Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/01/2020 09:36 3137
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
3.Năng động, sáng tạo, có chủ trương, giải pháp đồng khởi phù hợp với điều kiện cụ thể tùng vùng, từng địa phương.

Cuộc đồng khởi trên toàn miền Nam nói chung, ở Nam Bộ nói riêng diễn ra trong bối cảnh lực lượng quân sự địch còn khá mạnh, chính quyền bên trên của chúng gần như vẫn nguyên vẹn. Ngược lại về phía ta, lực lượng vũ trang còn quá nhỏ bé, hệ thống chính quyền, đoàn thể chưa được thiết lập một cách đầy đủ từ trên xuống dưới. Với điều kiện như vậy, muốn giành được thắng lợi và bảo vệ được thành quả, khởi nghĩa phải diễn ra đồng thời ở nhiều địa phương. Có thế địch mới không tập trung được lực lượng quân sự mạnh để đối phó và đàn áp phong trào. Đó là phương châm chỉ đạo chung mà các cấp lãnh đạo ở Nam Bộ đều quán triệt. Song nổi dậy vào thời điểm nào, bằng hình thức gì, phạm vi giới hạn không gian đến đâu…thì mỗi vùng miền lại có chủ trương không hoàn toàn như nhau. Điều này tùy thuộc vào đặc điểm chiến trường, so sánh tương quan lực lượng địch-ta trên từng địa bàn.

Trong đợt đồng khởi đầu năm 1960, chỉ có Liên Tỉnh ủy miền Trung Nam Bộ có chủ trường nổi dậy đều khắp trong toàn Khu (Khu 8) vào tháng 1-1960. Thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy, trong tháng 1-1960, các tỉnh thuộc miền Trung Nam Bộ đã đồng loạt nổi dậy (trừ Mỹ Tho phong trào yếu nên tháng 2 mới nổi dậy được). Các tỉnh thuộc miền Tây và miền Đông Nam Bộ, mặc dù không có chủ trương nổi dậy đồng loạt trong toàn Khu như miền Trung Nam Bộ, song do tình hình quá bức xúc, hơn nữa được thắng lợi của đồng khởi ở Bến Tre và tác động của trận thắng Tua Hai cổ vũ, tùy điều kiện cụ thể của mình đã tổ chức nổi dậy ở phạm vi toàn tỉnh với mức độ khác nhau. Hầu hết các cuộc nổi dậy ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ đều nổ ra trong tháng 2 và tháng 3-1960.

Đợt cuối năm 1960, với chủ trương chung của Xứ ủy Nam Bộ (tại Hội nghị lần thứ 5 họp tháng 7-1960) là phát động các tỉnh Nam Bộ nhất loạt nổi dậy vào tháng 9-1960 để kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945) và phát huy thắng lợi đợt đầu năm, tính thống nhất về mặt thời gian được thể hiện ở mức độ cao, tập trung hơn, với qui mô rộng lớn hơn. Cụ thể, miền Tây Nam Bộ lấy ngày 14-9, miền Trung Nam bộ chọn ngày 23-9. Riêng miền Đông Nam Bộ do đặc điểm riêng (là nơi có Thủ phủ của chính quyền Sài Gòn, lực lượng địch tập trung khá mạnh, sau đợt đồng khởi đầu năm địch tổ chức bố phòng khá chặt chẽ…) nên đợt này, Liên Tỉnh ủy không phát động đồng khởi chung trong toàn Khu mà tùy điều kiện từng tỉnh, tỉnh nào có khả năng thì nổi dậy. Như vậy có thể nói trong việc thực hiện phương châm đồng khởi nói chung đã có sự vận dụng rất linh hoạt. Bên cạnh đó trong từng đợt và ở từng vùng, miền với đặc trưng riêng nên phương châm, phương thức đồng khởi được xác định mỗi nơi, mỗi khác.

