Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/12/2019 10:13 5333
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Cầu Giẽ là địa danh nổi tiếng trong cuộc chiến đấu của quân dân ba xã Đại Xuyên, Châu Can, Phú Yên thuộc huyện Phú Xuyên trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Theo truyền thuyết, tên gọi Cầu Giẽ bắt nguồn từ khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc, tháng 01-1789 có dừng chân tại đây và chia quân làm 3 mũi, tiến đánh giặc Mãn Thanh, giải phóng thành Thăng Long, nên gọi là Cầu Giẽ. Trận mở màn là tiêu diệt đội quân do thám của giặc Mãn Thanh tại đồn tiền tiêu Phú Xuyên. Đến thời vua Gia Long (1802), có bắc cầu tre gỗ, sau đó nhân dân mới bắc đò qua sông Mang Giang, nay là bến đò Bài Lễ, xã Châu Can. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, làm tuyến đường sắt qua đây (năm 1903), cầu sắt thép dài 160 mét cho cả xe lửa và ô tô đi chung.

Cuối tháng 12/1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, quân dân ta đã phá hủy cây cầu này. Giữa năm 1950, thực dân Pháp đã đánh chiếm khu vực đồng bằng hữu ngạn sông Hồng, xây lại Cầu Giẽ nhằm nối thông quốc lộ số 1 từ Hà Nội xuống Phủ Lý và Nam Định.

Pháp còn xây bốt ở ngay đầu Cầu Giẽ thuộc thôn Bài Lễ, xã Châu Can để bảo vệ vị trí giao thông trọng yếu này. Quân dân các xã Đại Xuyên, Phú Yên, Châu Can kết hợp với bộ đội thường xuyên tổ chức đánh bốt và tiến hành địch vận, gây cho địch nhiều tổn thất. Điển hình là trận phục kích ngày 15/5/1950: một đại đội bộ đội chủ lực phối hợp cùng du kích địa phương đã tiêu diệt và bắt sống một trung đội lính Âu - Phi, thu nhiều vũ khí, trong đó có 4 khẩu súng trung liên, 2 khẩu súng cối.

Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ (1965-1968), dân quân ba xã trên, đơn vị bộ đội pháo cao xạ và đại đội súng máy 12 ly 7 của bộ đội tỉnh đã kết hợp chặt chẽ với nhau, hình thành nên cụm chiến đấu Cầu Giẽ do huyện ủy Phú Xuyên trực tiếp lãnh đạo.

Từ tháng 7/1966, không quân Mỹ đánh phá cầu Giẽ rất ác liệt. Trong ngày oanh tạc đầu tiên, 12/7, máy bay Mỹ bắn hàng chục quả đạn rốc két, ném 32 quả bom phá xuống cầu Giẽ. Các khẩu đội 12 ly 7 của bộ đội và dân quân, tự vệ đánh trả quyết liệt. Khi tiếng bom vừa dứt, đội bảo đảm giao thông của huyện cùng đơn vị công binh đã khẩn trương sửa cầu, lấp hố bom. Đêm 12/7, Ủy ban Hành chính tỉnh huy động 1.320 dân quân, tự vệ vận chuyển 2.500 mét khối đất đá, tu sửa hầm hào, làm thêm hai trận địa 12 ly 7 để bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu. Từ ngày 12-15/7/1966, địch dùng các loại máy bay phản lực loại F44, 4A, 303, F101 đánh phá cầu. Cụm chiến đấu Cầu Giẽ phối hợp với các lực lượng phòng không bảo vệ phía Nam Hà Nội đã hạ 07 chiếc máy bay địch,  đảm bảo giao thông liên tục với tiền tuyến lớn.

