Sau khi chiếm nội thành vào tháng 2/1947, ngày 2/3/1947, thực dân Pháp đánh chiếm thị xã Hà Đông, cửa ngõ phía Tây nam thành phố. Từ đây, quân dân Hà Đông bền bỉ anh dũng chiến đấu trong lòng địch. Ngày 6/10/1954, thị xã Hà Đông được giải phóng.
Sau khi chiếm nội thành vào tháng 2/1947, ngày 2/3/1947, thực dân Pháp đánh chiếm thị xã Hà Đông, cửa ngõ phía Tây nam thành phố. Từ đây, quân dân Hà Đông bền bỉ anh dũng chiến đấu trong lòng địch. Ngày 6/10/1954, thị xã Hà Đông được giải phóng.
Kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2018), chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc đôi nét cơ bản nhất về cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng đất phía Tây nam thành phố.
Ngày 2/3/1047, thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn ra thị xã Hà Đông và các vùng nông thôn ở phía Tây - Tây nam Hà Nội hòng khép chặt vòng vây nội thành, bảo vệ Hà Nội từ xa. Quân dân thị xã đã chiến đấu quyết liệt, nhiều đồng chí của các trung đội cảm tử đã hy sinh anh dũng.
Thị xã bị địch chiếm đóng, nên Thị ủy và Uỷ ban kháng chiến hành chính thị xã rút về Thanh Oai. Sau đó, Khu ủy Khu XI quyết định địa bàn thị xã giải thể. Lực lượng vũ trang thị xã được hợp nhất với huyện đội Thanh Oai. Quân dân thị xã dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Lưỡng Hà đã tiếp tục kháng chiến, phá tề, trừ gian, tiến tới tổng phá tề, từng bước khôi phục lại cơ sở, tạo bàn đạp cho các lực lượng trở về nội thành Hà Nội.
Năm 1949, để chuẩn bị phối hợp với toàn quốc chuẩn bị Tổng phản công, ngày 1/5/1949, theo quyết định của Hội nghị Tỉnh ủy, Thị xã Hà Đông được tái lập. Ban Thị ủy thị xã cũng được tái lập do đồng chí Nguyễn Huy làm Bí thư. Ngày 12/5/1949, Hội nghị họp phiên đầu tiên đã phân công các đồng chí phụ trách các mặt công tác và bàn phương hướng kế hoạch đưa cán bộ, đảng viên về bám đất bám dân, xây dựng cơ sở trong vùng bị địch chiếm đóng, đẩy mạnh các mặt hoạt động để từng bước phát triển phong trào kháng chiến. Do đó, đến cuối năm 1950, cơ sở Đảng và các đoàn thể quần chúng đã được phát triển khá rộng. Đảng bộ thị xã có 75 đồng chí. Mỗi xã đều có một chi bộ từ 10 đến 15 đảng viên (1). Phong trào kháng chiến như mua công phiếu, lập Quỹ tình thương, công tác phát triển các hội quần chúng, đẩy mạnh địch vận… đều phát triển.
Bị thất bại trong chiến dịch Biên Giới, đầu năm 1951, địch khủng bố dữ dội các tỉnh trung du, đồng bằng và các vùng ven nội thành Hà Nội. Thị xã Hà Đông cũng bị dịch chà xát, càn quét khốc liệt, điển hình như Vạn Phúc, Tân Triều, La Khê, Xa La, Kiến Hưng. Sau những tổn thất không nhỏ, hội nghị Ban thường vụ Thị ủy họp tháng 6/1951 đã rút bài học trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra nhiệm vụ của đảng bộ, quân dân thị xã để chuyển hướng mới: kiên trì gây dựng cơ sở, chống khuynh hướng cán bộ xa rời quần chúng, lưu vong ở vùng tự do, không muốn trở về vùng địch chiếm đóng, sợ gian khổ.. để chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Do đó, đến cuối năm 1951, Đảng bộ đã có 5 chi bộ với 60 đảng viên.
Vượt qua vô vàn khó khăn, kiên trì bám đất, bám dân, cơ sở đảng và cơ sở kháng chiến của các ngành từ bước được khôi phục, nhân dân yêu nước nồng nàn, vẫn một lòng son sắt, bí mật nuôi giấu cán bộ. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, ngày 8/1/1953, bộ đội chủ lực có nhân dân làm hậu thuẫn, đã tập kích vị trí quân sự địch ở Tó, tiêu diệt ba trung đội địch, đốt cháy trên 100 lít xăng, rồi rút lui an toàn, đã làm địch ở các vị trí của chúng ở thị xã hoảng sợ (2).
