Thứ Ba, 05/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/08/2018 08:48 3405
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sự kiện Lễ Độc lập ngày 02/9/1945 là một trong những nội dung quan trọng được trưng bày trong chủ đề Cách mạng tháng Tám phần lịch sử Cận-Hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945-1954 của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia sự kiện Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 ngày càng hiếm, do tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút. Việc sưu tầm, bổ sung nguồn tư liệu ghi âm, ghi hình những câu chuyện kể, kí ức các nhân chứng lịch sử gắn với sự kiện lịch sử trên là công việc cần thiết. Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945-19/8/2018) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2018), xin trân trọng giới thiệu hai câu chuyện, kí ức nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia sự kiện Lễ Độc lập ngày 02/9/1945.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường

Ba Đình, Hà Nội, ngày 2-9-1945 (Ảnh tư liệu)

1.Trung tướng Phạm Hồng Cư

Trung tướng Phạm Hồng Cư tên thật là Lê Đỗ Nguyên, sinh ngày 11/02/1926, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nhân dân Việt Nam (1986-1995), quê quán xã Đông Cương, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tại Lễ Độc lập, ngày 2/9/1945, Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu được cử hai đơn vị đến Quảng trường Ba Đình bảo vệ Lễ Độc lập. Ông là đội viên trung đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ Độc lập. Tuy đã ngoài 90 tuổi, nhưng ông còn khỏe mạnh, minh mẫn kể cho chúng tôi về kí ức được trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ Độc lập hơn 70 năm trước.

Trung tướng Phạm Hồng Cư trao đổi với tác giả tại nhà riêng - số 20, phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, ngày 18/9/2017

Ông kể: Công tác bảo vệ an toàn cho buổi mít tinh và bảo vệ lễ đài Độc lập, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội được tổ chức rất chặt chẽ. Có ba lực lượng được phân công bảo vệ, gồm: Sở Liêm phóng Bắc Bộ (tổ chức đầu tiên của Công an nhân dân) được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ Lâm thời. Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu (lực lượng vũ trang địa phương do Thành ủy Hà Nội thành lập để bảo vệ các cơ quan của Trung ương, Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội), chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ địa bàn nơi diễn ra Lễ Độc lập. Đơn vị Giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội được phân công trực tiếp bảo vệ lễ đài. Ngoài ra còn các lực lượng quần chúng như: thanh niên cứu quốc, công nhân cứu quốc… dự mít tinh nhưng có ý thức cùng bảo vệ Chính phủ Lâm thời.

Ngày 2/9/1945, đồng chí Đỗ Đức Kiên trong Ban chỉ huy của Đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu vinh dự dẫn hai trung đội đến Quảng trường Ba Đình làm nhiệm vụ bảo vệ. Trung đội Tô Hiệu được phân công trực tiếp làm hàng rào danh dự; còn trung đội của tôi là trung đội Hà Huy Tập được phân công bảo vệ vòng trong, vòng ngoài buổi Lễ Độc lập.

Không khí mít tinh ngày Lễ Độc lập 2/9/1945 thực sự là một ngày hội lớn của đất nước, cả Hà Nội rực rỡ cờ hoa; các phố giăng đầy biểu ngữ đủ năm thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga... mà đọc lên khiến tôi xúc động, như: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”... Đội hình dự mít tinh ngày Lễ Độc lập gồm đủ các thành phần, tầng lớp xã hội: thanh niên cứu quốc áo sơ mi cộc quần ngắn, phụ nữ cứu quốc thướt tha trong tà áo dài, công nhân cứu quốc đồng phục quần xanh áo trắng, dân quân ngoại thành áo nâu thắt lưng chẽn, phụ nữ nông thôn đầu vấn tóc mặc áo tư thân, các cháu thiếu nhi nhảy múa theo nhịp trống, các cụ phụ lão, các nhà sư, các cố đạo. Tất cả mọi người đều phấn khởi chờ đón sự xuất hiện của phái đoàn Chính phủ Lâm thời.

Khi đoàn Chính phủ bước lên lễ đài, dẫn đầu là ông cụ ăn mặc giản dị, bộ đồ kaki trắng, chân đi dép cao su, dáng đi nhanh nhẹn khác với các vị trong Chính phủ mặc vest màu đen. Lúc đó tôi chưa biết cụ là ai. Chỉ đến khi nghe giới thiệu và Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, giọng nói pha âm sắc tiếng Nghệ An, thế là đồng chí Hoàng Phương (một trong những chỉ huy của trung đội) ghé sát vào tai tôi nói: “này, này cậu có biết không, ông cụ là Nguyễn Ái Quốc!”. Tôi bỗng nghẹn ngào vì sung sướng, tôi đã biết Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, thế mà hôm nay Người đã về. Thế là tôi thốt lên “Người đã về”, tôi không ngờ ý tứ này về sau nhạc sĩ Văn Cao có đưa vào ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”. Khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, cả biển người im phăng phắc lắng nghe tiếng nói của Người. Đang nói, bỗng Người dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Tức thì một triệu con người cùng đồng thanh đáp lại “Rõ”. Cả quảng trường tiếng hô vang dậy như sấm. Cảm giác của tôi là không ngờ Bác lại giản dị và gần gũi đến thế. Từ lúc đó giữa lãnh tụ và người dân đã hòa làm một.