 

Tiểu đội vũ trang xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre 
trong những ngày đầu đồng khởi chống đế quốc Mỹ.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, với địa thế sông nước, địa bàn bị chia cắt, thuận lợi cho ta phát triển chiến tranh du kích và xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, song với địch, chiến trường này không thuận lợi cho việc đánh lớn, tác chiến tập trung với vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Lực lượng địch bố trí ở đây cũng hạn chế. Phát huy thế mạnh của chiến trường này, các Liên Tỉnh ủy miền Trung và miền Tây Nam Bộ xác định phương thức khởi nghĩa giành chính quyền ở đây là: Phát động mạnh mẽ quần chúng nổi dậy trên diện rộng, đánh vào chỗ hiểm yếu nhất của địch là bộ máy kìm kẹp của chúng ở cơ sở, đòn quấn sự chỉ là hỗ trợ.

Khác với đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ có những vùng căn cứ miền núi xen kẽ với đồng bằng, nơi ta xây dựng được căn cứ địa và lực lượng vũ trang tương đối sớm. Với địch đây là chiến trường tác chiến qui mô lớn. Lực lượng địch, đặc biệt là chủ lực bố trí ở đây khá mạnh. Vì vậy để đồng khởi, phải thực hiện một đòn quân sự mạnh đánh vào lực lượng chủ lực địch, hoặc ít nhất tiêu diệt từ 1 đến 2 quận lỵ, gây rối động toàn Miền trên cơ sở đó phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ xã ấp.

Ở phạm vi hẹp hơn, trong từng Khu, mỗi tỉnh lại đề ra chủ trương, giải pháp riêng, trong đó việc sử dụng bạo lực chính trị và đòn quân sự được xác định một cách cụ thể theo khả năng từng địa phương. Chính điều này đưa đến kết quả đồng khởi ở Nam Bộ vượt trội hẳn các nơi khác.

Bốn là, xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở vững mạnh, bảo vệ thành quả của cuộc đồng khởi.

Một vấn đề có tính nguyên tắc là khởi nghĩa bao giờ cũng gắn với việc giành và giữ chính quyền. Khác với cách mạng tháng Mười Nga hay Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lực lượng cách mạng giành được chính quyền ở Trung ương, lật đổ hoàn toàn chế độ thống trị cũ, lập nên chính quyền mới. Cuộc đồng khởi ở miền Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng tuy chưa đánh đổ được toàn bộ nhưng đã đánh đổ một mảng lớn bộ máy ngụy quyền cơ sở. Trên một nửa chính quyền địch ở cơ sở bị đập tan, hầu hết các ban tề xã, tề ấp tan rã, tê liệt hoặc mất hiệu lực. Nói cách khác là qua đồng khởi, ta đã giành được chính quyền ở cơ sở trên một vùng nông thôn rộng lớn. Song chính quyền đó tồn tại và hoạt động như thế nào trong khi bộ máy cai trị ở Trung ương của địch chưa bị phá bỏ và ta cũng chưa xây dựng được một bộ máy chính quyền thống nhất từ trên xuống. Hình thức chính quyền tự quản theo kiểu Xô Viết trong những năm 1930-1931 ra đời đáp ứng yêu cầu tình hình cách mạng lúc bấy giờ đúng như đồng chí Lê Duẩn đã nhận xét: Sau đồng khởi chính quyền ở nhiều thôn xã trên thực tế do dân tự quản. Điểm khác là chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931 chỉ tồn tại trong phạm vi hẹp và thời gian ngắn, còn chính quyền tự quản sau cuộc đồng khởi có trên phạm vi rộng lớn và kéo dài đến các thời kỳ sau, hình thành nên các vùng giải phóng xen kẽ các vùng do địch kiểm soát, tạo nên thế da báo, làm cơ sở, bàn đạp cho ta mở các cuộc tiến công, các đợt hoạt động lớn, là địa bàn trú quân và hoạt động của bộ đội chủ lực tạo thế, tạo lực, tiến lên mở mảng, mở vùng, dần dần đi tới giải phóng từng khu vực rộng lớn. Đương nhiên một chính quyền ở cơ sở tồn tại dưới hình thức như vậy luôn là mục tiêu để kẻ thù mở các cuộc càn quét, đánh phá. Để giữ vững và bảo vệ thành quả đó của đồng khởi, các địa phương một mặt phải giữ thế hợp pháp với địch, mặt khác phải xây dựng, tăng cường được công cụ bạo lực của mình. Công cụ đó bao gồm cả sức mạnh chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang. Muốn tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân (chủ yếu là nông dân) tham gia cách mạng thì phải gắn quyền lợi của họ với việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng.

