Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

28/01/2018 01:11 1608
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Thực hiện hiệp định chuyển giao Hà Nội đã kí kết giữa ta và Pháp, từ ngày mùng 2 đến ngày mùng 9/10/1954, các đội tiếp quản của ta đã tiến hành bàn giao, tiếp quản Hà Nội từ phía Pháp. Đến 16 giờ ngày 9/10/1954 những binh lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên sang phía Gia Lâm. Bộ đội ta đã hoàn toàn kiểm soát thành phố. Đêm 9/10 ta giới nghiêm, công nhân, tự vệ phối hợp cùng bộ đội tuần tra, canh gác. Hà Nội rực rỡ ánh điện trong đêm hòa bình đầu tiên sạch bóng quân thù. Sáng ngày 10/10/1954 Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô trong tiếng nhạc, cờ hoa đón mừng của các tầng lớp nhân dân.

Binh lính Pháp lên cầu Long Biên rút khỏi Hà Nội (nguồn: internet).

Đại đoàn quân tiến vào từ các cửa ô tiếp quản Thủ đô, ngày 10-10-1954 (nguồn: internet).

Sau 60 năm Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế Hà Nội phát triển nhanh và khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo xu thế hiện đại hóa, có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp hình thành rõ rệt. Thành phố đã đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cổ phần hóa bền vững các doanh nghiệp nhà nước, quan tâm đầu tư đối với các doanh nghiệp làm ăn lớn có hiệu quả; thực hiện giao, bán, khoán, cho thuê, sáp nhập và giải thể các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả; tăng cường đổi mới doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở đổi mới công nghệ, thiết bị và mô hình quản lý. Các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn đã góp phần cung ứng hầu hết các sản phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của nhân dân thủ đô và các vùng phụ cận, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới; tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển.

Cùng với sự phát triển, đổi mới, sắp xếp nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, thành phố Hà Nội còn chú trọng tăng cường quản lý và sử dụng các tài sản công và hành chính công. Đẩy mạnh kiểm kê, kiểm soát việc xây dựng, công khai và thực hiện các quy hoạch, công trình giao và sử dụng đất đai.

Tòa nhà cao nhất Hà Nội - Keangnam Hanoi Landmark Tower nằm trên đường Phạm Hùng về đêm (nguồn: internet).

Bên cạnh việc phát triển kinh tế Hà Nội đã cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng, đầu tư nhiều công trình mới làm thay đổi diện mạo của thủ đô. Các cửa ngõ ra vào thủ đô được mở rộng với nhiều tuyến đường mang dáng dấp của những tuyến phố hiện đại như Lê Văn Lương, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, nhiều khu đô thị trung tâm thương mại hiện đại xứng tầm quốc tế như Royal city, Times city… Nhiều tuyến đường mới được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc như: Bắc Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đường Cao tốc trên cao. Hệ thống cầu bắc qua sông Hồng cũng được đầu tư như Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, sắp tới đây sẽ tiếp tục thông xe trên cầu Nhật Tân.

Hà Nội trung tâm chính trị lớn nhất của cả nước, nơi thu hút nhiều nguồn đầu tư và nguồn lao động, chính vì vậy vấn đề an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp. Tuy nhiên trong những năm gần đây với sự chỉ đạo sát sao và nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm của Công an thành phố Hà Nội, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông đã được kiềm chế có hiệu quả.

Đường vành đai III, TP Hà Nội đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm (giai đoạn 2) (Ảnh: Nguyễn Khánh).

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của Hà Nội đó là vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, môi trường xã hội, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại đã có chuyển biến tích cực. Các cuộc vận động “xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, phong trào “người tốt việc tốt”… được duy trì và có tác dụng tốt, phát triển đi đôi với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Với những gì đã làm được Hà Nội đã được UNESCO tặng danh hiệu “thành phố vì hòa bình”.

Sau ngày giải phóng, Hà Nội dẹp đi những mất mát, những đau thương, những tàn phá của chiến tranh để chuyển mình, trở thành một trung tâm chính trị văn hóa giáo dục lớn nhất của cả nước. 60 năm trôi qua, Hà Nội đã có vị thế nhất định trong khu vực, trở thành nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa sức mạnh, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc.

Thu Nhuần

Nguồn:

-       Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, “Bách khoa toàn thư Hà Nội 1”, nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2009. 

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4817

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Kỷ niệm60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014): Lời Bác dặn năm xưa còn nhớ

Kỷ niệm60 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014): Lời Bác dặn năm xưa còn nhớ

  • 28/01/2018 01:11
  • 1743

15 giờ chiều ngày 10/10/1954, hàng vạn quân dân Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ do Uỷ ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.