ty mãi tận Lai Châu. Câu chuyện sau mấy chục năm xa cách, vẫn là nỗi đau âm ỉ trong tâm tư: nếu không tìm được hài cốt các liệt sĩ trên đỉnh Chư tan kra thì chết không an lòng.

Vậy là ngày 20/3/2009, năm cựu chiến binh đều là thương binh: Hồ Đại Đồng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Minh Ngọc, Phạm Văn Chúc của Đại đội 5 và  Nguyễn Xuân Tứ của Đại đội 3 cùng  thuộc Trung  đoàn 209, lên đường đi tìm đồng đội. Nhưng khi các ông vào làm việc tại Ban chỉ huy huyện đội Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, khó khăn vấp phải ngay từ đầu là: huyện đội không lưu được tài liệu nào về trận đánh này.

 

Ông Hồ Đại Đồng (người bên trái ảnh) cùng các cựu chiến binh đưa hai cốt các liệt sĩ về nơi an nghỉ tại huyện Sa Thầy, Kon Tum.

Cả năm cựu chiến binh vẫn quyết tâm đi tìm đồng đội. Bắt đầu những ngày trèo núi, xuyên đường mòn… hạ lán ngủ trên sườn núi… Vẫn vô vọng. Lần đầu tiên trở lại chiến trường xưa, chưa tìm được đồng đội, các ông đành ngậm ngùi thắp hương trên một mỏm đồi vào đúng đêm 25 rạng sáng 26-3-2009 để kỷ niệm trận đánh 26-3-1968.… Không ai cầm được nước mắt. Ông Chúc kể: Sau này, chúng tôi mới biết có sự trùng hợp: địa điểm chúng tôi thắp hương, lại chính là nơi anh em Trung đoàn 209 hi sinh trong trận chiến đấu ngày 15-5-1968. (Trung đoàn đánh ba trận ở Kon Tum: 26-3 tại Chư tan kra (M2); 29-4 tại Chư rơ ban (M3); 15-5-1968 tại nam Chư tan an (M4).

Ths. Phạm Kim Thanh
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 5347

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

12 ngày đêm phá “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến vào giải phóng Sài Gòn

12 ngày đêm phá “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến vào giải phóng Sài Gòn

  • 16/04/2020 09:51
  • 2794

Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc; ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức.