Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/12/2018 08:41 4227
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân (VNTTGPQ) - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra đời.

Ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân (VNTTGPQ) - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra đời.

Chỉ hai ngày sau khi thành lập, Đội đã lập chiến công vang dội, tiêu diệt hai đồn Phai Khắt (25/12/1944), Nà Ngần (26/12/1944) mở đầu truyền thống đã ra quân là chiến thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sự ra đời của Đội VNTTGPQ là bước ngoặt lịch sử đánh dấu sự phát triển của lực lượng vũ trang, đúng như chỉ thị thành lập Đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

Nhà bia trung tâm ghi dấu sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ

Di tích rừng Trần Hưng Đạo là di tích lưu niệm sự kiện cách mạng Việt Nam. Nơi đây để lại dấu tích về sự ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên. Chính từ đội quân chủ lực đầu tiên ấy, Quân đội Nhân dân Việt Nam được xây dựng hùng mạnh với đầy đủ các quân binh chủng và các binh đoàn chủ lực cùng toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi.

Với ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ, việc bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy giá trị Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo - nơi ra đời Đội VNTTGPQ là việc làm cần thiết phải được các cấp, các ngành quan tâm, nhất là khi di tích được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013.

Rừng Trần Hưng Đạo là một khu rừng nguyên sinh, có diện tích 201,7ha thuộc hai xã Tam Kim và Hoa Thám. Khu di tích gồm 4 điểm di tích: địa điểm thành lập Đội VNTTGPQ; lán nghỉ và bếp ăn của Đội; mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt cho Đội và đỉnh Slam Cao - nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội đặt trạm quan sát để đưa ra các phương án đánh đồn Phai Khắt.

Trước những năm 90 của thế kỷ XX, khu di tích còn khá hoang sơ. Như hồ sơ di tích đã miêu tả: “trên bãi đất tương đối phẳng, trước đây là nơi đội VNTTGPQ tuyên thệ, dưới có nhiều cây sa nhân, cây cỏ. Năm 1977, Phòng Bảo tàng, bảo tồn Sở Văn hóa Cao Bằng dựng một bia giới thiệu sơ bộ di tích. Bia bằng xi măng, kích thước 0,6mx0,8m vít vào hai cột xi măng cao 2m, phía trước bia có 5 ghế xi măng xếp hàng chữ U quay về phía bia. Cách bãi tập trung tuyên thệ 100m là một lán sơ sài lợp lá để đội VNTTGPQ nghỉ đêm”.

Năm 1993, khu rừng Trần Hưng Đạo được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 68/VH-QĐ ngày 29/1/1993 của Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch). Theo đề nghị của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng và đề nghị của Hội đồng thẩm định luận chứng kinh tế kỹ thuật cấp Nhà nước ngày 10/3/1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn “Dự án bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ di tích lịch sử khu rừng Trần Hưng Đạo, đồn Phai Khắt, đồn Nà Ngần và phát triển kinh tế - xã hội của 2 xã Tam Kim và Hoa Thám thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng” (Quyết định số 273/QĐ - TTg, ngày 26/5/1994). Từ đây, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích được cấp uỷ, chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền và người dân hết sức quan tâm.

Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp                

Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/1994), Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo đã được đầu tư, tôn tạo một số hạng mục nhằm tôn vinh giá trị của di tích, đồng thời đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu lịch sử truyền thống đấu tranh của dân tộc nói chung, quân đội nói riêng. Một số hạng mục công trình được xây dựng như: Nhà bia trung tâm theo kiểu 2 tầng 8 mái, có các cột trụ đỡ mái. Vị trí trung tâm đặt bia ghi dấu sự kiện, bia có 4 mặt, cao 1,3m, rộng 0,76m. Bốn riềm bia màu nâu sẫm, chữ vàng khắc toàn văn Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ tuyên thệ (sau này trở thành mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam); Lễ thành lập Đội và danh sách 34 chiến sĩ ưu tú được chọn lựa trong hàng ngũ của các đội du kích Cao - Bắc - Lạng. Cây sấu già, nơi giương cao lá cờ đỏ sao vàng chứng kiến sự ra đời của Đội VNTTGPQ vẫn được chăm sóc và gìn giữ đến tận ngày nay.

Đồn Phai Khắt, Đội VNTTGPQ đã đánh chiếm ngày 25/12/1944

Hai dãy nhà nghỉ - bếp ăn được cải tạo mô phỏng lán trại cũ của Đội theo kiểu nhà của người miền xuôi gồm 4 gian, 2 trái ngoài với chất liệu bê tông cốt thép đánh màu. Bên trong lán nghỉ dựng mô phỏng dãy chõng tre (làm bằng chất liệu bê tông cốt thép đánh màu). Đối diện lán nghỉ là dãy nhà bếp của Đội.

Địa điểm để lấy nước sinh hoạt của Đội là mỏ nước chảy liên tục cũng được cải tạo, xung quanh vẫn còn những cây sấu cổ thụ Đội VNTTGPQ đã dùng lá và quả để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Trên đỉnh Slam Cao xây cột cờ và nhà bia ghi dấu sự kiện; 505 bậc thang lên đỉnh Slam Cao cũng được cải tạo, đổ bê tông.

Ngoài ra, nhà thường trực cũng được xây dựng; đường đi nội bộ trong khu di tích được chỉnh trang; Đoạn đường tỉnh lộ 202 từ huyện lỵ Nguyên Bình vào khu di tích dài 18km đã được nâng cấp. Tại đồn Phai Khắt trưng bày bổ sung hiện vật về khu di tích.

Năm 2004 khu di tích làm thêm bức phù điêu 34 chiến sỹ trong buổi Lễ thành lập Đội VNTTGPQ. Bức phù điêu được tạc bằng chất liệu đá xanh liền khối có chiều rộng 4,37m, chiều dài 7,90m. Trước bức phù điêu có một khoảng sân nhỏ lát đá dài 24m, rộng 5,25m với 3 lối lên, là nơi các đoàn khách hành quân về nguồn làm lễ báo công.

Phù điêu 34 chiến sĩ trong buổi Lễ thành lập Đội VNTTGPQ

Năm 2007, nhà đón tiếp khách được xây dựng, phía bên phải đầu đoạn đường đi vào khu trung tâm di tích có một số cây Kim Giao được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng tặng (năm 2012).

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 2383/QĐ - TTg ngày 11/12/2013 về “Xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt”. Trong tổng số 14 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 4 này có di tích Khu rừng Trần Hưng Đạo.

Nhân dịp kỉ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân rất nhiều hạng mục, công trình liên quan đến khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo tiếp tục được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm nâng cấp, cải tạo với kinh phí đầu tư trên 100 tỷ đồng. Trong đó có hạng mục nâng cấp tuyến đường từ đèo Cao Bắc vào khu rừng Trần Hưng Đạo dài khoảng 21,7km và tuyến đường từ tỉnh lộ 34 vào khu di tích dài 17km. Công ty Xây lắp 86 được Bộ Tư lệnh Quân khu I giao cho làm một số công trình gồm 8,6 km đường dẫn vào khu di tích thuộc hai xã Tam Kim và Hoa Thám; nhà đón tiếp khách với diện tích 400m²; nhà dâng hương tưởng niệm với diện tích 150m². Ngoài ra, Bộ Quốc phòng còn triển khai xây dựng hệ thống điện, nước, 6 căn nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và xây mộ liệt sĩ đầu tiên của quân đội hi sinh tại đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường (Bảo Lạc - Cao Bằng). Tất cả các công trình đã được hoàn tất với chất lượng cao.

Đặc biệt, công trình Nhà trưng bày tại khu di tích được khởi công xây dựng từ ngày 10/3/2014, khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Đội VNTTGPQ (22/12/2014). Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: Cao Bằng - Đất nước, con người và truyền thống; Quá trình hình thành, ra đời và hoạt động của Đội VNTTGPQ; Quân đội anh hùng truyền thống vẻ vang. Công trình nhằm tôn vinh và tri ân thế hệ đi trước, đồng thời góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích. Các hiện vật được trưng bày tập trung, có chú thích, hướng dẫn đầy đủ, đảm bảo tính khoa học và giá trị lịch sử chân thực.

Nhà trưng bày được khánh thành và đưa vào sử dụng dịp kỉ niệm 70 năm ngày thành lập Đội VNTTGPQ, năm 2014

Có thể nói, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia rừng Trần Hưng Đạo - nơi ra đời Đội VNTTGPQ thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bên cạnh những mặt đã làm được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích rừng Trần Hưng Đạo hiện nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Hiện vật trưng bày tại khu di tích với chất liệu khác nhau, có nhiều hiện vật bằng giấy, vải, không được bảo quản theo chế độ chuẩn, lại phải đối mặt với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên bị huỷ hoại và xuống cấp nhanh chóng. Nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo tồn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi thực tế của khu di tích. Việc tu bổ, tôn tạo di tích chưa thường xuyên, liên tục, dứt điểm, chủ yếu được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá và thông qua các dịp kỉ niệm lớn của đất nước. Lực lượng thiết kế, thi công, phục hồi di tích không phải là những đơn vị chuyên nghiệp về bảo tồn, tôn tạo di tích vì vậy khó đảm bảo tính chân thực, khách quan và khoa học.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về giá trị của di tích và sự cần thiết phải bảo tồn, tôn tạo di tích. Trên cơ sở đó đề cao trách nhiệm các cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích.