Nước ta là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm đến 90% số dân. Chủ nghĩa thực dân, đế quốc bóc lột nhân dân ta căn bản là bóc lột nông dân. Vì vậy giải phóng dân tộc trước hết là giải phóng nông dân. Đối với nông dân, độc lập dân tộc và người cày có ruộng là nguyện vọng thiết tha của họ. Đồng khởi diễn ra chủ yếu trên địa bàn nông thôn, vì vậy, vấn đề cơ bản ở đây là giải quyết ruộng đất cho nông dân. Điều đó cũng có nghĩa là vấn đề chính quyền và vấn đề ruộng đất cho nông dân là nội dung và mục tiêu cơ bản của cuộc đồng khởi không chỉ ở riêng Nam Bộ mà trên toàn miền Nam. Trong quá trình cuộc đồng khởi, cũng như sau đồng khởi, cùng với việc giành được chính quyền ở cơ sở, các địa phương đã chia lại ruộng đất vừa giành lại được cho nông dân. Nhờ giải quyết tốt vấn đề ruộng đất cho nông dân, cách mạng đã lôi cuốn, thu hút hàng triệu người đi theo cách mạng. Lực lượng cách mạng vì thế được tăng cường rất nhiều, chính quyền được củng cố vững chắc hơn.

Cùng với quan tâm đến quyền lợi của nhân dân, trong bối cảnh Mỹ Diệm luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng, để giữ vững thành quả mà cách mạng đã mang lại cho nhân dân sau đồng khởi, các Đảng bộ ở Nam Bộ đã không ngừng đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố vững chắc căn cứ địa. Nhờ đó sau đồng khởi, lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển mạnh ở khắp nơi.

Một vấn đề không thể xem nhẹ trong quá trình xây dựng, củng cố chính quyền cơ sở là phải gắn việc xây dựng chính quyền với xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, tạo được sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân. Dân tin Đảng, Đảng dựa vào dân để tổ chức xây dựng chính quyền vững mạnh. Nhờ chú trọng công tác xây dựng Đảng mà cuối 1960, số lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng ở Nam Bộ được phục hồi và phát triển nhanh chóng. Muốn dân tin vào Đảng thì trước hết, mỗi cán bộ đảng viên phải thể hiện vai trò tiền phong gương mẫu của mình. Thực tế cuộc đồng khởi ở Nam Bộ đã chứng minh điều đó. Trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất, cán bộ đảng viên vẫn giữ vững phẩm chất của người cộng sản kiên trung bất khuất bám sát dân, lăn lộn sống chết cùng với dân để chỉ đạo phong trào, vận động quần chúng…Chính vì vậy ngay cả lúc cách mạng khó khăn nhất tưởng chừng khó vượt qua nổi, lòng tin của quần chúng với Đảng vẫn không hề phai mờ và ngày càng sâu sắc qua từng bước phát triển của cách mạng. Nhờ thế, Đảng ăn sâu bám chặt trong lòng nhân dân, được nhân dân che chở đùm bọc nên đã đứng vững trước mọi đòn phản kích quyết liệt và thâm độc của kẻ thù để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi không chỉ cho cuộc đồng khởi mà cho cả sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.    

Thiếu tướng TS. Nguyễn Xuân Năng
Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4881

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Bài học rút ra từ phong trào Đồng Khởi ở Nam Bộ (Phần 1)

Bài học rút ra từ phong trào Đồng Khởi ở Nam Bộ (Phần 1)

  • 07/01/2020 08:59
  • 4976

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng khởi cuối năm 1959-1960 là một trong những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước chuyển của cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng. Nó giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Ai xen hao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ. Đồng khởi cũng là một trong những sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vận dụng linh hoạt đường lối cách mạng vào thực tiễn chiến trường miền Nam. Trong phong trào đồng khởi ấy, Nam Bộ là địa bàn tiêu biểu. Đồng khởi ở Nam Bộ để lại nhiều bài học quý báu, có giá trị không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau. Những bài học đó là: