Kỷ niệm 46 năm chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, chúng tôi muốn viết về trận đánh mở màn khi Mỹ bắt đầu chiến dịch Lai-nơ bêch-cơ II, oanh kích Thủ đô đêm 18/12/1972. Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 78 là đơn vị đầu tiên phát hiện ra B52 đang bay vào Hà Nội lúc 19 giờ 44 phút. Câu chuyện lịch sử đã được ông Đinh Trọng Đức, nguyên Trắc thủ cự ly của tiểu đoàn kể, ông Đào Ngọc Vi, Hội CCB xã Kim Sơn, Thị xã Sơn Tây ghi từ năm 2012, vẫn được lưu giữ lại. Tôi chỉ là người biên tập và bổ sung thêm những chi tiết cho sáng rõ hơn. Đó cũng là nén hương tưởng nhớ ông và cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 361 đã chiến đấu cho chúng tôi được sống trong hòa bình
Kỷ niệm 46 năm chiến thắng “Điện Biên phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, chúng tôi muốn viết về trận đánh mở màn khi Mỹ bắt đầu chiến dịch Lai-nơ bêch-cơ II, oanh kích Thủ đô đêm 18/12/1972. Cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 78 là đơn vị đầu tiên phát hiện ra B52 đang bay vào Hà Nội lúc 19 giờ 44 phút. Câu chuyện lịch sử đã được ông Đinh Trọng Đức, nguyên Trắc thủ cự ly của tiểu đoàn kể, ông Đào Ngọc Vi, Hội CCB xã Kim Sơn, Thị xã Sơn Tây ghi từ năm 2012, vẫn được lưu giữ lại. Tôi chỉ là người biên tập và bổ sung thêm những chi tiết cho sáng rõ hơn. Đó cũng là nén hương tưởng nhớ ông và cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 361 đã chiến đấu cho chúng tôi được sống trong hòa bình.
Mùa đông này, chắc ở cõi cực lạc, ông vẫn về uống rượu trong niềm vui gặp lại đồng đội.
Ông sinh năm 1947 ở phố Hàng Đàn, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thành phố Hà Nội. Học hết phố thông trung học (hệ 10/10), ông lên đường nhập ngũ tháng 4 năm 1966 và đầu năm 1967 được tuyển chọn làm trắc thủ cự ly của Tiểu đoàn 76, Trung đoàn 267. Tháng 7 năm 1972, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 78 (cùng Trung đoàn 267) bị tổn thất nhiều trong cuộc chiến đấu với máy bay Mỹ, do đó, Trung đoàn củng cố lại lực lượng, tổ chức kíp chiến đấu mới của Tiểu đoàn 78 gồm: Tiểu đoàn trưởng: ông Nguyễn Chấn; Sĩ quan điều khiển: ông Đinh Luyến; Trắc thủ cự ly: ông Đinh Trọng Đức; Trắc thủ góc tà: ông Nguyễn Văn Ấp; Trắc thủ phương vị: ông Nguyễn Hiền. Sau đó, Tiểu đoàn về xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, sẵn sàng chiến đấu!
Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 78 (Từ trái sang: trắc thủ góc tà: Nguyễn Văn Ấp; trắc thủ cự ly: Đinh Trọng Đức; trắc thủ góc phương vị: Nguyễn Hiền)
Trận mở màn đánh B52 trên bầu trời Hà Nội diễn ra vào 19 giờ 30 phút, ông Đức không bao giờ quên trong đời và đã kể lại rằng: “Ngày 18/12, khi ở hội nghị tổng kết thi đua “Quyết thắng” ra, ông xin Tiểu đoàn trưởng về qua nhà để gặp con; đã một năm rưỡi rồi, từ khi con chào đời, ông vẫn chưa biết mặt con. Nhưng khi vừa tới đơn vị, Tiểu đoàn nhận lệnh: “Vào Cấp 1! Khẩn!”. Lúc đó khoảng 18 giờ 30.
