Thứ Hai, 04/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/05/2019 15:44 12630
Điểm: 4.2/5 (5 đánh giá)

Hồng Tiến là xã nằm trong vùng trung tâm Đồng bằng Bắc bộ, là tâm điểm của cánh đồng Tam Thiên Mẫu xưa kia. Phía Bắc giáp xã Đồng Tiến, phía Đông giáp với xã Quang Trung, huyện Ân Thi, phía Tây Nam giáp xã Việt Hòa, phía Nam giáp xã Nghĩa Dân, Toàn Thắng, huyện Kim Động. Xã có 5 thôn và 1 thị Tứ: Thị tứ Bô Thời, thôn Cao Quán, thôn Vân Ngoại, thôn Vân Nội, thôn Đỗ Xá, thôn Vân Cầu. 

Tháng 12 năm 2005, nhân dân xã Hồng Tiến nói riêng, tỉnh Hưng Yên nói chung, vui mừng khôn xiết, khi đền thờ Bà Hoàng Thị Loan (1868-1901), thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành tại thôn Vân Nội. Đây chính là đất Tổ của dòng họ Hoàng Nghĩa ở làng Hoàng Trù (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

 Ngược dòng lịch sử, theo gia phả họ Hoàng Nghĩa: “Tổ ta xưa, ở xã Hoàng Vân, huyện Kim Động, tỉnh Sơn Nam, nay là thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngài Thủy tổ là cụ Hoàng Thế Chân, ở vào thời các vua Lê Thái Tổ (1428-1433) và Lê Thái Tông (1434-1439)”(1). Tiếp đó là cụ Hoàng Thế Giai (1444-1512), Hoàng Thế Đáng (1472-1533), Hoàng Thế Chiêu (1491-1544), Hoàng Thế Ánh (1509-1552). Đến đời thứ 6, cụ Hoàng Thế Kiều (1540-1587) là quan võ của nhà Lê, đã là người đầu tiên vào đất Nghệ. Cũng theo gia phả, “Cụ Kiều năm 18 tuổi đã tinh thông võ nghệ. Cụ vào Thanh Hóa xin Vua đi đánh giặc nhà Mạc. Vua biết cụ vốn dòng hào kiệt ở đất Khoái Châu. Vua tôi nghĩa cử, sau khi thử tài Vua cấp cho 500 binh sỹ. Cụ cầm quân rất nghiêm, quân, tướng mến phục. Thấy vậy Vua gả công chúa Linh Cô, tên là Lê Thị Tiếng cho cụ. Sau này Vua phái vào Nghệ An giữ chức “Đô đốc tổng binh sử ty, hành tổng binh sử tự”.

 


Khuôn viên đền thờ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Vân Nội (Hưng Yên)

 

Trong 3 năm cai quản ở Nghệ An, nhân dân ở đây yên vui, không có giặc dã, trộm cướp. Trong thời gian này, cụ gặp bà Phan Thị Má. Hiện nay còn lưu lại câu chuyện cụ cầu hôn với bà  Phan Thị Má khá lý thú. Bà sinh giờ Thìn, ngày 03 tháng 01 năm Mậu Thân, mất ngày 11 tháng 02 năm Ất Dậu, hưởng dương 38 tuổi, an táng tại Đồng Thao. Dòng họ Hoàng ở Nghệ An mở ra từ đây. Ba năm sau, năm Đinh Hợi (1587), cụ trở về Kinh Đô. Vua sai đi đánh với quân Mạc. Cụ cầm 3000 binh mã, giao chiến với giặc Bắc Hoàng. Cụ chỉ huy dũng cảm, giết được nhiều giặc. Nhưng thế giặc đông, cụ tử trận vào ngày 20 tháng 3 năm ấy (năm Quang Hưng thứ 10 (1587)(2). Vua rất thương tiếc một người trung dũng đã bỏ mình vì nghĩa lớn, nên cho con cháu được đổi chữ lót từ Hoàng Thế sang Hoàng Nghĩa. Đời nối đời, dòng họ Hoàng Nghĩa với những tên tuổi như Hoàng Nghĩa Thân, Hoàng Nghĩa Lãng, Hoàng Nghĩa Phúc, Hoàng Nghĩa Giao, Hoàng Nghĩa Hy... đã đóng góp nhiều trí tuệ, công sức cho Nghệ An. Đến cụ Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù, thân phụ của bà Hoàng Thị Loan là đời thứ 19. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những năm 90 của thế kỷ XX, con cháu họ Hoàng Thế ở Hưng Nguyên đã tìm về quê Tổ của mình, sau đó làm gia phả họ Hoàng Nghĩa, bắt đầu từ đất Tổ xã Hoàng Vân, huyện Kim Động, phủ Sơn Nam; nay là xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Năm 2003, đền thờ Bà Hoàng Thị Loan được khởi dựng trên nền cũ của đình làng Vân Nội, xã Hồng Tiến. Đình được xây từ thời Hậu Lê, năm 1779 (Cảnh Hưng thứ 40) thờ Thành Hoàng là Thái úy Đỗ Anh Vũ (1113-1159). Ông cương trực thẳng thắn, làm quan Thái úy dưới triều vua Lý Anh Tông (1138-1175), có tài phò vua giúp nước, dẹp giặc ngoại xâm và nội phản. Do có nhiều công lao, năm 1138, Đỗ Anh Vũ được phong làm Phụ quốc Thái úy và được ban quốc tính. Ông còn được triều đình cấp cho 3.000 mẫu ruộng và 1.000 hộ dân lập thái ấp, chính là cánh đồng Tam Thiên Mẫu sau này. Dân nhớ ơn ông, tôn làm Thành Hoàng làng. Đình còn thờ bà Hoàng Thị Ngọc Khương (1652-1736), là con gái út của Động quận công Hoàng Nghĩa Giao. Bà có công với nước, lại có lòng từ thiện thương dân, tự xuất tài sản của nhà mình giúp đỡ người đói nghèo, hoạn nạn, không kể ít nhiều, cho tiền mua ruộng, mua trâu. Tỏ lòng biết ơn bà, dân làng Vân Nội tôn làm bà phúc thần.


Đền thờ Bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Vân Nội (Hưng Yên) 

Sau hai năm xây dựng, đền thờ bà Hoàng Thị Loan ở Vân Nội được khánh thành ngày 1-12-2005 trong niềm vui mừng và xúc động của nhân dân và con cháu họ Hoàng  Nghĩa ở cả Nghệ An và Hà Nội, Hưng Yên. Bên phải đền là nhà bia, có tấm bia đá dựng năm 1072 ghi công lao của bà Hoàng Thị Ngọc Khương. Bên trái đền  là nhà thờ Tổ của dòng họ Hoàng. 

Nằm ở chính giữa khuôn viên, đền thờ Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây theo kiến trúc nhà 3 gian cổ và hậu cung để đặt ngai thờ. Bức hoành phi “Quốc mẫu uy nghi” viết bằng chữ Hán được đặt trang trọng chính gian giữa. Ngai thờ được rước từ làng Hoàng Trù ra đặt ở ban thờ trang nghiêm. Đôi câu đối ca ngợi Bà để ở hai bên:

Vạn lý sơn hà vọng cố hương (nghĩa là: ở xa hàng vạn cây số, cách trở núi sông nhưng vẫn luôn nhớ đến quê cũ)

Thiên thu phúc đức sinh minh thánh (nghĩa là: Nhờ có phúc đức từ ngàn năm nên đã sinh ra một vị minh thánh).

Đặc biệt, gian bên vẫn để khung cửi, gợi nhớ hình ảnh Bà ở làng Hoàng Trù đêm đêm cần mẫn dệt vải nuôi chồng con, khiến ta xúc động về cuộc đời và đức hy sinh của Bà.

Trước cửa đền là giếng của đình làng Vân Nội đã được tôn tạo. Mạch nguồn cội rễ không bao giờ vơi cạn. Thắp nén hương thơm trước ngai thờ Bà, tri ân tiên tổ, con cháu họ Hoàng Nghĩa vẫn không quên đôi câu đối trên quê hương Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An:

Hoàng vân chính khí truyền thiên cổ

Chung cự hùng danh vạn ức niên

(Hoàng vân khí tốt được truyền từ ngàn xưa; quả chuông lớn của Hoàng Trù và Kim Liên tiếng vang chấn động vạn năm sau)(3)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 10 lần về thăm Hưng Yên, do đó, trong đền có một phần diện tích để trưng bày, giới thiệu những hình ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Hưng Yên.

Uống nước nhớ nguồn, Xuân Kỷ Sửu 2009 và xuân Canh Dần 2010, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã về thăm đền, thắp hương cầu cho “Quốc thái Dân an”.

Ngôi đền thờ Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ văn hóa - tâm linh của mỗi người dân đất Việt.

Ths. Phạm Kim Thanh

Chú thích:

(1), (2): Ban biên tập gia phả dòng họ Hoàng Nghĩa: Tái bản gia phả năm 1996, hiện có trên mạng Hoàng Đình Long (đời 21), chủ biên; Hoàng Đình Hiến (đời 22); Hoàng Đình Kỳ (đời 22).

(3) Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr 375-380): Lê Hồng Lý: Gia phả dòng họ Hoàng Nghĩa và những vấn đề xung quanh nó.

Bảo tàng Lich sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4950

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam

  • 07/05/2019 14:43
  • 3132

(ĐCSVN) - Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều nhân tố hợp thành, nhưng ngọn nguồn sâu xa của những nhân tố đó chính là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam...