Nữ Giới Chung là một trong 6 tờ báo xuất bản theo chủ thuyết của Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut, thuộc dòng báo chí công khai hợp pháp. Đây là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Vì thế, việc Nữ Giới Chung ra đời là một điểm mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, báo sống không lâu. Nữ Giới Chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, ra số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 1-2-1918. Số cuối ra ngày 19-7-1918, nghĩa là tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số.
Nữ Giới Chung là một trong 6 tờ báo xuất bản theo chủ thuyết của Toàn quyền Đông Dương A. Sarraut, thuộc dòng báo chí công khai hợp pháp. Đây là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Vì thế, việc Nữ Giới Chung ra đời là một điểm mốc quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, báo sống không lâu. Nữ Giới Chung là tờ tuần báo, xuất bản ngày thứ sáu, ra số đầu tiên vào thứ sáu, ngày 1-2-1918. Số cuối ra ngày 19-7-1918, nghĩa là tờ báo chỉ tồn tại được 5 tháng 19 ngày, ra được 22 số.
Nữ Giới Chung số đầu tiên xuất bản vào thứ sáu, ngày 1-2-1918
Xác định đối tượng là “chuyên về đờn bà” và tự nhận là “cơ quan chăm nom về việc quảng khai nữ trí”, Nữ Giới Chung chú trọng đưa ra những quan điểm về vấn đề phụ nữ, từ đó, lý giải, lập luận nhằm làm rõ khái niệm, nội dung nữ quyền - nam nữ bình đẳng; về vai trò của người phụ nữ; phụ nữ chức nghiệp; vấn đề phổ biến kiến thức khoa học cho phụ nữ... Bên cạnh đó, việc Nữ Giới Chung có đề cập đến một số vấn đề văn hóa - xã hội, những tin tức trong nước và thế giới... góp phần làm cho nội dung của tờ báo thêm phong phú và đa dạng hơn.
Mặc dù tồn tại trong một thời gian rất ngắn, với vai trò của bà chủ bút Sương Nguyệt Anh, Nữ Giới Chung còn đăng nhiều ý thơ, văn thể hiện thái độ chống Pháp kín đáo của bản báo.
Phần 1:
Trong bối cảnh chính trị “Pháp Việt hợp tác”, “Pháp Việt thân thiện”, báo chí những năm đầu thế kỷ XX hầu hết là báo hợp pháp, được chính phủ Pháp cho phép ra báo. Tuy nhiên, tờ báo nào cũng phải có một xu hướng chính trị nhất định. Loại báo có xu hướng chống Pháp như: Phan Yên báo, Đại Nam Đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn; có tờ thân Pháp, ca ngợi Pháp như Nam Phong, có tờ giữ thái độ trung lập... Nữ Giới Chung là báo hợp pháp nhưng có xu hướng chống Pháp một cách kín đáo.
1. Gợi lại truyền thống đấu tranh yêu nước của dân tộc
Nữ Giới Chung, với đối tượng chính là phụ nữ, ngay từ đầu những người sáng lập báo đã mong muốn tờ báo phải là “tiếng chuông thức tỉnh nữ giới”, khơi dậy ý thức dân tộc của người phụ nữ, nhắc nhở người phụ nữ quan tâm đến “vận nước”, “vận giang san”. Gợi lại truyền thống đấu tranh yêu nước của dân tộc, nhắc đến những gương sáng về lòng yêu nước của người xưa được các tác giả Nữ Giới Chung, đặc biệt là bà chủ bút Sương Nguyệt Anh coi như cách thức hữu hiệu phụ vụ cho chủ đích của mình.
Nữ Giới Chung có đăng những bài thơ, câu thơ nhắc đến các anh hùng liệt nữ trong lịch sử dân tộc như:
Bà Triệu Âu
Không duyên không kiếp cũng không chồng
Cái nợ trần hoàn cái nợ chung
Nhắm mắt đưa chân coi tạo hóa.
Kề vai vắt vú gánh non sông
Sát cùng hai gái dòng con Lạc
Thương lấy trăm trai giống họ Hồng
Thành bại kể chi thiên hạ sự
Nữ nhi như thế cũng anh hùng. [Nữ Giới Chung, số 12].
Chuyên mục “Văn uyển” đăng bài thơ “Bà Triệu ấu”, Nữ Giới Chung số 12, ngày 26-4-1918
Hay câu thơ vịnh bà Trưng Nhị
“Nỗi nhà tuy thế là duyên chị
Việc nước vì chưng cũng phận mình” [Nữ Giới Chung, số 1]
Hoặc những câu kêu gọi bà Trưng, bà Triệu vì dân mà giúp sức:
“Bà Trưng, bà Triệu linh hay chẳng
Giúp bút văn minh tới vỗ đài” [Nữ Giới Chung, số 5].