Suốt một tiếng đồng hồ, địch dùng máy bay F4H-F105 bay cao 10 kilomet, nghi binh giả làm máy bay B52; đồng thời, tốp máy bay khác bắn phá rốc két, tăng cường thả bom hòng tiêu diệt các trận địa tên lửa và sân bay. Khoảng 19 giờ 30 phút, trên màn hiện sóng xuất hiện các giải nhiễu lạ. Ông cùng hai trắc thủ bám chặt vào chỗ giải nhiễu có cường độ sáng nhất. Nền nhiễu đậm, chân nhiễu hơi nở ra, ông chưa hề thấy bao giờ. Đồng hồ cự ly chỉ mục tiêu cách 50 kilomet. Đó là những giây phút căng thẳng nhất trong đời ông. 19 giờ 44 phút, ông bật kêu lên: Đúng B52 rồi! Tiểu đoàn trưởng và các trắc thủ căng mắt nhìn. Máy bay vào cự ly 45 kilomet, ông tiếp tục báo cáo: “Tôi khẳng định là B52!”. Ông Chấn lập tức gọi điện, báo lên Sở chỉ huy Sư đoàn: “Tiểu đoàn 78 đang bám sát tốp B52, số tốp 566”. Thời gian được tính bằng giây. 19 giờ 45 phút, ông hét lên: “Mục tiêu vào cự ly 40 kilomet rồi, bắn đi!”. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh tưởng như vỡ cả giọng: “Phóng…óng…óng!!!”. Ông Luyến vừa ấn nút vừa hô: “Quả 1, phóng!”. Quả đạn có điều khiển, bay thẳng về hướng mục tiêu. Đồng hồ báo mục tiêu bay vào cự ly 33 kilomet. Ông Đức hô lên: “Đề nghị phóng quả 2”. Ông Chấn ra lệnh: “Quả 2, phóng”. Ông Luyến truyền lệnh, vừa hô vừa ấn nút: “Quả 2, phóng!”. Quả đạn có điều khiển lao về hướng mục tiêu B52.
Trận chiến đấu đầu tiên đối đầu với B52 thật sự chứ không phải bằng “mô hình”, ông Đức nhớ đến từng chi tiết. Tuy chưa bắn rơi được B52 nhưng đơn vị đã kịp thời rút kinh nghiệm rất quý giá cho trận đánh tiếp sau: Kíp chiến đấu đã phát hiện đúng giải nhiễu của tốp ba chiếc B52 có 3 chiếc F115 hộ tống từ hướng tây nam qua Thanh Sơn (Phú Thọ), Ba Vì vào ném bom sân bay Hòa Lạc. Sau khi phóng hai quả đạn ở mục tiêu thích hợp, đạn gần gặp mục tiêu nhưng do chúng tôi không kịp chuyển phương pháp điều khiển nên thời cơ bắn rơi tại chỗ B52 bị bỏ lỡ.
Sau này, khi nhớ lại trận mở màn, ông đã từng chân tình nói với đồng đội: “Lũ quỷ ấy như tàng hình trong nhiễu. Rõ ràng nó sờ sờ trước mắt mình. Mình giỏi thì nhìn thấy. Đêm đầu tiên ấy, chúng tôi đã căn cánh sóng vào chính lũ B52 mà tôi chỉ thoáng nhìn thấy “bóng” nó có vài giây; nhưng vài giây ấy rất quan trọng đối với tôi(1). Tìm ra mục tiêu B52, phóng đạn và “lái đạn” đến mục tiêu là cả một vấn đề rất quan trọng khi đánh B52.
Từ kinh nghiệm thực tiễn nóng hổi này, kíp chiến đấu bổ sung kỹ chiến thuật, nên ngày 20/12/1972, Tiểu đoàn 78 đã hạ pháo đài bay B52; ngày 26/12, hạ thêm hai chiếc nữa, góp phần làm nên trận Điện Biên Phủ trên không, một kỳ tích của Thủ đô Hà Nội Anh hùng, hạ 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, 42 máy bay chiến thuật khác.
Sau chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc, ông vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất.
Gần 9 năm tham gia quân đội, ông đã được bộ Quốc Phòng tặng nhiều phần thưởng cao quý và danh hiệu Chiến sỹ quyết thắng, Chiến sỹ thi đua. Tháng 12 năm 1974, ông chuyển ngành, đi học trường Quản lý Kinh tế của bộ Xây Dựng. Trên các cương vị công tác như Trưởng Ban đối ngoại tỉnh Hà-Sơn-Bình; Trưởng phòng Tài chính Ủy ban Hợp tác Kinh tế Văn hóa Việt Nam-Lào-Căm pu chia; Kế toán trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông luôn luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.
Mùa đông này, ông đã đi xa, nhưng chiến công của người trắc thủ trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tham gia hơn 50 trận đánh, trong đó có những trận oanh liệt, diệt pháo đài bay B52 vẫn lưu truyền trong sử vàng của quân dân Thủ đô Hà Nội anh hùng!
Ths. Phạm Kim Thanh
Chú thích:
(1) Lưu Ngọc Chiến-Lê Xuân Giang-Đinh Khôi Sỹ: Hà Nội, tháng Chạp năm 1972, NXBQĐND, H. 2007, tr 79.