Để nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng được sâu sắc, chính xác có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhiều phương pháp khác nhau, nhưng thông qua các hiện gốc của bảo tàng để nghiên cứu về Người là cách tiếp cận chuẩn xác nhất và hiệu quả nhất.
Hiện
nay trong số 165 bảo tàng (kể cả bảo tàng công lập và các bảo tàng ngoài công
lập) đang hoạt động ở Việt Nam, có nhiều bảo tàng lịch sử xã hội, lịch sử địa
phương, lịch sử chuyên ngành, bảo tàng lưu niệm - tiểu sử danh nhân đang lưu
giữ những sưu tập hiện vật gốc quý giá liên quan đến cuộc đời hoạt động cách
mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng một trong những bảo tàng đang lưu giữ
nhiều nhất các hiện gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh – đó chính là Bảo tàng Lịch sử
quốc gia Việt Nam (BTLSQG). Nhìn chung, trong hàng trăm trang tư liệu gốc – các
bản thảo quí hiếm của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện BTLSQG đang có vinh dự được lưu
giữ, thì hai nội dung được đề cập đến nhiều nhất, đó là Trung với nước, hiếu
với dân và Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Trang nhất báo Việt Nam Độc lập, số 3 ra ngày 21/8/1941
(HV gốc BTLSQG)
Như chúng ta đó biết, sau gần 30 năm bôn ba ở nước ngoài đi tìm đường cứu nước, tháng 1 năm 1941 trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập báo Việt Nam Độc lập (số đầu tiên được đánh số 101, ra ngày 1/8/1941) để tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Thông qua những mẩu chuyện ngắn, những tin, bài viết ngắn, đơn giản, nhưg xúc tích, dễ hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương những tấm gương người tốt việc tốt, qua đó để giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, tinh thần dám xả thân vì độc lập tự do của dân tộc. Ngay tờ Việt Nam Độc lập, số 3 ra ngày 21/8/1941 trên trang nhất, báo đã in trang trọng câu thơ: Có Tổ quốc mới có ta; Nước là rất trọng ta là rất khinh (Khinh là xem nhẹ). Còn trong một tài liệu khác dưới tiêu đề Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, Người kịch liệt phê phán những cán bộ miệng thì nói dân chủ, nhưng khi thực hiện công việc thì lại theo lối quân chủ và xa rời nhân dân. Trong tài liệu đó, Người đã viết: Bệnh quan liêu mệnh lệnh từ đâu mà ra? Nguyên nhân bệnh ấy là:
Xa nhân dân; Khinh nhân dân; Sợ nhân dân; Không tin cậy nhân dân: Không yêu thương nhân dân.
Cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra cách chữa bệnh quan liêu mệnh lệnh là phải theo đúng đường lối quần chúng và phải thực hiện tốt 6 điều:
- Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;
- Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;
- Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình.
- Sẵn sàng học hỏi nhân dân;
- Tự mình phải làm kiểu mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.
Thực ra, tư tưởng Hồ Chí Minh về chống bệnh quan cách, ức hiếp nhân dân đó được Người cảnh báo từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Khi hình thành khu giải phóng, có một số cán bộ hống hách, ức hiếp, ăn chặn của dân, xa rời dân, báo Việt Nam độc lập số 219 ra ngày 10-6-1945; số 220 ra ngày 20-6-1945 và số 224 ra ngày 30-7-1945 dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng một loạt bài lên án các “ông quan” cách mạng tha hoá ấy.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là một phẩm chất đạo đức gắn liền với các hoạt động hàng ngày của mọi người. Nhưng đối với những người cách mạng, thì đây là một phẩm chất quan trọng nhất. Vì vậy, trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, phẩm chất này được đề cập đến nhiều nhất, thường xuyên nhất. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì cần kiệm liêm chính, chí công vô tư có quan hệ mật thiết với nhau. Có khi Người coi cần kiệm như hai chân của con người, phải đi đôi với nhau, có khi Người coi cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính quan trọng của mỗi con người, mà thiếu một đức tính thì không thành người. Đức tính cần kiệm được thể hiện ngay trong các việc làm nhỏ nhất và thường nhật của Người. Trong hơn 300 bài báo, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà BTLSQG đang lưu giữ bản gốc, thì có tới 90% bài viết Người sử dụng các mảnh giấy loại đã viết một mặt, thậm chí có những bản thảo bài báo ngắn khoảng gần 200 chữ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đó dùng hai mảnh giấy nhỏ chắp lại. Trong một tài liệu dài 5 trang đánh máy do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1949 dưới tiêu đề Kiểm điểm công việc của Đảng, Người đã chỉ ra một số khuyết điểm của các đảng viên như: Trong cuộc đấu tranh to lớn, lâu dài, gay go, ít nhiều đảng viên, ít nhiều nơi không tránh khỏi những khuyết điểm: chủ quan, hẹp hòi, mạo hiểm, hủ hoá, xa quần chúng, chủ nghĩa địa phương, không giữ kỷ luật, làm việc luộm thuộm, tự kiêu, tự mãn v.v..
Dù đó là chứng bệnh thanh niên (bệnh thanh niên ở đây tức là bệnh ấu trĩ), nhưng từ nay Đảng đòi hỏi các Đảng viên phải kiên quyết tẩy cho kỳ sạch những bệnh ấy, vì nếu không trị cho khỏi hết thì nó có thể lây ra mà trở nên rất nguy hiểm cho đảng. Sau đó Người viết tiếp: Mỗi một đảng viên phải kiên quyết thực hành những việc sau đây:
- Nghiên cứu chủ nghĩa (không hiểu chủ nghĩa thì như mò trong đêm tối)
- Gần gũi quần chúng (cách xa quần chúng, thì việc gì cũng không thành)
- Giữ nghiêm kỷ luật (kỷ luật không nghiêm thì lực lượng kém sút)
- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (không làm được như thế, thì không xứng đáng là người cộng sản).
Trong một số tài liệu khác, dưới tiêu đề Tinh thần trách nhiệm, một bài báo được viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và lấy bút danh là C.B. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải về tinh thần trách nhiệm của người nấu bếp, của người cán bộ quân sự được thể hiện các công việc hàng ngày và cuối cùng Người kết luận: Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm. Tinh thần trách nhiệm là: nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ.
Bản thảo chương trình lớp huấn luyện bổ túc cấp xã do Bộ Nội vụ soạn thảo năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và sửa chữa trực tiếp
(HV gốc BTLSQG)
Cũng nằm trong phông tư liệu gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà BTLSQG đang lưu giữ có một tập Bản thảo chương trình lớp huấn luyện bổ túc cấp xã do Bộ Nội vụ soạn thảo từ năm 1949, dùng để tập huấn bổ túc kiến thức lãnh đạo cho cán bộ cấp xã trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 14/8/1958, Bộ Nội vụ đã chuyển tập tài liệu này cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là BTLSQG) lưu giữ, sử dụng. Tập bản thảo dày 27 trang đánh máy trên giấy dó đã ngả màu. Điều đặc biệt là tập bản thảo này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và sửa chữa trực tiếp. Trong phần thứ 5 giới thiệu về Phối hợp lãnh đạo có mục D- Công việc lãnh đạo từ nay về sau phải như thế nào? với 5 tiểu mục là: Nhận thức cho rõ vai trò lãnh đạo; Học tập nghiên cứu; Phải có tinh thần trách nhiệm; Cùng nhau bàn bạc để thống nhất ý chí; Theo dõi đôn đốc điều tra. Sau khi xem tài liệu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa một số tiểu mục và bổ sung thêm 2 tiểu mục mới. Cụ thể như sau: Tiểu mục Học tập nghiên cứu, Người sửa thành Học tập phương pháp lãnh đạo; tiểu mục Cùng nhau bàn bạc để thống nhất ý chí, Người sửa thành Cùng nhau bàn bạc thống nhất chủ trương hành động; Còn 2 tiểu mục Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thêm là: 6/-Kiểm thảo; 7/- Học hỏi thêm. Sau đó Người viết thêm: Bất kỳ công việc gì, còn một người dân chưa hiểu rõ, chưa làm đúng tức là lãnh đạo còn kém. Cuối cùng, trong phần câu hỏi thảo luận, Người viết: Muốn lãnh đạo:1/- Người cán bộ hiểu thật rõ công việc; 2/- Phải tìm cách giải thích cho mọi người hiểu việc đó; 3/- Cán bộ phải xung phong gương mẫu.
Bản thảo bài báo có tiêu đề Phê bình do Chủ tịch Hồ Chí Minh
viết năm 1951 (HV gốc BTLSQG)
Trong bản Di chúc công bố năm 1969, có một đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến vấn đề phê bình và tự phê bình, Người viết : “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, thì tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc không thể thiếu được trong xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Trong kho Văn bản của BTLSQG đang lưu giữ bản thảo bài báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào năm 1951, dưới tiêu đề Phê bình, đã được đăng trên báo Nhân dân, số 16 ra ngày 12/7/1951, sau khi giải thích thế nào là phê bình, cách thức phê bình, mục đích phê bình, nguyên tắc phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. …Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Song phê bình phải đường hoàng, chính đáng, tuyệt không nên “thầm thì thầm thụt”, viết thư dấu tên như một vài cán bộ Thái Nguyên đã làm. Phần cuối bài báo, Người viết: Người ta luôn luôn cần lửa và nước cho đời sống. Người cách mệnh và đoàn thể cách mệnh cần phê bình và tự phê bình cũng thiết tha như người ta cần lửa và nước.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là một di sản tinh thần vô cùng quí báu của Đảng và dân tộc ta. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, vấn đề đặt ra không chỉ ở chỗ thừa nhận và khẳng định những giá trị thực tiễn to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, mà một điều rất quan trong là vận dụng và phát triển những giá trị tư tưởng đó vào sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Những hiện vật gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lưu giữ tại BTLSQG cũng như ở các bảo tàng khác trong cả nước là những di sản vật chất quí báu để góp phần nghiên cứu tư tưởng của Người./.
Ngân Phương