Hay câu thơ ghi nhớ công lao của bà Trưng, bà Triệu:
“Dấu thơm Trưng, Triệu còn ghi để
Gương cũ soi chung vẫn chửa loà” [Nữ Giới Chung, số 12].
Trên chuyên mục “Văn uyển”, có những câu thơ như khuyến khích, thúc giục người phụ nữ:
“Chuông vàng gióng giả
Gửi bạn quần xoa
Phá tan giấc điệp
Tỉnh lại hồn hoa
Hỡi chị em ơi dậy dậy mà”
[Nữ Giới Chung, số 12].
hoặc:
“Đem cứu luân lý
Lấy nghĩa quốc gia
Như chị em ai giậy giậy mà
Cùng cạnh tranh với người ta”
[Nữ Giới Chung, số 20]
lại có những câu kêu gọi sâu sắc như:
“Đã sinh giữa chốn dinh hoàn
Cái thân há chẳng phụ phàng mai sau”
[Nữ Giới Chung, số 18]
“Lòng riêng há phải tình huê nguyệt
Trăm nỗi tơ vương nỗi nhớ nhà”
[Nữ Giới Chung, Số 20]
hoặc:
“Chị em ơi hỡi chị em
Có lòng nghĩ đến nước Nam chăng là”
[Nữ Giới Chung, số 7]
“Kia kìa địa thế nước ta
Thiên thơ định phận sanh ra cũng kỳ”
[Nữ Giới Chung, số 7]
Nữ Giới Chung nhắc đến vua Hồng Bàng, bà Trưng Trắc, bà Triệu ấu, vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lý Nam Đế, vua Lê Thái Tổ, vua Quang Trung như những người có công dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc [Nữ Giới Chung, số 21], ngược lại, việc Lý Chiêu Hoàng để mất quyền sang tay nhà Trần, Nữ Giới Chung coi như:
“Nỗi nhục ngàn năm dạ cũng rầu” [Nữ Giới Chung, số 12].
Nữ Giới Chung số 7 có đăng bài “Một người vợ lính” do cô Lê Ái Kiều dịch lại từ tiếng Anh. Mượn câu chuyện một người vợ lính nước Anh khi đất nước có chiến tranh cũng xung làm khán hộ (y tá) để cứu người, tác giả muốn nhắc nhở người phụ nữ phải biết “nhẹ tình gia thất” mà có trách nhiệm trước vận nước, “có cái bổn phận là người trong nước”.
Tác giả Nguyễn Song Kim - Nguyễn Mạnh Bổng lại lấy một người thiếu niên Pháp yêu nước trong cuộc chiến tranh Pháp - Đức như tấm gương để thiếu niên Việt Nam noi theo, về việc này, tác giả có “lời bàn”: “việc nước là nghĩa công không cần quen hay lạ, mình vào theo bọn quân quan để hòng ra trận. Can đảm thay! anh hùng thay!”. Từ đó, ông đưa ra “câu kết”: “việc nước không chia ra lớn nhỏ, trai hay gái, ai ai cũng phải tìm phương mà báo đáp mới được gọi là người” [Nữ Giới Chung, số 21]. Như vậy, để xứng đáng làm người, theo tác giả, phải có ý thức trách nhiệm với “nước Tổ”.
Bài báo với những lời kết đầy ẩn ý trên Nữ Giới Chung, số 21, ngày 12-7-1918
Có thể nói, tuy chưa có thái độ trực diện, nhưng Nguyễn Mạnh Bổng đã lấy tinh thần yêu nước chính nghĩa của chính người dân Pháp để giáo dục người Việt Nam. Đây cũng là cách mà không ít người Việt Nam yêu nước sau này vẫn dùng.
Bài “Bàn về lòng yêu nước của đờn bà Pháp”, Nữ Giới Chung số 10, ngày 12-4-1918
Nữ Giới Chung ra đời năm 1918, khi các phong trào theo tư tưởng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can đã đi vào thoái trào, phong trào vô sản chưa được xác lập ở nước ta, những phong trào vũ trang kháng Pháp đều gặt hái không mấy thành công. Trong bối ảnh chính trị như vậy, với tư cách là một tờ báo của giới nữ, Nữ Giới Chung đã góp những tiếng nói đầu tiên nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc cho người phụ nữ. Đó là một thành công đáng ghi nhận của báo Nữ Giới Chung.
Tường Khanh