 

Trận địa chiến đấu của quân dân Cầu Giẽ những năm kháng chiến chống Mỹ

Năm 1967, mức độ đánh phá của không quân Mỹ ở khu vực Cầu Giẽ tiếp tục ác liệt. Trước tình hình đó, ngày 3/7/1967, Bộ Tổng tư lệnh tăng cường cho Hà Tây tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly để bảo vệ trọng điểm này. Dân quân hai xã Châu Can, Đại Xuyên khiêng cả khẩu pháo nặng hàng tấn qua đồng lầy vào trận địa, kịp thời chiến đấu. Tỉnh đội còn điều hai trung đội du kích tập trung thuộc hai huyện Thạch Thất, Đan Phượng tham gia chiến đấu bảo vệ Cầu Giẽ. Quyết chặt đứt điểm yết hầu vào trung tâm thành phố, địch đánh phá Cầu Giẽ đợt thứ hai. Liên tục trong 22 ngày đêm, từ ngày 01-22/7/1967, Mỹ dùng với 368 lần chiếc, ném gần 800 quả bom phá, hơn 6000 quả bom bi. Các thôn: Cổ Trai xã Đại Xuyên, Bài Lễ xã Châu Can, Lịm xã Liên Hòa (nay là thị trấn Phú Xuyên) bị đánh với tính chất hủy diệt. Quân dân huyện ba xã đã kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông thông suốt. Hai mươi nữ du kích xã Phú Yên và đội nữ du kích của hai xã Châu Can, Đại Xuyên ngày đêm bám trận địa phục vụ chiến đấu, sẵn sàng thay pháo thủ khi có lệnh. Trung đội trực chiến xã Nam Triều hết lương thực nhưng không ai chịu rời trận địa.Trong lửa đạn ác liệt, gương phục vụ chiến đấu, nhiều điển hình được mọi người nhắc nhớ như: 6 dân quân thôn Cổ Trai xã Đại Xuyên đã tiếp đạn cho bộ đội trên trận địa; sau đó, vận chuyển thương binh về nơi sơ cứu. Các chị còn đi thu nhặt 750 quả bom bi chưa nổ ở cánh đồng Cổ Trai, đảm bảo cho nhân dân sản xuất được an toàn. Cả nhà ông Đang ở Quán Thôn (xã Châu Can) tham gia tiếp đạn, cứu chữa thương binh. Nhà sư trụ trì chùa Giẽ Hạ mang tặng bộ đội hàng gánh bưởi, chuối, chanh quả và còn ủng hộ bộ đội hàng trăm cây tre để làm trận địa. Các em thiếu nhi xã Đại Xuyên, xã Châu Can tự thu góp 500 cân quần áo rách để bộ đội lau súng, lấy lá cây cho bộ đội, du kích ngụy trang trận địa…Ở xã Phú Yên, 22 nữ dân quân do bà Nguyễn Thị Minh làm Trung đội trưởng. Các nữ dân quân đã bám sát trận địa, lăn xả vào nơi nguy hiểm, băng bó và cáng thương binh ra đường quốc lộ, để đưa về trạm cấp cứu. Tinh thần phục vụ chiến đấu của nhân dân Phú Xuyên ở cụm Cầu Giẽ đã khích lệ bộ đội, dân quân du kích “đánh giỏi bắn trúng”. Chỉ trong 6 ngày (từ ngày 12 đến 18-7-1967) cụm chiến đấu Cầu Giẽ đã bắn rơi 5 máy bay giặc Mỹ. Bom đạn của Mỹ đào phá nhiều lần nhưng giao thông ở khu vực Cầu Giẽ vẫn được giữ vững.

Tháng 4 năm 1972, địch oanh tạc Hải Phòng; tiếp đó, oanh tạc Hà Nội, đánh kho xăng Đức Giang. Ở các vùng gần thành phố, Mỹ ném bom dữ dội ở các vùng Yên Viên, Cầu Đuống, Thường Tín, Cầu Giẽ nhằm cắt đứt giao thông từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến. Trước tình hình đó, trận địa Cầu Giẽ đã được nhanh chóng củng cố, đón đánh địch. Trận đánh đầu tiên vào ngày 02/6/1972, địch huy động 22 máy bay, ném 36 quả bom hạng nặng xuống khu vực Cầu Giẽ, trong đó có cả bom hồng ngoại, tia laser để điều khiển. Với tinh thần cảnh giác cao, lực lượng trực chiến của ta luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ mục tiêu.

