Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng khởi cuối năm 1959-1960 là một trong những mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước chuyển của cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng. Nó giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Ai xen hao, làm thất bại một hình thức thống trị điển hình của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ. Đồng khởi cũng là một trong những sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vận dụng linh hoạt đường lối cách mạng vào thực tiễn chiến trường miền Nam. Trong phong trào đồng khởi ấy, Nam Bộ là địa bàn tiêu biểu. Đồng khởi ở Nam Bộ để lại nhiều bài học quý báu, có giá trị không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau. Những bài học đó là:
1.Nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, đánh giá đúng tương quan lực lượng địch-ta, chớp thời cơ, hạ quyết tâm đồng khởi đúng lúc.
Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay đã chứng minh mỗi chặng đường, mỗi bước đi cũng như mỗi thắng lợi đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Sự lãnh đạo ấy được thể hiện cụ thể qua các chủ trương, đường lối, chính sách mà Đảng đề ra trong từng thời kỳ, từng giai đoạn nhất định. Với cuộc đồng khởi ở miền Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng, đó là Nghị quyết Trung ương lần thứ 15. Nghị quyết với việc xác định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” là kết quả của cả một quá trình đấu tranh gian khổ, ác liệt của nhân dân miền Nam trong suốt mấy năm trời, đồng thời nó cũng là kết quả của tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng ta. Vấn đề là làm thế nào để biến chủ trương, đường lối đó thành hiện thực. Muốn vậy phải nắm cho vững, cho chắc chủ trương đó. Để làm việc này, các cấp ủy Đảng ở Nam Bộ đã tổ chức quán triệt một cách sâu sắc, đầy đủ và toàn diện nội dung Nghị quyết Trung ương 15, đồng thời bàn cách thực hiện nghị quyết. Nhờ vậy, các địa phương đều nắm rất vững chủ trương, đường lối của Đảng và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương mình.
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 do Hồ Chủ tịch chủ tọa họp tại thủ đô Hà Nội vào tháng 1-1959, xác định con đường đấu tranh cách mạng ở miền Nam.
Không chỉ nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, để có phong trào đồng khởi sôi nổi, rầm rộ và đều khắp như ở Nam Bộ, một nhân tố không kém phần quan trọng nữa là phải đánh giá đúng tương quan lực lượng địch-ta, trên cơ sở đó xác định thời cơ, hạ quyết tâm đồng khởi đúng lúc. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn toàn diện, khoa học và biện chứng. Có như vậy, mới thấy được về phía địch, chúng có lực lượng quân sự mạnh, với phương tiện chiến tranh dồi dào, hiện đại, có bộ máy chính quyền được tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Song vào thời điểm cuối năm 1959 đầu năm 1960, nội bộ chúng lục đục, tinh thần chúng hoang mang, mâu thuẫn giữa chúng với nhân dân sâu sắc do chính sách phát xít của chúng. Theo đánh giá của đồng chí Lê Duẩn: Khi mà bọn ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ đã phải dùng thủ đoạn phát xít tàn bạo nhất đối với nhân dân, chính là lúc chúng đã thất bại cơ bản về chính trị, chính là lúc tình thế cach mạng hình thành, chính là lúc cách mạng có thể vùng lên. Còn về phía ta, lực lượng quân sự tuy hạn chế, song ta có lực lượng chính trị hùng hậu, có ý chí thống nhất và quyết tâm cao, sẵn sàng đứng lên quyết sống mái với kẻ thù. Với cách nhìn nhận, đánh giá tương quan lực lượng địch-ta như vậy, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 15 đã chỉ ra, các đảng bộ ở Nam Bộ thấy rằng những điều kiện để phát động quần chúng nhân dân ở nông thôn nổi dậy khởi nghĩa đập tan khâu yếu nhất trong hệ thống cai trị của địch đã chín muồi nên đã kịp thời phát động đồng khởi trên diện rộng và giành được thắng lợi vang dội.
Nhân dân tỉnh Bến Tre biểu tình kéo vào các quận lỵ đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ, tháng 1/1956.
Cũng cần nói thêm là, khi đánh giá tương quan lực lượng địch-ta, ngoài cái nhìn toàn cục, cần có cái nhìn cụ thể bởi mỗi vùng, mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau nên tình hình địch-ta cũng không hoàn toàn như nhau. Không đánh giá đúng tình hình cụ thể từng vùng sẽ không đề ra được phương châm, phương thức đồng khởi phù hợp. Nắm chắc vấn đề này, Xứ ủy Nam Bộ có chỉ đạo riêng cho từng Khu (Khu 8, Khu 9), Khu lại chỉ đạo cụ thể từng tỉnh. Chính vì vậy, mỗi nơi mỗi cách đồng khởi khác nhau. Có nơi đồng khởi bắt đầu từ nổi dậy của quần chúng, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, đòn quân sự chỉ là hỗ trợ (Bến Tre là điển hình). Có nơi đòn quân sự lại đi trước, lấy tiến công quân sự để tiêu diệt, áp đảo kẻ địch, trên cơ sở đó, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ (Tây Ninh là điển hình). Ngay việc sử dụng đòn quân sự hay bạo lực chính trị của quần chúng là chủ yếu, mỗi địa phương mỗi mức độ khác nhau. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện cụ thể của từng địa phương. Kết quả đạt được vì thế cũng mỗi nơi mỗi khác.