Thứ hai, di tích cách mạng rừng Trần Hưng Đạo là di tích quốc gia đặc biệt không chỉ có ý nghĩa riêng với Cao Bằng mà với cả nước và bạn bè quốc tế. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để công chúng cả nước cũng như bạn bè quốc tế biết đến địa chỉ đã diễn ra sự kiện quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cần tiếp tục sưu tầm thêm những hiện vật, hình ảnh để trưng bày làm phong phú thêm nội dung lịch sử của di tích.

Thứ ba, phải bố trí lực lượng chuyên môn thường trực tại di tích đồng thời tích cực bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ làm công tác hướng dẫn khách tham quan tại di tích không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ mà cả về văn hóa, cách ứng xử và vốn ngoại ngữ để đáp ứng mọi yêu cầu cho khách tham quan.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ và gắn kết giữa các công ty du lịch ở trung ương và dịch vụ du lịch ở địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mới; xây dựng tuyến du lịch nối liền di tích rừng Trần Hưng Đạo với Pác Bó và ATK. Các dịch vụ du lịch cần đồng bộ cả tham quan, học tập, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Cao Bằng.

Thứ năm, phát huy cao độ giá trị di tích bằng việc tổ chức nhiều hoạt động tại khu di tích, kết hợp giữa nhà trường với bảo tàng và di tích, gắn việc học tập tại trường với học tập tại di tích cho học sinh. Cần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ thường xuyên khu di tích. Có như vậy, di tích mới trở thành địa chỉ gần gũi đối với các em học sinh địa phương, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng đối với thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước.

Cao Bằng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mỗi người con Cao Bằng đều vinh dự khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cội nguồn cách mạng. Tuy nhiên, đời sống của nhân dân các dân tộc Cao Bằng còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao. Vì vậy, ngoài những giải pháp đã nêu cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ đời sống kinh tế cho nhân dân để người dân có thể tham gia một cách tích cực, chủ động hơn trong công tác bảo tồn di tích lịch sử quý giá này.

Hơn 70 năm đã đi qua, khu rừng Trần Hưng Đạo năm xưa nay là Khu di tích quốc gia đặc biệt, vẫn mãi in đậm dấu mốc lịch sử quan trọng của đội quân “bách chiến bách thắng” từ những ngày đầu non trẻ. “Lịch sử đã trôi qua rồi nhưng sự tích anh hùng của thế hệ đó còn lưu mãi, vang vọng mãi trong tâm hồn bao thế hệ trẻ và niềm tự hào dân tộc. Di tích nhắc nhở chúng ta phải gạn đục khơi trong để đưa đất nước ta tiến lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. Di tích là tấm gương lịch sử để mỗi người đến chiêm ngưỡng, dù một lần cũng phải soi bóng mình vào và tự vấn mình là đang làm gì để góp phần đóng góp cho sự trường tồn phát triển thịnh vượng của non nước này”(1)

Để có được điều đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích nơi thành lập Đội VNTTGPQ đã đóng góp một phần không nhỏ trong nhiều năm qua. Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng thuộc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, khu di tích không chỉ là nơi “những đội đàn em” tìm về để tri ân truyền thống vẻ vang và hào hùng của “đội quân đàn anh” năm xưa mà nó còn là nơi để mỗi thế hệ người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ tìm về cội nguồn cách mạng, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, truyền thống lịch sử của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực và niềm tin cho thế hệ trẻ vững bước đi theo con đường vinh quang mà biết bao thế hệ cha anh đã dựng xây, nguyện cống hiến nhiều hơn cho đất nước và dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là thế hệ trẻ “thời đại Hồ Chí Minh”.

 Thiếu tướng. TS Nguyễn Xuân Năng

(Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Chú thích:

(1): Phan Khanh, “Bảo tàng-di tích-lễ hội”, NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1992.

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4795

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Ông Đinh Trọng Đức – người đã tham gia trận đầu tiên đánh B52trên bầu trời Hà Nội đêm 18/12/1972 

Ông Đinh Trọng Đức – người đã tham gia trận đầu tiên đánh B52trên bầu trời Hà Nội đêm 18/12/1972 

  • 17/12/2018 15:38
  • 3141

Kỷ niệm 46 năm chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, chúng tôi muốn viết về trận đánh mở màn khi Mỹ bắt đầu chiến dịch Lai-nơ bêch-cơ II, oanh kích Thủ đô đêm 18/12/1972. Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 78 là đơn vị đầu tiên phát hiện ra B52 đang bay vào Hà Nội lúc 19 giờ 44 phút. Câu chuyện lịch sử đã được ông Đinh Trọng Đức, nguyên Trắc thủ cự ly của tiểu đoàn kể, ông Đào Ngọc Vi, Hội CCB xã Kim Sơn, Thị xã Sơn Tây ghi từ năm 2012, vẫn được lưu giữ lại. Tôi chỉ là người biên tập và bổ sung thêm những chi tiết cho sáng rõ hơn. Đó cũng là nén hương tưởng nhớ ông và cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 361 đã chiến đấu cho chúng tôi được sống trong hòa bình