Ngày 06/7/1972, hai lần địch đánh vào ban đêm xuống khu vực Cầu Giẽ. Huyện ủy chỉ đạo lực lượng dân quân, du kích và bộ đội chiến đấu quyết liệt bảo vệ được mục tiêu. 4 nữ dân quân xã Phú Yên (là các đồng chí Chúc, Phượng, Thúy, Quy) bị thương vì bom xuyên, nhưng quyết không rời trận địa và chiến đấu rất dũng cảm. Ngày 22/7/1972, địch đánh vào trận địa Cầu Giẽ thuộc địa phận xã Châu Can, các trận địa phối hợp tác chiến, giữ được cầu an toàn. Ngày 16/9/1972 không quân Mỹ mở chiến dịch ồ ạt đánh phá các trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Xuyên, trong đó, khu vực Cầu Giẽ, Nhà máy Đường Vạn Điểm là những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất. Dân quân các xã Nam Triều, Châu Can, Đại Xuyên, Phú Yên, kết hợp với  tự vệ Nhà máy Đường Vạn Điểm bắn trúng máy bay F4-H. Trận địa phá cao xạ 37mm và dân quân khu vực Cầu Giẽ cũng bắn bị thương một chiếc khác.

 

Dân quân khu vực Cầu Giẽ tham gia chiến đấu bắn máy bay Mỹ

Đêm 6/10/1972 và trong chiến dịch Lainơ Bếch cơ II, Mỹ huy động hàng trăm lần chiếc máy bay ném hơn 50 quả bom hạng nặng xuống khu vực Cầu Giẽ. Nhưng quân dân các xã vẫn hiên ngang trụ vững dưới làm mưa bom bão đạn; bị thương vẫn không rời trận địa. Huyện đội đã chỉ đạo các đơn vị dân quân tự vệ củng cố công sự trận địa, tích cực ngụy trang nghi binh, giúp bộ đội phòng không khiêng pháo cao xạ 37mm vào bố trí trận địa, đón lõng trên các hướng bay của không quân địch; tăng cường hệ thống đài quan sát thông báo, báo động; thả hàng trăm quả kinh khí cầu, gài thêm thuốc nổ buộc máy bay địch phải nâng độ cao, tạo điều kiện cho bộ đội phòng không, không quân ta xuất kích, tiêu diệt máy bay địch. Ngày 22-12-1972, địch huy động nhiều tốp máy bay đánh vào cụm chiến đấu Cầu Giẽ. Đơn vị C3 Ngô Quyền của tỉnh Hà Tây (cũ) và lực lượng vũ trang huyện Phú Xuyên phối hợp với bộ đội phòng không, không quân chiến đấu ngoan cường, mưu trí, bắn rơi 01 máy bay của giặc Mỹ, bắt sống tên trung tá Uy-li-am Oan tơn Co-lie, sĩ quan chuyên gia về chiến tranh điện tử.

Địa danh Cầu Giẽ là niềm tự hào của quân dân Phú Xuyên nói riêng, của Hà Nội nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, muốn làm cho Thủ đô “trở về thời kỳ đồ đá”. Ngày 29/1/1996, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Phú Xuyên và xã Châu Can. Ngày 28/4/2004, xã Đại Xuyên và xã Phú Yên cũng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. 

Ths. Phạm Kim Thanh

 

(Tổng hợp tư liệu từ: Bộ tư lệnh Quân Khu Thủ đô; Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Xuyên)

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4881

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Bảo vệ các nhà làm phim Xô Viết ở Hà Nội trước ngày tiếp quản

Bảo vệ các nhà làm phim Xô Viết ở Hà Nội trước ngày tiếp quản

  • 07/10/2019 11:40
  • 2233

Chúng ta đã được xem những thước phim tư liệu vô giá của các nhà điện ảnh Xô Viết trong phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”, nhưng không mấy ai được biết, có một tổ trinh sát gồm các ông Nguyễn Dân, Lê Tuấn , Minh Đông đã bí mật chuẩn bị việc bảo vệ Các - men và các bạn đồng nghiệp của ông ở Hà Nội từ trước ngày tiếp quản như thế nào. Những năm trước đây, ông Lê Tuấn (tức Phạm Thụy Uông), nguyên Quận trưởng công an quận 5 (1947-1948), người đã tham gia công tác đặc biệt này, đã từng kể cho tôi nghe kỷ niệm trong những ngày đi bảo vệ đoàn làm phim Xô Viết.