Sau khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập thì đến toàn thể quốc dân Tuyên thệ. Sau mỗi lời thề, toàn thể đồng bào đều giơ tay hô lớn “Xin thề!”. Khi giơ tay thề, nước mắt tôi và đồng đội cứ thế trào ra. Chúng tôi xúc động là bởi vì từ thời khắc này đất nước ta không còn là một nước nô lệ, mất nước; chúng ta đã trở thành người dân của một nước Việt Nam độc lập.

2.Bà Lê Thi

Bà Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, sinh ngày 3/6/1926; nguyên quán xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà là con gái nhà giáo nổi tiếng và là Hiệu trưởng Trường Bưởi - Liệt sĩ Dương Quảng Hàm (1898-1946). Bà Lê Thi vinh dự là một trong hai người tham gia kéo lá cờ tổ quốc trong Lễ Độc lập, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Năm nay bà đã ngoài 90 tuổi, xúc động kể cho chúng tôi kí ức được kéo lá cờ tổ quốc trong Lễ Độc lập năm ấy.

Chân dung bà Lê Thi năm 1946.

(Ảnh do bà Lê Thi cung cấp)

Bà Lê Thi - người kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ Độc lập, ngày 2/9/1945. (Ảnh chụp tại nhà riêng số 62, phường

Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngày 25/8/2017)

Theo lời kể của bà: Cách ngày 2/9/1945 khoảng một tuần, sau khi nhận được lệnh của cấp trên tôi cùng một số chị em trong Hội Phụ nữ cứu quốc phố Hàng Bông đến tận từng nhà vận động chị em khu phố “vào đúng ngày đó” đóng cửa hàng đi dự Lễ Độc lập tại Vườn hoa Ba Đình – Hà Nội. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức tập bước đi đều và tập hát các bài hát cách mạng như: Tiến quân ca, Diệt phát xít cho chị em khu phố, nên không khí ngày này rất rộn ràng, hào hứng.

Việc tôi được vinh dự kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 là hết sức ngẫu nhiên. Lúc đó, các đoàn thể đứng ở trước lễ đài dự mít tinh Lễ Độc lập rất đông và được xếp đứng theo giới gồm: phụ nữ, thanh niên, công nhân, viên chức, thiếu niên... Đoàn phụ nữ Hàng Bông chúng tôi may mắn được đứng ở đầu Đoàn phụ nữ Thủ đô. Khi sắp đến giờ khai mạc, bỗng nhiên một người của Ban Tổ chức xuống khu vực nơi tôi đang đứng và bảo “các chị cử một người lên kéo cờ”. Tôi đứng đầu hàng ngũ Đoàn phụ nữ Hàng Bông nên mọi người đồng thanh hô “Thi lên đi”, khi đó tôi ngập ngừng, lo sợ, e ngại vì sự việc xảy ra quá bất ngờ, không được chuẩn bị trước; nếu không kéo được cờ mọi người ở dưới sẽ trách vì đó là sự kiện trọng đại của đất nước. Khi bước tới gần lễ đài, tôi gặp một chị phụ nữ người dân tộc Tày, chúng tôi dắt tay nhau bước tới lễ đài. Khi tới nơi tôi bảo với chị ấy “ em cao để em kéo cờ, còn chị đỡ cờ”. Khi bài hát Quốc ca vang lên, chúng tôi từ từ kéo lá cờ Tổ quốc lên cao, khi cờ vừa lên đến đỉnh tung bay trước gió cũng là lúc bài Quốc ca vừa kết thúc, trong tiếng vỗ tay vang rền của hàng vạn người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình. Lúc đó, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, vui sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ.

Bà Lê Thi và bà Đàm Thị Loan - hai người kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ Độc Lập, ngày 2/9/1945 gặp lại nhau tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội. (Ảnh do bà Lê Thi cung cấp)

Sau này mãi 44 năm sau, trong cuộc họp mặt truyền thống tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 22/12/1989 chúng tôi mới gặp lại nhau và tôi mới biết tên chị là chị Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ của cố Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Các câu chuyện, kí ức của hai nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia sự kiện Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành phỏng vấn ghi âm, ghi hình, biên tập, thẩm định nội dung thông tin. Nguồn tư liệu quí giá này sẽ được Bảo tàng lịch sử quốc gia lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị; đáp ứng nhu cầu của công chúng tham quan./.

Nguyễn Trọng Lượng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4956

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Vai trò định hướng của báo chí cách mạngtrong Cách mạng tháng 8/1945

Vai trò định hướng của báo chí cách mạngtrong Cách mạng tháng 8/1945

  • 29/08/2018 14:22
  • 2480

Báo chí cách mạng với bề dày lịch sử, đóng vai trò là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, định hướng dư luận trước các thông tin. Trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể, dưới sự chỉ đạo của Đảng, báo chí cách mạng đã phát huy vai trò trong việc cổ động đoàn kết, bênh vực quyền lợi của nhân dân.