Từ Hè - Thu năm 1953, Nava (Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương) liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét dữ dội trong các vùng quân Pháp chiếm đóng như ở Bắc Bộ, Bình Trị Thiên và Nam Bộ. Chúng cho quân nhảy dù xuống hậu phương của ta, tập kích ở Lạng Sơn, rút lực lượng ở Nà Sản về tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ.
Trước tình hình đó, cuối tháng 9 năm 1953, tại căn cứ Việt Bắc, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bàn kế hoạch quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954. Bộ Chính trị đã quyết định: “Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tấn công vào những hướng của địch sơ hở, và nơi tương đối yếu của địch mà đánh, giữ vững chủ động, kiên quyết cho địch phải phân tán lực lượng, đồng thời tranh thủ tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta, trong lúc đó đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ”. Theo kế hoạch tác chiến đã định, quân ta mở các cuộc tiến công trên các mặt trận.
Bộ Chỉ huy chiến dịch họp thảo luận kế hoạch Bắc Tây Nguyên, 1954 (Ảnh TLBTLSQG).
Chấp hành nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Liên khu ủy Liên khu 5 do đồng chí Nguyễn Chánh (Ủy viên Trung ương Đảng) làm bí thư. Đồng chí Nguyễn Bá Phát làm tham mưu trưởng, tiến công địch trên mặt trận Tây Nguyên.
Trên mặt trận Tây Nguyên, ở Liên khu 5, quân ta sử dụng một bộ phận nhỏ bộ đội chủ lực địa phương đánh tiêu hao ngăn chặn địch, bảo vệ hậu phương. Còn đại bộ phận lực lượng chủ lực của Liên khu gồm Trung đoàn 108, trung đoàn 803 và 2 tiểu đoàn chủ lực độc lập cùng với bộ đội địa phương theo kế hoạch đã bất ngờ tiến công ở phía bắc Tây Nguyên.
Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên (Ảnh TLBTLSQG).
Chiến dịch bắt đầu từ ngày 26 tháng 1 năm 1954. Quân ta đánh một lúc 3 cứ điểm Măng Đen, Công Bray, Măng Bút. Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 108 đảm nhiệm đánh Măng Đen là trận then chốt mở đầu cho chiến dịch, Măng Đen là cứ điểm kiên cố nên cuộc chiến đấu ở cửa mở rất gay go. Các đơn vị đã kiên cường đánh địch và quân ta đã thắng. Các cứ điểm Măng Đen, Công Bray, Măng Bút bị tiêu diệt, hệ thống phòng ngự của địch ở bắc Tây Nguyên bị cắt làm đôi. Trung đoàn 108 tiến lên phía Bắc tiêu diệt các đồn còn lại. Trung đoàn 308 tiến xuống phía Nam uy hiếp thị xã Kon Tum.
Bộ đội ta đánh chiếm đồn Măng Đen (Ảnh TLBTLSQG).
Chiến sự phát triển rất nhanh. Nhiều đồn bốt địch rút chạy trước khi quân ta đến. Ngày 28 tháng 1 năm 1954, Đại đội 223 thuộc Tiểu đoàn 79 (Trung đoàn 308) tập kích tại thị xã Plây Cu, diệt hàng trăm tên địch. Ngày 5 tháng 2 năm 1954, thị xã Kon Tum đã được giải phóng, quân đội ta đã quét sạch quân địch ở Bắc Tây Nguyên, rồi phát triển xuống phía Nam đến sát đường số 19. Hai Tiểu đoàn 50 và 89 (Trung đoàn 108) làm nhiệm vụ củng cố vùng mới giải phóng, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phá tan các luận điệu chia rẽ của địch. Quân ta đã tiêu diệt hàng nghìn quân địch, thu được hàng trăm súng máy, súng cối và hàng nghìn súng trường. Đến ngày 17 tháng 2 năm 1954, ta kết thúc chiến dịch.
Bộ đội ta áp sát tấn công giải phóng thị xã Kon Tum (Ảnh TLBTLSQG).
Chiến dịch bắc Tây Nguyên chiến thắng là một thắng lợi lớn của quân và dân ta trong chiến cục Đông - Xuân. Giải phóng địa bàn chiến lược bắc Tây Nguyên rộng 16.000km2 với 20 vạn dân, bảo vệ vùng tự do Phú Yên – Bình Định. Buộc quân địch phải ngừng tiến công ở Phú Yên điều những đơn vị ở đó và một số đơn vị cơ động khác tăng cường cho thị xã Plây Cu và một số cứ điểm ở nam Tây Nguyên. Lực lượng cơ động của địch tiếp tục bị phân tán.
Kết thúc chiến dịch bộ đội ta thu được hàng trăm xe cơ giới của địch (Ảnh TLBTLSQG).
Bằng lực lượng không lớn, những cuộc tiến công của bộ đội chủ lực ta vào phía Tây đã giành thắng lợi rất lớn: Tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng chiến lược quan trọng, uy hiếp địch trên toàn bộ chiến trường Đông Dương, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược, cô lập địch ở Điện Biên Phủ, tạo điều kiện để tập trung lực lượng của ta ở hướng chủ yếu và đẩy mạnh cuộc chiến đấu ở vùng sau lưng địch.
Huệ- Chính (Tổng hợp)