Trong suốt 90 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ở mỗi giai đoạn cách mạng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp xứng đáng đối với đất nước. Sau ngày nước nhà hoàn toàn độc lập (4-1975), báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, nên trong những năm qua báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ cùng dòng chảy của báo chí hiện đại trên thế giới. Hiện nay, ở nước ta đã có đủ 4 loại hình báo chí: Báo in; phát thanh; truyền hình; báo điện tử. Nhiều cơ quan báo chí phát triển theo hướng đa phương tiện, trên cơ sở tích hợp đầy đủ các loại hình báo chí.
Theo số liệu của Bộ Thông tin Truyền thông, tính đến hết năm 2014, cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in, 646 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 98 báo - tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình. Cả nước có gần 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ nhà báo và khoảng 5 nghìn phóng viên hoạt động báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ.
Báo chí cách mạng Việt Nam có sự phát triển vững chắc trong 90 năm qua.
Ảnh: TTXVN
Thực tiễn đời sống báo chí những năm qua cho thấy, báo chí nước ta đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, các đoàn thể quần chúng; đồng thời là diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Báo chí cũng đã từng bước góp phần xây dựng và phát huy không khí dân chủ trong đời sống xã hội.
Thực hiện vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí cách mạng nước ta đã thực sự trở thành "cầu nối" tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó làm cho nhân dân thêm tin yêu Đảng, tin tưởng vào công cuộc đổi mới, vào quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, dốc lòng, dốc sức phấn đấu thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và những thành quả cách mạng đã đạt được, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát huy vai trò là vũ khí đặc biệt sắc bén trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, bằng nhiều bài viết có lập luận sắc sảo, có tính chiến đấu và sức thuyết phục cao, đã vạch rõ âm mưu và đấu tranh hiệu quả với chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực phản động, thù địch.
Bên cạnh đó, báo chí cũng đã làm tốt công tác phát hiện, cổ vũ, biểu dương gương “người tốt, việc tốt”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, qua đó không ngừng nhân rộng gương người tốt, làm nảy nở nhiều hơn việc tốt trong xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội, đất nước ngày càng phát triển. Một trong những cơ quan báo chí điển hình trong tổ chức mảng nội dung này là Báo Quân đội nhân dân, với Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Cuộc thi này đã trở thành nét đẹp truyền thống và là “thương hiệu riêng” của tờ báo chiến sĩ.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội, tác nghiệp tại Trung đoàn pháo phòng không 228, Sư đoàn phòng không 365,
Quân chủng PK-KQ.
Hòa mình vào quá trình đổi mới của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng thực hiện tốt hơn hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, qua đó giúp Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan hữu quan xây dựng, điều chỉnh, bổ sung nhiều chủ trương, chính sách, cơ chế, quy định pháp lý...trong quản lý, điều hành xã hội. Báo chí cũng đi tiên phong trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, nhiều vụ việc tiêu cực đã bị phanh phui, vừa góp phần ngăn chặn tiêu cực, vừa củng cố lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.
Ngoài việc thực hiện chức năng phát hiện, cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin, giải trí chính đáng của công chúng, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đã góp phần giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trên lĩnh vực đối ngoại, báo chí cách mạng Việt Nam đã giúp cho bạn bè thế giới hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam; hiểu hơn tính chính nghĩa và ủng hộ chúng ta trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Góp phần làm nên sức sống của báo chí cách mạng Việt Nam 90 năm qua, không thể không nói đến những đóng góp to lớn các thế hệ nhà báo Việt Nam. Trong chiến tranh, nhiều nhà báo đã bám sát chiến trường, thực sự trở thành những chiến sĩ xung kích, với vũ khí là chiếc máy ảnh, cây bút và cuốn sổ tay. Trong thời bình, các nhà báo cách mạng lại tiếp tục xông pha vào nơi gian khó. Đó có thể là trọng điểm bão lụt, cháy rừng, thiên tai; là vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo; là “mặt trận” điều tra chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí với bao hiểm nguy rình rập…Vượt lên tất cả, các nhà báo đã cống hiến hết mình, góp phần đưa báo chí cách mạng Việt Nam 90 năm qua luôn đồng hành và phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc…
Ban biên tập giới thiệu