Cũng trong thời gian thời này, để bảo vệ nội thành, địch đẩy mạnh tăng cường phòng thủ, xây thêm bốt bảo an, tăng cường lực lượng ở các vị trí đóng quân. Bọn tề, hương dũng, bảo chính đoàn, ráo riết đánh phá phong trào kháng chiến. Nhiều nơi, ban ngày, cán bộ phải từ trong làng bật ra nằm hầm bí mật ngoài đồng, chờ đêm tối mới về làng hoạt động, kiên trì bám dân, gây dựng cơ sở. Nhân dân một lòng một dạ trung thành với cách mạng, bảo vệ cán bộ, đồng thời đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực hàng ngày, đấu tranh chống đôn quân, bắt lính. Nhân dân Hà Đông kéo vào trại lính Ngọc Hà trong nội thành, giúp thanh niên trốn trại có kết quả.
Đông xuân 1953-1954, để phối hợp với chiến trường chính, ngày 13 và 14/3/1954, Thường vụ Tỉnh ủy Hà Đông đã quyết định: đẩy mạnh hoạt động vào sâu trong lòng địch, đồng thời mở chiến dịch địch vận, đòi chồng con trở về. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy, nhân dân Vạn Phúc đã vận động được 345 sĩ quan, binh lính địch ra hàng, đem theo 1 xe jeep, 248 khẩu súng (3). Ngoài ra, nhân dân thị xã còn ủng hộ ủng hộ dân xã Hoàng Long, Ái Quốc 20 tạ thóc trong cuộc đấu tranh chống địch gom dân vào trại tập trung, lập “Đại xã Đồng Quan”.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, sau đó, đêm 20 rạng sáng 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo hiệp định, Thị xã Hà Đông nằm trong vùng tập kết của quân đội Pháp. Do đó, từ ngày 10 đến 15/8/1954, Hội nghị Tỉnh ủy Hà Đông đã họp, nhằm chuẩn bị mọi mặt cho việc tiếp quản thị xã Hà Đông, đồng thời, xây dựng và bảo vệ vùng mới được giải phóng trên địa bàn tỉnh. Nhân dân thị xã đã tích cực đẩy mạnh đấu tranh chống địch phá hoại các công sở, bảo vệ nhà các công trình công cộng như điện nước, bệnh viện…và đưa ra vùng tự do một số tài sản như tài liệu, máy chữ, xe tải, tàu cuốc…
Tháng 9/1954, tỉnh Hà Đông chuẩn bị mọi mặt cho công tác tiếp quản các công sở, trường học, bệnh viện của thực dân Pháp và tay sai ở thị xã. Cán bộ đi học lớp bồi dưỡng công tác tiếp quản để nắm rõ chính sách của Nhà nước và cách thức tiếp quản.
Thị xã Hà Đông ngày giải phóng, tháng 10-1954
Ngày 6/10/1954, theo Hiệp định của Hội nghị Phù Lỗ về thời gian rút quân, những đơn vị của Pháp đã rút khỏi thị xã. Quân đội Pháp rút đến đâu, ta vào tiếp quản ngay để đảm bảo an ninh trật tự, mọi hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội của các tầng lớp nhân dân vẫn bình thường. Đúng 12 giờ, thị xã Hà Đông hoàn toàn giải phóng. Nhân dân vui sướng đến dự cuộc mít tình do chính quyền thị xã tổ chức, chào mừng ngày thị xã được hòa bình, tự do. Thị xã Hà Đông và quận lỵ Văn Điển là hai nơi được tiếp quản sớm nhất của khu chu vi Hà Nội như Hiệp định Phù Lỗ đã quy định.
Ngày 9/10/1954, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 từ Chúc Sơn hành quân vào thị xã Hà Đông giữa rừng cờ hoa đỏ thắm của nhân dân chào đón. Sau đó, Tiểu đoàn 346, do đồng chí Hoàng Bình, Tiểu đoàn trưởng theo hai đường từ Hà Đông vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, đồn Vĩnh Tuy. Quân Pháp cho viên quan tư, một viên quan ba và một đại đội bộ binh đi xe Jeep và xe vận tải đón quân ta ở ga xe điện Cầu Mới (4)
Ngày 14/10/1954, tỉnh Hà Đông đã tổ chức cuộc mít tinh lớn và biểu dương lực lượng chào mừng Thủ đô Hà Nội và thị xã Hà Đông bước sang trang sử mới, xây dựng và bảo vệ cửa ngõ Tây nam của thành phố trong giai đoạn cách mạng đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng xã hội XHCN ở miền Bắc, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
Ths. Phạm Kim Thanh
(1), (2): Tỉnh ủy Hà Tây: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tây tập II (1945-1954), xuất bản năm 1994, tr 270, 284.
(3), (4): Trần Kỳ: Trung đoàn 57, Sư đoàn 304, đơn vị đầu tiên tiếp quản Hà Nội, báo An ninh thế giới điện tử, ngày 8/10/2007.