2. Dựa vào quần chúng, tin tưởng ở sức mạnh của quần chúng, biết tổ chức xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang hình thành sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.
Đồng khởi thực chất là cao trào nổi dậy của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, bao gồm những cuộc khởi nghĩa từng phần diễn ra ở các vùng nông thôn miền Nam. Nói đến đồng khởi, lực lượng tham gia chủ yếu là đội quân chính trị của quần chúng. Vì vậy việc động viên và tập hợp lực lượng quần chúng hình thành nên đội quân chính trị hùng hậu của cách mạng là điều cơ bản có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của đồng khởi. Để làm được điều này, lãnh đạo các cấp từ Xứ ủy, Liên Tỉnh ủy, Tỉnh ủy…trước hết phải tin tưởng ở khả năng của quần chúng và có phương pháp vận động quần chúng tốt. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải bám trụ trong dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân, chăm lo giải quyết những quyền lợi trước mắt và lâu dài của nhân dân, đồng thời thường xuyên giáo dục tinh thần cách mạng, khơi dậy trong lòng nhân dân truyền thống quý báu, lòng tự hào dân tộc, chí căm thù giặc sâu sắc, làm cho dân thấu hiểu âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của kẻ địch và tìm mọi cách chống lại chúng.
Thực tế đồng khởi ở Nam Bộ đã chứng minh: Nhờ bám dân, dựa chắc vào dân, sống trong dân, hiểu được dân, tin ở dân, lãnh đạo các cấp mới tập hợp được đông đảo quần chúng, lập ra được những đội quân chính trị hùng hậu-lực lượng chủ yếu tạo sức mạnh để phá bỏ ách kìm kẹp của địch ở cơ sở, giải phóng xã ấp.
Mặc dù trong đồng khởi, lực lượng tham gia chủ yếu là đội quân chính trị của quần chúng. Song nếu không có lực lượng vũ trang (tuy còn nhỏ bé) thực hiện đòn quân sự hỗ trợ thì đồng khởi cũng khó có thể thành công.
Hàng chục nghìn phụ nữ miền Nam tham gia biểu tình
phản đối đế quốc Mỹ xâm lược.
Vấn đề tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang ở Nam Bộ cũng có nhiều sáng tạo. Chẳng hạn như việc tổ chức những “Đội quân ngầm”, việc lợi dụng danh nghĩa giáo phái để thành lập các đơn vị vũ trang trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khi ta bị ràng buộc bởi Hiệp định Giơ-ne-vơ không được thành lập các đơn vị vũ trang. Hay việc dùng phiên hiệu của đơn vị nổi danh (Tiểu đoàn 502-đơn vị đã đánh thắng trận Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung) để phô trương thanh thế hù dọa địch…Dù bằng cách nào thì cơ sở hậu thuẫn để xây dựng các đơn vị đó cũng vẫn là quần chúng nhân dân ở khắp mọi nơi. Chính quần chúng đã tạo địa bàn, thế đứng chân. Quần chúng cũng là người bao bọc, che chở, nuôi dưỡng lực lượng vũ trang. Quần chúng là tai mắt của lực lượng vũ trang…Vì thế trong xây dựng lực lượng vũ trang cũng phải làm tốt công tác vận động quần chúng.
Ngoài lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, trong điều kiện địch mạnh hơn ta về quân sự, để giành thắng lợi, ta phải biết kết hợp đánh địch bằng cả quân sự, chính trị và binh vận. Lực lượng binh vận vì thế cũng được các cấp ủy Đảng hết sức coi trọng xây dưng để vận động binh lính địch phản đối chiến tranh, quay súng trở về với nhân dân, hoặc xây dựng thực lực của ta ngay trong các đơn vị, tổ chức chính quyền địch, biến công cụ xâm lược của chúng thành phương tiện, lực lượng của cách mạng để đánh đổ chúng. Để làm việc này cũng phải triệt để dựa vào dân.
Có thể nói, cơ sở để xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và các lực lượng khác để hình thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm nổi dậy thắng lợi chính là lòng dân. Mỗi địa phương mỗi cách khác nhau, song nếu không dựa vào dân thì không thể xây dựng được lực lượng chính trị hùng hậu, không thể xây dựng được đội quân vũ trang làm nòng cốt và đội ngũ binh địch vận làm hậu thuẫn. Và như vậy, cuộc đồng khởi cũng khó giành được thắng lợi.
Đồng khởi ở Nam Bộ cho chúng ta bài học sâu sắc về việc hình thành sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và việc vận dụng sức mạnh ấy vào tình hình cụ thể từng vùng qua cách thức tiến hành nổi dậy ở các địa phương.
Thiếu tướng TS. Nguyễn Xuân Năng